Rò rỉ tài liệu mật về việc sử dụng vũ khí Pháp ở Yemen
- Liên quân Arab ném bom nhầm làm 10 trẻ em Yemen thiệt mạng
- Bước tiến quan trọng cho hòa bình Yemen
- Liên minh của Saudi không kích nhằm vào thủ đô Yemen
Những tiết lộ trên đã vén bức màn về quy mô hỗ trợ thực sự của Pháp cho Saudi Arabia trong cuộc chiến tàn khốc chống lại phiến quân Houthi ở Yemen, khiến nhiều dân thường thiệt mạng, lâm vào cảnh đói khát.
Những hợp đồng bí mật
Báo cáo được đóng dấu “bảo vệ bí mật”, một trong những cấp độ phân loại cao nhất, được Tổng cục Tình báo Quân đội (DRM) viết và gửi tới Điện Elysée ngày 3-10-2018. Báo cáo có tên: “Yemen - tình hình an ninh”, dài 15 trang, tập trung viết về cuộc xung đột ở Yemen.
Theo DRM, Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận. Tháng 3-2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi.
Đây không phải là lần đầu tiên Saudi Arabia tham chiến ở Yemen. Từng chiến đấu với phe Houthi năm 2009, Saudi Arabia không ảo tưởng rằng đây là một cuộc chiến dễ dàng. Saudi Arabia cũng không mong đợi đạt được một tác động tức thời với các chiến thuật “gây sốc và kinh hoàng” (“shock and awe”) như một cựu Đại sứ Mỹ tại Yemen tuyên bố. Saudi Arabia thấy trước một cuộc chiến lộn xộn, lâu dài, và tốn kém, và đó thực sự là những gì mà Saudi Arabia đã trải qua.
Nhà máy nhựa ở quận Jeraf ở thủ đô Sanaa của Yemen hoang tàn sau vụ không kích ngày 10-4-2019. (Ảnh: AFP). |
Do đó, sự can thiệp của Saudi Arabia đã nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của mối đe doạ mà nước này phải đối diện khi phe Houthi đã lật đổ chính phủ hợp pháp của Yemen và giành quyền kiểm soát Sanaa. Saudi Arabia có hai mục tiêu quân sự được xác định một cách rõ ràng ở Yemen.
Thứ nhất là cản trở việc vận chuyển vũ khí, khiến cho việc Iran tiếp tế vũ khí cho Yemen trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn nhiều, hoặc lý tưởng hơn là trở nên bất khả thi. Thứ hai là gửi một thông điệp rõ ràng tới phe Houthi và các đồng minh rằng liên minh với Iran sẽ khiến họ phải trả giá đắt.
Theo Disclose, khởi động cho sự can thiệp quân sự lần này là việc liên minh quân sự này tiến hành không kích phiến quân Houthi - phe đang giành lợi thế trong nội chiến nhằm lật ngược tình thế. Các máy bay F15S có xuất xứ từ Mỹ và Tornados và Typhoon xuất xứ từ châu Âu đã xuất phát từ các căn cứ Kamis Mushait và Taif để tiến hành không kích vào các “sào huyệt” của Houthi.
Ước tính trung bình liên quân tiến hành 120 vụ không kích mỗi ngày. Tính đến nay, liên minh đã thực hiện hơn 16.000 cuộc tấn công vào các khu vực do Houthi chiếm đóng, trong đó có 24.000 vụ không kích, riêng năm 2018 là 6.000 vụ không kích.
Ông Rivolsi, người đồng sáng lập của Disclose, đã vạch ra bản chất bí mật của các hợp đồng vũ khí giữa Pháp và Saudi Arabia, đồng thời cảnh báo rằng việc tiết lộ đầy đủ về vai trò của Pháp trong các nỗ lực chiến tranh của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu có thể cho thấy, Paris là “kẻ đồng lõa”.
Ông Rivolsi giải thích, các hợp đồng mà Pháp ký với Saudi Arabia và UAE thường bao gồm các cam kết từ phía Pháp về việc đảm bảo cho các hệ thống hoạt động. Điều đó có nghĩa là, sau khi bán vũ khí, Pháp tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho các hệ thống vũ khí được sử dụng ở Yemen.
“Dù Pháp lập luận rằng, các vũ khí mà nước này bán cho Saudi Arabia chỉ được sử dụng cho mục đích phòng thủ và nhằm giúp Saudi Arabia chống lại những kẻ khủng bố, tuy nhiên điều đó có vẻ như không chính xác”, ông Geoffrey Rivolsi nói.
Disclose khẳng định, Paris nói rằng tất cả các hỗ trợ dành cho Saudi Arabia chỉ nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ của Saudi Arabia và giúp nước này chống lại những kẻ cực đoan. Tuy nhiên, ngày nay, vũ khí của Pháp được sử dụng ở Yemen không phải chống lại Al Qaeda mà chống lại người Yemen ở những khu vực do Houthis kiểm soát. “Điều đó rõ ràng vượt xa vấn đề chống khủng bố”, Rivolsi khẳng định.
Theo báo cáo trên, nhằm bảo vệ biên giới của mình, đáp trả các cuộc xâm lược của nhóm Houthi từ phía Yemen, Saudi Arabia đã triển khai 48 pháo tự hành Caesar ở biên giới với Yemen. Báo cáo tháng 10 của DRM mô tả rằng, Saudi Arabia muốn tiến sâu “theo hướng Baqim, Munabbeh, Razeh và Haradh để mở đường cho việc tiếp quản Saada”.
Các quận phía tây này, vượt qua những ngọn núi dốc, có hai điểm vượt biên giới quan trọng, dẫn đến hang ổ của Houthi là vùng Saada-nơi mà hầu hết các nhà quan sát coi là ngoài tầm với của liên minh quân sự các nước Arab.
Caesar (viết tắt của cụm từ Camion Equipe d'un Systeme d'Artillerie/ Pháo tự hành bánh hơi) là pháo tự hành bánh hơi dùng pháo cỡ nòng 155mm, chiều dài nòng gấp 52 lần cỡ nòng (52 caliber). CAESAR có thể bắn các loại đạn pháo 155mm chuẩn NATO, chủ yếu là các đạn nổ mạnh (HE/ High Explosive).
Các loại đạn ấy dùng để tấn công các mục tiêu như tòa nhà, công sự, sân bay, đường hầm… Những khẩu pháo này do Tập đoàn Nexter của Pháp sản xuất, “hỗ trợ các lực lượng vũ trang Saudi Arabia trong tiến trình trên lãnh thổ Yemen”.
Xe tăng Leclerc của UAE triển khai ở Dhubab, Yemen (Ảnh: AFP). |
Trên bộ, UAE sử dụng xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc nổi tiếng, được mua vào đầu những năm 2000. Xe tăng Leclerc được chế tạo phát triển bởi GIAT Industries. Nó được đặt tên để vinh danh tướng Philippe Jacques Leclerc, một chỉ huy sư đoàn bọc thép của Pháp trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây cũng được xem là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực tốt nhất trên thế giới. Nó phục vụ trong quân đội Pháp (với tổng số 406 chiếc), Saudi Arabia và UAE (388 chiếc).
Theo DRM, những xe tăng này được triển khai tới các căn cứ Mocha, Aden, Al-Khawkhah et Marib. DRM cho hay, phía Saudi Arabia triển khai từ 11 đến 16 đại đội cùng với 300 xe tăng ở khu vực biên giới với Yemen.
Ngoài ra, ở khu vực này còn được bổ sung 28 pháo tự hành có tầm bắn từ 18 đến 42km. Những pháo tự hành này chống lại các cuộc tấn công của phiến quân Houthi, nhưng cũng nhằm hỗ trợ lực lượng Saudi Arabia trong quá trình xâm nhập vào lãnh thổ Yemen. Từ các video thu được từ hình ảnh vệ tinh, Disclose khẳng định, những chiếc xe tăng này tham gia vào các cuộc tấn công của liên minh.
Không chỉ vậy, liên minh quân sự các nước Arab còn phong tỏa cảng chiến lược Hodeidah vì cho rằng đây là điểm trung chuyển vũ khí từ Iran cho nhóm Houthi. Theo đó, tàu khu trục lớp Makkah của Saudi Arabia và tàu hộ tống tên lửa lớp Baynunah của UAE được mua từ Pháp đã tham gia phong tỏa cảng chiến lược Hodeidah.
Theo báo cáo, lực lượng liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã áp đặt các lệnh hạn chế nghiêm ngặt đối với nhiều cảng tại Biển Đỏ và sân bay Sanaa, tước đi của người Yemen nguồn tiếp tế quan trọng, điều này có thể cấu thành tội ác quốc tế.
“Các cuộc không kích của liên quân đã gây ra hầu hết thương vong dân sự được ghi nhận. Trong những năm qua, những cuộc tấn công này đã nhằm vào các khu dân cư, chợ, đám tang, lễ cưới, những cơ sở giam giữ, thuyền dân sự và thậm chí cả các cơ sở y tế”, báo cáo viết.
Rủi ro cho dân thường
Các tài liệu mà nhóm Disclose thu được cho thấy, Pháp nhận thức rõ ràng về những rủi ro tiềm tàng của vũ khí đang được sử dụng đối với thường dân ở Yemen.
Pháo tự hành Caesar triển khai ở khu vực biên giới giữa Saudi Arabia và Yemen. (Ảnh: investigaction.net). |
Một bản đồ, có tên “Dân thường có thể bị thiệt hại do pháo kích”, cho thấy 436.370 người sống trong phạm vi của pháo tự hành Ceasar 155mm do Pháp sản xuất hiện đang triển khai đến các khu vực biên giới của Saudi Arabia gần Yemen. Đây là những điểm xung đột có vị trí xa nhất, là nơi mà báo chí nước ngoài chưa thể tiếp cập được từ phía Yemen kể từ năm 2015.
Disclose còn chỉ ra rằng, trong khi kết hợp dữ liệu này với dữ liệu của Tổ chức phi chính phủ Mỹ Acled (Dự án dữ liệu về địa điểm và sự kiện xung đột vũ trang), nhóm đã xác định rằng 35 thường dân đã chết trong 52 vụ đánh bom từ tháng 3-2016 đến tháng 12-2018 trong tầm hoạt động của pháo Caesar. Ví dụ, vụ không kích vào làng Bani Faid ở quận Midi, phía tây Yemen đã làm hai đứa trẻ thiệt mạng. Hay ở thành phố Hard, khiến ba người trong một gia đình mất mạng.
Trong khi đó, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy, 80% người dân Yemen cần viện trợ thực phẩm khẩn cấp và 16 triệu người không có nước uống. Kể từ năm 2015 đến nay, ít nhất 10.000 người đã thiệt mạng do các cuộc giao tranh ở Yemen, hàng ngàn người khác đã chết vì đói.
Còn phiến quân Houthi cũng có những hành vi như phóng tên lửa vào Saudi Arabia, chặn việc tiếp tế cho Taiz và tấn công các thành phố chiến lược. Bất chấp sự phản đối từ nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế, Thái tử Mohammed bin Salman vẫn bảo vệ sự can thiệp vào Yemen.
“Bất kì chiến dịch quân sự nào cũng có sai lầm xảy ra. Tất nhiên, những sai lầm do Saudi Arabia hay liên minh gây ra đều là điều không thể lường trước”, Time dẫn phát biểu của Thái tử Mohammed bin Salman hồi tháng 4-2018.
Theo Disclose, những sự thật này giải thích một phần lý do tại sao Pháp ngày càng bí mật về các giao dịch với Saudi Arabia thời gian qua. Những tiết lộ gần đây, chủ yếu chứng minh rằng Pháp không đủ minh bạch trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí.
Vậy tại sao Pháp tiếp tục bán vũ khí cho Saudi Arabia bất chấp việc sẽ bị mất danh tiếng quốc tế? Theo ông Rivolsi, câu trả lời là tiền. “Điều đó chắc chắn liên quan tới các lợi ích kinh tế với các hợp đồng mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc cho Pháp”.
Saudi Arabia là khách hàng lớn thứ 2 của Pháp trong lĩnh vực mua sắm vũ khí, sau Ấn Độ. Năm 2017, giá trị xuất khẩu thương mại (ngoài quân sự) của Pháp sang Saudi Arabia đạt 4,5 tỷ euro, tăng 8,8% so với năm trước đó.
Theo Le Monde, sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, mặc dù một số nước châu Âu, trong đó có Đức, kêu gọi tạm ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia, song Pháp vẫn khẳng định sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Saudi Arabia.
Trong một tuyên bố hồi tháng 10-2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, cái chết của nhà báo Khashoggi và các hợp đồng bán vũ khí của Pháp cho Saudi Arabia không liên quan tới nhau, vì thế không nên đánh đồng hai vấn đề.