Những thành phố bí mật tạo nên quả bom hạt nhân của nước Mỹ

Thứ Năm, 24/05/2018, 08:30
3 thành phố nhỏ thuộc 3 bang khác nhau, ở cách xa nhau nhưng đều chung một dây chuyền của dự án sản xuất quả bom hạt nhân đầu tiên của nước Mỹ. 3 thành phố này hình thành cái gọi là “Tam giác hạt nhân”, đóng vai trò then chốt trong suốt quá trình phát triển vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ngày nay, 3 thành phố này được xem là những “ốc đảo” của các tỉ phú giàu có.

Những quy tắc có một không hai

Khoảng cuối năm 1942, chỉ vài tháng sau khi nước Mỹ tham chiến trong Thế chiến II, Quân đoàn Công binh kỹ thuật của Mỹ đã âm thầm khởi sự khoanh vùng, dọn dẹp mặt bằng những khu đất rộng lớn, hẻo lánh thuộc 3 bang của nước Mỹ, gồm Tennessee, New Mexico và Washington. Những cư dân ít ỏi của các khu vực này được đền bù nhà cửa, đất đai để di chuyển đi nơi khác sinh sống, nhà cửa của họ bị phá sập, san bằng.

Những khu đất này được nhà nước phân bổ cho quân đội để sử dụng vào mục đích quốc phòng. Chúng nằm cách biệt với cư dân bên ngoài và được bao bọc, che chở bởi những tán rừng thiên nhiên bạt ngàn và hàng rào an ninh do quân đội xây dựng. 

Không lâu sau, hàng ngàn công nhân từ khắp nước Mỹ được đưa đến đây. Ban đầu, họ dựng các lán, trại dã chiến để ở tạm trong thời gian làm việc. Họ nhanh chóng dựng lên những tòa nhà lớn nhỏ khác nhau, từ nhà tiền chế cho đến các cấu trúc công nghiệp hoành tráng. Rồi các cơ sở hạ tầng khác tiếp nối nhau mọc lên.

Cụ thể, tại bang Tennessee, năm 1943, hàng ngàn công nhân trẻ đổ vào một khu vực rộng chừng 23.876,45 hécta ở cách thành phố Knoxville chừng 40km về phía Tây. Theo sau những công nhân này là hàng núi vật liệu xây dựng được chuyên chở vào mất hút bên trong những cánh rừng rộng lớn. Rồi nhà cửa và nhiều cấu trúc khác đã mọc lên với tốc độ nhanh chưa từng có.

Đây là cách hình thành thành phố Oak Ridge, 1 trong 3 “thành phố bí mật” trong Dự án Manhattan của Mỹ. 2 thành phố còn lại là Los Alamos ở bang New Mexico và Hanford (hoặc Richland) ở bang Washington cũng được hình thành theo cách tương tự.

Để 3 thành phố này đi vào hoạt động hoàn chỉnh, chính quyền Mỹ đã bố trí dân cư từ nơi khác đến, bao gồm cả các nhà khoa học, các kỹ sư, kỹ thuật viên và nhân viên hỗ trợ. Người ta gọi đây là những “thành phố mì ăn liền”, bởi chúng được xây dựng lên cực nhanh, chỉ trong thời gian ngắn (khoảng 6-7 tháng) đã hình thành cơ sở hạ tầng và dân cư hoàn chỉnh.

Bên trong Phòng điều khiển của Nhà máy K-25 ở Oak Ridge năm 1945.

Các dãy nhà ở, lán trại được xây dựng với kiểu dáng giống hệt nhau, do một công ty duy nhất thiết kế, đó là công ty Skidmore, Owings $ Merrill (SOM), ngày nay là một trong những công ty kiến trúc xây dựng lớn nhất và ảnh hưởng nhất thế giới. Trong 3 thành phố này, Oak Ridge được xem là lớn nhất, cả về diện tích lẫn dân số, với 75.000 trên tổng dân số của 3 thành phố khoảng 125.000 người vào thời điểm cuối chiến tranh.

Nhiệm vụ lớn nhất và quan trọng nhất của 3 thành phố chính là thực hiện chương trình nghiên cứu chế tạo quả bom hạt nhân đầu tiên cho nước Mỹ, trong Dự án Manhattan. Tài sản quan trọng nhất tại 3 thành phố này chính là các phòng thí nghiệm và các lò phản ứng hạt nhân phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo vũ khí hạt nhân, được gọi bằng tên chính thức là Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge, Phòng thí nghiệm quốc gia Hanford/Richland, và Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos.

Cũng như các quốc gia Đồng minh, nước Mỹ trong Chiến tranh Thế giới lần II biết được trùm phát xít Adolf Hitler đã theo đuổi chế tạo bom hạt nhân. Và nước Mỹ với tham vọng chạy đua với Hitler, đã tìm cách thu hút các nhà khoa học cự phách nhất trong ngành vật lý hạt nhân của Đức. Dự án Manhattan ra đời trong bối cảnh và mục tiêu như thế.

Do tính chất bí mật của Dự án Manhattan, tất cả mọi thứ bên trong 3 thành phố này đều phải được giữ bí mật tuyệt đối và được kiểm soát một cách hết sức nghiêm ngặt. Chẳng hạn, luật lệ tại 3 thành phố này quy định mọi công dân từ 12 tuổi trở lên phải mang phù hiệu ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ nơi ở. Mọi sinh hoạt tại các thành phố này đều được hoạch định chính xác, khuôn phép chặt chẽ, không được xê dịch.

Những từ ngữ như “hạt nhân” (Atomic) hay uranium đều là từ ngữ cấm kỵ, không được dùng đến vì sợ “kẻ thù” trà trộn biết được bí mật hạt nhân. Cư dân các “thành phố hạt nhân” không được phép rời khỏi thành phố nơi mình sinh sống. Bà con từ nơi xa đến thì khi rời đi được yêu cầu không được nhắc đến tên của thành phố hoặc kể lại những gì nhìn thấy tại các thành phố này.

Cư dân ở Los Alamos bên lán trại vào thập niên 1950.

Điều quan trọng nhất là trong thời chiến tranh, khi Dự án Manhattan bắt đầu được triển khai, cả 3 thành phố hạt nhân đều không có tên trên bản đồ nước Mỹ. Tên của thành phố không được thể hiện trên giấy khai sinh và các loại giấy tờ tùy thân như giấy phép lái xe, căn cước và địa chỉ bưu chính. Để bảo vệ bí mật, các thành phố hầu như hoàn toàn tự cung tự cấp, có trường học, bệnh viện riêng và có nhà hát kịch đa năng, vừa phục vụ nhu cầu nhạc kịch, vừa là phòng khiêu vũ vào mỗi tối Thứ bảy và là nơi cử hành Thánh lễ nhà thờ vào Chủ nhật.

Tại các thành phố này không có doanh nghiệp tư nhân, mọi thứ đều do nhà nước bao cấp. Việc này được duy trì cho đến đầu thập niên 1950. Đây là những quy tắc đặc thù “có một không hai” chính quyền Mỹ dành cho 3 thành phố bí mật này.

Trong giai đoạn phát triển các thành phố, đơn vị thiết kế (Công ty SOM) đã đề xuất kế hoạch xây dựng các khu riêng dành cho người da đen và da trắng. Martin Moeller, người từng tham gia trong dự án Manhattan tại thành phố Oak Ridge, cho biết do Oak Ridge phát triển quá nhanh làm vỡ quy hoạch xây dựng, hầu hết người da đen phải sống trong các lán trại tạm bợ bằng gỗ lợp tôn, mùa hè nóng bức, mùa đông rét buốt.

Kết thúc Thế chiến II, hầu hết gia đình người da trắng đã dọn vào ở trong các khu nhà kiên cố, khang trang, trong khi nhiều người da đen vẫn tiếp tục sống trong các lán trại cho đến đầu thập niên 1950.

Ngày nay, việc giữ bí mật 3 thành phố không còn duy trì nữa và người ta có thể dễ dàng tìm thấy tên của các thành phố Oak Ridge, Hanford hay Los Alamos trên bản đồ nước Mỹ, kể cả bản đồ trực tuyến Google map. Khi nước Mỹ thả 2 quả bom hạt nhân xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945, bí mật của các “thành phố hạt nhân” dần dần lộ ra.

Một phần lý do là cư dân ở các “thành phố hạt nhân” này rất tự hào về công việc họ làm tại thành phố nơi họ sống.

Khu vực phòng thí nghiệm ở Los Alamos thập niên 1950.

Từ “thành phố hạt nhân” đến “ốc đảo” của các triệu phú

Theo kế hoạch ban đầu, những “thành phố hạt nhân” này sau khi hoàn thành nhiệm vụ “đi trước Hitler” chế tạo bom hạt nhân sẽ đóng cửa vì không còn mục tiêu tồn tại. Tuy nhiên, Chiến tranh Lạnh bắt đầu khơi mào chỉ vài năm sau đó đã buộc chính quyền Mỹ xét lại quyết định đóng cửa các cơ sở hạt nhân và Oak Ridge, Hanford, Los Alamos có lý do tiếp tục tồn tại.

Hơn thế, các phòng thí nghiệm hạt nhân tại 3 thành phố này còn được Chính phủ Mỹ đầu tư mở rộng thêm quy mô hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu chế tạo bom hạt nhân trong cuộc chạy đua vũ trang mới với Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa. Hoạt động nhộn nhịp, các thành phố đã trở thành điểm đến của những cư dân các vùng xung quanh. Họ đến đây để tìm công ăn việc làm với thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với nơi họ cư trú.

Một quy tắc quan trọng cho những hộ gia đình sống tại các “thành phố hạt nhân” là mỗi nhà ít nhất có một người làm việc trong các cơ sở hạt nhân. Tất cả đều sống nhờ vào đó, cùng đóng góp công sức để xây dựng nên kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của nước Mỹ.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các phòng thí nghiệm hạt nhân của 3 thành phố đã phải đóng cửa vì nước Mỹ phải tuân thủ các hiệp ước về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và các hiệp ước khác đã ký với Liên Xô trước đây. Khu vực các phòng thí nghiệm hạt nhân và lò phản ứng trước đây được chuyển thành các khu di tích, bảo tồn.

Tháng 11-2015, khu vực nghiên cứu, thí nghiệm và lò phản ứng chế tạo bom hạt nhân tại 3 thành phố đã được Cục Công viên Quốc gia Mỹ quyết định thành lập Công viên Lịch sử Quốc gia Dự án Manhattan. Hằng năm, các khu vực này đón tiếp hàng ngàn du khách đến tham quan để tìm hiểu về lịch sử chế tạo bom hạt nhân của nước Mỹ, lịch sử một thời chạy đua vũ trang quyết liệt trong Chiến tranh Lạnh.

Thành phố Los Alamos sau chiến tranh.

Ngày nay, các phòng thí nghiệm khoa học của 3 thành phố vẫn tiếp tục phát triển thành những khu phức hợp nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại. Trong 3 thành phố bí mật xưa, Los Alamos từng là thành phố nhỏ nhất, nhưng lại phát triển nhanh nhất và hiện đại nhất. Los Alamos ngày nay là một trong những cơ sở khoa học và công nghệ lớn nhất thế giới, với nhiều lĩnh vực nghiên cứu mở rộng như an ninh quốc phòng, không gian, phân hạch hạt nhân, năng lượng xanh, y học, công nghệ nano và siêu máy tính.

Đây là nơi làm việc của nhiều nhà khoa học uy tín, tạo những những phát minh khoa học, công nghệ hàng đầu nước Mỹ. Dù các phòng thí nghiệm, nghiên cứu, chế tạo bom hạt nhân không còn nữa, nhưng mọi thứ ở 3 “thành phố bí mật” vẫn còn in đậm dấu ấn của quả bom hạt nhân ngày xưa. Đến Oak Ridge chẳng hạn, người ta dễ dàng bắt gặp những tấm biển đề chẳng hạn như “Atomic Bar” (quán bar hạt nhân), bên trong có phục vụ Atomic Beer (bia hạt nhân),...

Cùng với Oak Ridge, Los Alamos ngày nay là một trong những nơi tập trung nhiều tiến sĩ nhất nước Mỹ. Thành phố này thường xuyên dẫn đầu danh sách các thành phố có nền giáo dục tốt nhất và tỉ lệ tội phạm thấp nhất nước Mỹ. Bên cạnh đó, Los Alamos ngày nay cũng là một trong những thành phố giàu có nhất nước Mỹ. Ít nhất 1 trong 9 người dân, tức khoảng 12% dân số, là triệu phú.

Một báo cáo năm 2012 của Cục Thống kê Mỹ cho biết Los Alamos là một “ốc đảo” của những người giàu có, với mức thu nhập chênh lệch rất lớn so với các thành phố, quận xung quanh. Một ví dụ cụ thể: Chỉ cách Los Alamos 30km, thu nhập bình quân của hộ gia đình ở thành phố Espanola chỉ bằng 1/3 ở Los Alamos, và có đến gần 30% dân số thành phố này sông dưới mức nghèo khổ (theo tiêu chuẩn Mỹ).

Cũng cách Los Alamos không xa, thành phố Rio Arriba lớn hơn nhiều, nhưng thu nhập của người dân cũng chỉ bằng một nửa Los Alamos. Nhiều người dân từ các đô thị này đã đến Los Alamos để tìm việc làm với thu nhập cao hơn. Sự phụ thuộc của các vùng xung quanh đối với Los Alamos do chênh lệch về kinh tế đã tạo thành một “quần thể đô thị”, vốn được hình thành khá nhiều ở nước Mỹ rộng lớn.

An Tôn (tổng hợp)
.
.