Thử nghiệm ma túy và chất độc – Những trang đen tối trong lịch sử CIA

Thứ Ba, 29/10/2019, 06:20
Ngay từ thời gian đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã đánh giá, việc nghiên cứu phương pháp kiểm soát nhận thức có thể có được vai trò quyết định trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc.

Đó là lý do khiến các quan chức tại Langley quyết định khởi động chương trình siêu bí mật "MK-Ultra". Những nghiên cứu được tiến hành trong khuôn khổ chương trình này suốt vài thập niên sau đó đã kéo theo một số lượng lớn nạn nhân trở thành đối tượng của những thử nghiệm về ma túy và chất độc cực kỳ nguy hiểm.

"MK-Ultra" đã trở thành một trang đen tối trong lịch sử CIA mà tổ chức này luôn tìm cách che giấu và xóa bỏ…

Một đêm tháng 11-1953, khu vực đại lộ số 7 của Manhattan vang lên tiếng kính vỡ. Chỉ vài giây sau, một người đàn ông cởi trần đã rơi xuống một chiếc cầu nhỏ nằm ngay phía trước khách sạn Statler.

Frank Olson.

Khi xuất hiện tại tầng 9 là nơi có cánh cửa bị vỡ, cảnh sát bắt gặp một nhân vật có tên Robert Lashbrook, một sĩ quan kỳ cựu của CIA, người khẳng định đồng nghiệp của mình đã tự nhảy ra ngoài qua cửa sổ vào giữa đêm.

Nạn nhân rơi xuống đất được xác định là Frank Olson, từng nhiều năm làm việc cho Chính phủ Mỹ và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chất độc. Sau cái chết của Olson, cơ quan mật vụ Mỹ trong suốt 22 năm làm ra vẻ không có bất cứ liên hệ nào tới vụ việc trên, nhưng khi buộc phải thừa nhận vẫn tìm cách tránh né nói sai sự thật.

Olson là một trong những nhà khoa học đầu tiên được xác định đã làm việc trong các phòng thí nghiệm bí mật của CIA. Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, họ đã nghiên cứu chế tạo vũ khí sinh học: những loại khí gây chết người có thể dùng để chống lại những đơn vị lớn của đối phương, cũng như dùng cho những nhiệm vụ ám sát đơn lẻ.

Dưới quyền của Olson, nhóm các nhà khoa học này đã thành công trong việc chế tạo nhiều loại khí độc khác nhau, kèm theo đó là các vật chứa để sử dụng chúng. Những chất độc này có thể được ngụy trang dưới dạng để dao cạo râu, thuốc trị muỗi, bình xịt thuốc chống hen suyễn…

Ngoài ra, đó có thể là chiếc bật lửa chứa đầy chất độc, thỏi sáp bôi môi gây chết người ngay khi tiếp xúc với da. Tất cả không chỉ được thử nghiệm trên chuột, mà còn trên nhiều loài linh trưởng cấp cao khác.

Tại các nhà tù bí mật của mật vụ Mỹ ở nước ngoài (cụ thể như tại Đức), các nhà khoa học còn sử dụng không ít các tù nhân để thử nghiệm, thông thường là người bị nghi ngờ là gián điệp nước ngoài. Olson - từng là người chứng kiến việc thử nghiệm nhiều phương pháp tra tấn khác nhau có sử dụng thôi miên, sốc điện hay ma túy - bắt đầu cảm thấy không thể chấp nhận những hành vi vô nhân tính trên, nên dần nảy sinh ý tưởng cần phải bỏ việc.

Fort Detrick – Pháo đài đen tối

Cho dù những cơ sở bí mật của CIA nằm rải rác khắp nơi trên thế giới, nhưng địa điểm làm việc chủ yếu của nhóm các chuyên gia hóa học lại nằm ngay giữa nước Mỹ - căn cứ quân sự Fort Detrick nằm cách Washington chưa đầy 100 km.

Tại đây cho tới thời điểm hiện tại vẫn còn lại một phòng thí nghiệm sinh học hàng đầu, là nơi các nhà khoa học đang nghiên cứu chống lại nhiều căn bệnh, từ loại gây thiệt hại cho các vụ ngô cho tới virus Ebola.

Nơi đây hiện đang có một thị trấn nhỏ nằm bao bọc xung quanh. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, Fort Detrick lại được lựa chọn làm trụ sở cho một dự án siêu bí mật chỉ vì sự hẻo lánh của nó, xung quanh căn cứ chỉ toàn là đất hoang.

Những gì được dựng lên ở Fort Detrick khi đó có thể dễ dàng không phải chịu sự soi mói của những người qua lại như các địa điểm có dân cư khác. Thời gian ban đầu, trong nhóm các nhà khoa học còn có những chuyên gia của Đức phát xít, từng làm việc trong các phòng thí nghiệm tại các trại tập trung.

Những kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu trước đây của họ đã giúp cho CIA tiết kiệm rất nhiều về thời gian và nhân lực, vật lực. Để đổi lại, tội ác chiến tranh của những phần tử trên đã được người Mỹ nhắm mắt làm ngơ.

Vào thời điểm năm 1953 khi đó, tình báo Mỹ không chỉ quan tâm tới vũ khí hóa học và sinh học. Sau khi sử dụng thành công hai quả bom nguyên tử, vũ khí sinh hóa được đẩy xuống hàng thứ hai. Đến khi CIA có được thông tin cho rằng, phía Liên Xô dường như đã có được công nghệ có thể kiểm soát được lý trí con người, người Mỹ bắt đầu mới tính toán lại sự ưu tiên của mình.

Quan chức đứng đầu CIA khi đó là Allan Dulles đã giao nhiệm vụ nghiên cứu khả năng kiểm soát trực tiếp lý trí con người cho Sidney Gottlieb, người về sau được mệnh danh là "Phù thủy đen" của cơ quan tình báo Mỹ. Điều trớ trêu của số phận là dự án nghiên cứu với sự tham gia của nhiều nhà khoa học phát xít cũ lại do một nhà hóa học 33 tuổi gốc Do thái điều hành.

Điều khiển lý trí

Một trong những mục tiêu chủ chốt của chương trình "MK-Ultra" chính là nghiên cứu các tác động lên lý trí con người. Giới lãnh đạo tình báo Mỹ muốn có được khả năng tăng cường hay làm suy giảm khả năng nhận thức, suy nghĩ của con người, xóa trí nhớ của con người trong một khoảng thời gian nhất định, hay làm cho con người không có khả năng nhìn, nghe hay chuyển động …

Lối vào căn cứ Fort Detrick.

Theo một chiều hướng ngược lại, họ cũng có tham vọng làm tăng cường khả năng chịu đựng tra tấn hay khống chế nỗi sợ hãi. Họ cũng muốn biết được cách can thiệp vào cơ cấu nhân cách của con người, thay đổi nó, làm con người trở nên yếu đuối, chịu thuần phục hay thậm chí hoàn toàn phụ thuộc vào một người khác.

Trong những năm sau đó, nhóm nghiên cứu của Gottlieb với sự cho phép của chính phủ đã tiến hành hoặc phê chuẩn hàng trăm ngàn thử nghiệm khác nhau trên con người. Có rất nhiều trường hợp, chính các bệnh nhân từ các viện tâm thần lại trở thành những đối tượng thí nghiệm mà họ không hề được biết, còn nếu có được biết thì cũng chỉ một phần rất nhỏ sự thật.

Giấy phép cho những nghiên cứu kiểu trên đã từng được triển khai tại ít nhất 44 trường đại học, 15 phòng thí nghiệm và công ty dược phẩm, 12 bệnh viện và phòng khám cùng 3 nhà tù khác nhau.

Trong các nỗ thực thử nghiệm nhằm kiểm soát lý trí con người, các chuyên gia đã sử dụng nhiều biện pháp như thôi miên, sốc điện, gây mất cảm giác, các thủ pháp tra tấn và gây áp lực tâm lý, cũng như các chất hóa học gây tác động lên tâm lý. Trong lĩnh vực này, người Mỹ đặc biệt quan tâm tới LSD, một chất tác động gây ảo giác rất mạnh đối với con người.

Trong những đoạn băng ghi hình được thực hiện khoảng năm 1958 có ghi lại một cuộc thử nghiệm, các nhà bác học đã tập trung làm rõ câu hỏi, chất LSD ảnh hưởng thế nào đến những người lính đang đi trong hàng ngũ.

Khi chất này bắt đầu có tác động, những người lính gần như không thể đi đều, xoay mặt về hướng cần thiết hay nói chung duy trì tính nghiêm túc của hàng ngũ - họ cười nói, trò chuyện vô thức và có nhiều biểu hiện bối rối.

"Tôi cảm thấy mình bị chìm trong ảo giác. Căn phòng cũng thay đổi hình dạng. Tôi bị hoang tưởng trong vài giờ liền, thèm khát bạo lực. Tôi đã phải chịu đựng những cơn ác mộng trong thực tại, những bức tường rỉ máu, còn mọi người xung quanh biến thành các bộ xương. Tôi có cảm giác mình như phát điên" - phát biểu của Whitey Bulger, một thành viên mafia bị cầm tù, từng phải trải qua vài cuộc thử nghiệm chất LSD vào năm 1957.

Cũng trong khoảng thời gian này, bác sĩ nhà tù tại bang Kentucky đã cho 7 tù nhân da đen vào các phòng giam cách ly, cho họ ăn các liều LSD gấp đôi, gấp 3 thậm chí gấp 4 bình thường. Mục tiêu được cấp trên giao phó là phải tìm hiểu xem loại chất này hủy hoại hoàn toàn tâm lý con người như thế nào. Thông tin về số phận 7 tù nhân khốn khổ trên hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Có thể nói, danh sách những người tham gia thử nghiệm các chương trình của Sidney Gottlieb còn rất dài - có thể là cả các công chức nhà nước, quân đội, nhân viên tình báo, dân thường và bác sĩ…- tất cả hoặc được cấp thuốc, đề nghị tham gia thử nghiệm hay đơn giản bị bí mật đưa thuốc vào cơ thể.

Một trong những nhân vật đáng chú ý tham gia thử nghiệm là sinh viên Ken Kesey từ trường Stanford, trong thời gian làm thêm tại bệnh viện. Vào năm 1959, sinh viên này đã trải qua một đợt thử nghiệm LSD dưới sự theo dõi của các chuyên gia tâm lý, sau đó mô tả chuyện này trong cuốn sách "One Flew Over the Cuckoo's Nest" của mình.

Số phận kẻ đầu độc

Chính sự bất bình với hoạt động của CIA, cụ thể là với công việc của mình, rất có thể đã khiến cho Frank Olson trở thành nạn nhân của chính các đồng nghiệp. Vào năm 1953, ngay từ khi chương trình "MK-Ultra" mới trong giai đoạn khởi đầu, Olson đã tâm sự với vợ rằng, cảm thấy thất vọng với công việc của mình, kèm theo đó cả thấy áp lực tâm lý về việc mình đang làm. Người thân cho biết, anh ta trước đó luôn trong trạng thái buồn rầu và trầm cảm.

Khoảng 9 ngày trước khi chết, Olson nhận được lời mời tham dự một buổi tiệc tối, trong đó Gottlieb có gọi ông cùng 8 nhà khoa học khác của CIA và quân đội tới một căn nhà ngoại ô cạnh hồ Deep Creek, vốn là nơi nghỉ ngơi thông thường của cả nhóm.

Tuy nhiên, kỳ nghỉ giữa thiên nhiên lần này lại trở thành những ngày làm việc thực sự của chínhn họ - các nhà khoa học lần đầu tiên bí mật trở thành những người bị đem ra thử nghiệm.

Chỉ huy của họ đã pha một liều lớn chất kích thích ảo giác vào loại rượu mùi Cointreau để chiêu đãi khách, chỉ thông báo với họ sau khi đã uống. Các chuyên gia rất bất bình với sự bất ngờ trên nhưng không thể làm được gì, sau đó rơi vào tình trạng bị ảo giác nặng. Nếu tất cả chỉ hồi lại vài ngày sau đó, thì tình trạng trầm cảm của Olson lại nghiêm trọng hơn. Trong vài ngày sau đó, ông liên tục gặp đồng nghiệp và cấp trên của mình, thông báo về khả năng xin nghỉ việc.

Olson nói chung đã không thể hồi phục - khi thì ông đề nghị được nghỉ việc, khi thì đồng ý ở lại, lúc lại xin trở về với gia đình vì tinh thần không được ổn định. Chuyên gia hóa học này đã cố gắng lẩn tránh các đồng nghiệp, thậm chí muốn ra trình diện cảnh sát do nghĩ rằng mình đang bị truy lùng. Tất cả những bi kịch trên đã kết thúc bằng một cú nhảy qua cửa sổ khách sạn tại New York lúc 3 giờ đêm.

Để ém nhẹm sự thật về cái chết của Olson, CIA đã tìm cách gây áp lực lên cảnh sát. Những người có thể biết chút ít về các chương trình nghiên cứu vũ khí tác động tâm lý của CIA đều loại khỏi nhóm điều tra. Olson bị đem chôn trong một chiếc quan tài kín như bưng. Còn gia đình ông phải qua hai thập niên sau mới biết được một phần sự thật.

Những lời xin lỗi không thành khẩn

Năm 1975, quả bom thông tin đầu tiên nổ ra, khi tờ The Washington Post kể về câu chuyện của Olson. Bi kịch trên nhanh chóng thu hút được sự chú ý của công luận: một nhà khoa học của CIA có thể tiếp cận thông tin mật đã tự tử sau khi dùng ma túy với sự có mặt của một nhân viên tình báo khác. Vợ con Olson ngay lập tức yêu cầu mở một cuộc điều tra mới, đồng thời chuẩn bị các thủ tục để kiện CIA.

Có vai trò lớn trong vụ này là Dick Cheney - về sau này trở thành phó tổng thống Mỹ, khi đó là phó chánh văn phòng tổng thống. Chính từ đề xuất của Cheney, Tổng thống Gerard Ford hiểu rằng, nếu vụ việc theo đúng diễn tiến thông thường, cơ quan tình báo sẽ buộc phải tiết lộ những thông tin tuyệt mật của mình. Cheney đề xuất người đứng đầu quốc gia nên "công khai bày tỏ sự cảm thông và đề nghị được gặp bà Olson cùng các con trong một cuộc trò chuyện riêng tư".

Tổng thống Ford đã làm đúng như vậy, khi mời cả gia đình Olson tới Phòng Bầu dục và xin lỗi. Nhà Olson sau đó còn gặp quan chức đứng đầu CIA khi đó là William Colby.

"Vào thời gian đó, một số người của chúng tôi đã đi quá xa vượt ngoài khả năng kiểm soát. Chúng tôi đã không có đủ khả năng điều hành và giám sát việc này" - Colby đã phân trần với gia đình Olson như vậy. Nhà Trắng đã đề xuất khoản tiền 750 ngàn đôla để đổi lấy việc từ bỏ kiện tụng. Kết quả là cả hai bên đã đồng ý và ký vào văn bản thỏa thuận.

Gần 20 năm sau, cụ thể vào năm 1994, cậu con trai Eric của Frank Olson do tiếp tục nghi ngờ về cái chết của cha mình đã xin được giấy phép khai quật mộ ông. Kết quả từ phía chuyên gia pháp y đã giúp khẳng định nghi ngờ của ông: cho dù thi thể của cha ông bị ngã đập lưng xuống đất, nhưng phía trán bên trái lại có vết rạn ở xương sọ.

Theo kết luận của chuyên gia, Olson đã bị quẳng qua cửa sổ trong tình trạng bị bất tỉnh, nguyên nhân có thể do một cú đánh thẳng vào đầu.

Cho dù con cháu của Olson không thể kiện chính phủ Mỹ, nhưng mọi chuyện vẫn dần được đưa ra ánh sáng. Năm 1972, phù thủy đen Gottlieb nhìn trước nguy cơ bị sa thải đã chỉ đạo hủy gần hết giấy tờ ghi chép liên quan đến chương trình "MK-Ultra", với hy vọng có thể sống những tháng ngày bình yên cuối đời.

Tuy nhiên, cuộc điều tra sau đó dựa trên một số tài liệu còn lại dù sao cũng có kết quả: một số nạn nhân bị đem ra thử nghiệm trước đó cuối cùng cũng nhận được tiền bồi thường. Còn luật pháp Mỹ xuất hiện những điều khoản nghiêm ngặt hơn liên quan đến các thử nghiệm trên người, theo đó người tham gia cần phải được thông báo rõ ràng trước khi đồng ý.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.