Tỉ phú Geogre Soros – Những toan tính bên trong bộ óc kiếm tiền siêu đẳng

Thứ Sáu, 04/08/2017, 10:35
Geogre Soros, tỉ phú người Mỹ gốc Do Thái sinh tại Hungary, vào giữa tháng 7 vừa qua là tâm điểm tranh cãi giữa Liên minh Châu Âu (EU), Israel và Hungary sau khi chính quyền Budapest mở chiến dịch chống lại những hoạt động "đe dọa an ninh quốc gia" của ông.


Bài 1: Tự nguyện dốc hầu bao cũng bị…xuyên tạc

Nhưng chiến dịch này chỉ rộ lên trong khoảng một tuần rồi chấm dứt vì theo như nhận định của các nhà quan sát, chính quyền Budapest muốn tránh rắc rối trước chuyến thăm Hungary của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahou.

Ông George Soros từng tuyên bố cam kết đầu tư số tiền lên tới 500 triệu USD để giúp người tị nạn và người di cư trên toàn cầu. Theo tuyên bố mà Soros đưa ra, các khoản đầu tư nói trên sẽ thuộc sở hữu các tổ chức phi lợi nhuận của ông. Lợi nhuận thu về sẽ được rót cho các chương trình của quỹ từ thiện mang tên Open Society Foundations, bao gồm các chương trình mang lại lợi ích cho người di cư và người tị nạn.

Poster chống tỉ phú George Soros tại Hungary.

Tỉ phú Soros còn có kế hoạch hợp tác với các tổ chức như Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) để đưa ra các nguyên tắc đầu tư phù hợp cho sáng kiến từ thiện của ông. Với tuyên bố mang đầy thiện ý như vậy thì tại sao George Soros bị Hungary "kỳ thị" đến mức từ ngày 10-7, trên nhiều trục đường phố lớn của nước này giăng đầy các tấm áp phích với hình ảnh vị tỉ phú cùng dòng chữ: "Đừng cho phép Soros có tiếng cười cuối cùng"?

Đơn giản là từ hơn 2 năm trước, khi làn sóng người tị nạn từ những quốc gia bị nội chiến và xung đột sắc tộc xé nát tràn vào các nước châu Âu qua ngả đường bộ và đường biển thì, không như các quốc gia "đầu tàu" trong EU, Hungary đã nhất quyết ngăn chặn làn sóng này.

Nền kinh tế vốn không mấy "khỏe mạnh" như Hungary không thể gánh thêm trách nhiệm cưu mang cho hàng ngàn người tị nạn cũng như phải đối phó với các cuộc tấn công do các phần tử khủng bố trà trộn vào, vốn đang trở thành hiện tượng trong thời gian qua tại châu Âu. Ngày 7-3-2017, với 138 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 22 phiếu trắng, Quốc hội Hungary đã thông qua một đạo luật cấm người nhập cư bất hợp pháp tự do di chuyển trong lãnh thổ nước này.

Viktor Orban, Thủ tướng theo đường lối cứng rắn của Hungary cho biết, ngay sau khi luật này có hiệu lực, tất cả người di cư và người tị nạn đang cư trú bất hợp pháp tại Hungary sẽ được đưa đến một khu vực đặc biệt, gọi là "Khu vực quá cảnh", nằm trên biên giới phía nam nước này giáp với Serbia và Croatia, để chờ nhà chức trách đưa ra quyết định cuối cùng về đơn xin tị nạn của họ. Đạo luật sẽ áp dụng cho tất cả người tị nạn người nhập cư mới đến và cả những người đã cư trú tại Hungary lâu nay. Theo thống kê, tính đến tháng 2-2017, con số người nhập cư đang sinh sống tại Hungary là 586 người.

Đến cuối tháng 4-2017, Hungary đã hoàn tất hàng rào thứ hai ngăn người di cư tại khu vực biên giới với Serbia. Đây là một "hàng rào thông minh" được lắp đặt camera hồng ngoại, thiết bị cảm biến nhiệt và chuyển động cùng các loa cảnh báo bằng 5 thứ tiếng, được cho sẽ giúp "ngăn chặn hoàn toàn" người nhập cư từ Serbia vào Hungary.

Hạ bệ Tổng thống Vladimir Putin là mục tiêu lớn được ông Soros theo đuổi trong nhiều năm qua.

Ngày 28-4, trả lời báo giới tại Roszke, bên cạnh hàng rào biên giới phía nam Hungary, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Hungary Karoly Kontrat khẳng định: Những hàng rào này là cách thiết thực nhất của Hungary nhằm bảo vệ biên giới nước này lẫn khu vực tự do đi lại theo tinh thần Hiệp ước Schengen. Ông khẳng định hàng rào cao 2m này, một biên giới bên ngoài khu vực Schengen, nhằm sẵn sàng đối phó với lượng người di cư có thể tăng lên trong năm nay và nguy cơ thỏa thuận về người di cư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ bị đổ vỡ.

Chính phủ Hungary với quan điểm và những động thái quyết liệt như vậy trong vấn đề người di cư-tị nạn rõ ràng hoàn toàn đối nghịch với một tỉ phú người Do Thái từng sinh trưởng ở Hungary giờ sẵn sàng bỏ ra nửa triệu đô la để giúp người tị nạn và người di cư trên toàn cầu!

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto còn tuyên bố Soros là "nguy cơ an ninh quốc gia" khi cáo buộc Soros muốn phá vỡ hàng rào an ninh biên giới, để "hàng trăm ngàn người nhập cư bất hợp pháp tràn vào châu Âu và Hungary". Phản ứng trước cáo buộc của Hungary, Michael Vachon- phát ngôn viên của ông Soros cho hay quan điểm của ông đã bị "cố tình xuyên tạc".

Quan điểm thực sự của tỉ phú Soros về vấn đề di cư là cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ nhiều hơn cho các nền kinh tế đang phát triển vốn có 89% người tị nạn hiện nay. Bên cạnh đó, châu Âu cũng nên chấp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn thông qua một quá trình kiểm tra đầy đủ và tái định cư có trật tự.

Chiến dịch chống tỉ phú George Soros của Hungary đã gây ra một là sóng phản đối khắp châu Âu và lan sang cả Trung Đông. Những người phản đối cho rằng chiến dịch này có khuynh hướng chống người Do Thái và "gợi nhớ đến thời kỳ đen tối nhất của châu Âu".

Bìa cuốn sách "George Soros và đế chế ma quỷ".

Các lãnh đạo người Do Thái cảnh báo rằng, các tấm áp phích có thể kích động một cuộc tấn công chống người Do Thái. Chủ tịch Andras Heisler của Liên đoàn Cộng đồng người Do Thái ở Hungary nói rằng, ông không xem chiến dịch này là việc "chống Do Thái một cách công khai", song nó có thể thổi bùng tâm lý chống người Do Thái. Ngược lại, chính phủ Hungary bác bỏ cáo buộc trên, cho biết chiến dịch "bài xích George Soros" không liên quan gì đến quan điểm và tín ngưỡng tôn giáo của ông Soros.

Trong cuốn sách "Masquerade: The Incredible True Story of How George Soros' Father Outsmarted the Gestapo" (tạm dịch: Giả trang: Sự thật khó tin về người cha của George Soros đã làm thế nào để đánh lừa quân Gestapo), tác giả Tivadar Soros đã phác họa những hồi ức về việc người cha của George Soros mạo hiểm làm giả giấy tờ tùy thân cho những người Do Thái, trong đó có cậu con trai lúc đó mới 14 tuổi. Mỗi ngày trôi qua đều là một cuộc chiến cân não giữa lằn ranh cái chết và sự sống mong manh, cha của Soros đã nói: "Nếu không có rủi ro, sẽ chẳng có sự sống".

Thái độ ưa rủi ro đã giúp nhà đầu tư thiên tài George Soros thắng lớn trong nhiều canh bạc đầu tư và trở thành tỉ phú, nhưng chính điều đó cũng đem lại cho ông nhiều kẻ thù.

Trong mấy tháng trở lại đây, làn sóng phản đối George Soros đã vươn tới ngưỡng báo động mới. Vị tỉ phú cáo già bị phê phán không chỉ ở quê nhà Hungary mà còn ở Trung và Đông Âu; ở Nga, Romania, Ba Lan, Macedonia và cả ở Mỹ và các nước khác. Một nhóm các thượng nghị sĩ Mỹ đã viết thư cho Ngoại trưởng Rex Tillerson với yêu cầu được cung cấp thông tin chi tiết về vai trò của quỹ USAID ở Macedonia, đặc biệt là sự hợp tác giữa tổ chức này với quỹ Xã hội mở (Open Society Foundations-OSF) của Soros.

Một thực tế là George Soros đã ủng hộ nhiệt thành "phong trào dân chủ" ở vùng Trung và Đông Âu, ông ta đứng sau các chương trình công khai thúc đẩy tự do truyền thông, kêu gọi bầu cử công bằng và chính phủ trong sạch thay vì hỗ trợ các đảng đối lập. Điện Kremlin đổ tội Soros đã thổi bùng lên những phong trào đấu tranh ôn hòa ở các nước Liên Xô cũ trong những năm 2000, Belarus và Uzbekistan cũng có động thái tương tự.

Soros hiện là người điều hành Công ty quản lý quỹ Soros Fund Management của gia đình. Quỹ này có quy mô tài sản 25 tỷ USD. Soros còn là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của OSF, một tổ chức từ thiện hoạt động trong các lĩnh vực như giáo dục, nhân quyền, di cư và y tế, với khoảng 40 văn phòng trên toàn cầu.

Từ lâu, Soros đã bị xem là người đứng đằng sau nhiều cuộc lật đổ các chính thể nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư trên. Trong cuốn sách "Soros và đế chế ma quỷ" (George Soros and his evil empire), tác giả Katherine Frisk viết: "George Soros là một người đàn ông rất bận rộn trong thế kỷ XX và XXI. Ông ta đã thêm một thủ thuật vào kho vũ khí của mình, nó được gọi là 'cuộc cách mạng màu'. Mùa xuân Arập đã gây ra nhiều cái chết và phá hủy trật tự xã hội khắp Trung Đông. Bắt đầu từ Libya và lan sang khắp Bắc Phi. Cuộc cách mạng màu của Soros đã kéo dài đến Kiev và mong muốn lật đổ chính phủ dân cử ở Nga. Chúng ta còn nhìn thấy bàn tay của Soros ở Brazil và sự bất ổn về chính trị và các cuộc tấn công kinh tế đang diễn ra ở đất nước này... Để làm được tất cả những điều đó, Soros thông qua các quỹ bình phong của mình. Hiện các quỹ này đã có mặt tại hơn 60 nước châu Mỹ, Âu, Á và Phi, mỗi năm chi tổng cộng 900 triệu USD theo tôn chỉ "mở cửa xã hội".

Dư luận quốc tế đã chỉ rõ, "mở cửa xã hội" chỉ là một chiêu bài, viện trợ và nâng đỡ người nghèo cũng chỉ là vỏ ngoài. Ý đồ thực sự của quỹ Soros là xuất khẩu hình thái ý thức và quan niệm giá trị của Mỹ vào các quốc gia mà họ cho rằng "chưa dân chủ đủ mức" để dấy lên "làn sóng dân chủ", thông qua việc thay đổi chính quyền để mở đường cho cơ hội đầu tư làm ăn".

Ngày 10-9-2016, đài Sputnik của Nga cho biết hơn 2.500 tài liệu của OSF do nhà tài phiệt Soros sáng lập bị tung lên mạng. Nội dung tài liệu cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của Soros và OSF trong chính trường Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung cũng như can thiệp vào nhiều sự kiện lớn trên thế giới. Đặc biệt, loạt hồ sơ cho thấy gây bất ổn tại Nga và hạ bệ Tổng thống Vladimir Putin là mục tiêu lớn được ông Soros theo đuổi trong nhiều năm qua.

Trong tài liệu đề tháng 11-2012 mang tên "Lưu ý các cuộc họp về kế hoạch chiến lược Nga" của OSF, có nhắc đến nhóm người chống phá ông Putin đã họp bàn với nhau về "việc xác định các ưu tiên chung cho các hoạt động của OSF ở Nga trong năm tới.

Làm thế nào chúng ta có thể hợp tác hiệu quả nhất, xét về môi trường chính trị suy thoái cho các đối tác của chúng ta". Theo tài liệu này, những người dự họp hy vọng những năm ông Medvedev làm tổng thống sẽ mở cửa cho OSF ảnh hưởng và phá hoại chính phủ Nga. Tuy nhiên, hy vọng này đã biến mất khi ông Putin trở lại nắm quyền.

Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Nga nhanh chóng bị nghi ngờ "có thế lực phía sau giật dây" sau các cuộc phản đối kiểu "phong trào Maidan". Các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối này nhanh chóng bị giải tán trước khi chúng có thể đe dọa chính phủ Nga, tuy nhiên "các cuộc biểu tình đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại của các tổ chức phi chính phủ", biên bản ghi nhớ viết.

Tài liệu cũng chỉ ra danh sách những "việc cần làm" để gây bất ổn ở Nga, gồm thúc đẩy làn sóng người nhập cư tràn vào Nga và gây ảnh hưởng đến hoạt động của truyền thông Nga. Đặc biệt, còn có cái gọi là "Dự án Nga" trong đó kêu gọi xác định và tổ chức những người đối lập với ông Putin, thúc đẩy các nguyên tắc toàn cầu hóa và làm suy yếu hình ảnh của Nga trước Thế vận hội Mùa đông diễn ra ở thành phố Sochi.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.