Phía sau "sự cố thính giác" của các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba

Thứ Ba, 05/09/2017, 22:00
Liên quan tới việc các nhà ngoại giao Mỹ gặp "sự cố thính giác" trong thời gian gần đây, một số nguồn tin dần hé lộ cho thấy rất có thể đây là một chiến dịch mạo danh của một tổ chức tình báo nước ngoài hoặc chính nước Mỹ cấu kết với các nhóm phản động lưu vong, các nhóm cực hữu hay diều hâu, nhằm theo đuổi các mục tiêu phá hoại quan hệ song phương giữa Cuba và Mỹ.


Mỹ không đổ lỗi cho Cuba

Ngày 25-8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết 16 nhân viên ở đại sứ quán Mỹ tại Cuba bị tấn công bằng vũ khí âm thanh bí ẩn. "Chúng tôi có thể xác nhận ít nhất 16 nhân viên chính phủ, thành viên của sứ quán, đã trải qua những dấu hiệu của một cuộc tấn công bằng âm thanh", AP dẫn lời nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert.

Giới chức Mỹ cũng kết luận "thủ phạm" là một loại thiết bị sóng âm được đặt trong hoặc ngoài nơi họ cư trú. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thiết bị này được sử dụng như vũ khí tấn công hay có những mục đích khác.

Bí ẩn quanh vụ việc càng gia tăng sau khi chính phủ Canada cũng cho biết một nhà ngoại giao của họ tại Cuba đang bị mất thính giác. Theo một số chuyên gia, Cuba có quan hệ rất tốt với Canada, một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất nên càng khó hiểu.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert. Ảnh: C-span.

Hiện chưa rõ nguyên nhân có liên quan đến việc Canada làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Cuba, góp phần giúp 2 nước bình thường hóa quan hệ hay không. Tuy nhiên đã có giả thiết ban đầu cho thấy đã có bàn tay can thiệp từ các thế lực tình báo muốn phá hoại tiến trình bình thường hóa của Cuba với Mỹ.

Phía Mỹ cho rằng nhân viên của nước này bị tấn công bằng âm thanh, song không đổ lỗi cho Cuba. Theo một số chuyên gia, thật vô lý nếu Cuba cố tình gây hại các nhà ngoại giao Mỹ về mặt thể chất. "Cuba chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ cho phép sử dụng lãnh thổ Cuba cho bất kỳ hành động nào nhằm gây hại các nhà ngoại giao chính thức hay gia đình của họ" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao khẳng định. Havana cho biết đã lập một ủy ban điều tra và cho tăng cường an ninh tại đại sứ quán và nơi ở của các nhà ngoại giao Mỹ ở Havana sau khi nhận được thông tin về vụ việc.

Giả thiết về "vũ khí" bí ẩn

Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh ngoại giao Mỹ đang nỗ lực tìm câu trả lời cho những thắc mắc nói trên. Có ý kiến cho rằng một số nhân vật nào đó trong cộng đồng tình báo tự ý gây ra vụ việc nhằm phá hoại nỗ lực hòa giải được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama theo đuổi.

Một giả thuyết được nói đến nhiều hơn là một loại công nghệ nghe lén mới nào đó bị trục trặc ngoài dự kiến. Trong khi đó có giả thiết khác mà phía Mỹ quan tâm và tập trung điều tra, đó là khả năng một nước thứ ba đã "ra tay" mà các cơ quan an ninh hai nước đều không biết. CNN đưa tin một số quan chức giấu tên tiết lộ: Có một nước thứ ba lặng lẽ ra tay nhằm phá hoại quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba.

Ông Benjamin J. Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia thời ông Obama, cũng nói với tờ The New York Times rằng thật vô lý nếu Cuba cố tình gây hại các nhà ngoại giao Mỹ về mặt thể chất.

Ngày 25-8, báo Guardian đưa tin hai cựu quan chức Mỹ có kinh nghiệm tình báo nói: Họ không tin những triệu chứng sức khỏe của các nhân viên là hậu quả của một vụ tấn công bằng vũ khí âm thanh. Hai quan chức tình báo Mỹ nói những triệu chứng này có thể do một thiết bị âm thanh hiện đại, hoạt động ngoài dải tần có thể nghe được của người. Thiết bị này được cho là cài đặt trong hoặc ngoài nơi ở của các nhân viên Sứ quán Mỹ tại Havana. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói không phát hiện thiết bị hoặc kẻ xâm nhập nào, và chính quyền Cuba đang hợp tác với cuộc điều tra của Mỹ.

Còn James Lewis, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, và là cố vấn quân sự có kinh nghiệm về tình báo và công nghệ do thám cho rằng rất có thể vũ khí tấn công là một thiết bị nghe lén, được thiết kế để từ xa ghi nhận sóng âm phát từ tiếng nói. John Sipher, người có 28 năm làm việc ở Sở mật vụ quốc gia (NSC, thuộc CIA) nói, rất hiếm chuyện tấn công trực tiếp vào các nhà ngoại giao Mỹ. Theo Guardian, lực lượng an ninh các nước trên thế giới cũng phát triển vũ khí âm thanh.

Bộ Quốc phòng Israel có một thiết bị phát sóng tên là "Tiếng thét", trong khi các tuần dương hạm Mỹ có "đại bác âm thanh", phát tiếng ồn chói tai quá 300 mét để chống hải tặc tấn công. Nhưng các vũ khí này có hiệu quả gây tê liệt tức thì. Trong khi đó, những gì xảy ra ở Havana xem ra tác động dần dần và "nhẹ nhàng" lên các nạn nhân.

James Carson, cựu trưởng phòng Quan hệ Hoa Kỳ tại Havana, nói: "Nó giống như một thí nghiệm khoa học". Phần lớn, dường như nạn nhân không nghe thấy bất cứ điều gì, có nghĩa là thiết bị hoạt động bên ngoài phạm vi âm thanh. Tuy nhiên, báo cáo của CNN cho hay, có 2 quan chức đã cùng mô tả "một âm thanh lớn như tiếng ồn của côn trùng hoặc kim loại cạo trên sàn nhà", mặc dù không ai biết âm thanh đó đến từ đâu.

Toby Heys, lãnh đạo trung tâm nghiên cứu công nghệ tương lai của Đại học Manchester Metropolitan, nói rằng, có thể đó là sóng hạ âm ở tần số thấp hơn mức con người có thể nghe được - gây ra các vấn đề về thính giác. Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng, để làm được điều này thì cần phải có một lượng loa trầm lớn, khiến việc triển khai bí mật là điều không thể.

Các thiết bị siêu âm, hoạt động trên phạm vi của thính giác con người, có thể làm hỏng tai, Heys nói, nhưng những thứ này cần phải được nhắm trực tiếp vào tai. Horowitz cho rằng, nếu không có bằng chứng chính xác về vũ khí này, vụ việc này nên được coi là một chuyện không mang tính vấn đề về chính trị, thay vào đó là các vấn đề về y tế nên được xem xét.

Vũ khí âm thanh đã từng được sử dụng nhưng phần lớn chúng "rất dễ nhìn thấy và dễ dàng để tránh", theo Horowitz. Những vũ khí như vậy bao gồm các thiết bị âm thanh tầm xa LRAD (viết tắt của "Long Range Acoustic Dispositive"), phát ra âm thanh cực lớn, có thể gây hại cho thính giác của người đứng cách xa nó hơn 270m.

Trong thời gian gần đây, các vũ khí gây tác động tới thính lực đã trở thành một công cụ khá phổ biến trong việc đàn áp biểu tình, chúng có thể phát ra các sóng âm ở dưới hoặc cao hơn khoảng âm tần từ 20Khz tới 300Khz mà tai người có thể cảm nhận được, và khiến các nạn nhân chóng mặt, đau đầu, mất định hướng và thính lực tạm thời. Nổi bật trong số các vũ khí gây tác động tới thính lực này là cái được gọi là "đại bác sóng âm".

Những kẻ trục lợi khi làm cho mối quan hệ Mỹ-Cuba bất hòa

Mạng tin Cartas desde Cuba (Thư từ Cuba) nhận định, thật khó để tin đây là sự thật rằng Cuba có vũ khí âm học mà Lầu Năm Góc không biết, và được sử dụng khiến các nhà ngoại giao Mỹ tại La Habana giảm thính lực.

Sự kiện này làm gợi lại một lời cáo buộc khác từng được một tờ báo tại bang Florida (nơi tập trung đa số kiều dân Cuba tại Mỹ và là thành trì của giới phản động lưu vong) đưa ra, cho rằng các cuộc tấn công du khách du lịch của cá mập tại một số bãi biển của bang nhiệt đới này là do người Cuba đã huấn luyện. Rõ ràng, cái gọi là sự tồn tại "vũ khí âm học của Cuba" là một lời đồn thổi vô căn cứ. Giống như "lời đồn thổi" Iraq sở hữu "vũ khí hủy diệt hàng loạt" cũng từng tồn tại vậy.

Thiết bị LRAD được lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ triển khai. Ảnh: Wired.

Nếu đúng như những thông tin được đưa ra cho tới nay, đây có thể là một nỗ lực của phe phái nào đó nhằm tẩy chay quá trình bình thường hóa quan hệ và chắc hẳn do vậy mà thông tin này được bảo mật trong nhiều tháng. Những câu hỏi được đặt ra hiện tại là: Vì sao thông tin này lại bị "rò rỉ" vào thời điểm này, và người công bố thông tin này vào thời điểm hiện tại có phải đang theo đuổi một mục đích chính trị nào không?

Mỗi hành vi phạm tội đều cần có một động cơ và xét tới bối cảnh đàm phán song phương thì có 2 thành phần có động cơ phá hoại tiến trình "xích lại gần nhau" giữa La Habana và Washington, đó là giới cực đoan tại Cuba và thậm chí có cả giới diều hâu tại Mỹ, khi cả hai thế lực này đều "ổn" trong môi trường đối đầu hơn là môi trường hòa bình.

Trả lời mạng Cibercuba, Cơ quan tư vấn tình báo và cố vấn an ninh Tây Ban Nha (AICS) cho biết, chỉ một hành động quét dò đơn giản cũng có thể tìm ra các thiết bị nghe trộm và việc phát hiện ra một mối đe dọa bằng âm thanh là tương đối đơn giản bởi vì "để thực hiện một cuộc tấn công bằng sóng siêu âm cần phải có nguồn phát, thậm chí phải đặt ở một khoảng cách nhất định với đối tượng bị hại và sẽ bị định vị bằng những hệ thống phát hiện sóng âm hiện tại".

Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhân viên của họ bị tấn công bằng một vũ khí âm học bí hiểm. Sự nguy hiểm ở đây nằm ở việc ý tưởng bị gieo rắc vào đầu độc giả, vì dù là dưới hình thức bông đùa hay nghiêm túc, mọi người đều nói về những "vũ khí âm học" và "tấn công bằng sóng âm" như thể rằng loại hình chiến tranh này - một trong vô số các loại hình hủy diệt đã được phát triển - đã được sử dụng từ lâu vậy.

Một chiến dịch truyền thông được tổ chức tốt có thể mang lại kết quả vang dội, thậm chí nhiều khi nằm ngoài chủ đích của chính một số phương tiện truyền thông bị lợi dụng. Hiện vẫn còn sớm để biết liệu việc "rò rỉ thông tin" này có phải là một phần của kế hoạch nhằm đảo ngược tiến trình cải thiện quan hệ song phương hiện tại. Rõ ràng cả Mỹ và Cuba cần tỉnh táo để vượt qua cạm bẫy này.

Một chiến dịch tình báo?

Tất nhiên, do sự việc diễn ra tại La Habana, nên theo phản xạ suy luận đơn giản, Chính phủ Cuba bị coi là "nghi phạm" đầu tiên. Tuy nhiên thay vì tìm lời giải cho một sự phi lý rằng vì sao Chính phủ Cuba lại "tự bắn vào chân mình" bằng một hành động thô thiển và không mang lại lợi ích gì ngay trên chính lãnh thổ của mình như vậy, các phương tiện truyền thông phương Tây lập tức coi như đây là điều hiển nhiên và lái vấn đề sang hướng khác như ai đã trợ giúp La Habana thực hiện các cuộc tấn công trên, hay Washington nên trả đũa ra sao...

Nhưng chính điều này khiến các nhà quan sát và những độc giả nghiêm túc - những người đã quá quen với với khả năng "nhào nặn sự thật" của các phương tiện truyền thông phương Tây - hướng tới câu hỏi liệu ai là thủ phạm thực sự và động cơ của chúng là gì?

Vậy những thế lực phản động đen tối này nguy hiểm như thế nào đối với hai nước trong bối cảnh mới? Câu trả lời đã rõ ràng. Có những thế lực tại Mỹ kiểm soát các đơn vị tình báo và dính dáng tới các "chiến dịch đen", đặc biệt là các chiến dịch mạo danh các thế lực nước ngoài. Tác giả Alvarado Godoy từng cảnh báo: "Không còn nghi ngờ gì nữa những thế lực mờ ám của giới hữu khuynh cùng những tay sai khủng bố gốc Cuba hoặc có quốc tịch khác của chúng, đang chuẩn bị để thực hiện những hành động vũ lực nhắm vào một số mục tiêu đã được lựa chọn để phá hoại, gieo rắc nghi ngờ và đẩy quá trình cải thiện quan hệ ngoại giao song phương vào vòng nguy hiểm.

Liệu Đại sứ quán Cuba tại Washington hay các cơ quan lãnh sự mà La Habana sẽ mở tại một số thành phố khác của Mỹ có thể là mục tiêu của các chiến dịch khủng bố nội địa nào đó của các nhóm phản động gốc Cuba lưu vong tại Mỹ, theo phong cách Omega 7 hay không (nhóm khủng bố gồm các thành viên là các cựu sĩ quan quân đội do CIA đào tạo, chuyên tiến hành các hành động cực đoan chống Cuba và chính các hành động cực đoan của nhóm này ngay tại nước Mỹ đã buộc FBI phải bắt các thủ lĩnh chính của nhóm?). Một hành động như vậy sẽ đặt Mỹ trước những chất vấn cứng rắn từ phía Cuba và phá hoại mối quan hệ vốn đầy phức tạp giữa hai nước.

Trong lịch sử, chính quyền cách mạng Cuba cũng chưa bao giờ cho phép quốc gia hay tổ chức cực đoan nào được tự do tiến hành những việc mang tính khủng bố hoặc có âm mưu hãm hại như vậy.

Tuy nhiên, nhiều phương tiện truyền thông phương Tây đã cố liên hệ vụ việc này với ý đồ rõ ràng là đổ lỗi cho Nga; đồng thời lập luận thô thiển về giả thuyết khác nhằm đổ lỗi cho các nước bạn bè với Cuba như Trung Quốc và Iran. Những gì diễn ra tại La Habana được các phương tiện truyền thông lớn của Mỹ như AP, CNN, Newsweek và The Washington Post đã thổi bùng lên. Xét tới các yếu tố, đây có thể là một chiến dịch mạo danh của CIA, hay một tổ chức tình báo khác cấu kết với các nhóm phản động thông đồng với chính giới cực hữu, diều hâu để phá hoại quan hệ song phương giữa Cuba và Mỹ.

Hoa Huyền
.
.