Tình báo Pháp và chiến dịch đánh bom chiếc tàu của tổ chức Hòa Bình Xanh

Thứ Tư, 19/07/2017, 07:24
Tháng 7-1985, chiếc tàu của tổ chức Hòa Bình Xanh neo đậu tại cảng Auckland (New Zealand) chuẩn bị tiến đến đảo san hô Mororoa ở miền nam Thái Bình Dương để thực hiện sứ mạng ngăn chặn cuộc thử nghiệm hạt nhân của quân đội Pháp. Nhưng vào đêm 10-7-1985, 2 quả bom nổ tung đánh chìm chiếc tàu trong vòng chưa đầy 5 phút.

Một hành khách trên tàu là nhà nhiếp ảnh Bồ Đào Nha Fernando Pereira bị kẹt trong cabin dưới boong và chết đuối. Chiến dịch do đội đặc nhiệm gồm hơn 10 người của DGSE tiến hành. Tổ chức Hòa Bình Xanh tố cáo chính phủ Pháp đánh bom chiếc tàu song Paris lúc đó phủ nhận mọi sự dính líu. Còn nữ gián điệp DGSE biến mất không dấu vết kể từ đó…

Vỏ bọc của nữ gián điệp Pháp và chiến dịch Satanic

Ngày 23-4-1985, Christine Cabon mang theo bức thư giới thiệu từ chi nhánh Hòa Bình Xanh ở Paris đến gặp đội ngũ nhân viên tổ chức ở Auckland. Cabon tự giới thiệu tên là "Frederique Bonlieu", một chuyên gia địa mạo học đam mê môi trường và sẵn lòng tình nguyện tham gia các dự án chống thử nghiệm hạt nhân của tổ chức.

Thật ra, Cabon học khoa khảo cổ, lịch sử hiện đại và địa lý trước khi gia nhập quân đội Pháp năm 1977 (lúc 26 tuổi) và không bao lâu sau làm việc cho DGSE. Lúc 33 tuổi, Cabon được DGSE chọn để thực hiện chiến dịch Satanic tại New Zealand. Kế hoạch xâm nhập diễn ra quá dễ dàng, Cabon nhanh chóng chiếm được cảm tình của mọi người.

Christine Cabon hiện nay đã 66 tuổi (trái) và lúc thực hiện Chiến dịch Satanic năm 1985 (phải).

Nhà sử học Pháp Gerald Arboit bình luận: "Ở Auckland, mọi người cảm thấy hạnh phúc khi có được một nữ chuyên gia người Pháp trợ giúp chiến dịch chống thử nghiệm hạt nhân của quân đội nước này". Vai trò của Cabon là đặc biệt quan trọng: tìm kiếm thông tin về hải trình của Rainbow Warrior để mở đường cho nhóm người nhái đặc nhiệm của DGSE gài bom đánh chìm chiếc tàu.

Theo lời kể của Judy Seaboyer, cựu nhân viên Hòa Bình Xanh, Cabon không cần phải lén lút rình mò hay chờ cho mọi người rời khỏi văn phòng trên chiếc tàu để đánh cắp thông tin - bởi vì mọi người sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi mà Cabon đặt ra về chiếc tàu.

Sau 6 tuần ở Auckland, Cabon hoàn thành nhiệm vụ, gửi thông tin về trụ sở DGSE và lặng lẽ rời khỏi New Zealand. Ban đầu, Cabon bay đến đảo Tahiti ở Polynesie thuộc Pháp rồi sau đó đến Israel. Khi Cabon không còn hiện diện tại New Zealand, 2 quả bom - một ở chân vịt và quả bom khác ở buồng động cơ - nổ tung trên chiếc tàu Rainbow Warrior dẫn đến cái chết của nhà nhiếp ảnh Bồ Đào Nha Fernando Pereira.

Rainbow Warrior sau khi bị bom phá thủng một lỗ ở thân tàu.

Quả bom thứ nhất chỉ  làm rách một lỗ lớn trên thân tàu bên dưới mà không gây thiệt hại về người. Trong khi đó, quả bom thứ 2 nổ tung khi nhà  nhiếp ảnh tình cờ đi xuống cabin để lấy máy ảnh và bị kẹt lại mà chết đuối.

Theo Gerald Arboit, chính quyền Pháp đánh giá chiến dịch Satanic hoàn toàn thành công bất chấp thiệt hại bên lề - cái chết của Pereira! Cuộc đời điệp viên của Cabon kết thúc ngay sau khi thân phận thực sự bị lộ. Sự lính líu của Cabon trong vụ đánh bom tàu Rainbow Warrior có nghĩa là hoạt động gián điệp ngầm của bà không còn giá trị nữa. Sau đó, Cabon được giao làm công việc bình thường trong quân đội rồi được thăng cấp đại tá và cuối cùng về hưu cùng với huân chương cao quý nhất nước Pháp là Bắc đẩu Bội tinh.

Cuộc truy tìm lịch sử dẫn đến một ngôi làng nhỏ miền nam nước Pháp

Sau vụ đánh bom Rainbow Warrior, cuộc điều tra lớn nhất lịch sử New Zealand bắt đầu và hành trình truy lùng Christine Cabon kéo dài hết sức gian nan cho lực lượng hành pháp nước này. Căn cứ theo những thông tin thu thập từ nhiều nguồn, cảnh sát New Zealand lần ra được dấu vết của Cabon ở Israel và từ đó bắt đầu phát đi lệnh bắt giữ vào ngày 24-7-1985.

Alain Mafart.

Vào 2 hôm sau, tờ Star đưa tin một tình nguyện viên Hòa Bình Xanh mang tên giả "Frederique Bonlieu" bị lột mặt nạ là gián điệp liên quan đến vụ đánh bom chiếc tàu Rainbow Warrior. Sau đó, tờ NZ Herald tiếp tục thông báo lực lượng hành pháp New Zealand đang trên đường đến Israel để bắt giữ Cabon. Nhưng Cabon đã biến mất không lâu trước đó. Mọi người nghi ngờ Cabon đã bay về Pháp bởi vì ở đây bà sẽ không bị ai động đến nữa. Chiến dịch tìm kiếm Cabon thất bại.

Cuối cùng, sau hơn 30 năm, người ta mới phát hiện Cabon sống ẩn dật trong ngôi làng nhỏ yên bình Lasseubetat thuộc tỉnh Pyrenees miền nam nước Pháp và gần biên giới với Tây Ban Nha. Allan Galbraith, cựu thám tử chỉ huy cuộc điều tra vụ Rainbow Warrior ngày xưa, cho biết ông rất muốn bắt giữ Christine Cabon song thời gian trôi qua đã quá lâu nên ông không còn muốn tìm cách dẫn độ nữ gián điệp về New Zealand để xét xử nữa. Có nhiều giả thuyết về sự biến mất ngoạn mục của Christine Cabon.

Ví dụ, thám tử Galbraith tin rằng Cabon nắm được thông tin truy bắt của cảnh sát New Zealand từ các bài báo. Trong khi đó, giới chức Hòa Bình Xanh tuyên bố Cabon được DGSE cảnh báo đồng thời tình báo Pháp có sự can thiệp với chính quyền Israel để nữ gián điệp nhanh chóng lên chiếc máy bay Air France về Paris.

Dominique Prieur.

Sau 32 năm im lặng, ở tuổi 66, nữ điệp viên của DGSE mới chịu lên tiếng về chiến dịch Satanic và thú nhận: bà bay khỏi Israel do may mắn nghe "phong phanh" về chiến dịch truy bắt của cảnh sát New Zealand. Mặc dù Christine Cabon thoát khỏi lưới pháp luật song 2 điệp viên DGSE khác trong Chiến dịch Satanic đã bị bắt giữ không bao lâu sau vụ đánh bom Rainbow Warrior - đó là Dominique Prieur và Alain Mafart.

Thiếu tá Alain Mafart, người chịu trách nhiệm hỗ trợ từ mặt đất cho nhóm người nhái phá hoại tàu Rainbow Warrior, bị chính quyền New Zealand buộc tội ngộ sát và lĩnh mức án 10 năm tù. Đến tháng 7-1986, sau khi Liên Hiệp Quốc can thiệp với chính phủ New Zealand, Mafart được chuyển đến đảo san hô Hao ở Polynesia thuộc Pháp và chịu giam giữ thêm 17 tháng nữa trước khi được bí mật đưa trở về Paris - tại đây, ông được thăng chức và tặng thưởng huân chương Bắc đẩu Bội tinh.

Nữ đại tá Dominique Prieur, người tham gia chiến dịch Satanic với vỏ bọc vợ của Mafart, cũng bị kết án 10 năm tù và sau đó chuyển đến đảo Hao. Prieur được phép trở về Paris năm 1988 sau khi mang thai. 6 năm sau vụ đánh bom chiếc tàu của Hòa Bình Xanh, điệp viên Gerald Andries bị bắt giữ tại Thụy Sĩ nhưng sau đó được thả do chính quyền New Zealand thông báo nước này không muốn dẫn độ đối tượng vì sợ nhận đòn trả đũa thương mại từ Paris.

Theo nhóm điệp viên, chiến dịch Satanic được thực hiện theo lệnh từ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp lúc đó là Charles Hernu và tổng thống Francoise Mitterrand. Charles Hernu từ chức và rời khỏi Điện Elysee ngày 21-8-1985 ngay sau khi vai trò của ông trong Chiến dịch Satanic bị bóc trần trước dư luận Pháp và New Zealand.

Lời xin lỗi muộn màng

Sau này, Mafart và Prieur - 2 điệp viên giả làm vợ chồng người Thụy Sĩ - đều viết sách về vụ Rainbow Warrior. Trong cuốn sách "Secret Agent", Prieur bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về cái chết không mong muốn của nhà nhiếp ảnh Fernando Pereira: "Đối với tôi, cái chết của người đàn ông là khó chấp nhận được".

Đài tưởng niệm Rainbow Warrior ở Northland, New Zealand.

Hiện nay, Prieur đã về hưu. Riêng Jean-Luc Kister, người gài bom trên chiếc tàu Rainbow Warrior, công khai lên tiếng xin lỗi trên kênh truyền hình TVNZ của New Zealand khi được phỏng vấn năm 2015. Kister cũng nêu đích danh tổng thống Pháp Mitterrand là người phê chuẩn Chiến dịch Satanic.

Theo Kister, vụ đánh bom chiếc tàu hoạt động vì mục đích hòa bình ở một đất nước thân thiện như New Zealnd là nỗi ô nhục lớn nhất trong lịch sử DGSE cũng như chính phủ Pháp. Mặc dù Kister coi hành động tấn công một chiếc tàu không vũ trang là tồi tệ song ông cùng với đồng đội vẫn buộc phải thực hiện mệnh lệnh của DGSE.

Trong khi đó, Christine Cabon chỉ thừa nhận tham gia vụ đánh bom Rainbow Warrior song không muốn lên tiếng xin lỗi.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây của báo chí tại ngôi làng Lasseubetat, Cabon đánh giá: "New Zealand là đất nước mà chiến tranh không hề xảy ra. Họ có tinh thần hòa bình. Họ đã mất nhiều người trong 2 cuộc chiến tranh thế giới lần 1 và lần 2. Nhưng đối với chính quyền và người dân, vụ đánh bom Rainbow Warrior có là hành động bạo lực tàn bạo đầu tiên xảy ra ngay trên đất nước họ. Đối với họ, đó là sự kiện lịch sử ngoại lệ và cơn ác mộng tồi tệ nhất. Một đất nước thân thiện (Pháp) đã tấn công họ". Riêng với người dân New Zealand, Cabon thừa nhận: "Chúng tôi là những tên khủng bố. Cho dù bất cứ ai ra lệnh thực hiện sứ mạng, dù với bất cứ lý do gì - tốt hay xấu - thì hành động của chúng tôi đáng gọi là một cuộc tấn công".

Cuối cùng, chính phủ Pháp cũng chấp nhận có lời xin lỗi chính thức đối với New Zealand đồng thời thỏa thuận bồi thường gần 9 triệu USD cho nước này. Ngoài ra, Paris cũng xin lỗi và bồi thường số tiền lớn cho gia đình của nhà nhiếp ảnh Pereira.

Năm 1990, Liên Hiệp Quốc trao tặng cho chính quyền New Zealand khoản tiền 2 triệu USD để giúp thành lập Quỹ Hữu nghị New Zealand-Pháp - tổ chức hỗ trợ những chương trình nhân đạo và an sinh xã hội - được coi như là một phần trong nỗ lực xoa dịu vết thương của đất nước do vụ đánh bom chiếc tàu Rainbow Warrior gây ra. Trong cuộc viếng thăm New Zealand vào tháng 4-1991, thủ tướng Pháp lúc đó là Michel Rocard tiếp tục phát đi lời xin lỗi với tư cách cá nhân đồng thời cam kết sẽ không xảy ra bất cứ vụ nào như Rainbow Warrior nữa.

Trong chuyến thăm New Zealand năm 2016, thủ tướng Pháp Manuel Valls công khai thừa nhận vụ đánh bom chiếc tàu của Hòa Bình Xanh là "sai lầm nghiêm trọng" của Paris.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.