Tiết lộ về “thiên đường rào dây thép gai”

Thứ Ba, 07/02/2017, 11:15
Nằm sâu bên trong những khu rừng rộng lớn của dãy núi Ural nước Nga dài 2.400km là thành phố cấm Ozersk. Đằng sau những cánh cổng nặng nề và nhiều vòng rào dây thép gai là cả một thế giới xinh đẹp bí ẩn.

Được đặt tên mã là City 40 (Thành phố 40), Ozersk là cái nôi của chương trình vũ khí hạt nhân Liên Xô sau khi Chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc. Trong suốt nhiều thập niên, thành phố 100.000 dân này không tồn tại trên bản đồ và danh tính người dân nơi đây cũng bị xóa khỏi những cuộc điều tra dân số. Ngày nay, Ozersk mới được thế giới biết đến với những hồ nước xinh đẹp, những thảm hoa thơm ngát và những con đường đẹp như tranh với hàng cây xanh hai bên. Một thành phố xinh đẹp hoàn hảo.

City 40, một địa điểm tuyệt mật.

Thành phố có lẽ là nơi đáng đến tham quan. Bên trong, Ozersk sở hữu mọi nét quyến rũ của một thủ đô châu Âu: những công viên cây xanh xinh đẹp, những quảng trường rộng lớn, hồ nước cùng với hàng ngàn con người sống những chuỗi ngày yên bình và hòa thuận.

Trong khi đó, những máy đếm Geiger (dụng cụ dò và đo cường bức xạ ion-hóa) được sử dụng để kiểm tra nông sản trước khi đem ra tiêu thụ trong thành phố. Bởi vì, mọi cư dân City 40 đều biết rõ sự thật: nước bị ô nhiễm, rau quả bị nhiễm độc và con trẻ có thể mắc bệnh. Ozersk và khu vực xung quanh là một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới cho nên được một số cư dân mô tả là "Nghĩa địa trên Trái đất".

Năm 1947, Liên Xô quyết định xây dựng một thành phố tuyệt mật để phát triển vũ khí hạt nhân sau khi Chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc và Chiến tranh lạnh bắt đầu. Thành phố hạt nhân này được thiết kế theo Richland - thành phố nằm trong quận Benton thuộc bang Washington nước Mỹ và cũng là nơi nước này sản xuất quả bom plutonium "Fat Man" ném xuống Nagasaki của Nhật Bản vào cuối Chiến tranh thế giới lần 2. City 40 nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga, gần nhà máy hạt nhân khổng lồ Mayak trên bờ hồ Irtyash. Khu vực ban đầu được đặt tên là City 40 và trở thành nơi sinh ra quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô - được mang tên "Tia chớp Đầu tiên".

City 40 cũng được mang tên gọi là Chelyabinsk 40 và Chelyabinsk 65 có lẽ do nó nằm trong khu công nghiệp Chelyabinsk ở miền nam Ural. Lúc đó, lớp trẻ người Nga đến với City 40 sẽ có được những gì mà nằm mơ cũng không thấy - công việc trả lương hậu, được cấp nhà ở tiện nghi, hưởng nền giáo dục tốt, hệ thống y tế tiên tiến nhất, mọi loại hình giải trí và đời sống phong phú và an ninh nghiêm ngặt.

Một quang cảnh có vẻ yên bình bên trong City 40.

Trong khi tuyệt đại đa số người dân Liên Xô đang sống trong nghèo khó cùng cực thì chính quyền đã tạo nên một thiên đường cho người dân, đem lại cho họ cuộc sống nhiều ưu đãi và thậm chí xa xỉ đối với một số đối tượng.

Nhưng, cái gì cũng có giá của nó: họ sẽ bị tước mất những quyền tự do cơ bản cũng như bất cứ sự kết nối nào với thế giới bên ngoài. Cư dân City 40 bị cấm rời khỏi thành phố, viết thư hay bất cứ sự tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài - bao gồm cả những thành viên của chính gia đình họ.

Mặc dù vậy, tuyệt đại đa số cư dân vẫn không muốn rời khỏi thành phố vì tin rằng họ là "những người được chọn" của nước Nga và cũng lấy làm hãnh diện được coi là công dân của thành phố khép kín. Đây là nơi họ chào đời, kết hôn và xây dựng gia đình. Đây cũng là nơi họ chôn cất cha mẹ và con cái.

Có vẻ như được sống ở Ozersk là một điều hãnh diện. Nhiều cư dân mô tả đó là "thành phố của giới trí thức". Đối với những người sống ở Ozersk, tài chính gia đình được bảo đảm ổn định và con cái được hứa hẹn tương lai sáng sủa. Nhưng, hậu quả thì thật là khủng khiếp khi phải đối mặt thường xuyên với nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ. Người dân làm việc hay sinh sống gần khu phức hợp nhà máy hạt nhân Mayak trong những điều kiện cực kỳ nguy hiểm.

Từ cuối thập niên 1940, người dân ở Ozersk bắt đầu đổ bệnh và chết - đó là những nạn nhân của phóng xạ. Dĩ nhiên người dân City 40 không thể tránh khỏi nhiều sự cố hạt nhân, bao gồm thảm họa Kyshtym năm 1957 - tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới trước khi xảy ra cơn ác mộng kinh hoàng Chernobyl.

Tấm bảng to với dòng chữ "chú ý" màu đỏ nổi bật và nội dung bằng tiếng Anh và tiếng Nga: Nghiêm cấm công dân nước ngoài đi vào nếu không có giấy phép đặc biệt!

Sự cố Chernobyl xảy ra vào ngày 26-4-1986 do nhà máy điện nguyên tử Cherbobyl ở Pripyar (Ukraina) bị nổ tạo ra đám mây phóng xạ khổng lồ lan ra nhiều vùng phía tây Liên Xô cũng như Đông và Tây Âu. Trong hơn 4 thập niên, nhà máy Mayak được cho là đã chôn lấp 200 triệu curie (đơn vị phóng xạ) rác thải phóng xạ - tương đương 4 nhà máy Chernobyl - vào môi trường xung quanh.

Theo một số cư dân Ozersk, rác thải phóng xạ vẫn tiếp tục xả vào môi trường cho đến tận ngày nay. Một trong những con hồ lân cận bị ô nhiễm plutonium trầm trọng đến mức dân địa phương gọi nó là "Hồ Tử thần" hay "Hồ Plutonium" - với mức tập trung phóng xạ vượt quá 120 triệu curie, tức 2,5 lần số lượng phóng xạ thải ra môi trường ở Chernobyl. Những người dân sống ở Ozersk và khu vực lân cận đều biết thông tin họ bị phơi nhiễm phóng xạ gấp 5 lần so với những người sống trong những khu vực của Ukraina bị ảnh hưởng bởi  thảm họa hạt nhân Chernobyl.

Bên ngoài thành phố Ozersk có tấm bảng to sơn dòng chữ "cấm vượt qua" bằng tiếng Anh và tiếng Nga, cùng với chữ "Chú ý!!!" được sơn màu đỏ nổi bật. Người nước ngoài và cả người Nga không phải cư dân Ozersk đều bị cấm bước vào thành phố hạt nhân nếu không có giấy phép đặc biệt do Cơ quan an ninh liên bang Nga FSB cấp và hành vi quay phim cũng bị nghiêm cấm.

Một hồ nước ô nhiễm bên trong City 40.

Ngày nay, cư dân Ozersk được phép rời khỏi thành phố nếu có giấy phép ra vào thường xuyên và họ cũng có quyền rời khỏi thành phố vĩnh viễn nếu muốn. Tuy nhiên, không có bao nhiêu người đồng ý từ bỏ Ozersk mãi mãi bởi vì điều đó có nghĩa là họ sẽ bị tước hết mọi đặc ân mà chính quyền dành cho thành phố.

Dù sao, người ngoài cũng không thể nào hiểu nổi tại sao người dân sinh sống bên trong City 40 lại không chịu bỏ đi nơi khác khi mà họ hiểu rõ mình đang bị giết chết từ từ tại nơi này. Nhưng, một nhà báo địa phương cho biết người dân City 40 không hề quan tâm đến chuyện người bên ngoài nghĩ gì về họ cũng như lối sống khác thường của họ. Rõ ràng, thực tế cho thấy người dân City 40 cảm thấy hạnh phúc khi được sống bên trong "thiên đường rào dây thép gai" này!

Từ năm 1947 đến 1954, toàn bộ cư dân City 40 bị cấm rời khỏi thành phố hạt nhân hay tiếp xúc với bất cứ ai bên ngoài, kể cả người thân trong gia đình hay bạn bè. Song từ năm 1954 cho đến ngày nay, mọi sự ra vào thành phố vẫn luôn được kiểm soát chặt chẽ.

An An (tổng hợp)
.
.