Nữ điệp viên “chuột trắng” đứng đầu danh sách truy nã của Gestapo

Thứ Tư, 23/08/2017, 10:36
Bị mật vụ Đức (Gestapo) truy nã gắt gao với cái đầu trị giá 5 triệu franc Pháp, nhưng Nancy Wake vẫn lẫn tránh một cách tài tình giữa mạng lưới dày đặc của lính Gestapo. Chính vì thế mà bọn lính Đức đặt cho bà biệt danh "Chuột Trắng" (The White Mouse). Nhờ những đóng góp to lớn cho quân đội Đồng minh mà sau chiến tranh, Nancy Wake trở thành người phụ nữ giàu thành tích nhất thế giới.


Tuổi trẻ nổi loạn

Nancy Wake sinh ra trong một gia đình dòng dõi quý tộc, cha là người Anh, mẹ là người mang hai dòng máu Anh và dân tộc Maori bản xứ. Bà sinh năm 1912 tại Wellington, New Zealand. Cha Nancy, ông Charles Augustus, là một nhà báo làm việc cho một tờ báo lớn ở thủ đô Wellington, New Zealand. Nancy là con gái út trong gia đình 6 anh chị em, và bà cũng là đứa "quậy" nhất nhà.

Khi Nancy chưa tròn 2 tuổi, gia đình chuyển đến sinh sống tại thành phố Sydney, Australia. Đây cũng là nơi bà sống và lớn lên cho đến khi rời khỏi gia đình sống tự lập. Tuổi thơ Nancy trải qua chuỗi ngày buồn tẻ, thiếu thốn tình cảm, vì cha bỏ nhà đi theo người phụ nữ khác khiến cho người mẹ trở nên vô cảm với cuộc sống xung quanh.

Nancy Wake thời chiến tranh.

Năm 16 tuổi, Nancy bỏ nhà ra đi. Được một người cô ruột gửi cho một số tiền mặt khá lớn, Nancy gom hết vào túi xách, lên đường đi đến London và sau đó là khắp châu Âu. Tại đó, Nancy bắt đầu kiếm sống bằng nghề viết báo. Bà thả mình vào dòng náo nhiệt của cuộc sống đô thị châu Âu thời kỳ trước Chiến tranh thế giới lần thứ II, với những cuộc tiệc tùng thâu đêm, ngao du đây đó, sống hết mình và cũng thật vô tư. Thập niên 1930, Nancy chứng kiến sự trỗi dậy của Adolf Hitler, của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa bài Do Thái.

Năm 1933, tờ báo của Nancy phái bà đi viết một bài về nhà lãnh đạo mới của nước Đức. Nancy đã trực tiếp phỏng vấn Hitler cho bài viết của mình. Trong khi chờ đợi câu trả lời của Hitler, bà đã tận mắt chứng kiến một người Do Thái bị xiềng vào một bánh xe lớn và lăn vòng quanh các đường phố, bị bọn lính phát xít quất roi nát người. Cảnh tượng đó đã gieo vào Nancy những mầm mống đầu tiên của lòng quyết tâm chống phát xít Đức, đưa bà trở thành một thành viên nòng cốt của phong trào kháng chiến chống phát xít Đức ở châu Âu.

Tham gia quân kháng chiến

Năm 1939, Nancy lấy chồng, Henri Fiocca, một ông chủ sản xuất công nghiệp giàu có người Pháp, ở thành phố Marseilles. Sau này, khi đã ngoài 90 tuổi, bà Nancy kể lại rằng, bà lấy Henri không phải vì ham giàu mà chính là vì mê bước nhảy tango của ông, mê phong cách Pháp hào hoa của ông. Và sau khi cưới nhau, Nancy và Henri bắt đầu chuỗi ngày hưởng lạc thú vui chơi, tiệc tùng, du lịch khắp đó đây, với rượu sâm-banh và trứng cá caviar.

Nancy Wake (đứng giữa) được tặng hoa và tung hô như người hùng vào năm 1945.

Thế rồi, 6 tháng sau đám cưới, quân Đức tấn công xâm lược Bỉ, Pháp, Hà Lan vào năm 1940. Từng bước, Nancy tham gia dần vào cuộc chiến. Bà được quân kháng chiến giao cho nhiệm vụ lái xe cứu thương ở vùng bị chiếm đóng của Bỉ, dùng xe cứu thương để giải cứu những người lính Đồng minh bị thương ra khỏi vùng chiến sự, đưa những người tị nạn chiến tranh chạy khỏi nơi quân Đức xâm chiếm, đến nơi an toàn, đồng thời vận chuyển lương thực và đưa tin cho lực lượng kháng chiến.

Sau khi những người lính cuối cùng được bà đưa khỏi vùng bị chiếm, Nancy tiếp tục đến Pháp để phục vụ quân kháng chiến. Có nhan sắc, lại là vợ của một ông chủ giàu có, Nancy có điều kiện đi lại các vùng do chính phủ Vichy kiểm soát ở Pháp một cách dễ dàng mà không mấy ai làm được.

Sau một thời gian thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm, rốt cuộc Nancy cũng bị bọn mật vụ Đức nghi ngờ và tổ chức theo dõi. Gestapo bắt đầu nghe lén điện thoại và đọc trộm thư của bà. Bà phải sử dụng nhiều cái tên giả, giấy tờ giả để lẩn trốn bọn lính gác. Do không nhận diện được bà nên bọn Gestapo không thể chặn bà trên đường. Nancy lẩn tránh bọn lính Gestapo giỏi đến mức, bọn chúng đặt cho bà biệt danh "Chuột Trắng". Đến năm 1943, cuộc truy lùng "Chuột Trắng" của bọn lính Gestapo đã lên đỉnh điểm.

Cuối cùng, Gestapo cũng xác định được "Chuột Trắng" là ai, và bọn chúng quyết định giải pháp tối ưu là bắt bà mang đi xử tử. Chúng đưa tên bà lên đầu danh sách truy nã đặc biệt, đồng thời treo giải thưởng 5 triệu franc Pháp cho ai lấy được cái đầu của bà. Đến nước này, ở lại Pháp sẽ rất nguy hiểm cho Wake.

May mắn cho Wake, các lãnh đạo tình báo cấp trên của Wake đã chặn bắt được tờ mật lệnh bắt giữ bà của bọn Gestapo và chuyển chúng cho bà xem. Đồng thời, các lãnh đạo tình báo ở Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt (SOE) của Anh đã sắp xếp một đường dây bí mật để đưa Nancy trốn thoát khỏi nước Pháp qua ngả eo biển Gibraltar.

Ngày Nancy ra đi, bà hứa hẹn với Henri, chồng bà, sẽ gặp lại nhau ở Anh. Thế nhưng, Nancy không ngờ đó là lần chia tay vĩnh viễn, vì ngay sau khi bà đi khỏi, bọn Gestapo đã ập đến nhà và bắt Henri đi vì ông không khai ra hướng đi của bà.

Nancy vượt qua rặng núi Pyrenees, qua eo biển Gibraltar và theo đường biển để đến Anh. Tại SOE, Nancy là một trong 39 phụ nữ và 430 nam thuộc Phân bộ Pháp của SOE, được giao nhiệm vụ phối hợp với các kháng chiến quân địa phương tổ chức phá hoại quân Đức tại các vùng chiếm đóng.

Bà được Bộ Quốc phòng Anh huấn luyện các kỹ năng đặc biệt của một điệp viên, như kỹ năng tồn tại trong tình huống nguy hiểm, giết người không gây tiếng động, kỹ năng mật mã và truyền tin vô tuyến, nhảy dù ban đêm, sử dụng chất nổ dẻo, sử dụng các loại súng và lựu đạn. Nancy và một trong số các nữ đặc nhiệm quân khác của SOE được phân vào đơn vị Nữ Kỵ binh nghĩa dũng Cứu thương số 1 (FANY).

Vào cuối tháng 4-1944, Nancy và một điệp viên SOE là John Farmer nhảy dù xuống vùng Auvergne thuộc miền Trung nước Pháp với nhiệm vụ là tìm kiếm và tổ chức lại các du kích quân Maquis của Pháp, xây dựng các kho chứa vũ khí đạn dược do quân Đồng minh thả dù tiếp viện, bố trí kênh liên lạc thông tin với nước Anh. Sứ mệnh của Nancy và Farmer là chuẩn bị lực lượng Maquis sẵn sàng cho cuộc đổ bộ lịch sử D-Day của quân Đồng minh giải phóng nước Pháp.

Nhiệm vụ của quân kháng chiến tại chỗ là đánh phá, tiêu hao lực lượng, làm suy yếu quân Đức trước khi quân Đồng minh tấn công. Các mục tiêu đánh phá của quân kháng chiến bao gồm các cơ sở quân sự, kho tàng quân nhu, đoàn xe quân sự  và binh sĩ. Với sự giúp sức của Nancy, quân số của quân kháng chiến địa phương Pháp đã tăng gấp đôi, từ khoảng 3.000-4.000 lên 7.000 người, chiến đấu chống lại 22.000 quân Đức.

Dưới sự dẫn dắt của Nancy, các kháng chiến quân Maquis đã gây ra nhiều tổn thất về lực lượng và cơ sở vật chất cho quân Đức. Trong một lần quân Đức càn quét, toàn bộ các cơ sở mật mã trong vùng đều bị hủy, Nancy phải đạp xe đạp ròng rã suốt 72 giờ trên suốt quãng đường dài trên 500 km, đến từng chốt mật mã để thay thế mật mã mới. Đó là một kỳ tích, một trong những điểm sáng thú vị của cuộc chiến tàn khốc.

Nhiệm vụ của Nancy trong vùng kháng chiến Pháp vô cùng gian nan. Nancy nhớ lại thời gian đó bà hầu như không ngủ, luôn di chuyển, ẩn nấp trong rừng cây, đi từ đơn vị Maquis này đến đơn vị khác để tổ chức huấn luyện, động viên tinh thần, vạch kế hoạch và điều phối, chỉ huy chiến đấu. Nancy tổ chức tiếp nhận tiếp viện bằng không vận (thả dù) 4 đợt mỗi tuần để bổ sung vũ khí đạn dược cho quân kháng chiến.

Nhiều cuộc đụng độ trực tiếp với quân Đức đã diễn ra khắp các miền quê Pháp. Những hoạt động bắt cóc con tin, hành quyết, đốt nhà để trả thù diễn ra thường xuyên. Không nơi nào khiến quân đội phát xít Đức đau đầu bằng Auvergne, vùng do Nancy phụ trách, nơi được mệnh danh là "Pháo đài Pháp".

Vì thế, lực lượng SS của Đức lên kế hoạch phải dập cho bằng được Auvergne, tập trung vào căn cứ địa ở cao nguyên Chaudes-Aiguwes. Quân Đức tập kết rất đông tại các thị trấn xung quanh cao nguyên, với pháo, súng cối, máy bay và súng máy di động. Tháng 6-1944, 22.000 lính SS bắt đầu khai chiến. 7.000 quân kháng chiến Maquis chống đỡ quyết liệt.

Giao tranh ác liệt rồi khéo léo rút êm, các đội quân của Nancy đã gây cho quân Đức những tổn thất ngoài mong đợi: Đức thiệt hại 1.400 binh sĩ, quân Maquis thiệt hại 100 người. Nancy tiếp tục cuộc chiến của riêng mình. Bà một mình cướp đồn Gestapo ở Montucon, tay không giết tên gác cổng của một nhà máy chế tạo vũ khí Đức, rồi dùng súng phá vòng vây chạy thoát thân. Sau đó, Nancy đã hành quyết một nữ điệp viên của Đức bị chính bà lật tẩy.

Niềm vui chiến thắng không trọn vẹn

Ngày 6-6-1944, ngày D-Day, quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy, bắt đầu chiến dịch giải phóng nước Pháp khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức. Ngày 25-8-1944, Paris được giải phóng, Nancy Wake có mặt trong số những người dẫn đầu đoàn quân tổ chức ăn mừng chiến thắng.

Nancy Wake gặp Thái tử Charles của nước Anh năm 2002.

Tuy nhiên, niềm vui ngày chiến thắng của Nancy không trọn vẹn. Người bạn đời, người mà bà gọi là "tình yêu của cả đời tôi", đã không còn nữa. Khi vào đến Vichy, Nancy mới được thông báo rằng Henri đã bị bọn Gestapo bắt giam và tra tấn đến chết. Trong số hàng trăm ngàn sinh mạng tổn thất trong cuộc chiến giải phóng nước Pháp, Henri là nỗi mất mát to lớn không gì bù đắp được của Nancy.

Sau chiến tranh, Nancy tiếp tục làm việc cho SOE, làm việc trong Cục tình báo của Bộ Hàng không Anh. Năm 1960, bà tái giá, lấy một phi công trẻ người Anh tên John Forward và quay trở về Australia sinh sống.

Với những đóng góp to lớn cho quân Đồng minh xuyên suốt cuộc chiến, Nancy đã trở thành người nữ điệp viên Chiến tranh thế giới lần thứ II giàu thành tích nhất: Bà được tặng thưởng Huân chương George của Anh, Huân chương Tự do của Mỹ, Huân chương Australia và đặc biệt nhất là được trao tới 3 Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp. Đất nước New Zealand, quê hương của bà đã lấy tên bà đặt tên đường phố.

Tháng 12-2001, Nancy rời Australia lần cuối cùng và mãi mãi để sang Anh sống những ngày còn lại cuối đời. Có một câu chuyện được kể trên báo chí sau khi bà qua đời (năm 2011) rằng, trong những năm cuối đời, mặc dù cuộc sống đã có nhiều người tài trợ, không phải lo toan gì cả, nhưng Nancy đã bán hết những tấm huy chương cao quý để lấy tiền tiêu xài. Có người hỏi tại sao lại bán hết những vật kỷ niệm quý giá ấy, bà trả lời: "Giữ chúng để làm gì? Mai sau tôi chết đi rồi, chúng cũng sẽ tiêu tan hết thôi!".

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.