Thấy gì qua việc ELN đồng ý đàm phán với Chính phủ Colombia? (kỳ cuối)

Thứ Sáu, 11/11/2016, 17:25
Ngày 26-9-2016, tại thành phố Cartagena, lễ ký kết thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ Colombia và "Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cùng lãnh đạo các quốc gia Mỹ Latinh.

Đích thân Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và chỉ huy lực lượng FARC Timoleon Jimenez đã cùng ký vào bản thỏa thuận lịch sử này bằng một cây bút làm từ một viên đạn.

Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vài ngày sau đó đã cho thấy 50,24% người dân Colombia phản đối bản thỏa thuận với lý do "chính phủ đã quá mềm mỏng với FARC vì thỏa thuận có thể sẽ tha bổng rất nhiều thành viên của FARC hiện đang ở trong tù với các tội danh tra tấn, giết người, bắt cóc, buôn bán ma túy, đốt phá làng mạc, nhà cửa", trong lúc tổ chức này vẫn bị nhiều nước trên thế giới liệt vào danh sách khủng bố. Vì thế, cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Colombia với "Quân đội giải phóng quốc gia ELN" được xem là quá mong manh…

Khủng bố, bắt cóc, buôn bán ma túy và cướp ngân hàng

Sau khi Gabino nắm quyền lãnh đạo ELN, đường hướng hoạt động của tổ chức này có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, ELN không chủ trương bắt cóc, đòi tiền chuộc vì những lý do liên quan đến ý thức hệ "Thiên Chúa giáo Cộng sản" thì dưới sự chỉ huy của Gabino, việc bắt cóc các chính trị gia và các chủ đồn điền giàu có, cũng như những vụ cướp ngân hàng là mục tiêu kiếm tiền để ELN nuôi dưỡng đội quân lên đến gần 5.000 thành viên cùng khoảng 15.000 người ủng hộ.

Nicolas Rodriguez Bautista, bí danh "Gabino", hiện là thủ lĩnh của ELN.

Không giống như FARC, coi việc buôn bán ma túy là nguồn lợi chính, thoạt đầu ELN tránh xa ngành kinh doanh này. Chỉ tính riêng trong năm 1998, ELN kiếm được 84 triệu USD tiền chuộc con tin, 117 triệu USD tiền chuộc tàu, xe, máy bay và 225 triệu USD từ việc "bảo kê" cho các công ty khai thác dầu mỏ.

Tuy nhiên, cũng trong năm 1998, ELN thay đổi chính sách của mình bằng việc đánh thuế người trồng coca và cần sa, đặc biệt là ở tỉnh Bolivar, nơi Castano thành lập ELN, đồng thời mở các xưởng điều chế cocaine.

Để thu thuế, ELN bắt những công nhân trong các đồn điền trồng coca, cần sa làm con tin và chỉ khi nào chủ đồn điều chịu xì tiền ra thì những công nhân ấy mới được phép làm việc. Còn nếu không, du kích sẽ hành quyết con tin để răn đe. Gabino gọi đó là "thuế chiến tranh". Theo Claudia Calle, người phát ngôn của Pais Libre - là một tổ chức đấu tranh cho tự do dân chủ ở Colombia, ELN đã bắt cóc hơn 3.000 công nhân từ năm 2000 đến 2007 và hiện vẫn giam giữ 240 người.

Cũng trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2007, ELN - mà cụ thể là thủ lĩnh Gabino phải chịu trách nhiệm về cái chết của 153 con tin. Trước khi tiếp xúc với ELN tại thủ đô Caracas, Venezuela, vào ngày 10-10-2016 để bàn về việc đàm phán hòa bình, Chính phủ Colombia treo giá cái đầu của Gabino là 2,5 triệu USD!

Điểm lại những vụ tấn công khủng bố, bắt cóc con tin nổi bật của ELN đã được quân đội và cảnh sát Colombia ghi nhận: Tháng 10-1998, ELN cho nổ tung một đường ống thuộc công ty khai thác dầu mỏ Antioquia, làm chết 84 người, bị thương 30 người.

Tháng 4- 1999, ELN cướp một máy bay của Hãng Hàng không Avianca, buộc phải đáp xuống một khu vực hẻo lánh ở miền bắc Colombia, bắt 43 hành khách và phi hành đoàn làm con tin. 8 người được ELN phóng thích ngay sau khi máy bay hạ cánh, 35 người còn lại bị giam giữ hơn 1 năm. Tháng 5 cùng năm, ELN bắt cóc 186 người khi họ đang tham dự một buổi lễ trong nhà thờ và đến ngày 10-9-1999, các con tin mới được phóng thích.

Ngày 15-6-2011, một thành viên ELN lái chiếc xe chứa đầy thuốc nổ lao vào siêu thị Popayan ở tỉnh Cauca. Kết quả là kẻ lái xe chết banh xác, 16 người bị thương. Mùa hè năm 2013, ELN bắt cóc một chủ khai thác mỏ người Canada là ông Gernot Wober để đòi tiền chuộc nhưng sau đó, do bắt đầu tiến trình đàm phán với Chính phủ Colombia nên Wober  được ELN phóng thích.

Khi những cuộc đàm phán bế tắc, tháng 1-2014, du kích ELN làm nổ tung 4 bể chứa dầu thô ở phía bắc tỉnh Santander làm chết hơn 30 người. Đến tháng 6, ELN đồng loạt tấn công 10 cơ sở hạ tầng năng lượng khác nhau, bao gồm cả giếng nước, đường ống và các mỏ dầu.

Cuối năm 2014, ELN bắt cóc thị trưởng Fredy Palacios khi ông và 16 người khác đang ở trên một chiếc thuyền. Bộ máy tuyên truyền của ELN cáo buộc ông Palacios "đã ăn cắp tiền từ ngân sách thành phố".  Mãi đến tháng 3-2015, Palacios mới được trả tự do.

Những cuộc đàm phán vô vọng

Đầu những năm 2000, thực lực của ELN bắt đầu suy giảm vì những cuộc đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lợi, và nhất là sự ra đời của các tổ chức bán quân sự nhằm chống lại ELN, chẳng hạn như Liên hiệp Lực lượng Phòng vệ Colombia (AUC) do Chính phủ Colombia lập ra, và MAS (viết tắt cụm từ "Muerte a Secuestradores - Cái chết cho những kẻ bắt cóc").

Một đường ống dẫn dầu bị du kích ELN phá nổ.

Đây là một tổ chức vũ trang, được sự hỗ trợ của các tập đoàn ma túy, các chủ đất với mục tiêu triệt hạ cả FARC lẫn ELN. Phương thức hoạt động của MAS là mỗi khi bắt được một du kích FARC hoặc ELN, các tay súng MAS chỉ hỏi một câu duy nhất: "Có tham gia bắt cóc không" rồi bắn chết ngay lập tức, chẳng cần đợi câu trả lời. Những vụ hành quyết man rợ ấy đã tác động không nhỏ đến tinh thần du kích ELN, dẫn đến việc ELN mất phần lớn lãnh thổ, kể cả tỉnh Bolivar, cái nôi của "Quân đội giải phóng quốc gia Colombia".

Năm 2001, qua nhiều trung gian, ELN bắt đầu các cuộc đàm phán với Chính phủ Colombia nhưng nó nhanh chóng tan vỡ vì Colombia yêu cầu ELN phải hạ vũ khí, đầu hàng ngay lập tức. Nhiều nhà bình luận chính trị ở châu Mỹ Latinh cho rằng Tổng thống Colombia lúc ấy là ông Pastrana đã chú trọng việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình với FARC hơn là với ELN. Từ quan điểm này, ông Pastrana gạt sang một bên tất cả mọi yêu sách của ELN.

Trong suốt những năm 2002, 2004 và 2005, các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Colombia và ELN, diễn ra ở cả Mexico lẫn Cuba cũng thất bại mặc dù Chính phủ Colombia đã có sáng kiến thành lập một khu phi quân sự ở phía nam tỉnh Bolivar, nơi đặt tổng hành dinh của ELN. Tuy nhiên, sáng kiến này không thể thành hình bởi áp lực chính trị từ Liên hiệp Lực lượng Phòng vệ Colombia (AUC), quyết tâm tiêu diệt ELN cho đến người cuối cùng. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng liệt ELN vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.

Theo một báo cáo của Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, du kích ELN phối hợp với FARC tung ra những cuộc tấn công mà mục tiêu là những thường dân Colombia không ủng hộ họ. Báo cáo viết: "Trong năm 2004, 2005, FARC và ELN đã thực hiện một loạt các vụ bắt cóc, thảm sát, giết gần 3.000 người"

Đến năm 2009, nhiều dấu hiệu cho thấy nội bộ ELN có sự phân mảnh. Một số chỉ huy các đơn vị du kích không tuân lệnh Gabino, đồng thời liên minh với những tập đoàn ma túy để kiếm ăn.

Dưới con mắt của các nhà quân sự Colombia, ELN chỉ còn là một nhóm du kích đã suy yếu. Vì vậy, năm 2012, khi Chính phủ Colombia nối lại những cuộc đàm phán với FARC thì ELN chẳng hề được đoái hoài đến bởi lẽ Chính phủ Colombia không còn xem ELN như một mối đe dọa.

Tức giận, ELN phản ứng bằng cách giết một viên cảnh sát và làm nổ tung một đường ống dẫn dầu.

Tiếp theo, ELN gia tăng các cuộc tấn công vào  các công ty dầu mỏ, đồng thời gây ra hai vụ nổ ở Bogota, một trong khu tài chính và một trong khu công nghiệp. Cuối cùng, tháng 6-2014, Chính phủ Colombia khởi động lại các cuộc thăm dò đàm phán với ELN. Sau nhiều lần gặp gỡ bí mật để thảo luận về các chi tiết căn bản, tháng 9-2015 giữa ELN và Chính phủ Colombia bắt đầu có những cuộc tiếp xúc chính thức.

Thực trạng hiện nay của ELN

Theo cơ cấu tổ chức, hiện tại cấp chỉ huy cao nhất của ELN là Bộ Tư lệnh Trung ương (COCE), gồm 3 nhân vật là Gabino, Pablo Beltran và Ramiro Vargas.  COCE giám sát tất cả các hoạt động của ELN như chính trị, quân sự, tài chính, quan hệ quốc tế. Dưới COCE là 23 thành viên, chỉ huy các đội du kích, các nhóm buôn bán ma túy, hậu cần, thông tin tuyên truyền…

Những nữ chiến binh ELN.

Chính phủ Colombia ước tính số lượng thành viên của ELN hiện nay khoảng 3.000 - 5.000 người, hoạt động tại 9 trong số 32 tỉnh của Colombia, cả 3 dãy núi lớn trong nước đều có căn cứ của ELN.

Nhân vật đứng thứ 3 trong Bộ Tư lệnh Trung ương là Israel Ramirez Pinead, bí danh "Pablo Beltran", phát ngôn viên của ELN (người vừa ký bản thông cáo chung với ông Mauricio Rodriguez, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia tại Caracas, Venezuela hôm 10-10 vừa qua).

Trong các cuộc phỏng vấn với các hãng tin nước ngoài, Pablo Beltran luôn tuyên bố sứ mệnh của ELN là lật đổ Chính phủ Colombia. Nhưng năm 2007, lệnh truy nã ông ta được Chính phủ Colombia bãi bỏ để ông ta có thể sang Cuba tham dự các cuộc đàm phán.

Đứng thứ 2 trong Bộ Tư lệnh Trung ương là Ramiro Vargas, tên thật là Rafael Sierra Granados, phụ trách tuyên truyền. Bằng những bài diễn văn nảy lửa, cực đoan, Ramiro là linh hồn của cuộc chiến tranh du kích. Mặc dù năm 2002 Ramiro đã tham gia các cuộc đàm phán thăm dò với Chính phủ Colombia nhưng năm 2006, Tổng thống Uribe ra lệnh bắt Ramiro vì sự có mặt của ông ta đã ngăn cản tiến trình hòa bình.

Cuối cùng là Gabino, người đứng đầu ELN hiện nay. Tên thật là Nicolas Rodriguez Bautista, gia nhập ELN lúc mới 14 tuổi, ngay khi ELN vừa được Castano thành lập và cũng là người cùng với 21 du kích ELN tham gia cuộc tấn công đầu tiên vào đồn cảnh sát Simacota ngày 7-1-1965.

Được mô tả là "thông minh, lý luận giỏi nhưng tàn nhẫn và khát máu", cha đẻ của những chiến thuật tác chiến trong rừng núi, nắm quyền lãnh đạo ELN từ khi linh mục Perez chết vì bệnh viêm gan năm 1988 nên dù có khá nhiều thuộc cấp không tuân phục Gabino nhưng không ai dám nghĩ đến việc lật đổ ông ta.

Trở lại cuộc đàm phán giữa ELN và Chính phủ Colombia diễn ra tại thủ đô Quito, Ecuador từ ngày 27-10 với sự tham dự của các quốc gia làm trung gian hòa giải, gồm Ecuador, Cuba, Na Uy, Chile và Brazil. Để tỏ thiện chí, ELN hứa trả tự do cho 2 con tin mà nhóm này bắt giữ vào ngày 27-10-2015.

Theo một thông cáo chính thức, ông Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc khẳng định tiếp tục đặt niềm tin vào thỏa thuận mà Colombia và ELN ký kết sau gần 4 năm hòa đàm tại La Habana, đồng thời đề cao quyết tâm của cả hai bên nhằm tiến tới một lối thoát chính trị phù hợp.

Tuy nhiên, với bối cảnh thỏa thuận hòa bình đã được ký kết giữa Chính phủ Colombia và FARC ngày 26-9 nhưng bị người dân nước này bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 2-10, thì viễn cảnh "sóng lặng, gió êm" với ELN xem ra vẫn còn mong manh lắm…

Vũ Cao (theo Panorama - Half a Century with ELN)
.
.