Nữ điệp viên giúp quân Đồng minh chặn đứng chương trình tên lửa của Hitler

Thứ Sáu, 22/09/2017, 09:01
Người nữ điệp viên có nhan sắc, giàu lòng can đảm và nhanh trí ấy là một người Pháp, tên Jeannie Rousseau de Clarens.

Nhan sắc của bà đã khiến cho đám lính Đức chiếm đóng nước Pháp bị mê hoặc và cung cấp những thông tin quan trọng về chương trình phát triển tên lửa V-2 của phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần II, từ đó giúp quân Đồng minh phá tan tham vọng lật ngược tình thế chiến tranh của trùm phát xít Hitler.

Kỳ 1: Định mệnh trên chuyến tàu đêm

Câu chuyện về hành trình dấn thân vào nghề điệp viên của Jeannie Rousseau de Clarens cũng tình cờ như bao sự tình cờ, ngẫu nhiên vốn có của cuộc sống. Đó là vào một đêm thu trời se lạnh năm 1941, cô gái trẻ Jeannie, 21 tuổi, bắt chuyến tàu đêm từ Paris xuôi phương Nam đến vùng Vichy.

Trên chuyến tàu định mệnh ấy, bà tình cờ gặp lại người bạn học cũ - George Lamarque. Trên tàu không còn chỗ để ngồi, vì thế hai người đành đứng ở hành lang. Dưới ánh đèn màu xanh lơ mờ ảo của toa tàu, họ rù rì tâm sự, kể nhau nghe những sự việc đã xảy ra trong thời gian xa cách. Câu chuyện của họ nếu để người khác nghe được sẽ rất nguy hiểm cho bản thân họ, cho nên hai người nói rất nhỏ và thận trọng.

Thời điểm đó, nước Anh đã bị tàn phá bởi The Blitz - chiến dịch ném bom kinh hoàng của phát xít Đức vào cuối năm 1940 đầu năm 1941, còn Đệ tam Đế chế thì đang rất hùng mạnh. Jeannie lúc ấy mới 21 tuổi, trông nhỏ nhắn và non trẻ hơn độ tuổi của bà. Nhưng nếu nhìn kỹ thì sẽ không khó để nhận ra nét tinh anh trong đôi mắt "biết cười" của bà. Chính cuộc hội ngộ tình cờ trong đêm định mệnh ấy đã đưa đẩy Jeannie đến với một cuộc phiêu lưu tình báo khiến bà trở nên nổi tiếng như một người hùng của Chiến tranh Thế giới lần II.

Jeannie de Clarens năm 1939.

Jeannie Yvonne Ghislaine Rousseau sinh vào tháng 4-1919 tại Saint-Brieuc thuộc vùng Brittany, cực Tây nước Pháp. Bà là con gái duy nhất của ông Jean Rousseau, một cựu binh thời Chiến tranh thế giới lần I, sau chiến tranh là một quan chức trong Bộ Ngoại giao Pháp. Tuy không có công trạng gì lớn lao, nhưng ông Rousseau là một quan chức ngoại giao mẫn cán, đi nhiều và hiểu biết rộng.

Sau khi nghỉ việc ở Bộ Ngoại giao, ông về làm Quận trưởng Quận 17 Paris, nằm bên hữu ngạn sông Seine. Thời gian làm việc trong Bộ Ngoại giao và cả khi làm Quận trưởng, ông Rousseau chưa nói chuyện với con gái về các vấn đề thời cuộc, vì khi đó Jeannie còn bé, chưa đủ trí khôn để có thể lĩnh hội được những gì ông truyền đạt. Chỉ đến khi Jeannie lớn hơn, bước vào tuổi trưởng thành, ông Rousseau mới bắt đầu từng bước truyền đạt những kiến thức về thời cuộc cho con gái, để cô có thể nhận thức được mình nên làm gì trong cuộc sống này.

Jeannie học rất giỏi, tốt nghiệp đứng đầu lớp tại trường chính trị danh tiếng Sciences Po vào năm 1939. Vốn có năng khiếu về ngôn ngữ, bà cũng mau chóng học và nói thông thạo tiếng Đức. Bà nói tiếng Đức hay đến nỗi người ta cứ nhầm tưởng bà là người Đức.

Chiến tranh thế giới lần II nổ ra, quân Đức chiếm đóng nước Pháp vào mùa hè năm 1940, ông Rousseau đưa cả gia đình tản cư lên vùng duyên hải cực Tây nước Pháp. Nơi họ đến trú ngụ là thị trấn Dinard, một thị trấn nhỏ ven biển, cũng thuộc vùng Brittany. Ông Rousseau hy vọng nơi đây là vùng hẻo lánh nên bọn Đức sẽ không truy tìm đến. Nhưng ông đã nhầm, chưa được bao lâu sau thì quân Đức đã kéo đến hàng ngàn tên.

Ông thị trưởng Dinard cuống cuồng đi tìm người biết tiếng Đức để giúp làm phiên dịch cho dân trong thị trấn nói chuyện với bọn lính Đức. Ông Rousseau đưa con gái ra giới thiệu với ông thị trưởng Dinard. Sáng sớm hôm sau, Jeannies ăn mặc chỉnh tề, vận bộ trang phục đẹp nhất, với quần xanh da trời và áo sơ-mi trắng đến gặp các sĩ quan Đức. Ngay lập tức, cả bọn vừa lính vừa sĩ quan vui nhộn hẳn lên, đề nghị tặng quà cho cô gái và đưa cô đi dạo trên bãi biển, nhưng Jeannie từ chối tất.

Chân dung Georges Lamarque.

Sau này, trong một dịp trò chuyện với báo chí thập niên 90 thế kỷ XX, bà Jeannie de Clarens cho rằng, bọn lính Đức thời đó rất vui khi có được người biết nói tiếng Đức để trò chuyện và lại rất muốn được mọi người xung quanh tỏ lòng ưa thích chúng. Thời đó, Jeannie mới 21 tuổi, nét trẻ trung và xinh đẹp đã hút hồn người đối diện ngay lần gặp đầu tiên, khiến những tên lính Đức yên tâm, tin tưởng rằng người đẹp như cô không thể làm điều gì xấu xa.

Rồi một ngày tháng 9-1940, một người đàn ông từ thị trấn Saint-Brieuc đến thăm gia đình Jeannie. Ông ta yêu cầu cô kể lại những thông tin cô nghe được trong lúc trò chuyện với bọn lính Đức.

Jeannie mau mắn hỏi lại ngay: "Thế nghe xong rồi mà không truyền đạt lại thì có ý nghĩa gì chứ?". Thế là chẳng mấy chốc, người Anh đã nhận được rất nhiều thông tin tình báo về các hoạt động của bọn lính Đức ở khu vực Dinard. Thông tin tình báo được truyền về nhiều đến mức bọn gián điệp phát xít Đức ở London đánh hơi biết được có nguồn rò rỉ thông tin, và chúng nghi ngờ có gián điệp trà trộn trong nội bộ quân Đức ở Dinard.

Không lâu sau, Jeannie bị Gestapo bắt vào tháng 1-1941 và bị giam tại một nhà tù ở Rennes. Quân phát xít Đức mở một phiên tòa án binh để xét xử Jeannie, nhưng bọn lính ở Dinard cứ khăng khăng bảo đảm rằng, cô phiên dịch xinh đẹp của chúng không đời nào là một điệp viên. Thế là Jeannie được trả tự do, nhưng phải nhận hình phạt là buộc rời khỏi vùng duyên hải Dinard.

Jeannie giấu kín, không để cho cha mẹ biết chuyện vừa xảy ra giữa cô với bọn lính Đức, âm thầm khăn gói rời khỏi nhà, tức tốc lên Paris. Jeannie vừa nghe được thông tin ở Paris có mở một lớp học căn bản về nghề gián điệp, lại còn được trả tiền để theo học nữa. Trong khi đó, sau khi bị trục xuất khỏi thị trấn Dinard, Jeannie hiện cũng đang cần tìm một việc làm mới có thể tạo điều kiện cho cô tiếp cận được với thông tin nhạy cảm thật sự. Đó không phải là một công việc thông thường, mà là công việc "vào hang hùm".

Chẳng bao lâu sau, Jeannie đã tìm được cho mình một công việc mà cô cho là thú vị. Hội sở các nhà công thương nghiệp Pháp (ngày nay là Phòng Thương mại và công nghiệp) cần tìm một phiên dịch tiếng Đức làm việc tại văn phòng nằm trên phố St. Augustin. Jeannie nhận làm việc ngay, rồi không lâu sau trở thành nhân sự lãnh đạo cao cấp của tổ chức này. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng là Jeannie có điều kiện thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với các chỉ huy quân đội Đức trú đóng tại Khách sạn Majestic.

Jeannie đến gặp gỡ bọn sĩ quan Đức hầu như hàng ngày để thảo luận các vấn đề về kinh doanh thương mại. Cô giả vờ than phiền với bọn chỉ huy về tình trạng bị bọn lính Đức canh gác kho hàng hóa quá nghiêm ngặt, đồng thời chào mời bán cho bọn Đức những lô hàng sắt thép và cao su mà bọn chúng rấn cần mua để chế tạo vũ khí.

Thông qua những câu chuyện làm ăn hàng ngày đó, Jeannie đã thu thập và tích lũy được khá nhiều thông tin tình báo. Nhưng khối lượng thông tin tình báo đó có nguy cơ bị bỏ phí vì Jeannie chẳng tìm được ai để mà chuyển đi.

Và định mệnh đã cho Jeannie một cơ hội tình cờ - đó là lần gặp tình cờ giữa cô và người bạn cũ Lamarque trên chuyến tàu đêm mùa thu năm 1941. Lamarque năm đó khoảng 28-29 tuổi, vóc người to lớn đầy đặn, không điển trai nhưng cương nghị, quả quyết và thông minh.

Còn Jeannie 23 tuổi, nhỏ nhắn và yểu điệu, nhưng tinh ranh, hoạt bát, táo bạo và dám mạo hiểm. Trong câu chuyện thì thầm của hai người trên chuyến tàu đêm đó, Jeannie kể cho Lamarque nghe về công việc của cô, về bọn lính Đức và những thông tin mà bọn chúng cung cấp cho cô thông qua những cuộc trò chuyện phiếm hàng ngày của chúng. Lamarque cũng kể cho Jeannie nghe về việc anh đang làm là xây dựng một "tụ điểm nhỏ" để thu thập thông tin tình báo. "Cô có muốn làm việc cho tôi không?" - Lamarque hỏi.

Không một chút do dự, Jeannie nhận lời ngay. Jeannie kể cho Lamarque nghe về một số văn phòng và cơ quan của bọn Đức đóng tại Khách sạn Majestic, và dường như bọn Đức đang nghiên cứu về những dự án vũ khí đặc biệt nào đó. Jeannie nghĩ mình cần tìm cách để vào bên trong nơi được canh gác nghiêm ngặt đó.

Vậy là mọi chuyện đã bắt đầu. Lamarque đưa Jeannie vào mạng lưới tình báo nhỏ của anh, được biết với tên gọi là "Druids", và đặt cho thành viên mới mật danh "Amniarix". Mọi việc diễn ra hết sức dễ dàng cho Jeannie. Vận dụng trí nhớ cực tốt, cô nhớ tất cả các chi tiết về các nhà máy và hàng hóa của bọn Đức. Nhiệm vụ của cô và mạng lưới tình báo của Lamarque là nghiên cứu, tìm hiểu để biết càng nhiều càng tốt những gì bọn Đức đang có, những gì chúng đang thực hiện.

May mắn dường như luôn mỉm cười với Jeannie vì cô gặp ngay những sĩ quan Đức từng quen biết, kết bạn với cô thời còn ở Dinard. Những sĩ quan Đức đó giờ được chuyển đến làm việc cho một dự án bí mật, và họ lại giới thiệu cô với những "người bạn" của họ. Đến năm 1943, Jeannie đã có thể nghe ngóng được những thông tin nhạy cảm nhất - đó là những câu chuyện về các vũ khí đặc biệt đang được chế tạo ở miền Đông nước Đức. Cả Jeannie và Lamarque đều hiểu rằng, mình đang tiếp cận những bí mật lớn nhất của cuộc chiến.

Nhưng làm thế nào để khiến bọn lính Đức chịu nói ra hết sự thật? Một câu hỏi hóc búa bật ra trong suy nghĩ: Tại sao bọn sĩ quan cao cấp chịu trách nhiệm phát triển một loại vũ khí có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh có thể chuyển giao bí mật cho một cô gái 23 tuổi được chứ?

Thế nhưng điều "không thể" ấy đã trở thành "có thể" với một cô gái thông minh, lém lỉnh và cả liều lĩnh nữa. Jeannie khẳng định, mình không moi móc thông tin tình báo theo kiểu "Mata Hari" - nghĩa là dùng mỹ nhân kế, đổi thân xác lấy thông tin tình báo. Jeannie chỉ dựa chủ yếu vào tài giảo hoạt của bản thân và cả sự ngu ngốc của bọn lính Đức.

Bọn sĩ quan Đức có kỷ luật nghiêm và đoàn kết chặt chẽ. Bọn chúng thường tụ tập tại một căn nhà trên đại lộ Hoche, ăn uống, nhậu nhẹt và nói chuyện. Thường thì bọn chúng thích sự có mặt của "người bạn Pháp" xinh đẹp nói tiếng Đức sành sỏi - người mà cả bọn đều muốn lên giường nhưng luôn luôn bị người đẹp từ chối, bởi thế mà cả bọn càng thấy hứng thú. Bọn chúng thoải mái nói chuyện về công việc trước sự có mặt của Jeannie mà không e ngại, đề phòng gì cả.

Nhưng bọn chúng cũng chẳng để ý gì đến Jeannie, không nói những điều mà cô muốn nghe để ghi nhớ vào bộ nhớ siêu việt của mình. Vậy làm sao đây? Jeannie bắt đầu dùng kế "khích" để chúng nói. Cô giả vờ ngây ngô không hiểu, bảo rằng chúng "điên mới có thể chế tạo thứ vũ khí có thể bay xa hàng trăm dặm và bay nhanh hơn máy bay". Rồi Jeannie cứ liên tục nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu nói: "Điều các vị nói không thể có thật được". "Tôi sẽ cho cô xem" - tên sĩ quan Đức mất kiên nhẫn, lên tiếng. "Bằng cách nào?" - Jeannie hỏi khích.

Thế là tên sĩ quan Đức lấy tài liệu trải ra và giải thích cho bà hiểu làm cách nào để đi vào khu vực thử bom ở Peenemunde, những cung đường đèo dốc hiểm trở, còn giải thích cho Jeannie biết các màu vẽ trên bản tài liệu đó có ý nghĩa là gì. Jeannie dùng bộ nhớ siêu đẳng của mình ghi lại hết những hình ảnh và lời nói của tên sĩ quan Đức. Để gây ấn tượng với người đẹp, bọn chúng thậm chí còn đưa cho cô xem cả bản vẽ quả tên lửa.

Sau cuộc nói chuyện đó, Jeannie tìm đến căn nhà an toàn nơi Lamarque đang chờ sẵn ở phố Fabert. Jeannie ghi chép lại và chuyển giao cho Lamarque tất cả những gì cô ghi nhớ được từ bọn sĩ quan Đức. Sau đó, Lamarque truyền thông tin về cho cơ quan tình báo Anh kèm theo lời xác nhận "nguồn tin đáng tin cậy". Và mọi việc cứ diễn ra như cứ thế, đến tháng 9-1943, Jeannie hầu như đã thu thập đầy đủ thông tin về quả tên lửa V-2 và làm một báo cáo gửi về London.

Nguyên Khang (theo Washington Post)
.
.