Odebrecht SA, tâm điểm của bê bối tham nhũng xuyên Mỹ Latinh

Thứ Năm, 30/03/2017, 17:45
Ngày 28-3, một danh sách gồm hơn 200 chính trị gia bị nghi liên quan đến scandal tham nhũng, hối lộ trong Tập đoàn Cơ khí và xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh Odebrecht SA đã được nộp lên Tòa án Tối cao Brazil. Trước đó, công tố viên của 15 nước Mỹ Latinh nhóm họp tại thủ đô Brasilia của Brazil để thảo luận biện pháp đối phó với bê bối này.


Cuộc điều tra ở 15 nước

Theo tin từ hãng Reuters, công tố viên của 15 nước Mỹ Latinh đã nhóm họp trong 2 ngày 16 và 17 tháng 2, dưới sự chủ trì của Trưởng Công tố viên nước chủ nhà Rodrigo Janot. Các công tố viên đã được cung cấp những thông tin cụ thể liên quan đến cuộc điều tra về vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Odebrecht SA trong đó có bản thừa nhận của giới chức Odebrecht SA rằng họ đã chi tới gần 800 triệu USD cho nhiều nhân vật tại 13 quốc gia ở Mỹ Latinh gồm Antigua & Barbuda, Argentina, Chile, Colombia, CH Dominicana, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Mexico, Mozambique, Panama, Peru và Venezuela...

Những khoản tiền hối lộ này là nhằm mục đích giúp giới chức Odebrecht tìm kiếm được sự ủng hộ và ưu ái của chính quyền các nước trong các dự án xây dựng.

Tập đoàn Odebrecht SA của Brazil có trụ sở tại Sao Paulo. Ảnh: Getty.

Hãng CNN cho biết, Tập đoàn Odebrecht đã nhất trí sẽ trả khoản tiền phạt 3,5 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ để dàn xếp các vụ kiện tụng. 77 giám đốc của Odebrecht SA cũng đã ký thỏa thuận cung cấp thông tin liên quan đến hành động phi pháp của tập đoàn với các công tố viên Brazil để đổi lấy sự khoan hồng.

Trong khi đó, tờ The New Strait Times thì khẳng định, cuộc họp giữa công tố viên của 15 quốc gia được tiến hành sau khi công tố viên Brazil thu thập được thêm 83 bằng chứng mới chứng minh sự liên quan giữa nhiều quan chức ở các nước Mỹ Latinh với những vụ làm ăn mờ ám của Tập đoàn Odebrecht SA.

Odebrecht SA được Norberto Odebrecht thành lập vào năm 1944 ở phía đông bắc bang Bahia. Hiện điều hành tập đoàn là Marcelo Odebrecht, cháu trai của ông Norberto Odebrecht. Công ty hàng đầu trong Tập đoàn Odebrecht SA là Norberto Odebrecht Contrutora và tập đoàn còn nắm quyền kiểm soát Braskem, công ty hóa dầu lớn thứ 5 thế giới với lượng hàng xuất khẩu tới 60 quốc gia trên khắp các châu lục...

Cảnh sát Brazil đã bắt giữ người đứng đầu Tập đoàn Odebrecht SA Marcelo Odebrecht. Ảnh: Reuters.

Tính đến năm 2015, tập đoàn này đã có 128.000 nhân viên với tổng doanh thu lên tới 39 tỷ USD và hoạt động tại 25 quốc gia. Sau khi bị điều tra, Odebrecht SA đã giảm bớt số lượng nhân viên xuống còn 80.000 người. Các sản phẩm mà Odebrecht SA làm ra được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia.

Các điều tra viên cấp cao ở Brazil cho biết, hàng chục năm qua, Tập đoàn Odebrecht SA đã “tích cực” trong việc hối lộ các chính trị gia để giúp bảo đảm hợp đồng xây dựng, nhất là những hợp đồng có liên quan đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Việc hối lộ chuyên sâu đến mức Odebrecht SA có cả một bộ phận riêng để quản lý mọi thứ.

Và bản “danh sách đen đáng giá”

Cho đến nay, ít nhất 14 lãnh đạo của Odebrecht SA đã bị cảnh sát Brazil bắt giữ để điều tra liên quan đến bê bối tham nhũng. Các cơ quan chức năng Brazil cũng đã tìm thấy bằng chứng về việc Odebrecht SA sử dụng hình thức phân chia cấu trúc để phối hợp thanh toán các khoản hối lộ một cách có hệ thống.

Thẩm phán liên bang Brazil Sergio Moro còn nộp lên Tòa án Tối cao nước này các tài liệu thu được tại trụ sở chính của Tập đoàn Odebrecht SA, trong đó bao gồm một danh sách hơn 200 chính trị gia bị nghi liên quan đến tham nhũng. Thẩm phán Sergio Moro tiết lộ rằng, 200 chính trị gia này thuộc 24 đảng phái khác nhau trong đó có cả đảng Lao động cầm quyền (PT), các đảng đối lập...

Hình thức hối lộ cho PT rất nhiều gồm cả việc quyên góp tiền cho chiến dịch tranh cử của tổng thống bị phế truất Dilma Rousseff và trợ giúp Thượng nghị sĩ Aecio Neves thuộc đảng Xã hội dân chủ (PSDB). Cũng theo lời của thẩm phán liên bang Sergio Moro thì trong lúc bị “sa lầy” vào bê bối của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras, bà Dilma Rousseff tiếp tục bị nêu tên trong bê bối của Odebrecht.

Hàng loạt quan chức chính phủ Colombia liên quan đến vụ bê bối của Odebrecht SA. Ảnh: dronestagra.

Hơn nữa, Tập đoàn Odebrecht SA cũng là tâm điểm của vụ bê bối ở Petrobras vì đã dùng tiền để mua chuộc sự ưng thuận cho các dự án lớn của Petrobras tại Brazil cũng như ở nước ngoài. Đáng chú ý là hiện nay, cựu Chủ tịch Hạ viện Brazil Eduardo Cunha, người bị bãi nhiệm vì cáo buộc nhận 5 triệu USD tiền hối lộ trong vụ bê bối của Petrobras đã cáo buộc bà Dilma Rousseff và cả Tổng thống tạm quyền Michel Temer là mắt xích quan trọng trong vụ án. Điều này khiến tỷ lệ ủng hộ ông Michel Temer trước thềm cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2018 liên tục giảm (xuống còn 19%) trong khi tỷ lệ ủng hộ cựu Tổng thống Lula da Silva lại tăng (khoảng 50%).

Trong khi đó, tại Colombia, chính trường cũng trở nên náo loạn bởi những bê bối liên quan đến Odebrecht. Theo một số tờ báo địa phương, cả đương kim Tổng thống Juan Manuel Santos cùng các đối thủ chính trị của ông trong cuộc bầu cử trước đó đều nhận hối lộ từ Odebrecht SA.

Hồi đầu tháng 3 vừa qua, sau khi công tố viên của 15 nước Mỹ Latinh nhóm họp, ông Juan Manuel Santos đã lên tiếng thừa nhận rằng ông đã nhận những khoản tiền lớn, bất hợp pháp từ Odebrecht SA trong cuộc vận động tranh cử năm 2010 và cầu xin người dân Colombia tha thứ. Tổng thống Colombia nói: “Tôi xin gửi lời xin lỗi sâu sắc tới mọi người và xin người dân Colombia tha thứ cho sai lầm này. Tôi sẽ không bao giờ để việc này xảy ra một lần nữa”.

Tuy nhiên, nhiều chính trị gia đối lập tại Colombia lại chưa hài lòng với lời xin lỗi này vì theo quy định trong Hiến pháp Colombia, việc nhận hỗ trợ tài chính từ một công ty nước ngoài là phạm pháp và sẽ phải truy tố. Vì thế, các đảng phái chính trị khác ở Colombia cũng đang muốn nhân cơ hội này để bôi xấu hình ảnh của ứng viên tổng thống đảng cầm quyền U Party của ông Santos và đòi điều tra tiếp về cuộc vận động tranh cử năm 2014.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Colombia Nestor Humberto Martinez cho biết, một tòa án bầu cử đang điều tra những cáo buộc về việc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Juan Manuel Santos vào năm 2014 đã được Tập đoàn Odebrecht SA tài trợ số tiền 1 triệu USD. Và cuộc điều tra này đã có bước ngoặt mới khi một Thượng nghị sĩ tên là Otto Bula khai rằng hồi đầu năm 2017 ông đã nhận được 4,6 triệu USD từ Tập đoàn Odebrecht để đổi lại sự ủng hộ trong một hợp đồng xây dựng.

Số tiền này, theo ông Otto Bula, đã được dùng trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Santos năm 2014. Bản thân ông Bula cũng đã chuyển cho giám đốc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Santos, ông Roberto Prieto 1 triệu USD. Nhưng ông Prieto đã phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc từ ông Bula. Ngoài ra Quốc vụ khanh phụ trách minh bạch của Phủ Tổng thống Colombia Camilo Enciso cũng khẳng định những cáo buộc trên là sai lầm.

Trong khi đó, Tập đoàn Odebrecht SA cho biết đã đưa hối lộ tới 92 triệu USD cho các quan chức Colombia để giành được các hợp đồng về xây dựng và phát triển hạ tầng dài hạn.

Tờ Colombia Reporter dẫn lời của Tổng Chưởng lý Colombia Nestor Humberto Martinez cho biết, danh sách các chính trị gia nước này từng nhận tiền của Tập đoàn Odebrecht SA ngày càng nhiều. Thậm chí, cơ quan điều tra hiện còn nắm trong tay danh sách của các thành viên chính quyền Tổng thống đương nhiệm Juan Manuel và các thành viên của chính quyền cựu Tổng thống Alvaro Uribe (2002-2010) từng nhận tiền của Tập đoàn Odebrecht SA.

Tổng thống Colombia Juan Manuel bị cáo buộc từng nhận tiền của Tập đoàn Odebrecht SA. Ảnh: bogota2016.

Cụ thể, dưới thời Tổng thống Alvaro Uribe có Thứ trưởng Bộ Giao thông Gabriel Garcia với số tiền nhận là 6,5 triệu USD cho việc giúp tập đoàn này thắng thầu làm đường cao tốc Ruta del Sol giai đoạn 2 nối miền Trung Colombia với bờ biển Caribbea. Ông này cũng là quan chức Chính phủ Colombia đầu tiên bị bắt vì bê bối của Odebrecht SA và hiện đang bị giam giữ tại nhà tù La Picota ở thủ đô Bogota.

Liên quan đến vụ bê bối thắng thầu làm đường cao tốc Ruta del Sol giai đoạn 2 của Odebrecht SA còn có Thứ trưởng Bộ Giao thông Juan Ricardo Neoro. Tiếp đến là Bộ trưởng Tài chính Oscar Ivan Zuluaga, cựu ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ trung hữu năm 2014 với cáo buộc nhận 1,6 triệu USD tiền của Odebrecht SA góp cho cuộc tranh cử. Vì những cáo buộc này, ông Ivan Zuluaga cũng đã quyết định không tham gia tranh cử Tổng thống Colombia vào năm 2018.

2 cố vấn của cựu Tổng thống Alvaro Uribe là Miguel Penaloza và Mateo Restrepo cũng đều liên quan đến vụ bê bối xây dựng đường cao tốc Rutal de Sol. Người cuối cùng trong danh sách này là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rafael Nieto. Mặc dù biết rõ các vụ hối lộ nhưng ông này đã từ chối mở cuộc điều tra.

Dưới thời Tổng thống đương nhiệm Juan Manuel Santos, từ năm 2010 đến nay, số các thành viên chính phủ liên quan đến bê bối tham nhũng cũng không phải ít. Đầu tiên là người đứng đầu cơ quan phát triển hạ tầng quốc gia Colombia Luis Fernando Adrabe. Ông này đã bị thẩm vấn hồi cuối tháng 2 vì hậu thuẫn cho Odebrecht SA thắng thầu xây dựng tuyến đường Ruta del Sol và đường Ocana-Gamarra.

Cựu Bộ trưởng Giáo dục Gina Parody và cựu Bộ trưởng Alvarez Correa cũng vậy. Đặc biệt, còn có 3 Thượng nghị sĩ trong Quốc hội là Thượng nghị sĩ Pinio Olano, Thượng nghị sĩ Bernardo Nono Elias và Thượng nghị sĩ Otto Bula...

Còn tại Panama, nhiều quan chức và doanh nhân nước này đã bị cáo buộc liên quan tới bê bối Odebrecht SA, trong đó có cả Tổng thống Panama Juan Carlos Varela. Mặc dù Tổng thống Panama Juan Carlos Varela đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc của ông Ramon Fonseca, một trong hai cổ đông chính của Công ty Mossack-Fonseca, về việc nhận tiền vận động quyên góp từ Tập đoàn Odebrecht SA nhưng không phải ai cũng tin vào lời của ông.

Ông Ramon Fonseca, người đang bị Bộ Tư pháp Panama truy tố vì tội rửa tiền, đã khai rằng, Tổng thống Varela từng nói với ông rằng đã nhận tiền đóng góp từ Odebrecht SA. Ngoài ra, ông Fonseca từng đặt câu hỏi về quá trình thẩm tra sơ sài trong dự án xây dựng giai đoạn 3 một con đường mang tên Cinta Costera tại thủ đô Panama do Odebrecht SA đảm nhiệm. Dự án này có giá trị thi công thực tế chỉ từ 200 đến 300 triệu USD, nhưng đã bị đội vốn lên tới 780 triệu USD.

Trả lời báo giới về vấn đề trên, Tổng thống Varela nhấn mạnh việc điều tra về các dự án của Odebrecht sẽ do Bộ Công cộng Panama đảm nhiệm. Trước đó, cơ quan công tố Panama đã buộc tội nhận hối lộ và rửa tiền đối với 17 cựu quan chức và doanh nhân nước này liên quan tới việc Odebrecht SA đưa hối lộ 59 triệu USD để nhận được các dự án công trị giá trên 9 tỷ USD tại quốc gia Trung Mỹ này.

Riêng ở Peru, viện kiểm sát đã yêu cầu tòa án ra lệnh bắt và giam giữ 18 tháng đối với cựu Tổng thống Alejandro Toledo, cầm quyền giai đoạn 2001-2006, để điều tra một số cáo buộc về tham nhũng, rửa tiền và lợi dụng chức quyền, liên quan đến vụ bê bối của Odebrecht SA.

Theo tờ El País của Tây Ban Nha, việc chuyển tiền hối lộ bắt đầu diễn ra từ cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông Toledo cho tới giữa năm 2008. Với hành vi này, Odebrecht SA đã giành được hợp đồng xây dựng tuyến đường bộ nối Peru với Brazil. Cũng theo tờ báo này, một trong những Giám đốc điều hành của Odebrecht SA đã liên hệ, nhờ doanh nhân Joseff Maiman, bạn thân của Tổng thống Toledo giúp đỡ trong việc đấu thầu. Sau đó, trong 3 năm liên tiếp, tập đoàn này đã chuyển số tiền 20 triệu USD cho các công ty khác nhau thông qua tài khoản của ông Maiman tại các ngân hàng Citibank và Barclays PLC.

Nhóm phụ trách điều tra vụ việc đã lần ra dấu vết của 11 triệu trong tổng số tiền 20 triệu USD mà cựu Tổng thống Toledo đã nhận. Được biết, hiện Mỹ, Argentina, Pháp, Thụy Sĩ và Bồ Đào Nha cũng đang ráo riết mở các cuộc điều tra về những dự án xây dựng có liên quan đến Tập đoàn Odebrecht SA.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.