Những vụ thử nghiệm y học vô nhân tính

Thứ Năm, 28/06/2018, 15:07
Trong lịch sử y học đã xảy ra không ít những vụ thử nghiệm phi nhân tính trên con người với sự dính líu của nhiều nhà khoa học nổi tiếng, các chính phủ hay tổ chức thương mại.

“Những gì đã diễn ra không thể vãn hồi. Nhưng chúng tôi cần phải chấm dứt sự im lặng này. Chúng tôi không thể cứ tiếp tục ngoảnh mặt làm ngơ. Chúng tôi có thể nhìn thẳng vào mắt các bạn và thay mặt nhân dân Mỹ để nói rằng, điều chính phủ Mỹ đã từng làm thật đáng xấu hổ và tôi lấy làm tiếc về chuyện đó…” – đó là những lời phát biểu của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton về sự kiện vụ bê bối thử nghiệm y học trái phép Tuskegee.

Kết quả là một nhóm công dân Mỹ gốc Phi – những người đã bị biến thành nạn nhân thử nghiệm y học trái phép trong suốt 40 năm – đã nhận được khoản tiền đền bù 10 triệu USD của chính phủ. Trong lịch sử y học đã xảy ra không ít những vụ thử nghiệm phi nhân tính như vậy trên con người với sự dính líu của nhiều nhà khoa học nổi tiếng, các chính phủ hay tổ chức thương mại.

Những nạn nhân “máu xấu”

Mùa hè năm 1972, cả nước Mỹ bắt đầu âm ỉ một dấu hiệu của vụ bê bối lớn, sau những bài báo vạch trần gây chấn động trên hai tờ The Washington Star và The New York Times. Mọi tình tiết càng được làm rõ và khẳng định hơn sau vụ điều trần tại quốc hội được Thượng nghị sĩ Edward Kennedy khởi xướng. Công luận đã hết sức bất bình khi biết được Trường đại học Tuskegee (bang Alabama) đã tiến hành một trong những vụ thử nghiệm y tế vô nhân đạo kéo dài nhất trong lịch sử với các nạn nhân là hàng trăm cư dân da đen tại hạt Macon.

Các nạn nhân da đen trong vụ Tuskegee chỉ biết rằng họ đang được chữa trị một bệnh lạ nào đó chứ không nghĩ mình là vật thí nghiệm.

Chỉ tính riêng trong năm 1932, các bác sĩ tại đây đã bí mật thử nghiệm tới 600 người Mỹ gốc Phi, khiến 399 người trong số này bị mắc bệnh giang mai mà không biết vì sao. Các nhà nghiên cứu đã bí mật tất cả những nạn nhân kể cả có bệnh và không có bệnh trong số này và ghi chép chi tiết tất cả các giai đoạn của bệnh.

Với phương châm “đảm bảo độ chính xác của thử nghiệm”, các nạn nhân mắc bệnh đã không được thông báo hay chữa trị. Hậu quả có tổng cộng 28 nạn nhân chết vì bệnh giang mai, 100 người chết vì những biến chứng khác từ căn bệnh. Đó là chưa kể 40 nạn nhân khác đã lây nhiễm cho vợ mình khiến 19 đứa con của họ phải hứng chịu nhiều bệnh tật khác. 

Khỏi phải nói thông tin trên đã khiến cho công chúng Mỹ bị sốc như thế nào. Thế hệ người cao tuổi tại Mỹ vẫn còn nhớ về những phiên tòa sau chiến tranh xét xử các bác sĩ phát xít tham gia vào những trò thử nghiệm y học vô nhân đạo trên con người. Chính vì vậy, các thử nghiệm trên người da đen tại một trong các bang ở miền Nam được nhìn nhận như sự thể hiện của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc một cách ghê tởm nhất. Nhưng trên thực tế, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại đây lại không đóng vai trò chính yếu.

Đại học Tuskegee từ lâu vẫn được mệnh danh là “đại học truyền thống của người da đen”. Một số lượng không nhỏ của nhóm nghiên cứu trên cũng là người da đen. Kết luận chủ yếu có thể rút ra là, các cuộc thử nghiệm vô nhân đạo trên con người từ lâu đã trở thành một phần của “văn hóa y học Mỹ”, trong đó màu da không phải là yếu tố tiên quyết mà chính là đồng tiền.

Ngay từ thời kỳ chế độ nô lệ, các bác sĩ Mỹ đã thường xuyên có các thử nghiệm trên người da đen. Nhiều chủ đồn điền khi đó vì muốn giảm bớt tỉ lệ chết bệnh trong số những nô lệ của mình đã yêu cầu các bác sĩ phải có những thành tựu mới trong các liệu pháp chữa trị. Chẳng hạn bác sĩ Walter Jones (bang Virginia) vào năm 1846 đã nghiên cứu được một phương pháp mang tính cách mạng để chữa trị bệnh thương hàn cho người da đen. Trong quá trình thử nghiệm, ông ta còn đổ nước sôi lên lưng những người nô lệ với hy vọng điều này sẽ giúp “kích thích các mao mạch”.

Đôi khi những vụ thử nghiệm tương tự đã dẫn tới những đột phá thực sự trong y học. Như tay bác sĩ Marion Sims (được coi là một trong những nhà sáng lập ngành phụ khoa hiện đại) đã mua 3 nữ nô lệ, tiến hành hàng chục cuộc phẫu thuật khác nhau trên cơ thể của họ để nhờ đó tìm ra được phương pháp gây tê hiệu quả trong quá trình chữa bệnh cho các phụ nữ da trắng. Nhờ đó, sự nghiệp của Sims đã thăng tiến đến chóng mặt, trước khi ông ta trở thành bác sĩ riêng của bà vợ Napoleon III.

Đến khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ, các thử nghiệm vô nhân tính kiểu trên bắt đầu chuyển từ các nô lệ da đen sang những người giúp việc da trắng. Nói chung các thử nghiệm trên con người thường được xác định theo một qui luật chung: đó là những nạn nhân về cơ bản không thể bảo vệ quyền lợi của mình (thường là tù binh hay trẻ mồ côi v.v…). Như bác sĩ Stanley của nhà tù San Quentin (California) đã triệt sản hơn 600 tù nhân hồi đầu những năm 1920 để tìm cách chứng minh: phương pháp trên sẽ giúp giảm bớt những kẻ tái phạm(?!).

Năm 1932, công trình nghiên cứu về bệnh giang mai bắt đầu được triển khai tại hạt Macon dưới sự chỉ đạo của bác sĩ TaliaferroClark, người đứng đầu ban chuyên về bệnh da liễu tại cơ quan y tế địa phương. Tất cả những người tham gia thử nghiệm đều được ký kết những thỏa thuận đặc biệt, trong đó hứa hẹn chu cấp cho họ lộ phí tới bệnh viện cũng như hỗ trợ y tế trong trường hợp sức khỏe có vấn đề.

Khi nhiều người xuất hiện các dấu hiệu của bệnh giang mai, họ chỉ được bác sĩ giải thích là dấu hiệu của một căn bệnh “máu xấu”, đồng thời cam kết giúp họ sẽ chữa khỏi căn bệnh tưởng tượng trên. Mãi đến giữa những năm 1940, chiến dịch thử nghiệm y học phi nhân tính khiến hơn 100 người chết mới thực sự chấm dứt, sau khi người ta phát hiện ra một phương thuốc hiệu quả chống lại bệnh giang mai là kháng sinh.

Hậu thuẫn của đồng tiền và quyền lực

Đến thế kỷ XIX cũng như nửa đầu thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học sẵn sàng bước qua những lằn ranh đạo đức mới sau khi xuất hiện những “đơn đặt hàng” hậu hĩnh từ phía chính phủ. Sau khi nhận thấy binh lính Mỹ đang bị hành hạ rất nhiều vì bệnh sốt rét trong các khu rừng nhiệt đới, Bộ ngoại giao cùng giới quân sự đã đặt hàng Đại học tổng hợp Chicago phải nhanh chóng nghiên cứu phương pháp chống lại căn bệnh này.

Các nhà khoa học đã khẩn trương nuôi cấy giống muỗi gây sốt rét và sau đó dùng chúng lây nhiễm cho các tù nhân tại nhà tù Stanville (bang Illinois). Hiện chưa thống kê được số lượng các nạn nhân được ghi trong sổ sách là “tình nguyện” này sau khi cuộc thử nghiệm kéo dài trong suốt 29 năm.

Với dự án nguyên tử Manhattan có tầm quan trọng quốc gia, mức độ vô nhân tính của các thử nghiệm trên người còn cao hơn nhiều. Đầu tiên là 3 bệnh nhân của phòng khám Billings bị tiêm thẳng vào người chất phóng xạ plutonium. Tiếp đó, các chuyên gia từ Trường đại học tổng hợp Vanderbilt “chiêu đãi một loại cocktail vitamin tổng hợp” (thực chất là các thành phần phóng xạ) cho 820 phụ nữ mang thai khiến nhiều nạn nhân đã chết vì bệnh phóng xạ, vì ung thư, chưa kể con cái họ sinh ra sau đó đều chết hay mang nhiều bệnh tật. 

Vụ bê bối Tuskegee thậm chí còn xuất hiện trên các báo tường ở Mỹ.

Năm 1946, nhóm nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ sức khỏe cộng đồng Mỹ dưới sự lãnh đạo của John Katler đã xây dựng tại Guatemala một phòng thí nghiệm bí mật. Họ trả tiền cho các gái điếm bị bệnh giang mai và bệnh lậu, cho họ quan hệ với các tù nhân để rồi sau đó thử nghiệm kháng sinh mới trên người bệnh.

Thống kê cho thấy đã có tổng cộng 1.500 người bị lây bệnh, trong đó 83 nạn nhân thiệt mạng. Chính phủ Guatemala khi đó đã biết vụ việc trên nhưng vẫn hỗ trợ cho người Mỹ trong chiến dịch này.

Trong phiên tòa Nuremberg xét xử các tội phạm chiến tranh phát xít người ta từng thấy sự xuất hiện của Owen Cameron, một chuyên gia tâm lý Mỹ gốc Scotland, người có vai trò giám định khả năng chịu trách nhiệm của trùm phát xít Rudolf Hess. Khi chiến tranh lạnh bắt đầu, Cameron được Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) mới tham gia một chương trình tuyệt mật có tên “MK-ULTRA” nhằm nghiên cứu chế tạo phương tiện có thể điều khiển nhận thức của con người. Chương trình có khoản ngân sách ban đầu 25 triệu USD này cũng liên quan nhiều đến việc thử nghiệm trái phép trên con người.

Cameron cho rằng, có khả năng xóa bỏ hoàn toàn trí nhớ và sau đó xây dựng một nhân cách hoàn toàn mới cho con người. Những cuộc thử nghiệm được ông ta tiến hành tại Allan Memorial Institute, một bệnh viện tâm thần nhỏ gần Montreal. Các bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần nhẹ bị tiêm thuốc gây mê man trong suốt 3 tháng, kèm theo đó họ liên tục được nghe những âm thanh nhất định, cùng những mệnh lệnh được lặp đi lặp lại.

Kết quả ban đầu khá ấn tượng: một số nạn nhân thậm chí quên cha mẹ đẻ của mình, tự nhận những kẻ hành hạ mình là đấng sinh thành, chưa kể một số còn quên cả tiếng nói. Nhờ thành công trong chương trình phi nhân tính này, sự nghiệp của Cameron đã thăng tiến chóng mặt. Ông ta trở thành chủ tịch thứ hai của Hiệp hội thần kinh học thế giới, lãnh đạo các hiệp hội về thần kinh tại Mỹ và Canada. 

Vì tiền và danh vọng, nhiều bác sĩ không chỉ làm theo chỉ đạo từ phía giới chức chính quyền mà còn sẵn sàng trở thành công cụ của các công ty, tập đoàn. Điển hình là bác sĩ Albert Kligman từ Đại học Tổng hợp Pennsylvania.

Tay bác sĩ chuyên khoa da liễu này theo đơn đặt hàng của Dow Chemical – là nơi chuyên sản xuất vũ khí hóa học, chất diệt cỏ và các hóa chất nguy hiểm khác, trong đó có chất độc da cam được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam – đã thử nghiệm trên các tù nhân của nhà tù Holmesburg. Cụ thể ông ta đã nhận 10 ngàn USD của Dow để nghiên cứu các hợp chất dioxin. Kligman tiêm trực tiếp chất độc vào 70 tù nhân khiến họ xuất hiện những vết loét đáng sợ không bao giờ lành, chưa kể nạn nhân không được chữa trị trong suốt 7 tháng sau.

Khi công luận phải lên tiếng

Cho đến những năm 1960, khi công luận chưa được biết nhiều đến những hậu quả nghiêm trọng của các nạn nhân, nhiều bác sĩ vẫn công khai úp mở về những vụ thử nghiệm trên người. Nhưng mọi chuyện đã dần thay đổi khi các thông tin được tiết lộ nhiều hơn.

Vào năm 1952, chuyên gia ung thư học Chester Souterm vì muốn tìm hiểu giả thuyết về nguồn gốc ung thư đã cấy tế bào ung thư vào 300 tù nhân tại nhà tù Ohio. Đến năm 1962, ông ta lại tiếp tục thí nghiệm trên với các bệnh nhân tại Phòng khám chữa bệnh kinh niên ở Brooklyn.

Các bác sĩ tại đây phát hiện ra chuyện này đã yêu cầu Chester phải chấm dứt thử nghiệm, nhưng đằng sau lưng của tay chuyên gia trên là Cơ quan bảo vệ sức khỏe xã hội Mỹ. Mọi chuyện sau đó được tung lên báo chí vì sự phẫn nộ của họ. Chester tuy nhiên chỉ bị tước giấy phép chữa bệnh trong một năm, chưa kể vài năm sau còn lên lãnh đạo Hội nghiên cứu ung thư Mỹ.

Ngay như trong vụ Tuskegee, mọi chuyện chỉ thực sự gây chú ý sau khi chuyên gia dịch tễ học Peter Bacstan tiết lộ cho nữ phóng viên Jean Heller của tờ The Washington Star. Nhưng vụ bê bối cuối cùng cũng chỉ được giải quyết bên ngoài tòa án, sau khi các nạn nhân sống sót nhận khoản tiền 10 triệu USD đền bù.

Nói chung mọi thông tin về các vụ thử nghiệm vô nhân tính chỉ được công luận Mỹ biết đến sau nhiều năm. Sau vụ bê bối Watergate vào năm 1973, giám đốc CIA khi đó là Richard Helms đã chỉ đạo hủy hết các tài liệu liên quan đến chương trình “MK-ULTRA”. Mãi đến năm 1977,  một phần tài liệu mới được phát hiện và chính thức giải mật vào năm 2001. Còn vụ thử nghiệm tại Guatemala chỉ được biết đến vào năm 2010, sau khi nhà sử học Susan Reverby tình cờ phát hiện được tài liệu lưu trữ của tay bác sĩ John Katler.   

Phạm trù đạo đức y tế dù ở mức độ này hay khác vẫn bị vi phạm vì một mâu thuẫn được giới nghiên cứu nêu ra để biện hộ: để có được những phương pháp chữa trị tốt cho con người cần phải thử nghiệm trên chính con người. Trong khi không có nhiều người tình nguyện, những thử nghiệm chắc chắn vẫn được tiến hành ở đâu đó trên các nạn nhân nghèo không được bảo vệ.

Quỳnh Nga (tổng hợp)
.
.