Thất bại nặng nề của tình báo Mỹ tại Trung Quốc

Thứ Năm, 20/09/2018, 20:26
Trong vài năm gần đây, các cơ quan mật vụ Trung Quốc đã bóc gỡ gần như toàn bộ mạng lưới tình báo của Mỹ tại quốc gia này. Tính ra có hàng chục điệp viên mật cùng với những nguồn tin của họ bị phát hiện và bắt giữ.


Washington đã phải gọi đây là thất bại lớn nhất của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) trong vài thập niên gần đây. Các chuyên gia tình báo Mỹ vẫn đau đầu trong nỗ lực xác định nguyên nhân thực sự dẫn tới thất bại này.

Với tốc độ phát triển vượt bậc như hiện nay cùng với khả năng được đánh giá sẽ soán ngôi cường quốc số 1 thế giới của Mỹ trong tương lai, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc luôn là đối tượng được Washington chú ý theo dõi đặc biệt. Cho đến thập niên cuối của thế kỷ trước, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) sở hữu nguồn thông tin khá dồi dào về hoạt động của Chính phủ Trung Quốc. Trong đó phần nhiều đến từ hành lang các cơ quan chính phủ, là nơi người Mỹ đã may mắn cài cắm được các điệp viên của mình – chủ yếu là các thành phần hoặc bị mua chuộc, hoặc bất mãn với chính quyền.

Glenn Shriver trong đoạn phim cảnh báo của FBI đối với các du học sinh.

Tuy nhiên, số lượng thông tin khai thác được từ Trung Quốc cứ dần cạn kiệt. Đến năm 2011, CIA bắt đầu nhận thức được một vấn đề nghiêm trọng khi các nguồn tin của họ cứ lần lượt mất tăm mất tích. Mật vụ Mỹ đã phải thành lập một nhóm điều tra đặc biệt gồm các nhân viên cao cấp của CIA và Cục điều tra liên bang (FBI). Tất cả tập trung phân tích từng chiến dịch của tình báo Mỹ tại Trung Quốc, nghiên cứu chi tiết tất cả các nhân viên của đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Theo một số nguồn tin, chiến dịch truy tìm trên có mật danh là “Honey Badger” (Con chồn mật”.

Hiện người Mỹ đang tập trung vào 2 giả thuyết. Thứ nhất trong cơ quan tình báo Mỹ có nội gián tuồn thông tin về mạng lưới điệp viên của họ cho Bắc Kinh. Thứ hai, các hacker của Trung Quốc đã xâm nhập thành công vào mạng mật nội bộ của họ để lấy cắp thông tin.

Chỉ mới đầu năm nay, cơ quan phản gián Trung Quốc đã vạch trần được một hệ thống theo dõi tinh vi của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) triển khai tại Đài Loan. Trong quá trình điều tra vụ việc này, CIA đã lần ra một sinh viên người Mỹ du học tại Thượng Hải có tên Glenn Shriver, người đã thu thập những thông tin mật về quốc phòng để bán lại cho tình báo Trung Quốc. Nhân trường hợp này, để cảnh báo các sinh viên Mỹ đang du học ở nước ngoài, FBI còn phát hành một đoạn phim ngắn về sự phản bội của Shriver.

Sau khi tập trung các dữ kiện, các điều tra viên của Mỹ đang nghiêng về giả thuyết có một kẻ nội gián. Ủng hộ cho giả thuyết này là chuyên gia phản gián uy tín nhất tại Mỹ MarkKelton, người chịu trách nhiệm đứng đầu nhóm điều tra. Kelton từng là bạn thân của Brian Kelly, nhân vật từng bị FBI nghi ngờ hoạt động cho tình báo Nga vào năm 1990.

Những người ủng hộ cho giả thuyết thứ hai về hacker lại viện đến sự nhanh chóng và chính xác của thông tin đã giúp mật vụ Trung Quốc lần ra các nguồn tin. Ngoài ra, theo khẳng định của các quan chức điều hành các mạng lưới tình báo, không có một người nào tại Mỹ, kể cả ở cấp độ cao như thế nào, có thể nắm được toàn bộ thông tin về tất cả các điệp viên đã bị Bắc Kinh phát hiện. 

Quá trình điều tra cũng làm rõ một thực tại đáng báo động: sau khi đạt được những thành công đáng kể tại Trung Quốc, các điệp viên CIA đã trở nên lơ là, mất cảnh giác, bỏ qua nhiều nguyên tắc hoạt động bí mật. Chẳng hạn các điệp viên tại Bắc Kinh gần như không thay đổi các lộ trình di chuyển, cũng như các địa điểm gặp gỡ nguồn tin – giúp tạo điều kiện dễ dàng cho mạng lưới giám sát của mật vụ Trung Quốc. Một vài sĩ quan tình báo Mỹ còn gặp gỡ nguồn tin tại các nhà hàng được đánh giá luôn nằm dưới sự giám sát của các cơ quan mật vụ - mỗi bàn ăn đều có gắn microphone bí mật, còn nhân viên phục vụ làm việc cho cơ quan phản gián Trung Quốc. 

Ngoài ra, hệ thống liên lạc bí mật Covcom được mạng lưới điệp viên Mỹ sử dụng, theo đánh giá của các chuyên gia, dù tương đối đơn giản những vẫn kết nối với Internet. Về thực chất, đây là bản sao của hệ thống đang triển khai tại khu vực Trung Đông, là nơi được coi là có môi trường ít nguy hiểm hơn. Trong khi khả năng của các hacker Trung Quốc rõ ràng đã không được đánh giá đúng mức. Nhóm điều tra tự tiến hành các thử nghiệm xâm nhập và phát hiện ra một lỗi nghiêm trọng có thể giúp tiếp cận hệ thống liên lạc bí mật mà CIA đang dùng để điều phố mạng lưới tình báo của mình trên khắp thế giới.

Thất bại đau đớn trên của tình báo Mỹ lần đầu tiên được tờ The New York Times tiết lộ vào tháng 5 năm ngoái. Một số quan chức giấu tên đã thừa nhận những con số tổn thất khác nhau với các nhà báo – từ 12 cho đến 20 điệp viên. Sau đó, con số thống kê cuối cùng đã xác định có 30 điệp viên Mỹ bị phát hiện từ năm 2010, chưa kể một số đã kịp chạy khỏi Trung Quốc.

Jerry Chun Shing Lee.

Cũng có một vài thông tin khác liên quan đến giả thuyết nội gián. Theo các nguồn thông tin đã được công bố, tháng 3-2017, Mỹ bắt giữ nữ nhân viên Bộ ngoại giao Candace Claiborne vì tội bí mật tiếp xúc với các quan chức Trung Quốc. Điều tra cho thấy, tài khoản của cô ta có nhận tiền từ Trung Quốc, chưa kể một loạt những món quà quý giá khác từ điện thoại Iphone, máy tính xách tay và cả một căn hộ có đầy đủ tiện nghi. Nhưng Claiborne đã không chịu nhận tội, đồng thời tìm cách chứng minh cô ta không thể tiếp cận được thông tin về các điệp viên Mỹ.

Tháng giêng năm nay, mật vụ Mỹ đã bắt giữ ngay tại sân bay New York nhân vật 53 tuổi Jerry Chun Shing Lee. Là một công dân Mỹ gốc Trung Quốc, Lee từng phục vụ trong lực lượng vũ trang Mỹ vào những năm 1980, trước khi chuyển sang CIA, là nơi có thể tiếp cận những tài liệu mật vào năm 1994. Bị sa thải vào năm 2007, Lee cùng gia đình chuyển tới Hồng Kông, mở một phòng bán đấu giá tại đây, trong đó đồng sở hữu là một quan chức cao cấp của Trung Quốc.

Lee được mật vụ Mỹ theo dõi chặt chẽ và nhử tới Mỹ vào năm 2012. Quá trình lục soát phòng nghỉ tại khách sạn của anh ta đã phát hiện ra hai cuốn sổ tay nhỏ: một cuốn ghi các số điện thoại và địa chỉ, cuốn thứ hai là các thông tin chi tiết về các điệp viên mật của CIA (tên tuổi, thời gian gặp gỡ với liên lạc viên, địa chỉ cư trú bí mật).

Sau 5 cuộc thẩm vấn, Lee không biết vì lý do gì lại được trả tự do và quay trở lại Hồng Kông. Sáu năm sau, anh ta mới bị bắt giữ lại với cáo buộc lấy cắp các thông tin mật. Hiện chưa phát hiện ra bằng chứng nào khẳng định Lee đã bán thông tin cho mật vụ Trung Quốc. Ngoài ra, những dữ liệu phát hiện từ nhân vật này cũng chưa thể giúp đưa ra kết luận khẳng định, mạng lưới tình báo Mỹ tại Trung Quốc bị sập là do anh ta.

Sự phản bội, hacker hay sự tắc trách – mật vụ Mỹ cho tới giờ vẫn chưa thể làm rõ nguyên nhân thực sự nào dẫn tới thất bại đau đớn của họ. Họ cũng chưa biết được người Trung Quốc đã có thể xâm nhập sâu vào hệ thống các cơ quan mật vụ của mình đến mức độ nào.

Dù thế nào, vụ việc trên được đánh giá là một thất bại nặng nề với tình báo Mỹ. Người Mỹ đã phải thừa nhận sẽ mất nhiều năm (thậm chí là không thể) để khôi phục lại mạng lưới điệp viên của mình. Thất bại này của CIA có thể so sánh với vụ lộ tẩy hàng chục điệp viên của Mỹ dưới thời Liên Xô. Khi đó nguyên nhân được xác định từ hai nguồn tin nội gián quan trọng là nhân viên FBI Robert Hanssen và chỉ huy bộ phận phản gián của CIA Aldrich Ames, cả hai được KGB tuyển mộ từ những năm 1970-1980.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.