Tiết lộ về Liên minh tình báo lớn nhất thế giới

Thứ Ba, 13/03/2018, 12:01
Liên minh tình báo lớn nhất thế giới có tên gọi tắt là SIGINT Seniors, bao gồm các cơ quan tình báo tín hiệu của hàng chục quốc gia trên thế giới trải từ Bắc Mỹ, Trung Đông cho đến châu Á và châu Đại Dương.

Các tài liệu mật chứa thông tin chi tiết về các cuộc họp của Liên minh được đăng tải trong bản tin nội bộ của NSA mang tên SIDToday đã được cựu nhân viên hợp đồng của cơ quan này tiết lộ trên báo chí và được tờ báo chuyên đăng hồ sơ điều tra The Intercept công bố hôm 2-3-2018 vừa qua, cho thấy đây là một liên minh chia sẻ tình báo mạnh nhất từ trước đến nay.

Châu Âu “14 eyes”

Theo các tài liệu mật, SIGINT Seniors là liên minh tình báo tuyệt mật; sự tồn tại của nó được giữ kín dưới dạng bí mật quốc gia. Liên minh hoạt động như một mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo, và chỉ có những quốc gia ký kết liên minh mới được tham gia chia sẻ thông tin và phải tuân thủ các giao ước chặt chẽ.

Dẫn đầu Liên minh là cơ quan tình báo tín hiệu NSA của Mỹ. Đây cũng là cơ quan chủ trì mạng lưới nghe lén toàn cầu “Five Eyes”. Trong SIGINT Seniors cũng bao gồm các quốc gia Five Eyes, cho nên có thể nói rằng liên minh này là sự phát triển từ cái lõi Five Eyes.

Liên minh SIGINT Seniors gồm có hai nhánh chính ra đời cách nhau hàng chục năm. Nhánh thứ nhất là SIGINT Seniors Châu Âu (SSE) ra đời vào năm 1982, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ban đầu SSE chỉ bao gồm 5 thành viên Five Eyes (gồm Mỹ, Canada, Anh, Australia, New Zealand) ký kết chia sẻ tình báo, với trọng tâm hoạt động là đào bới thông tin bí mật quân sự của Liên Xô.

Các ăng-ten nghe lén của tình báo tín hiệu Na Uy trong hệ thống SIGINT Seniors châu Âu.

Sau khi Chiến tranh Lạnh tan rã, mục tiêu đối đầu không còn, hoạt động của Liên minh trầm lắng một thời gian. Sau sự kiện tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, hoạt động của Liên minh có cơ hội hồi sinh mạnh mẽ với số thành viên tăng lên 14 (có thêm các quốc gia châu Âu như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Italia), trở thành mạng lưới “14 eyes”, và chuyển hướng mục tiêu sang chống khủng bố là chính, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động nghe lén, do thám các quốc gia thù địch với Mỹ, đối đầu với phương Tây.

Chẳng hạn, các cơ quan tình báo trong Liên minh đã hợp tác chặt chẽ để giám sát mọi thông tin liên lạc trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn ở châu Âu như Olympic mùa hè 2004 ở Hy Lạp, Olympic mùa đông 2006 ở Italia và vòng chung kết World Cup 2006 tại Đức.

Trong các năm 2006-2007, các cơ quan tình báo trong Liên minh đã cùng nhau phối hợp xây dựng kế hoạch khai thác Internet nhằm phục vụ cho chiến dịch chống khủng bố toàn cầu. Đây được xem là một bước tiến lớn trong quá trình hợp tác chia sẻ tình báo giữa các cơ quan trong Liên minh, bởi cho đến trước thời điểm đó, nhiều thành viên Liên minh vẫn còn thờ ơ, chưa thật sự quan tâm đến tầm quan trọng của Internet.

Năm 2010, các cơ quan tình báo thuộc Liên minh SIGINT Seniors tiếp tục duy trì mục tiêu chống khủng bố, đồng thời chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến bọn hải tặc lộng hành ở vùng biển quanh vùng Sừng châu Phi.

Song song đó, các cơ quan đã không ngừng hợp tác nghiên cứu và phát triển nhiều công cụ và kỹ thuật mới phục vụ cho công tác tình báo. Theo các tài liệu mật, SIGINT Seniors châu Âu đã xây dựng được hệ thống chia sẻ thông tin riêng, gọi là SIGDASYS, thông qua đó mỗi cơ quan đều có thể chia sẻ những thông tin, dữ liệu liên lạc thu thập được. Ngoài ra, SIGINT Seniors châu Âu cũng sử dụng một hệ thống có tên gọi là CENTER ICE để chia sẻ thông tin tình báo về cuộc chiến tại Afghanistan.

Các tài liệu mật cho thấy SIGINT Seniors châu Âu mỗi năm tổ chức họp một lần tại một địa điểm khác nhau luân phiên trong các quốc gia thành viên để bàn bạc, thảo luận về các vấn đề an ninh toàn cầu. Năm 2013, đại diện các thành viên Liên minh tụ họp tại Thụy Điển; năm 2011, Liên minh họp tại Anh, năm 2010 tại Đức, năm 2009 tại Canada,… Năm 2013, NSA đề xuất ý tưởng xây dựng một cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho hoạt động hợp tác chung của Liên minh.

Hải quân Canada dùng trực thăng thám sát vùng biển xung quanh Vùng Sừng châu Phi trong cuộc chiến chống hải tặc.

Cơ quan tình báo GCHQ của Anh đã đồng tình với ý tưởng này, nhưng một số thành viên khác của Liên minh lại nhất quyết phản đối. NSA cho rằng trụ sở Liên minh đặt tại Anh sẽ tốt nhất, vì ở đây có sự linh hoạt cao trong việc phối hợp vận hành với hệ thống Five Eyes, vì nước Anh là một thành viên nòng cốt của Five Eyes. Bên cạnh đó, NSA cũng đề xuất ý tưởng đặt trụ sở Liên minh tại nước Pháp, nhưng ý tưởng này đã không được đưa vào kế hoạch xây dựng đầu mối tình báo châu Âu.

NSA nhận định, một số quốc gia ở châu Âu không mặn mà với việc đăng cai một cơ sở tình báo trên lãnh thổ mình một phần do lo ngại lấn cấn với luật pháp bảo vệ nhân quyền. Rốt cuộc, ý tưởng xây dựng trụ sở Liên minh đã không thực hiện được, và mọi hoạt động hợp tác tình báo vẫn thực hiện thông qua các hệ thống chia sẻ thông tin chung.

Châu Á - Thái Bình Dương

Nhánh Thái Bình Dương của SIGINT Seniors ra đời muộn hơn SIGINT Seniors Châu Âu. Năm 2005, NSA đã lập ra nhánh SIGINT Seniors Thái Bình Dương nhằm mục đích “thiết lập mạng lưới hợp tác chống khủng bố trong vùng châu Á – Thái Bình Dương.

Thực chất hoạt động của mạng lưới SIGINT Seniors Thái Bình Dương không chỉ nhằm mục đích chống khủng bố mà còn có những ý đồ sâu xa hơn. Tháng 3-2007, NSA thông báo đang trong quá trình “đề xuất ý tưởng mở rộng mục tiêu trọng tâm của SIGINT Seniors Thái Bình Dương” vượt ra ngoài mục tiêu chống khủng bố.

Một cơ sở ăng-ten nghe lén trong hệ thống SIGINT của Anh.

Các thành viên ban đầu của SIGINT Seniors Thái Bình Dương vẫn là các thành viên Five Eyes, như Mỹ, Australia, New Zealand, Canada, bên cạnh đó phát triển thêm 3 thành viên là Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. NSA đặc biệt quan tâm lôi kéo tình báo Ấn Độ vào mạng lưới SIGINT Seniors, một mặt là vì nước Mỹ mong muốn cải thiện quan hệ với nước này, mặt khác sự tham gia của Ấn Độ sẽ giúp mở rộng phạm vi hoạt động cho các cơ quan tình báo tín hiệu Ấn Độ, đồng thời giúp mạng lưới SIGINT toàn cầu của NSA tăng cường hoạt động do thám trong khu vực Nam Á.

Tháng 3-2008, Giám đốc NSA khi đó là Keith Alexander đã dẫn một phái đoàn quan chức bao gồm đại diện đến từ Singapore, và New Zealand đến New Delhi gặp gỡ và đưa ra lời đề nghị Ấn Độ tham gia SIGINT Seniors Thái Bình Dương.

Ba tháng sau, Ấn Độ gật đầu đồng ý. Để tạo sự hợp tác có ý nghĩa, NSA đã chuyển cho tình báo Ấn Độ những tài liệu tối mật được tuyển chọn. Đáp lại, Ấn Độ cũng bắt đầu chia sẻ một số thông tin tình báo mật. Từ năm 2013, NSA đã thuyết phục được Ấn Độ tham gia mạng lưới. Pháp cũng tham gia SIGINT Seniors Thái Bình Dương vào năm này.

Nhóm SIGINT Seniors Thái Bình Dương sử dụng một hệ thống công nghệ có tên gọi là CRUSHED ICE để chia sẻ thông tin tình báo. Theo một tài liệu mật (tháng 11-2007) của NSA, CRUSHED ICE là một hệ thống mạng chia sẻ thông tin tình báo có độ an toàn cao. Các thông tin này được các cơ quan tình báo thu thập trong quá trình can thiệp, nghe lén các giao tiếp viễn thông, bao gồm cả dữ liệu về âm thanh và hình ảnh.

CRUSHED ICE cho phép các cơ quan tình báo chia sẻ thông tin, dữ liệu dưới dạng số, giọng nói, các báo cáo phân tích tình báo, hình ảnh và đồ họa minh họa và bản đồ, phân tích mối quan tâm cộng đồng, quản trị dữ liệu thu thập và các ứng dụng khác.

Tài liệu NSA phân tích, các bên được mời tham gia mạng lưới SIGINT Seniors có được những lợi ích cụ thể, như họ có thể học hỏi thêm về các kỹ thuật do thám mới từ các cơ quan tình báo mạnh nhất thế giới, đồng thời có thể thu thập được thông tin từ các nguồn bên ngoài về chính quốc gia mình và khu vực xung quanh mình mà trước kia mình chưa từng có được. Nhưng không phải quốc gia nào được mời cũng đồng ý tham gia Liên minh. Nhật Bản là trường hợp điển hình.

Tháng 3-2007, Nhật Bản đã từ chối lời mời của NSA tham gia mạng lưới SIGINT Seniors Thái Bình Dương, vì lý do việc tham gia liên minh này có thể gây ra những rủi ro ngoài ý muốn đối với an ninh quốc gia.

Lý do Nhật Bản không tham gia Liên minh cũng chính là mặt trái của việc tham gia Liên minh SIGINT Seniors. Đó là rủi ro phát sinh ngoài ý muốn khi một thành viên nào đó vô tình xử lý thông tin nhạy cảm một cách bất cẩn dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho toàn mạng lưới. Rủi ro này đã từng xảy ra ít nhất một lần đối với Ấn Độ.

Vào thời điểm bọn khủng bố đã thực hiện loạt vụ tấn công ở Mumbai vào tháng 11-2008, Ấn Độ đã tham gia vào nhóm SIGINT Seniors Thái Bình Dương. NSA đã chuyển cho tình báo Ấn Độ những tài liệu tối mật đã chọn lọc, như các báo cáo thẩm vấn nghi can khủng bố và các ghi âm nghe lén cuộc gọi điện thoại. Vài tuần sau vụ tấn công Mumbai, Ấn Độ bắt đầu rò rỉ một số thông tin tình báo đã được NSA chia sẻ.

Điều này khiến cho NSA hết sức bực mình. “Có vẻ như chuyện này cứ xảy ra hàng ngày vậy” - một điệp viên phụ trách quan hệ với Ấn Độ của NSA phàn nàn. Sau nhiều lần cảnh báo về tình trạng rò rỉ thông tin mà không có kết quả, NSA đi đến quyết định hạn chế việc chia sẻ thông tin tình báo tối mật với Ấn Độ, nghiên cứu chia sẻ những thông tin thuộc phạm vi nếu lọt ra bên ngoài cũng không ảnh hưởng mấy.

Tuy vậy, các quan chức tình báo NSA vẫn hy vọng các cơ quan tình báo Ấn Độ sẽ ngày càng “trưởng thành” hơn để tham gia ngày có hiệu quả hơn vào mạng lưới chia sẻ thông tin SIGINT Seniors, để trở thành một đối tác đáng tin cậy của NSA tại khu vực Nam Á.

Trong giai đoạn hiện nay, mạng lưới chia sẻ thông tin SIGINT Seniors ở châu Âu và châu Á Thái Bình Dương vẫn duy trì hoạt động một cách bình thường, nhưng mọi vấn đề liên quan đến mạng lưới này hầu như được giữ kín, công chúng không được biết đến. Năng lực do thám của tình báo SIGINT hiện nay có lẽ đã vượt xa so với cách đây vài năm, kể cả ngân sách dành cho hoạt động này.

Thông tin gần đây nhất về ngân sách dành để duy trì mạng lưới SIGINT Seniors là vào năm 2013, khi đó NSA đã trích một phần nhỏ trong ngân sách được chính phủ Mỹ phân bổ hàng năm để duy trì mạng lưới nhằm mục tiêu tăng cường thu thập thông tin tình báo tín hiệu từ các đối tác.

Cũng kể từ năm 2013, NSA bắt đầu thúc đẩy việc mở rộng quy mô mạng lưới SIGINT Senior cả ở châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời đang trù tính sẽ tiếp tục xây dựng thêm những mạng lưới SIGINT Seniors tại những khu vực khác trên thế giới. Có thể sắp tới sẽ có thêm SIGINT Seniors châu Phi, SIGINT Senior Nam Mỹ,…

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.