Quốc hội Mỹ điều tra vì sao các cơ quan tình báo “rơi vào điểm mù”

Thứ Năm, 05/11/2015, 09:30
Quốc hội Mỹ đang mở cuộc điều tra về hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ để tìm hiểu nguyên nhân vì sao giới chức chính quyền Mỹ phản ứng quá chậm khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, từ đó có thể dẫn đến các hệ quả tai hại cho chiến lược của Mỹ tại khu vực Trung Đông.

Mối bận tâm của Quốc hội Mỹ xuất phát từ việc các cơ quan tình báo Mỹ đã quá chậm chạp trong việc nắm bắt quy mô và ý định của nước Nga khi tiến hành hoạt động quân sự chống IS với cường độ mạnh tại Syria. Khoảng một tuần sau khi Nga dấn sâu vào chiến dịch không kích IS, các ủy ban tình báo của Thượng viện và Hạ viện Mỹ muốn kiểm tra xem cộng đồng tình báo nước này kiểm soát tình hình đến mức độ nào, hay là có sai lầm nào trong đánh giá các dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng hay không. Việc tìm ra các "điểm mù" lớn sẽ giúp Quốc hội Mỹ có cái nhìn đầy đủ hơn về các thiếu sót nghiêm trọng của tình báo Mỹ trong bối cảnh biến động toàn cầu, đặc biệt là trong đối sách mới với nước Nga.

Cộng đồng tình báo Mỹ bắt đầu quan tâm theo dõi nhất cử nhất động của nước Nga, đặc biệt là Tổng thống Putin kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, trước sau họ vẫn loay hoay khổ sở trong tình cảnh thiếu hụt nguồn khai thác thông tin tình báo đáng tin cậy. Từ cuộc khủng hoảng Ukraine cho đến Syria, điều dư luận thường thấy nhất chính là việc tình báo Mỹ hay bị "bất ngờ" bởi các động thái của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chẳng hạn, người Mỹ từng không kịp chuẩn bị tư thế đối phó với tình huống khi bán đảo Crimea trở về với nước Nga.

Tình báo Mỹ và Ukraine cũng không kịp chuẩn bị khi các lực lượng phiến quân ly khai triển khai hành động đánh chiếm các trụ sở cơ quan hành chính các tỉnh miền Đông Ukraine. Tại Syria, người Mỹ hoàn toàn không hay biết gì về các động thái chuẩn bị kỹ lưỡng từ bên trong của quân đội và tình báo Nga trước khi Nga triển khai các máy bay ném bom tiêu diệt mục tiêu IS và phiến quân Syria.

Một phần nguyên nhân của tình trạng này được cho là vì trọng tâm đặt nặng vào cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Trung Đông và khu vực Nam Á, bao gồm Afghanistan và Pakistan, cho nên Tổng thống Mỹ Obama đã không bận tâm lắm với chiến dịch không kích IS tại Syria. Thậm chí, khi tiến hành không kích IS, Mỹ không ra tay quyết liệt, không tiêu diệt IS đến cùng. Hiệu quả chiến dịch ném bom rất thấp, độ chính xác không cao, là bởi vì thiếu hẳn nguồn thông tin tình báo có chất lượng từ bên trong Syria.

Máy bay ném bom Nga tham gia tiêu diệt IS ở Syria, khiến cho chiến lược của Mỹ tại Syria phá sản.

Các trang bị kỹ thuật và sự hỗ trợ huấn luyện mà CIA dành cho lực lượng nổi dậy tại Syria đã không phát huy tác dụng, không thể giúp các chỉ huy chiến dịch của Mỹ nắm được tình hình trên thực địa, do đó không thể xác định chính xác mục tiêu cần tấn công. Mặt khác, nói là chống IS, nhưng trên thực tế Mỹ cũng muốn câu giờ và tính toán triển khai chiến dịch nhằm tạo lợi thế cho phiến quân và gây khó khăn cho Chính phủ Syria.

Trước khi Nga tung chiến dịch quân sự tại Syria, các nhà hoạch định chính sách Mỹ buộc phải tạm hài lòng với những thông tin tình báo nghèo nàn mà họ nhận được. Các cơ quan tình báo quả đã có theo dõi cẩn thận từng bước triển khai kế hoạch tăng cường quân sự của Nga tại Syria. Thế nhưng các quan chức tình báo Mỹ, kể cả các lãnh đạo chủ quản họ trong Chính phủ Mỹ, đều bị hố nặng, không thể dự báo trước về tốc độ thần tốc và cường độ quyết liệt khi nước Nga "ra tay" tại Syria. Người Mỹ cũng không hề biết trước danh mục mục tiêu ném bom của các máy bay Nga, do đó không thể giúp phiến quân Syria  lên kế hoạch đối phó từ trước, mà chỉ kịp cảnh báo "các anh có thể lọt vào tầm ngắm của máy bay Nga" sau khi chiến dịch của Nga đã khai hỏa.

Khi Nga bất ngờ "ra đòn" với chiến dịch không kích quyết liệt, sử dụng các loại vũ khí mà người Mỹ không ngờ đến, Washington bỗng thấy mình rơi vào tình thế của kẻ đứng bên lề cuộc chơi, và chiến lược Trung Đông của ông Obama ngay lập tức bị nghi ngờ, ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực chiến lược này có nguy cơ bị xói mòn nghiêm trọng. Niềm tin của các lực lượng đối lập ở Syria và cả các quốc gia Mỹ đang hỗ trợ chống IS như Iraq dành cho Mỹ đang bắt đầu lung lay. Cụ thể là Iraq.

Từ cuối tháng 9/2015, nước này đã chính thức ký thỏa thuận với Nga, Syria và Iran thành lập một trung tâm chia sẻ thông tin tình báo chung giữa 4 nước nhằm phục vụ mục đích chống IS. Trung tâm chia sẻ tình báo này được đặt tại thủ đô Baghdad của Iraq. Người Mỹ tiếp tục bị "mù thông tin" với ngay cả thỏa thuận tình báo này cho đến khi nó chính thức được công bố bởi chính những người mà Mỹ từng hỗ trợ trong cuộc chiến chống khủng bố Al-Qaeda và nay là IS. Đó là lý do gần đây, Chính phủ Iraq quyết định chỉ sử dụng thông tin tình báo từ nguồn chia sẻ với tình báo Nga và Iran.

Cho đến nay, người Mỹ tin chắc một điều rằng họ đã "hiểu tốt hơn" ít nhất là về động cơ chính của Tổng thống Nga Putin - đó là làm bất cứ điều gì thấy cần thiết để bảo đảm sự vững chắc cho Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa biết chắc chắn Tổng thống Putin sẽ định tiến bao xa nữa trong chiến dịch quân sự tại Syria. Ngày 25/10, Hãng tin FARS của Iran cho biết, Chính phủ Iraq đã nhất trí cho phép Nga truy kích các đoàn xe của phiến quân IS từ Syria chạy sang Iraq. Và với động thái mới này, Nga đang có cơ hội "soán ngôi" Mỹ mở rộng ảnh hưởng ra toàn khu vực Trung Đông.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.