Sarah Aaronsohn, nữ điệp viên ưu tú của Israel
- Nữ điệp viên phản bội
- Anh cảnh giác với các nữ điệp viên Trung Quốc xinh đẹp tại Hội nghị G20
- Nữ điệp viên “Mata Hari của châu Mỹ”
Tuy nhiên, phát đạn bắn trượt khiến cho Sarah chịu thêm đau đớn khoảng 4 ngày nữa mới thật sự chết. Sarah Aaronsohn tự sát để bảo vệ những đồng nghiệp của mình và sự ra đời của Nhà nước Do Thái trong tương lai mà bà luôn tin tưởng.
Sarah Aaronsohn chào đời ngày 5-1-1890 ở ngôi làng Zichron Ya'akov, nằm cách Gaza chừng hơn 100km về phía bắc, trong gia đình khá giả gồm 6 người con. Sarah có người anh song sinh tên là Aaron, một nhà nông học và thực vật học nổi tiếng. Năm 1914, Sarah cưới một thương gia Bulgaria giàu có và cùng chồng di chuyển đến thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sarah Aaronsohn. |
Thời gian đó, cuộc Chiến tranh thế giới lần 1 nổ ra và đem lại cho người Do Thái cơ hội cùng sát cánh với quân đội Anh với hy vọng thoát khỏi ách cai trị của người Thổ Nhĩ Kỳ. Người Do Thái ở Palestine cho rằng một khu vực Trung Đông mới, nằm dưới sự quản lý của người Anh, sẽ giúp họ thành lập một nhà nước cũng như có được quyền tự trị. Đó là lý do thôi thúc Sarah Aaronsohn quyết định rời bỏ người chồng và quay về Zichron Ya'akov để chiến đấu. Năm 1915, hai anh em Aaronsohn thành lập một mạng lưới gián điệp gọi là "Nili", bao gồm 40 thành viên, hỗ trợ quân đội Anh ở Trung Đông.
Từ ít nhất cuối năm 1916 cho đến khi bị bắt giữ và chết do tự sát vào tháng 10-1917, Sarah Aaronsohn tiến hành các hoạt động do thám ở Palestine và khu vực Liban, quản lý nguồn tiền tài trợ cho Nili, điều hành mạng lưới gián điệp 40 thành viên cùng với đội ngũ người ủng hộ và cung cấp thông tin khá rộng lớn. Sarah giải mã và sàng lọc những thông tin có giá trị để sau đó tiến hành mã hóa và chuyển giao cho trụ sở tình báo Anh đặt tại thành phố Cairo của Ai Cập.
Sarah cũng giám sát nguồn tiền ủng hộ từ những người Mỹ gốc Do Thái được chuyển thành vàng để giúp đỡ cộng đồng người Do Thái đang chịu cảnh đói khổ và không nơi nương tựa ở Trung Đông.
Cuốn sách "Spies in Palestine" của James Srodes. |
Tháng 9-1917, một con chim bồ câu mang thông điệp mã hóa ở chân bất ngờ sà xuống đậu ngay sân nhà của thống đốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Caesarea, thị trấn nằm giữa Tel Aviv và Haifa. Viên thống đốc không giải mã được thông điệp nên phải nhờ đến sự giúp đỡ từ phía quân đội Đức và nơi xuất phát của con chim được nhận diện - đó là ngôi làng Zichron Ya'akov! Ngay lập tức, mạng lưới gián điệp bí mật Nili của Sarah Aaronsohn bị lộ. Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đột kích Zichron Ya'akov, đe dọa thiêu trụi cả ngôi làng đồng thời bắt giữ nhiều người trong đó có Sarah.
Sau khi bị bắt giữ, Sarah Aaronsohn kiên quyết phủ nhận sự tồn tại của nhóm Nili và tuyên bố chỉ có một mình bà làm gián điệp cho người Anh. Sarah cũng buộc tội quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thảm sát người Armenia và khủng bố người Do Thái. Sarah bị tra tấn suốt 4 ngày ngay tại làng Zichron Ya'akov nhưng vẫn không hề tiết lộ bất cứ thông tin gì gây hại đến mạng lưới Nili cũng như những người ủng hộ và tài trợ cho hoạt động gián điệp chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước khi bị chuyển đến Damascus để bị tra khảo tiếp tục, Sarah được phép quay về nhà để thay bộ quần áo nhuốm máu. Lợi dụng cơ hội, bà lấy khẩu súng ngắn giấu từ trước bên dưới tấm gạch lát sàn nhà tắm để tự sát.
Theo cuốn sách "Lawrence in Arabia" của tác giả Scott Anderson, Sarah bắn thẳng vào miệng mình ngày 5-10-1917. Anderson kể trong cuốn sách: "Viên đạn làm vỡ miệng, gây tổn thương nặng cột sống nhưng không trúng vùng não của Sarah. Nữ điệp viên phải tiếp tục chịu đau đớn 4 ngày nữa mới chết". Sarah chết ngày 9-10-1917. Do tự sát mà chết nên Sarah Aaronsohn không được phép chôn cất trong nghĩa trang người Do Thái. Tuy nhiên, việc từ chối chôn cất một nữ anh hùng chiến tranh người Do Thái là điều khó thể chấp nhận được cho nên giải pháp chọn lựa là lập một hàng rào bao bọc ngôi mộ của bà trong nghĩa trang dân tộc ở Zichron Ya'akov.
Ngôi mộ của Sarah Aaronsohn (phải) và của người mẹ trong nghĩa trang làng Zichron Ya'akov, Israel. |
Từ năm 1935, những cuộc hành hương đến ngôi mộ của Sarah Aaronsohn để tưởng niệm một nữ anh hùng dân tộc diễn ra hàng năm. Sau "Chiến tranh 6 ngày" năm 1967, Sarah Aaronsohn và mạng lưới gián điệp Nili được tôn vinh trong xã hội Israel và thường được nhắc đến trong nền văn học nước này. Sarah Aaronsohn cũng là nguồn cảm hứng cho nhà văn kiêm nhà báo Mỹ James Srodes biên soạn cuốn sách "Spies in Palestine: Love, Betrayal, and The Heroic Life of Sarah Aaronsohn" (tạm dịch: Những điệp viên ở Palestine: Tình yêu, Sự phản bội và Cuộc đời anh hùng của Sarah Aaronsohn) xuất bản tháng 12-2016.