Căn cứ quân sự Guantanamo – “Mũi dao thọc sau lưng Cuba”

Thứ Ba, 18/07/2017, 15:57
Sau cuộc chiến tranh Hoa Kỳ - Tây Ban Nha trong năm 1898, vào năm 1904 Mỹ xâm chiếm vùng đất ven bờ vịnh Guantanamo ở phía cực đông quốc đảo Cuba, rồi thiết lập căn cứ hải quân tại đó. Đây là căn cứ quân sự hải ngoại lâu đời nhất của người Mỹ, cũng là căn cứ duy nhất nằm trong lòng lãnh thổ một quốc gia theo đường lối XHCN.

Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chiếm đóng Guantanamo mặc cho những phản ứng triền miên từ phía Chính phủ Cuba, thậm chí còn biến một phần căn cứ thành nhà ngục giam giữ các tù nhân đặc biệt nguy hiểm cho an ninh của nước Mỹ.

"Tiền đồn" Guantanamo được Washington không ngớt rêu rao là "góp phần gìn giữ nền độc lập của Cuba và bảo vệ dân chúng trên hòn đảo"(!). Đương nhiên là Chính phủ Mỹ muốn biện hộ cho những mục tiêu chiến lược của mình.

Toàn cảnh căn cứ Hải quân Guantanamo nhìn từ trên cao.

Căn cứ quân sự ở Guantanamo  là trung tâm huấn luyện quan trọng cho Hạm đội Đại Tây Dương, tức Hạm đội 2 của Hải quân Mỹ. Hàng năm có tới 40.000 lính thủy được đào tạo tại đây. Căn cứ chiếm khoảng diện tích 117km2, trong đó 1/3 là thuộc mặt nước của vịnh Guantanamo. Phần "biên giới" trên bộ với Cộng hòa Cuba bị ngăn cách bởi 3 vòng rào kẽm gai cao 2,5m và dài 27km, trải rộng trên khoảng diện tích 800ha trong đó 300ha được gài mìn. Theo số liệu của Sách Kỷ lục Guinness thì đây chính là bãi mìn lớn nhất thế giới.

Hiện hữu thường xuyên trong căn cứ có 7.000 người Mỹ gồm lính thủy đánh bộ, thủy thủ và nhân viên hậu cần. Đồng thời các quân nhân còn được phép đem gia đình tới cùng cư ngụ tại đây. Một tổng thể dịch vụ đã được thiết lập gồm siêu thị, câu lạc bộ thể thao, bệnh viện, đài truyền hình… chứng tỏ người Mỹ không muốn rời bỏ vùng "lãnh thổ hải ngoại" Guantanamo một chút nào. Để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho căn cứ, 4 cơ sở lọc nước biển thành nước ngọt đã được xây dựng.

Căn cứ hải quân Guantanamo luôn là "quả đắng" trong mối quan hệ giữa Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Cộng hòa Cuba. Khi vừa thoát khỏi ách đô hộ của Tây Ban Nha vào giữa tháng 8-1898, Cuba bị chinh phục ngay bởi lực lượng quân Mỹ sẵn có tại đây trong cuộc chiến Hoa Kỳ - Tây Ban Nha. Ngay từ năm 1903, Washington đã áp đặt cho Cuba hiệp định thuê mướn Guantanamo… vô thời hạn, với giá thuê vài trăm USD/năm mang tính tượng trưng. Nghị định Plat ký năm 1902, cũng như các điều khoản bổ sung thuộc Nghị định Plat ký năm 1934 giữa 2 nhà nước, không hề đề cập gì đến thời hạn thuê nhượng căn cứ.

Sau khi chính quyền cách mạng được thành lập vào đầu năm 1959, cuộc đấu tranh đòi hủy bỏ căn cứ Guantanamo đã được đem ra diễn đàn quốc tế. Cộng hòa Cuba đòi công nhận sự có mặt của căn cứ trên lãnh thổ của mình là phi pháp. Còn tại Liên Hợp Quốc đã phổ biến hàng loạt nghị quyết và văn kiện, kêu gọi sự triệt thoái các căn cứ quân sự nước ngoài tại các quốc gia thuộc thế giới thứ 3.

Vấn đề Guantanamo luôn được đưa ra trong mọi kỳ họp thượng đỉnh của Phong trào không liên kết, khởi đầu từ Hội nghị Beograd (Nam Tư cũ). Phía Cuba cũng luôn phản kháng về các vụ xâm phạm hải phận và không phận xuất phát từ căn cứ Mỹ. Chủ tịch Fidel Castro lúc sinh thời từng ví Guantanamo như "mũi dao thọc sau lưng Cuba", và ông khẳng định: "Chúng tôi không chuẩn bị loại trừ căn cứ bằng vũ lực, nhưng không bao giờ chúng tôi từ bỏ phần đất thiêng liêng này!".

Kim Dung (tổng hợp)
.
.