Thống chế Pétain – Anh hùng dân tộc Pháp hay tội đồ phản quốc?

Thứ Bảy, 04/06/2016, 12:10
Henri Philippe Benoni Omer Joseph Pétain (1856 - 1951) thường được biết đến với tên Philippe Pétain, là Thống chế quân đội Pháp đồng thời là thủ tướng trong chính phủ Vichy từ năm 1940 đến năm 1944. Ông được ca ngợi là anh hùng dân tộc Pháp trong Thế chiến thứ nhất nhưng đến cuối đời lại bị kết tội phản quốc vì đã hợp tác với Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.

 

Do đó, công trạng hiển hách nhất mà ông lập được khi ngăn chặn quân Đức trong trận huyết chiến Verdun thời Đại chiến thế giới thứ nhất đã bị "hành vi bán nước" sau này của ông che lấp. Và trận chiến Verdun được xem là trận chiến kéo dài nhất trong lịch sử nhân loại hiện đại. Khu vực chiến trường năm xưa cho đến ngày nay vẫn là tử địa.

Một hiện thân của Pyrros Đại đế

Philippe Pétain sinh ngày 24-4-1856 tại Cauchy-à-la-Tour, miền Bắc nước Pháp. Ông gia nhập quân đội Pháp năm 1876, sau đó, trở thành huấn luyện viên quân trường và lần lượt lên chức đại úy năm 1890, thiếu tá năm 1900 và đại tá năm 1914. Năm 1914, Pétain tham gia trận sông Marne lần 1 với quân hàm thiếu tướng.

Chiến trường Verdun. (Ảnh: Getty).

Vào tháng 9-1915, ông thể hiện tài nghệ thao lược của mình trong trận chiến Champaigne. Năm 1916, nước Đức chuyển trọng tâm chiến tranh tấn công cứ điểm Verdun quan trọng của Pháp. Tuy là phòng tuyến trọng yếu nhưng cũng là nơi dễ bị tấn công, đồng thời là cửa ngõ vào Paris. Quân Đức cho rằng, để bảo  vệ Verdun, quân Pháp sẽ luôn tăng cường lực lượng, như vậy nếu dốc toàn lực đánh Verdun, quân Đức có thể làm tiêu hao lực lượng đáng kể quân Pháp ở đây.

Verdun là một thành phố ước có khoảng 14.000 dân, trong phạm vi 10km2 có hơn 200 pháo đài kiên cố, bố trí bốn trận địa phòng ngự, tạo thành một hệ thống phòng ngự hoàn thiện. Tại đây, quân Pháp tập trung tới 3 quân đoàn. Để chuẩn bị bước vào cuộc chiến, quân Đức bí mật đưa 1.400 khẩu đại bác, 542 quả mìn có sức công phá gấp 100 lần so với tạc đạn, lập thành chiến tuyến dài 8 dặm Anh. Mỗi một đơn vị được trang bị rất nhiều súng đạn, thêm 168 phi cơ phối hợp tác chiến.

Chiều ngày 21-2, quân Đức bắt đầu tấn công, phòng tuyến số 1 của Pháp bị phá hủy. Ngày 25-2, pháo đài ở phía đông bắc Verdun bị chiếm đóng, phòng tuyến quân Pháp bị đứt rời, đứt liên lạc với tuyến sau. Chính phủ Pháp vội tăng chi viện cho khu vực Vendun do Henri Philippe Pétain phụ trách Tư lệnh quân đoàn, khi đó ông đã 60 tuổi.

Ý tưởng của Erich von Falkenhayn, tổng tham mưu trưởng quân đội Đức khi đó là đánh cho quân Pháp "mất máu" một cách tàn bạo. Cách thức chiến đấu trong ngày đầu tiên đó kéo dài trong hàng tháng trời ở Verdun: Quân Đức dội bão lửa lên trận địa đối phương rồi ồ ạt xông lên. Quân Pháp thì "bít các lỗ hổng" và đáp trả bằng những đòn chết người. Cứ thế mọi việc diễn ra lặp đi lặp lại.

Pétain lệnh cho nã pháo vào quân địch, rồi ngồi ôtô đến Verdun quan sát trận địa của quân Pháp, đưa ra một kế hoạch tác chiến cho quân tiên phong, yêu cầu dùng một lực lượng binh sĩ cần thiết để lập nên trận địa phòng thủ và không cho rút khỏi pháo đài.  Do trục đường chính bị quân Đức phá hoại, muốn đến Verdun phải sử dụng những nhánh đường phụ rất gập ghềnh và mất nhiều thời gian nên Pétain lập tức tập trung nhân lực tu sửa. Với quyết tâm "không để lọt Verdun vào tay Đức", mấy nghìn quân dân lao động suốt ngày đêm sửa chữa và mở rộng mặt đường.

Từ ngày 27-2, mỗi đêm có 6.000 xe tải chạy qua đường, bình quân cứ 14 giây có 1 xe đi qua. Trong vòng một 1 tuần lễ, công binh Pháp vận chuyển được 190.000 quân cùng 25 triệu tấn vũ khí, đạn dược từ tuyến sau lên Verdun, vì thế con đường này được đặt tên là "Đường thiêng".

Để chiếm được từng tấc đất trận địa, quân lính hai bên nhiều lần đánh giáp lá cà, binh sĩ thương vong thây chết chất cao như núi. Đầu tháng 3, quân Đức tranh thủ phát động tấn công khu vực phía sông mở ra một trận huyết chiến. Đến đầu tháng 6 thì quân Đức đánh chiếm được pháo đài ở bờ sông Meuse, Verdun bị uy hiếp nghiêm trọng. Tướng Petain đã không khôn ngoan khi tham gia "trò chơi" của tổng tham mưu trưởng Đức Falkenhayn.

Đến giữa hè năm 1916, trận Verdun trở thành một cuộc chém giết lẫn nhau bằng đại bác. Quân lính hai bên bị chôn chặt xuống chiến hào trong những ngày dài bất tận. Một lính Pháp viết thư về nhà kể lại: "Anh phải ăn bên cạnh xác chết, phải uống bên cạnh tử thi, đến đi vệ sinh rồi ngủ cũng bên cạnh người chết". Trung úy Henri Desagneaux, thuộc Trung đoàn bộ binh số 2 của Pháp, viết trong nhật ký: "Đó là trận đánh hủy diệt - người chọi với pháo". Bom rơi suốt 7 ngày trong tuần.

"Đêm, mặt trận cũng nóng rẫy vì lửa đạn". Người ta ước tính 60 triệu quả đạn pháo đã bắn đi trong suốt 303 ngày diễn ra trận đánh này. 9 ngôi làng bị xóa sổ. Quân Đức còn sử dụng các loại vũ khí độc hại như là khí phosgene và súng phun lửa. Trận chiến giằng co từng tí một cho đến cuối tháng 6-1916. Theo các nhà quân sự và sử học thống kê, quân Đức đã bắn 110.000 viên đạn pháo có khí độc vào trận địa quân Pháp, giết chết hàng chục ngàn lính Pháp nhưng quân Pháp vẫn giữ vững trận địa.

Cuộc chiến kéo dài 10 tháng ở Verdun là cuộc chiến có quy mô lớn nhất trong Đại chiến thế giới lần I, hai bên tập trung hơn 1 triệu quân, thương vong khoảng 700.000, khắp nơi trên chiến trường, xác người chất đống cao hàng mét biến Verdun thành một nghĩa địa lộ thiên. Pétain được xưng tụng như một vị anh hùng dân tộc vì đã giữ vững phòng tuyến Verdun nhưng tổn thất quá nặng nề của quân Pháp đã khiến cho Pétain trở thành hiện thân của một Pyrros đại đế, trong khi người Đức xem như đã thành công trong chiến lược "hút sạch máu" kẻ thù.

Cũng cần biết, Pyrros (319 - 272 trước Công nguyên) là  vị tướng lĩnh và chính khách Hy Lạp cổ đại. Ông thuộc tộc người Molossia ở Hy Lạp cổ đại, ngoài hai lần làm vua xứ Ipiros và hai lần làm vua xứ Macedonia, ông còn là chúa đảo Sicilia. Trong cuộc chiến tranh chống La Mã, ông áp dụng phương thức xua quân "lấy thịt đè người" và trong một số trận đánh, dù quân đội tinh nhuệ của ông giành chiến thắng nhưng vẫn gánh tổn thất nặng nề, từ đó các nhà binh lược dùng thuật ngữ "chiến thắng kiểu Pyrros" để chỉ những thắng lợi có nhiều hậu quả hơn là thành quả.

"Hỏa ngục Somme"

Khi quân Đức chuẩn bị tấn công Verdun, liên quân Anh - Pháp cũng lên kế hoạch tấn công quân Đức ở sông Rhin. Tháng 2 - 1916, quân Anh đánh ở bờ bắc sông Rhin, quân Pháp thì đánh ở bờ nam trên một chiến tuyến dài 45km, đồng thời tấn công phòng tuyến quân Đức nhưng quân Đức đã sớm xây dựng phòng tuyến kiên cố ở sông Rhin dài 40 dặm Anh, trong đó có hệ thống nhà ăn, khu nhà tắm, xe cấp cứu và chở đạn, còn dùng một số máy phát điện chạy bằng dầu, cửa ra vào địa đạo nằm trong thôn trang hoặc rừng rậm.

Hệ thống chiến hào lộ thiên và lô cốt của quân Đức xây cao dần bên sườn núi, xung quanh đặt những khẩu pháo lớn, phòng thủ rất nghiêm mật. Thế giằng co khi đó đã khiến chiến thắng gần như nằm trong tay người Đức. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, lực lượng quân Đồng minh của Pháp ở các mặt trận khác đã kịp thời cứu Pháp. Cuộc tấn công Brusilov của Nga ở mặt trận phía đông đã buộc tướng Falkenhayn phải điều bớt quân sang mặt trận phía tây.

Giao tranh khốc liệt nổ ra từ ngày 24-5. Đầu tiên, Anh - Pháp dùng 1.000 khẩu đại bác bắn vào trận địa quân Đức, hàng loạt máy bay bắn phá các lô cốt, liên tiếp trong 6 ngày nã 150 vạn quả đạn pháo. Ngày 1-7, Nguyên soái Anh Haig nhất trí đẩy ngày mở màn trận đánh Somme lịch sử lên sớm. Hơn 54.000 lính Anh thuộc Tập đoàn quân số 3 và 4 đã bị nghiền nát bằng súng máy và trọng pháo khi họ lê bước qua vùng đất trống tiến về phòng tuyến quân Đức nằm phía đông thị trấn Albert.

Cuộc tấn công này khiến 20.000 người chết, nhiều đơn vị gần như bị xóa sổ hoàn toàn, có đơn vị như Trung đoàn Newfoundland Hoàng gia tổn thất trên 90%. Mặc dù các lực lượng liên quân Anh-Pháp cố gắng đột phá chiến hào quân Đức ở một số điểm nhất định dọc theo trận tuyến dài 20km, nỗ lực của họ cuối cùng bị sa lầy và tạo ra thế giằng co trong 141 ngày với hơn 1 triệu binh lính thương vong.

Một lính Pháp nhớ lại: "Mọi người phải bước qua nhiều xác chết đang phân hủy, còn tay và quần áo thì dính mùi thối rữa". Nhưng binh sĩ các bên tham chiến vẫn chiến đấu điên cuồng.

Thời kỳ này, nước Anh đã phát minh ra một loại vũ khí mới và bắt đầu đem áp dụng vào chiến trường nước Pháp. Để đảm bảo bí mật loại vũ khí mới, trên hòm gỗ đựng nó viết chữ "TANK". "Tank" vốn là hòm nước, sau trở thành một loại vũ khí lợi hại - chính là xe tăng. Ngày 15-9, lần đầu tiên quân Anh sử dụng xe tăng ở chiến trường, khi đó xe tăng vẫn còn chưa hoàn thiện. Thân xe tăng dài 8,1m, cao 2,1m, vận tốc 6km/giờ.

Khi thấy cỗ xe khổng lồ lao vào trận địa, binh sĩ Đức thảy đều kinh sợ. Nhưng việc sử dụng xe tăng lại không giúp cho quân Anh - Pháp thực hiện chiến lược đột phá quân Đức. Đến trung tuần tháng 11, quân lính hai bên đều sức cùng, lực kiệt, cuộc chiến phải ngừng trên sông Rhin. Cuộc chiến trên sông Rhin là một cuộc chiến tiêu hao trên quy mô lớn, con số thương vong của các bên tham chiến được sử sách ghi nhận: Anh 420.000, Pháp 200.000, Đức 650.000.

Đến ngày 18-12-1916, quân Pháp đã đẩy lui quân Đức trở lại vị trí ban đầu. Sau này Thống chế Petain đã đề xuất xây dựng chiến lũy kiên cố Maginot bằng bê tông dọc theo biên giới Pháp - Đức để tránh nguy cơ bị đổ máu một lần nữa.

Cho đến nay, chiến trận Somme vẫn được xem là biểu tượng tiêu biểu về sức hủy diệt của chiến tranh chiến hào. Ngày nay, bên dưới cánh rừng Bois Azoule là hài cốt của hàng ngàn người lính mà không ai trong số họ có thể được tìm thấy do tác động của các chất hóa học và chất nổ. Có những vùng bên trong khu rừng này còn nguyên biển báo "Cấm lai vãng" do còn bom mìn vương lại.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại lễ kỷ niệm 100 năm trận chiến Verdun (Ảnh: Reuters)

Trận Verdun đã tiêu diệt tinh thần chiến đấu của người Pháp và cả nước Pháp dù họ luôn cố phủ hào quang lên trận chiến đó. Nhiều nhà sử học cho rằng, chính "ám khí từ Verdun" đã khiến chính quyền Vichy, đứng đầu là Pétain, đã nhanh chóng đầu hàng Hitler. Năm 1940, Pétain nhậm chức Thủ tướng Pháp và ký hòa ước với Đức quốc xã, theo đó Đức quốc xã kiểm soát 3/5 nước Pháp.

Sau khi quân Đồng Minh tiến vào giải phóng nước Pháp khỏi Đức quốc xã, thủ tướng Pétain bị quân Đồng minh bắt và ông nghiễm nhiên bị kết tội phản quốc. Ông bị kết án tử hình nhưng sau đó được đổi lại thành án chung thân. Pétain mất ngày 23-7-1951 lúc 95 tuổi tại nhà tù trên đảo d'Yeu, ngoài khơi Đại Tây Dương. Dẫu cho ông có mong muốn được chôn cất cùng với các sĩ tử của trận huyết chiến tại Verdun, người ta vẫn mai táng ông ở một hòn đảo bên ngoài bờ biển Brittany.

Ngày 29-5 vừa qua, Pháp và Đức đã cùng kỷ niệm 100 năm ngày xảy ra trận chiến Verdun. Buổi lễ diễn ra tại nghĩa trang Douaumont của thành phố Verdun, phía đông thủ đô Paris. Đây là nơi chôn cất 130.000 binh sĩ Pháp và Đức tử trận trong trận chiến Verdun.

Tại buổi lễ, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cùng nhau thắp lên ngọn lửa vĩnh cửu ở nghĩa trang để tưởng nhớ những người đã khuất.

Trong diễn từ của mình, Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa Pháp và Đức, cho rằng, sự hiện diện của Thủ tướng Đức tại buổi lễ cho thấy sự kiện Verdun không phải là biểu tượng của những đau thương và mất mát mà là hiện thân của hy vọng. Đề cao sự đoàn kết của châu Âu trong việc đối phó những khó khăn của châu Âu hiện nay, Thủ tướng Đức Merkel phát biểu: "Chủ nghĩa dân tộc cần bị loại bỏ bởi nó sẽ chỉ khiến châu Âu tụt hậu".

Mạnh Quân (tổng hợp)
.
.