Hai loại máy bay săn tàu ngầm tân tiến của Mỹ không còn là bí mật

Thứ Tư, 20/04/2016, 21:05
8 tháng sau ngày Thiếu tá hải quân Edward C. Lin bị Cục Điều tra An ninh Hải quân Mỹ bắt giữ với tội danh làm gián điệp cho cả Trung Quốc lẫn Đài Loan, trên trang web chính thức của Viện Hải quân Mỹ (Unites States Naval Institutue - USNI) đã công bố những thông tin nói về con đường dẫn đến sự phạm tội của viên sĩ quan này.

Điều nguy hiểm cho Hải quân Mỹ nằm ở chỗ qua vụ Edward C. Lin, những bí mật kỹ thuật của hai loại máy bay săn tàu ngầm nổi tiếng thế giới là P-8A Poseidon và P-3C Orion, cũng như máy bay không người lái MQ-4C Triton không còn là… bí mật nữa!

Thiên đường là… nước Mỹ!

Cùng gia đình từ Đài Loan đến Mỹ năm 1991, Edward C. Lin khi ấy mới 14 tuổi. Lin kể: “Hồi còn bé, tôi luôn mơ ước được sống ở Mỹ mặc dù lúc đó tôi vẫn chưa đánh vần được bảng chữ cái ABC bằng tiếng Anh. Cái tên Mỹ duy nhất tôi biết là Eddy - là tên của con chó do mẹ tôi nuôi. Tôi tin rằng mọi con đường ở Mỹ đều dẫn đến công viên Disneyland!”.

Thiếu tá Hải quân Edward C. Lin.

Để trở thành công dân Mỹ, Lin phải lấy một cái tên Mỹ. Lin kể tiếp: “Vì tên tiếng Hoa của tôi dài tới 25 ký tự nên tôi chọn chữ Edward” (Eddy là cách gọi tắt của Edward). Năm 1999, Lin gia nhập Hải quân Mỹ. Từ tháng 12-2010 đến tháng 2-2012, Lin được cử đi học ở Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân tại Newport, bang Rhode Island.

Đầu tháng 3-2002, Edward C. Lin tốt nghiệp với cấp hàm thiếu úy rồi lần lượt lên đến thiếu tá, là chuyên viên về các loại vũ khí trên máy bay săn ngầm P-3C Orion. 6 năm sau, Lin chính thức trở thành công dân Mỹ. Phát biểu trong buổi lễ nhập quốc tịch được tổ chức long trọng tại căn cứ hải quân ở Honolulu, bang Hawaii, Lin nói: “Tôi đã cùng gia đình phải đi nửa vòng trái đất mới đến đây. Để thích nghi, tôi phải nhanh chóng hội nhập với một nền văn hóa mới, một ngôn ngữ mới vì đó chính là tương lai của tôi…”.

Trong suốt thời gian làm việc ở Hải quân Mỹ, Edward C. Lin đã tiếp cận với 2 loại máy bay săn tàu ngầm nổi tiếng hiện đại là P-8A Poseidon và P-3C Orion, cũng như máy bay trinh sát săn tàu ngầm không người lái MQ-4C Triton.

Khi Lin bị bắt vì tội làm gián điệp cho Đài Loan và Trung Quốc, một sĩ quan cao cấp của Hải quân Mỹ nói: “Cho đến nay, Mỹ mới chỉ bán máy bay P-8A Poseidon cho Australia, chiếc đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Không quân Australia vào năm 2017 và một phiên bản của nó là P-8I cho Ấn Độ, còn MQ-4C Triton thì ngoài Mỹ ra, chưa quốc gia nào sở hữu được. Việc Edward C. Lin làm gián điệp đã khiến chúng tôi e ngại là chỉ một thời gian ngắn, Trung Quốc sẽ cho ra lò những chiếc máy bay “hàng nhái”, cũng như họ sẽ phát triển các kỹ thuật nhằm vô hiệu hóa hệ thống trinh sát điện tử trên chiếc P-8A Poseidon và MQ-4C Triton”.

P-3 Orion là loại máy bay bốn động cơ cánh quạt chống tàu ngầm và giám sát biển do Hãng Lockheed chế tạo, được Hải quân Mỹ đưa vào hoạt động từ năm 1960. Qua nhiều cải tiến, hệ thống trinh sát điện tử của P-3 Orion ngày càng tối tân nên đó cũng là lý do tại sao sau 56 năm kể từ khi ra đời, nó vẫn không bị loại. Có tổng cộng 734 chiếc P-3 Orion đã được sản xuất và hiện nay, ngoài nước Mỹ, P-3 Orion vẫn là máy bay săn tàu ngầm chủ yếu của quân đội Australia, Canada, Brazil, Đức, Chile, Hy Lạp, Arghentina, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Na Uy, Pakistan…

Máy bay P-3 Orion và máy bay P-8A PoseIdon.

Với chiếc P-8A Poseidon, đây là máy bay hai động cơ phản lực do hãng Boeing chế tạo nhằm thay thế những chiếc P-3 Orion. Làm nhiệm vụ tuần tra trên biển, tác chiến chống tàu ngầm, chống chiến hạm, thu thập thông tin tình báo, P-8A Poseidon được lắp đặt nhiều hệ thống cảm biến rất tối tân. Nó có khả năng phát hiện, nhận dạng và phân loại các loại tàu hoạt động trên mặt nước - kể cả tàu ngầm ở độ sâu 400m. Năm 2011, Hải quân Mỹ tiếp nhận 6 chiếc P-8A Poseidon rồi một năm sau đó, P-8A chính thức được đưa vào hoạt động.

Với máy bay trinh sát chống tàu ngầm không người lái MQ-4C Triton, nó có khả năng bay cao 18km và bay liên tục suốt 24 tiếng đồng hồ. Radar công suất lớn của MQ-4C Triton cho phép nó nhận dạng, phân loại tất cả mọi loại tàu trên một diện tích mặt biển rộng 7 triệu km2, sâu 600m. Được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2013, Hải quân Mỹ dự kiến sẽ trang bị 68 chiếc máy bay loại này.

Edward C. Lin có thể bị tử hình

Trở lại chuyện thiếu tá Hải quân Edward C. Lin, trong suốt thời gian phục vụ tại các căn cứ hải quân ở nhiều nơi trên đất Mỹ, cứ đến kỳ nghỉ phép thường niên là Lin lại đi du lịch. Các báo cáo của Cục Điều tra An ninh Hải quân Mỹ cho thấy Edward C. Lin đã từng đến Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Trung Quốc, Đài Loan, Jordan, Anh …

Năm 2011, Lin thực hiện một chuyến du lịch 6 ngày tới Đài Loan cùng một nhóm bạn. Daniel Velez, một thành viên trong đoàn xác nhận chuyến đi này được chính quyền Đài Loan tài trợ: “Họ mời chúng tôi tham gia một chương trình du lịch văn hóa. Chúng tôi đã gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều cơ quan khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực - kể cả quân sự, quốc phòng ở hòn đảo này…”.

Vẫn theo Velez, ngoài các du khách Mỹ đến Đài Loan trong dịp ấy còn có nhiều học giả và chuyên gia Trung Quốc. Tuy nhiên, Cục Điều tra An ninh Hải quân Mỹ cho biết Edward C. Lin đã nói dối về điểm đến của chuyến đi. Thay vì đi Đài Loan, Lin đã báo cáo trong đơn xin nghỉ phép rằng mình đi một quốc gia khác! Theo điều lệnh quân đội Mỹ, chuyện này bị coi là vắng mặt không phép.

Bản cáo trạng của Edward C. L bị bôi đen nhiều chỗ khi đưa lên mạng vì chứa đựng những thông tin nhạy cảm.

Việc nói dối về nơi nghỉ phép đã khiến Cục Điều tra An ninh Hải quân Mỹ nghi ngờ nên họ lập tức tiến hành điều tra. Kết quả cho thấy Edward C. Lin có một cô bạn gái người Hoa và trong những lần gặp gỡ ở Đài Loan, Lin đã trao cho cô ta những tài liệu mật liên quan đến hệ thống cảm biến trinh sát trên máy bay P-8A Poseidon và P-3C Orion, cũng như máy bay không người lái MQ-4C Triton.

Lời khai của những đồng nghiệp với Edward C. Lin cho thấy viên thiếu tá này có những hành vi rất đáng ngờ: “Anh ta làm quen với những sĩ quan ở phòng điều khiển máy bay không người lái để tìm hiểu về phương thức hoạt động của hệ thống radar, cảm biến hồng ngoại, cũng như thường xuyên tạo cơ hội gặp gỡ những chuyên viên thiết bị trinh sát trên máy bay P-3 Orion, P-8A Poisedon. Trong những chuyến bay tuần thám, mặc dù phụ trách về vũ khí chống ngầm nhưng anh ta lại tỏ ra đặc biệt quan tâm đến những dụng cụ điện tử…”.

Tháng 8-2015, Edward C. Lin bị bắt. Đơn vị cuối cùng nơi Lin công tác trước khi bị bắt là Phi đội tuần tra số 2, căn cứ đặt tại vịnh Kaneohe, bang Hawaii, chuyên sử dụng máy bay P-3 Orion để phát hiện tất cả các loại tàu ngầm không thuộc Hải quân Mỹ và các quốc gia đồng minh của Mỹ, cũng như tiến hành các hoạt động trinh sát, thu thập tình báo ở Thái Bình Dương. Trong phi đội này, Edward C. Lin được giao tham gia một dự án đặc biệt là giám sát máy bay không người lái MQ-4C Triton.

Trước đó, để giữ bí mật việc bắt giam, Edward C. Lin được lệnh điều chuyển công tác đến Cục Tuần tra và Trinh sát Hải quân để nhận nhiệm vụ chỉ huy. Khi lên xe về đơn vị mới, Lin đã bị Cục Điều tra An ninh Hải quân đọc lệnh bắt rồi đưa vào nhà tù Naval Consolidated Brig ở Chesapeake với thời gian giam giữ “không xác định”.

Ngoài việc bị truy tố về tội danh gián điệp, Lin còn bị truy tố với tội danh mua dâm. Theo Cục Điều tra An ninh Hải quân Mỹ, có khả năng Lin đã được “trả công” bằng gái đẹp để đổi lại việc Lin cung cấp những tài liệu mật. Một quan chức của Hải quân Mỹ nói: “Qua vụ bắt giữ thiếu tá Edward C. Lin, chúng tôi muốn phân biệt rõ giữa tình báo kỹ thuật và trộm cắp trí tuệ. Mỹ sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc”.

Edward C. Lin ra tòa lần đầu tiên vào ngày 8-4-2016 trong phiên xét xử sơ bộ ở Norfolk. Vụ việc chỉ được thông báo bằng một mẩu tin ngắn đăng trên trang web của Hải quân Mỹ. Bản cáo trạng dài ba trang được đưa lên mạng, chi chít những dòng chữ kiểm duyệt bôi đen cho thấy thiếu tá Lin bị cáo buộc 2 tội danh làm gián điệp, 3 tội danh âm mưu làm gián điệp và 1 tội danh mua dâm. Tiếp theo, Lin sẽ phải ra trước tòa án quân sự vào tuần tới, nơi Lin đối mặt với mức án cao nhất là tử hình mặc dù hàng chục năm nay, nước Mỹ đã không tuyên án tử hình với tội danh gián điệp.

Trong nhiều thập kỷ qua, chỉ có vài sĩ quan Mỹ bị truy tố vì hành vi gián điệp,  nổi tiếng nhất là đường dây của chuẩn úy John A. Walker Jr. cùng các thành viên trong gia đình, đã  cung cấp tài liệu mật cho Liên Xô, xảy ra vào thập niên 60 thế kỷ trước.

Trong thời gian làm gián điệp cho Liên Xô từ năm 1968 đến 1985, Walker đã giúp Liên Xô giải mã hơn 1 triệu bức điện của Hải quân Mỹ mà theo đánh giá của Cục Điều tra An ninh Hải quân thì “đã gây tổn hại lớn nhất trong lịch sử Hải quân và Không quân Mỹ”.

Sinh ngày 28-7-1937 tại Washington D.C. Năm 1955, khi đang học trung học ở Scranton, bang Pennsylvania, Walker bị bắt vì tội trộm cắp. Lúc được lựa chọn hoặc vào quân đội, hoặc vào tù, Walker xin gia nhập Hải quân. Kết hôn với Barbara Crowley, vợ chồng Walker có 4 đứa con.

Trong thời gian phục vụ trên chiếc tàu ngầm USS Andrew Jackson thuộc Hạm đội tên lửa đạn đạo ở Charleston, bang South Carolina, vợ chồng Walker mở một quán bar nhưng chỉ một thời gian ngắn, họ vướng vào nợ nần do việc kinh doanh thất bại.

Cuối năm 1968, do quẫn trí vì bị các chủ nợ thúc hối, Walker vào Đại sứ quán Liên Xô tại Washington, DC, chào bán một tài liệu tối mật là bộ khóa giải mã các bức điện của Hải quân Mỹ với giá… 5.000 USD, đồng thời đề nghị được hưởng lương từ 500 đến 1.000 USD/ tuần để đổi lại việc Walker sẽ liên tục cung cấp những tài liệu khác.

Bằng tài liệu đầu tiên, Liên Xô đã giúp CHDCND Triều Tiên bắt giữ chiếc tàu gián điệp USS Pueblo.  Năm 1976, Walker nghỉ hưu nhưng ông ta vẫn tuyển mộ anh trai là Arthur, làm việc tại một nhà thầu quân sự, và con trai là Michael, một thủy thủ trong Hải quân Mỹ để thu thập tin tình báo. Theo Theodore Shackley, Trưởng Văn phòng CIA ở miền Nam Việt Nam, hoạt động gián điệp của Walker đã giúp Liên Xô thông báo cho Chính phủ miền Bắc Việt Nam biết trước những cuộc ném bom của máy bay B-52.

Năm 1985, Walker bị bắt do sự tố cáo của vợ và con gái rồi chết trong nhà giam ngày 28-8-2014. Con trai Walker bị kết án 25 năm tù, còn người anh trai Arthur lĩnh án chung thân. 

V.C. (theo USNI)
.
.