Tỉ phú Geogre Soros – Những toan tính bên trong bộ óc kiếm tiền siêu đẳng (bài cuối)

Thứ Năm, 10/08/2017, 21:56
Ngày 17-11-2003, phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia Tbilisi, Tổng thống Gruzia E. Shevardnadze - cựu Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô - đã công khai chỉ trích Quỹ Soros khi hoạt động tại nước ông đã "tài trợ cho một số thế lực đối lập", trong đó có phong trào thanh niên Kmara. Khi E. Shevardnadze nhận ra điều này thì đã quá muộn.


Bài cuối: “Di sản khổng lồ” triệu người không mong muốn

G.Soros chuẩn bị cho việc lật đổ E. Shevardnadze từ tháng 2-2003 khi Viện Xã hội mở của ông ta tại Tbilisi gửi một người Gruzia, tên là Giga Bokeria, lãnh đạo "Viện tự do", tới Serbia để học cách các thành viên của phong trào Optor (Kháng chiến) sử dụng những cuộc biểu tình trên đường phố lật đổ Tổng thống Nam Tư Milosevic như thế nào. Vài tháng sau, Quỹ Soros lại chi tiền cho các thành viên Optor tới Gruzia để những người này mở một khóa đào tạo 3 ngày cho hơn 1.000 sinh viên Tbilisi về cách dàn dựng một cuộc "đảo chính không dùng đến bạo lực".

Trong sự kiện Brexit, quỹ đầu tư của G.Soros được cho là đã tăng gấp đôi lợi nhuận so với đầu năm 2016.

Theo Giga, ba tổ chức đóng vai trò then chốt trong việc lật đổ E. Shevardnadze là phong trào Dân tộc đối lập của Bộ trưởng Tư pháp M. Saakashvili, Đài truyền hình đối lập Rustavi-2 và phong trào Thanh niên Kmara. Tháng 4-2003, sau khi nhận 500.000 USD từ Quỹ Soros, Kmara tuyên chiến với E. Shevardnadze và bắt đầu cuộc vận động tấn công nạn tham nhũng của chính quyền.

Đài Rustavi-2 nhận tiền của Quỹ Soros từ khi thành lập năm 1995 và đã được tăng thêm tài trợ từ một năm trước khi nó bắt đầu chương trình "24 giờ" chống E. Shevardnadze. Rustavi-2 công chiếu phim hoạt hình tên "Our Yard" trong đó Tổng thống Shevardnadze được mô tả như một kẻ lá mặt lá trái và trong suốt sự nghiệp chính trị chỉ mải "vơ vét cho đầy túi tham". Cũng chính Rustavi-2 đã truyền đi kết quả những cuộc thăm dò bầu cử quốc hội ngày 2-11 do các tổ chức Mỹ thực hiện, trái ngược với kết quả chính thức.

Hơn 100.000 người đã tập trung trên các đường phố Tbilisi để phản đối kết quả cuộc bầu cử quốc hội, sau đó tiến vào quốc hội khiến E. Shevardnadze phải bỏ chạy rồi theo như tuyên bố trên truyền hình, "Nếu ngày mai tôi bị ép sử dụng vũ lực, điều đó sẽ chỉ dẫn tới đổ máu mà thôi. Tôi không thể nào phản bội tổ quốc", ông chấp nhận từ nhiệm vào ngày 23-11-2003. Mikhail Saakashvili, người có quan hệ thân phương Tây đắc cử tổng thống mới của Gruzia.

Đây là cuộc cách mạng màu đầu tiên trong khối các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Ông Shevardnadze trong một cuộc họp báo đã không che giấu sự ê chề khi nói với các phóng viên: "Có một vị đại sứ cho tôi biết, Quỹ Soros đã chi ra khoảng 2,5 đến 3 triệu USD cho việc phát động cuộc Cách mạng hoa hồng". 

Theo mạng tin tức độc lập WND của Mỹ, tỷ phú G. Soros đã đặt nền móng cho sự can dự vào các vấn đề tại Ukraine ngay từ năm 1989, khi lập ra một quỹ từ thiện mang tên "Quỹ phục hưng quốc tế của người Ukraine" (IRF). Từ đó cho đến khi nổ ra "Cách mạng màu da cam", nhà tài phiệt đã rót hơn 100 triệu USD để hậu thuẫn cho các nhóm hoạt động tại Ukraine, hầu hết thông qua IRF và các Viện xã hội mở, tổ chức phi chính phủ truyền bá tư tưởng dân chủ. Theo báo cáo thường niên năm 2012 của IRF, tổ chức này khẳng định: "IRF đã tài trợ 63 triệu hryvnia (tương đương 6,7 triệu USD vào thời điểm đó) cho các tổ chức xã hội dân sự - nhiều hơn bất kỳ tổ chức từ thiện nào hoạt động trong lĩnh vực này tại Ukraine".

IRF không chỉ hỗ trợ cho hàng loạt tổ chức phi chính phủ, mà chính họ còn tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề thường kỳ và các khóa đào tạo cho các nhóm địa phương, liên quan đến các chủ đề như "mở cửa biên giới", và chuyển hóa khu vực thông qua Liên minh châu Âu.

Một hội thảo như vậy từng được tổ chức ở Kiev vào tháng 5-2012, nhằm củng cố năng lực của các tổ chức phi chính phủ Ukraine trong việc tiếp nhận sự hỗ trợ của EU. Năm 2009, IRF đã tạo ra một mạng lưới các chuyên gia để giúp cải cách các chính phủ và phát triển một nhóm các chính trị gia được xem là "lực lượng tiến bộ". IRF còn bắt tay với các nhóm của chính phủ và Liên Hiệp Quốc tại Crimea để triển khai một chương trình chung, có tên "Hỗ trợ triển khai chính phủ điện tử, dân chủ điện tử và thông tin hóa chính quyền địa phương tại Crimea".

Một sáng kiến then chốt của tổ chức IRF do "Tư lệnh tối cao" G.Soros đưa ra là loại bỏ hàng rào thị thực giữa Ukraine và EU, trong khi tích hợp các chuyên gia Ukraine vào các nhóm EU. IRF tích cực triển khai các chiến dịch mà họ gọi là "vận động vì nhân quyền", cổ vũ rất nhiều nhóm địa phương và triển khai các sáng kiến như chương trình "Trao quyền pháp lý cho người nghèo", hướng dẫn "những phóng viên có trách nhiệm xã hội" tại Ukraine.

Trong khuôn khổ hoạt động tại địa phương của mình, IRF ủng hộ cho ít nhất một trong những nhóm chính dẫn đầu kích động các cuộc biểu tình tại Ukraine. Cụ thể như Tổ chức Spilna Sprava (Chính nghĩa chung), vốn là trung tâm dẫn dắt những người biểu tình, từng nhận 3.000 USD hỗ trợ từ IRF năm 2009.

Cuộc "cách mạng màu da cam" và chính biến tại Ukraine đã được quỹ của G. Soros lên kế hoạch chuẩn bị từ cuối thập niên 80 thế kỷ XX.

Trong khi đó, Viện xã hội mở của G. Soros năm 2012 từng triển khai một dự án có tên "Công lý cho thường dân Ukraine", nhằm giúp đỡ "những người dân thường khẳng định quyền của họ theo pháp luật". Cùng liên hệ với G. Soros còn có Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế, vốn tự nhận mình là một trong những "đơn vị nghiên cứu độc lập hàng đầu của Ukraine trong việc phát triển và phân tích chính sách công".

Cuối năm 2004, tại Ukraine chính thức nổ ra cuộc "Cách mạng màu da cam" với những cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử Tổng thống hồi năm 2004 bị cho là gian lận. Để rồi khi tiến hành bầu cử lại vào 2005, bộ đôi quyền lực Viktor Yushchenko và Yulia Tymoshenko xuất hiện. Lãnh tụ phe đối lập V.Yuschenko trở thành tổng thống.

Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ nghị viện Mỹ, một nghị sĩ đảng Cộng hòa đã tiết lộ: Viện Nghiên cứu phát triển Ukraine trực thuộc quỹ Soros đã phát huy vai trò rất quan trọng trong việc phát động cuộc "Cách mạng màu da cam" ở Ukraine, còn ông Yuschenko chính là một thành viên ban lãnh đạo của Viện này. Nghị sĩ này còn tiết lộ trong 2 năm trước đó, Mỹ đã chi cho phe đối lập Ukraine tới 65 triệu USD.

Trong cuộc phỏng vấn với hai hãng truyền thông lớn của Nga là đài phát thanh Tiếng nói nước Nga và kênh truyền hình "Russia Today" vào năm 2014, cựu nhân viên tình báo Mỹ Scott Rickard đã tiết lộ rằng, tỉ phú G.Soros cùng nhà đồng sáng lập trang thương mại điện tử Ebay Pierre Omidyar đã rót hàng triệu USD vào Ukraine từ sau "Cách mạng màu da cam" để " tiếp tục truyền bá và củng cố cho nền dân chủ".

Chuyên gia tình báo này khẳng định, chiêu thức quen thuộc của tỉ phú G. Soros là tung tiền tài trợ cho các nhóm đối lập, biểu tình chống chính phủ, kích động bạo lực và sau đó đổ lỗi cho chính quyền đàn áp dân chúng, tạo cớ để cho sự can thiệp từ bên ngoài. Cùng tham gia hoạt động này với Soros còn có Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ của Mỹ - ông Rickard khẳng định.

Thông qua những khoản tiền quyên góp từ thiện có tính chiến lược, Soros từng giúp hạ bệ chính quyền tại Ba Lan, lật đổ chính quyền Serbia của cựu Tổng thống Slobodan Milosevic, hậu thuẫn cho "Cách mạng Hoa hồng" tại Gruzia, làm "quân sư" cho cuộc "Cách mạng màu da cam" ở Ukraine và tiếp sau đó, vào tháng 3-2005, là cuộc "Cách mạng Chanh" tại Kyrgystan.

G.Soros cũng tài trợ cho nhiều đảng đối lập tại Azerbaijan, Belarus, Croatia, Gruzia và Macedonia, giúp những nhân vật đối lập và có quan điểm thân Mỹ, thân phương Tây lên nắm quyền hoặc trở thành những nhân vật nhiều ảnh hưởng. Nếu chú ý, sẽ không khó để chúng ta nhận ra: Tất cả các nước này đều từng là những đồng minh của Nga.

Tất nhiên Soros không làm việc một mình. Các khoản đầu tư của tỉ phú này thường dựa trên nền tảng là làn sóng bất mãn của những người có tư tưởng dân túy, hoặc được thực hiện cùng các chính phủ Mỹ và châu Âu và các tổ chức phi lợi nhuận. Chỉ đơn thuần dùng tiền thì khó có thể hạ bệ nguyên thủ của một quốc gia, nhưng nếu người ấy yếu thế có thể bị đẩy khỏi chính trường, và G.Soros là người biết nương theo chiều gió để tạo ra những lượn sóng xô đập hất văng vị nguyên thủ đó. 

"Thành trì" Nga và Tổng thống V.Putin luôn là mục tiêu ưa thích của ông trùm tài phiệt từng lấy tập sách "Xã hội mở và các kẻ thù của nó" của triết gia Karl Popper gối đầu giường. Còn nhớ trong làn sóng khủng hoảng tài chính tháng 8-1998, khi giới đầu cơ quốc tế tấn công vào đồng rúp của Nga, G.Soros đã đưa ra những lời bình luận không có lợi khiến ngay trong giờ đầu tiên của một phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán Nga đã tụt 12% và 5 ngày sau, đồng rúp đã mất tới 25% giá trị.

Tháng 11-2015, Văn phòng Tổng Công tố Liên bang Nga đã liệt hai tổ chức OSF - Quỹ xã hội mở và Open Society Institute Assistance Foundation (Quỹ hỗ trợ Viện nghiên cứu xã hội mở) của G.Soros vào "danh sách các tổ chức bất hảo". Thông báo của Văn phòng Tổng Công tố Nga nói rằng, các hoạt động của các tổ chức này "là một mối đe dọa cho nền tảng hệ thống hiến pháp của Liên bang Nga và là mối đe dọa thường trực đối với an ninh và trật tự của Nga", theo đó cấm mọi công dân và tổ chức của Nga tham gia bất kỳ dự án nào của 2 tổ chức này. 

Đầu tháng 4-2016, cả thế giới chấn động với vụ tiết lộ "Hồ sơ Panama". Một lần nữa, Quỹ OSF của tỉ phú G.Soros lại được "điểm tên" trong hồ sơ này. Nội dung trọng tâm của Hồ sơ Panama là hàng loạt chính khách, quan chức, người nổi tiếng… đã thông qua Công ty luật Mossack Fonseca để lập công ty bình phong và quỹ đầu tư ở các "thiên đường thuế" trên thế giới.

 Tên của Tổng thống Putin không xuất hiện nhưng rất nhiều nhân vật thân cận của ông được đề cập trong hồ sơ, dẫn tới nghi ngờ về tham nhũng, trốn thuế và rửa tiền. Trang web WikiLeaks đã đăng tải những bằng chứng về sự liên hệ giữa OSF và ICIJ (Tập đoàn các nhà báo điều tra quốc tế) và cáo buộc: chính G.Soros "đạo diễn" vụ Hồ sơ Panama để bôi nhọ ông Putin.

WikiLeaks nêu quan điểm: Vụ Hồ sơ Panama "nhằm tấn công ông Putin" được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và quỹ đầu tư mạo hiểm của G.Soros cấp ngân sách. Về phía Tổng thống Putin, ông cho rằng, phần tài liệu liên quan đến nước Nga thể hiện một số hoạt động kinh doanh hải ngoại của một số quan chức Nga, chẳng phải để chống tham nhũng, rửa tiền gì cả, mà chỉ nhằm gây bất ổn định nước Nga.

Ngày 7-4-2016, tại diễn đàn truyền thông của Mặt trận bình dân Nga tổ chức ở Saint Petersburg, Tổng thống Nga nêu rõ: "Tập đoàn ICIJ- nơi xuất phát của vụ rò rỉ - lại do Trung tâm liêm chính công Hoa Kỳ thành lập và tài trợ mà các 'sáng lập viên' của ICIJ gồm có: Quỹ Ford, Tổ chức Carnegie Endowment, Quỹ gia đình Rockefeller, Quỹ W.K. Kellogg Foundation, Tổ chức Xã hội mở của tỉ phú Soros...!".

Tính đến khi tuyên bố về hưu ở tuổi 81 vào năm 2011, tỉ phú Soros vẫn kinh tài không ngừng nghỉ trong các cơ hội và thu bẫm lợi nhuận từ những điểm yếu của thể chế các quốc gia cho đến các biến cố địa chính trị như sự kiện nước Anh rời bỏ Liên minh Châu Âu.

Những quyết định của G.Soros thường xuất phát từ những nhận định nhạy bén về thị trường, từ những phán đoán dựa trên những nguyên tắc kinh doanh và cả toan tính thực dụng của một nhà tài phiệt cáo già. Tuy nhiên, đi kèm với những thành công của G.Soros thường là những thất bại đau đớn của nhiều người, cả sự hưng vong của thể chế nhiều quốc gia trên thế giới. G.Soros biện minh rằng, không luật pháp nước nào lại không cho phép ông ta làm điều ấy.

Kết quả cuối cùng đơn giản như một phép tính mà theo G.Soros, đúng hay sai không quan trọng, mà đúng thì được lợi bao nhiêu tiền và sai thì mất bao nhiêu tiền. Nhà tài phiệt bậc thầy đã biết tạo ra lợi nhuận bằng dự đoán sự hình thành của các bong bóng tài chính và dùng hàng tỉ USD để hỗ trợ và cuồng nhiệt quảng bá lý tưởng của mình về một xã hội mở.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.