Sĩ quan Tình báo Jordan buôn lậu vũ khí do CIA cung cấp cho phe nổi dậy ở Syria

Thứ Tư, 13/07/2016, 11:40
Theo tiết lộ từ giới chức chính quyền Mỹ và Jordan, số vũ khí được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Arập Xêút vận chuyển vào Jordan để cung cấp cho phe nổi dậy ở Syria đã bị một số sĩ quan Tổng cục Tình báo Jordan (GID) - hiện nay do tướng Faisal al-Shoubaki lãnh đạo - đánh cắp một cách có hệ thống và bán cho bọn lái buôn trên thị trường đen.

Thậm chí, trong số vũ khí bị đánh cắp còn được đại tá cảnh sát Jordan Anwar Abu Zaid sử dụng trong vụ nổ súng hồi tháng 11-2015 giết chết 2 người Mỹ, 2 người Jordan và 1 người Nam Phi trong trại huấn luyện cảnh sát ở thủ đô Amman của Jordan - Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) báo cáo sau nhiều tháng nỗ lực điều tra về vụ nổ súng này.

Đại tá Abu Zaid bị giết chết ngay lập tức trong vụ nổ súng. Hiện thời cuộc điều tra của FBI vẫn đang tiếp tục.

Giơ cao đánh khẽ

Nạn đánh cắp vũ khí chỉ kết thúc cách đây vài tháng sau khi chính quyền Mỹ và Arập Xêút lên tiếng và hiện tượng này được báo cáo lần đầu tiên sau một cuộc điều tra phối hợp do tờ New York Times của Mỹ và hãng truyền thông quốc tế Al Jazeera đặt trụ sở tại Doha (Qata) tiến hành.

Phó Tổng thống Mỹ Joseph R. Biden thăm Trung tâm huấn luyện quân sự Mỹ - Jordan hồi tháng 3-2016 tại thành phố Zarqa, Jordan.

Nạn buôn lậu vũ khí trị giá đến hàng triệu USD cho thấy sự thiếu tổ chức chặt chẽ trong chương trình vũ trang và huấn luyện chiến binh phe nổi dậy - do CIA và Lầu Năm Góc tiến hành - chống chính quyền tổng thống Basha al-Assad ở Syria. Số sĩ quan tình báo Jordan dùng số tiền khổng lồ thu lợi bất chính từ buôn lậu vũ khí Mỹ để mua ô tô SUV đắt tiền, điện thoại iPhone cùng với nhiều món hàng xa xỉ khác.

Những vũ khí đánh cắp như súng trường tấn công Kalashnikov, súng cối và súng phóng lựu được tuồn ra thị trường đen sau đó được bán lại cho bọn khủng bố, tội phạm và cả những bộ tộc vùng nông thôn Jordan.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Truyền thông Jordan Mohammad H. al-Momani tuyên bố cáo buộc các sĩ quan GID liên quan đến vụ đánh cắp vũ khí bán ra thị trường đen là "hoàn toàn không đúng sự thật": "Vũ khí nằm trong kho các cơ quan an ninh của chúng tôi được kiểm soát chặt chẽ với mức kỷ luật cao nhất". Ông cũng tuyên dương GID là "cơ quan nổi tiếng thế giới với hoạt động chuyên nghiệp thường xuyên hợp tác với các cơ quan an ninh khác". Ở Jordan, lãnh đạo GID được coi là nhân vật quan trọng hàng thứ 2 chỉ sau nhà vua.

Vua Hussein (năm 1980, ảnh trái) và Đại tá Anwar Abu Zaid.

Chương trình huấn luyện của Mỹ (bắt đầu từ năm 2013) trực tiếp vũ trang cho phe nổi dậy ở Syria mang mật danh Timber Sycamore nằm dưới sự điều hành của CIA và vài cơ quan tình báo Arập. Mỹ và Arập Xêút có những đóng góp lớn nhất - Arập Xêút cung cấp vũ khí và số tiền lớn, trong khi lực lượng bán quân sự CIA huấn luyện chiến binh sử dụng súng AK, súng cối, tên lửa dẫn đường chống tăng cùng với nhiều loại vũ khí khác. Sự tồn tại của chương trình cũng như chi tiết về ngân sách dành cho nó được giữ bí mật.

Theo tiết lộ từ một số quan chức Mỹ, CIA huấn luyện hàng ngàn chiến binh trong vòng 3 năm qua và họ đã có được một số tiến bộ trên chiến trường chống chính quyền Bashar al-Assad cho đến khi lực lượng Nga tham chiến ở Syria khiến phe nổi dậy gặp nhiều thất bại.

Chương trình huấn luyện được tiến hành trên lãnh thổ Jordan do nước này nằm gần các mặt trận ở Syria. Ngay từ đầu, CIA và cộng đồng tình báo Arập liên minh với GID của Jordan để vận chuyển vũ khí - trong đó nhiều vũ khí được mua với số lượng lớn từ vùng bán đảo Balkan và khu vực Đông Âu.

Bên cạnh đó, CIA còn có chương trình khác huấn luyện chiến binh ở Syria chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Husam Abdallat, trợ lý cho vài bộ trưởng Jordan trong quá khứ, cho biết ông từng nghe nói về nạn đánh cắp vũ khí Mỹ từ một số quan chức đương nhiệm ở Jordan. Ông thừa nhận trong nội bộ GID có một số sĩ quan tham nhũng song nhìn chung thì cơ quan tình báo Jordan không phải là một tổ chức tham nhũng.

Những chợ trời vũ khí chính ở Jordan nằm tại vùng Ma'an miền nam nước này và Sahab nằm bên ngoài thủ đô Amman cũng như trong Thung lũng Jordan. Giới chức chính quyền Jordan biết về tin đồn về nạn mua bán bất hợp pháp vũ khí từ năm 2015. Sau khi chính quyền Mỹ và Jordan chính thức lên tiếng về nạn đánh cắp vũ khí tuồn ra thị trường đen, GID đã ra lệnh bắt giữ vài chục sĩ quan được cho là có liên quan đến vụ việc, trong số đó có một trung tá. Theo giới chức Jordan, số sĩ quan biến chất này cuối cùng được thả ra khỏi nhà tù và bị sa thải song họ được phép… lĩnh lương hưu đồng thời giữ lại số tiền kiếm được từ buôn lậu vũ khí.

Lịch sử hợp tác lâu đời giữa CIA và Jordan

Bắt đầu từ thời chính quyền Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, CIA đã trả cho Vua Hussein - người trị vì Jordan từ năm 1952 đến khi qua đời năm 1999 - một số tiền lớn để có được quyền điều hành nhiều chiến dịch tình báo trên lãnh thổ Jordan. Tiền và chuyên gia CIA cũng giúp Vua Hussein thành lập GID và từ đó bảo đảm cho chính quyền của ông được an toàn trước những mối đe dọa từ trong và ngoài nước.

Trung tâm huấn luyện cảnh sát, nơi xảy ra vụ nổ súng.

Sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001, Washington đổ hàng núi tiền vào Jordan để thực hiện đủ loại chương trình chống khủng bố. Sĩ quan GID và CIA cùng làm việc với nhau trong trung tâm chống khủng bố phối hợp đặt bên ngoài thủ đô Amman của Jordan và trong một nhà tù bí mật của nước này dùng để giam giữ những đối tượng do tình báo Mỹ bắt giữ trong khu vực.

Trong cuốn sách tựa đề "State of Denial", nhà báo Bob Woodward kể lại cuộc đối thoại vào năm 2006 trong đó George J. Tenet - lúc đó là giám đốc CIA- nói với cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice rằng: "Chúng ta đã giúp tạo nên tổ chức tình báo Jordan và bây giờ chúng ta sẽ sở hữu nó". Đó là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau nhưng Jordan đặc biệt có sức ảnh hưởng lớn nhất bởi vì nước này nằm ngay trung tâm khu vực Trung Đông đồng thời cũng là nơi cho phép Mỹ xây dựng căn cứ quân sự cũng như tiến hành các chiến dịch tình báo bí mật.

Các cơ quan an ninh Jordan từng có nhiều nỗ lực xâm nhập nội bộ các nhóm chiến binh Hồi giáo với nhiều thành công song không phải lúc nào họ cũng thành công. Năm 2009, một bác sĩ Jordan - được một sĩ quan GID tiến cử với CIA sau khi bác sĩ này cho biết ông đã len lỏi thành công vào nội bộ ban lãnh đạo Al Qaeda - đã trở thành điệp viên hai mang và kích nổ quả bom giấu trong người tại một căn cứ quân sự Mỹ nằm trong vùng hẻo lánh ở Afghanistan, giết chết 7 nhân viên CIA và một sĩ quan GID.

Tuy nhiên, GID (cũng được gọi là Mukhabarat) cũng vấp phải một số vụ bê bối đáng hổ thẹn - như là vụ 2 lãnh đạo bị tống giam vào tù vì tội biển thủ, rửa tiền và lừa đảo ngân hàng. Một trong 2 người là tướng Samith Battikhi, điều hành GID từ năm 1995-2000, bị buộc tội sử dụng những hợp đồng chính quyền giả mạo để được phép vay ngân hàng khoảng 600 triệu USD để bỏ túi riêng 25 triệu USD. Battikhi lĩnh mức án tù giam 8 năm và cuối cùng giảm án xuống còn 4 năm song được quản thúc tại căn biệt thự riêng của ông ở thị trấn ven biển Aqaba.

Cuốn sách "State of Denial" của nhà báo Bob Woodward .

Tướng Mohammad al-Dahabi - lãnh đạo GID từ năm 2005 đến 2008 - bị buộc tội đánh cắp hàng triệu USD do các sĩ quan của GID tịch thu từ những công dân Iraq vượt biên vào Jordan trong những năm sau khi quân đội Mỹ xâm lược Iraq (vào năm 2003). Tướng al-Dahabi cũng bị buộc tội buôn lậu ôtô từ Iraq vào Jordan và liên quan đến vụ bán giấy tờ chứng nhận quốc tịch Jordan cho các doanh nhân Iraq. Al-Dahabi lĩnh mức án 13 năm tù giam và bị phạt 10 triệu USD.

Tháng 4-2013, Tổng thống Barack Obama bật đèn xanh cho chương trình vũ trang bí mật cho phe nổi dậy ở Syria sau hơn một năm bàn luận với các quan chức Mỹ về việc sử dụng CIA trong vai trò huấn luyện nhằm mục đích lật đổ tổng thống Bashar al-Assad. Lúc đó, chính quyền Qatar trả tiền cho những chuyến hàng vũ khí FN-6 do Trung Quốc chế tạo đến biên giới Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ, còn Arập Xêút - với sự giúp đỡ từ CIA - chuyển hàng ngàn khẩu AK cùng với hàng triệu viên đạn đến Syria. Vào cuối năm 2013, CIA làm việc trực tiếp với Arập Xêút, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và vài quốc gia khác để phục vụ chương trình bí mật vũ trang và huấn luyện các nhóm chiến binh nổi dậy nhỏ và sau đó gửi họ đến Syria chiến đấu.

Động cơ vụ sĩ quan Jordan Anwar Abu Zaid nổ súng tại trại huấn luyện cảnh sát ở Amman vẫn chưa được làm sáng tỏ vì FBI chưa có kết luận chính thức cho cuộc điều tra. Năm 2016, các người vợ góa của 2 người Mỹ bị giết chết trong vụ nổ súng đưa đơn kiện trang mạng xã hội Twitter, buộc tội công ty cho phép IS sử dụng nền tảng của họ để lan truyền những thông điệp bạo lực, tuyển mộ chiến binh và kêu gọi những người ủng hộ chúng đóng góp tài chính cho tổ chức khủng bố.

Trong một cuộc phỏng vấn, em trai của Abu Zaid là Fadi Abu Zaid vẫn khăng khăng tuyên bố anh mình vô tội và không có dấu hiệu nào cho thấy người này có kế hoạch cho vụ nổ súng. Fadi cũng chỉ trích chính quyền Jordan đã từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào của anh về vụ nổ súng cũng như không tiết lộ biên bản giải phẫu tử thi của anh trai.

Diên San (tổng hợp)
.
.