Trả đũa truyền thông hay đối đầu tình báo Nga – Mỹ?

Thứ Sáu, 15/12/2017, 10:35
Ngày 6-12, Nga lên tiếng cáo buộc các cơ quan tình báo Mỹ đang gia tăng sức ép đối với các nhà báo của Nga và tìm cách tuyển dụng họ.

Cuộc chiến nhằm vào các “cơ quan truyền thông” của nhau dường như đã tới đỉnh điểm. Những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc chiến tình báo trong giai đoạn mới xuất hiện, báo hiệu cuộc khủng hoảng Nga-Mỹ khó có thể hàn gắn.

Tình báo tuyển nhà báo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh gần đây, các nhà báo Nga, bao gồm cả các nhà báo đang làm việc ở Mỹ, đang phải chịu áp lực rất lớn từ các cơ quan tình báo Mỹ, những đơn vị cũng đang mưu toan tuyển dụng họ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp bên lề G-20 ở Hamburg (Đức). Ảnh: Public Seminar.

Theo bà Zakharova, những áp lực mà phía Mỹ gây ra cho các nhà báo Nga là "rất nhiều và trên nhiều phương diện". Sau khi đề nghị hợp tác của phía Mỹ bị các nhà báo Nga từ chối, họ lại âm mưu tiếp cận bằng cách khác như hối lộ, sau đó chuyển sang gây áp lực tâm lý và thậm chí là đe dọa trực tiếp. Bà Zakharova tuyên bố Nga coi những động thái này là hành động chống lại tự do ngôn luận.

Nga đưa ra cáo buộc trên sau khi Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cùng ngày đã phê chuẩn quyết định cấm phóng viên các hãng truyền thông của Mỹ thuộc diện cơ quan nước ngoài hoạt động tại Nga, ra vào và tác nghiệp tại các phiên họp của Duma Quốc gia, trong đó có Voice of America và Radio Free Europe/Radio Liberty. Duma Quốc gia Nga cũng đề nghị cơ quan lập pháp các chủ thể toàn LB Nga ra quyết định tương tự. Quyết định của Duma Quốc gia có hiệu lực ngay sau khi được Chủ tịch Vyacheslav Volodin ký. Quyết định này chỉ có thể dỡ bỏ khi có quyết định tương tự từ phía Nghị viện Mỹ đối với các hãng truyền thông đại chúng của Nga.

Quyết định mới của các cơ quan lập pháp Nga được xem là biện pháp đáp trả lại yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ đối với chi nhánh kênh truyền hình RT America của Nga phải đăng ký là đại diện nước ngoài hoạt động tại Mỹ. Sau đó, các phóng viên của kênh này đã bị tước quyền đăng ký tác nghiệp tại Nghị viện Mỹ. Quyết định trên của phía Nga nêu rõ là “để bảo vệ các giá trị dân chủ, Duma Quốc gia Nga có quyền ra quyết định đáp trả việc tước quyền tác nghiệp của phóng viên Nga tại Nghị viện Mỹ”. Duma Quốc gia Nga cũng đề nghị cơ quan lập pháp các chủ thể toàn LB Nga ra quyết định tương tự.

Trước đó, ngày 5-12, Ủy ban Quy chế của Hội đồng Liên bang Nga đã họp phiên bất thường để phê chuẩn quyết định cấm đại diện các hãng thông tin đại chúng thuộc danh sách đại diện nước ngoài tại Nga được ra vào cơ quan lập pháp nước này. Người đứng đầu ủy ban trên, ông Andrey Kutepov cho biết quyết định này xác lập lệnh cấm “ra vào Hội đồng Liên bang” đối với các đại diện các cơ quan báo chí nước ngoài và thực hiện chức năng của đại diện nước ngoài. Lệnh cấm được áp dụng ngay từ ngày 5-12.

“Bắn tỉa” các cơ quan truyền thông

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov mới đây khi trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ về các sự kiện trên cho rằng, ngày nay qua hệ Nga-Mỹ đang thực sự khó đoán định. "Ông D.Trump đã nhiều lần nói rằng ông ấy muốn cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, nhưng cho đến nay, tôi không thể khẳng định quan hệ của chúng tôi đã trở nên tốt hơn", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói.

Theo Đại sứ Antonov, Moscow mong muốn khôi phục quan hệ giữa hai nước. Ông nhấn mạnh: "Những gì chúng tôi mong muốn là cùng nhau chống khủng bố để bảo vệ nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân và có thể khởi động các cuộc đàm phán liên quan tới giải trừ vũ khí hạt nhân".

Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ bắt đầu xấu đi kể từ năm 2014 sau khi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine và sự kiện vùng Crimea tiến hành trưng cầu ý dân về sáp nhập trở lại Nga. Nga cũng áp đặt nhiều biện pháp đáp trả Mỹ và các đồng minh. Những biện pháp trừng phạt qua lại giữa Nga và Mỹ được hy vọng sẽ chấm dứt sau khi ông Trump lên nắm quyền ở Mỹ.

Một cơ sở báo chí nước ngoài hoạt động tại Moscow. Ảnh: Shutterstock.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm ông Trump làm chủ Nhà Trắng, quan hệ Nga - Mỹ chưa có dấu hiệu cải thiện, thay vào đó quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân này càng lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng ngoại giao.

Cuộc khủng hoảng ngoại gia Nga – Mỹ thêm trầm trọng kể từ khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Quốc hội Mỹ đang tiến hành cuộc điều tra xung quanh nghi vấn Nga "can thiệp bầu cử Mỹ", cũng như những mối liên hệ giữa Tổng thống Donald Trump với giới chức ngoại giao Nga, điều mà Nhà Trắng và Điện Kremlin luôn bác bỏ.

Để trả đũa việc Mỹ cho rằng các cơ quan truyền thông Nga đã “dính” rất sâu vào cuộc bầu cử hồi năm 2016, Washington buộc đài truyền hình nhà nước Nga RT đăng ký với quy chế “người đại diện của nước ngoài”. Trước đó các nhà mạng xã hội lớn nhất như Twitter hay Facebook đã cấm một số hãng của Nga quảng cáo.

Đáp lại một cách mạnh mẽ, Moscow đã đặt giới truyền thông quốc tế vào tầm ngắm. Ngày 25-11, Tổng thống Putin ký sắc lệnh ban hành bộ luật mới xếp báo chí quốc tế tại Nga vào danh sách “đại diện của nước ngoài” đã được Quốc hội Nga thông qua trước đó.

Đến ngày 5-12, Bộ Tư pháp Nga đã công bố 9 cơ quan thông tin, truyền thông của Mỹ, trong đó có đài “Tiếng nói Hoa Kỳ", vào danh sách phải đăng ký là cơ quan đại diện nước ngoài hoạt động tại Nga theo quy định mới của Nga. Vấn đề là theo thuật ngữ thời Stalin, cụm từ này mang ý nghĩa “đặc vụ”, hàm ý “gián điệp”.

Theo AFP, đạo luật mới của Nga, là sự tiếp nối của một đạo luật khác ban hành từ năm 2012, kiểm soát các tổ chức xã hội dân sự hoạt động tại Nga. Từ nay, đến lượt các cơ quan báo chí bị xem là “đối tượng” phải “khai rõ” về nguồn tài chính nếu Bộ Tư pháp Nga yêu cầu. Các đài phát thanh như Tiếng nói Hoa Kỳ, đài Châu Âu Tự do và Radio Liberty, do Quốc hội Mỹ tài trợ, đã được Nga cảnh báo sẽ phải đăng ký với danh xưng “đại diện của nước ngoài”.

Dấu hiệu cho một cuộc chiến mới giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực truyền thông bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng. Nhiều nhà quan sát lo ngại, sự căng thẳng này sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường, bởi như Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo "sự đổ vỡ quan hệ" giữa Moscow và Washington là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới.

Các chuyên gia nhận định cuộc chiến với các cơ quan truyền thông thực chất là cuộc chiến với các cơ quan tình báo do liên quan tới cuộc bầu cử vừa diễn ra tại Mỹ. Việc không thể tìm ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 càng làm cho quan hệ Nga – Mỹ ngày càng khó đoán định.

Trước đó, ngày 4-12, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev cho rằng chính những sự kiện bên trong nước Mỹ, những cáo buộc của các chính trị gia Mỹ nhằm vào Nga để "lý giải" cho thất bại của họ là nguyên nhân chính làm quan hệ song phương ngày càng xấu đi.

Tiêu chuẩn kép và mối quan hệ “thấp nguy hiểm”

Ngược dòng thời gian, chỉ cách đây ít tháng, chính nước Mỹ đã khơi mào cho “cuộc chiến” nhằm vào các hãng truyền thông. Twitter đã tuyên bố sẽ cấm hai trong số các hãng tin lớn nhất Nga mua quảng cáo trên mạng xã hội này trước những e ngại về việc họ đã tác động vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Theo Twitter, lệnh cấm quảng cáo được áp dụng đối với Russia Today (RT) và Sputnik cũng như mọi tài khoản liên quan đến hai hãng tin này. Nó "có hiệu lực ngay lập tức". Nhà chức trách Mỹ cáo buộc, cả RT và Sputnik đều đóng vai trò như "một nền tảng truyền thông điệp của Điện Kremlin". Twitter cho biết, quyết định được đưa ra sau khi hãng nghiên cứu lại những gì xảy ra quanh cuộc tổng tuyển cử Mỹ 2016 và các kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ rằng cả RT và Sputnik đã tìm cách can thiệp vào các vòng bỏ phiếu thay cho chính phủ Nga.

Lệnh cấm của Twitter ngay lập tức đã gây ra sự phẫn nộ ở Nga. Ngoại trưởng Nga cáo buộc mạng xã hội này đang chịu sự chi phối của các cơ quan tình báo Mỹ và rằng động thái là "một bước gây hấn nữa" nhằm ngăn chặn truyền thông Nga ở Mỹ.

Đại diện chính quyền Nga cũng đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa sau đó, theo hãng thông tấn RIA Novosti. Trong khi đó, trước các cáo buộc từ nhà chức trách Mỹ, Phó tổng biên tập RT Kirill Karnovich-Valua quả quyết, hãng tin này chưa bao giờ dính líu đến bất kỳ hành động trực tuyến bất hợp pháp nào và cũng chưa bao giờ theo đuổi chính sách can dự vào bầu cử Mỹ thông qua bất cứ nền tảng nào.

Bình luận của ông Karnovich-Valua được đưa ra sau khi Tổng biên tập RT Margarita Simonyan, người đã dùng chính tài khoản cá nhân trên Twitter để tố cáo mạng xã hội này đã buộc họ "chi bộn" trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Cụ thể, đài CNN cho biết Kênh truyền hình Russia Today (RT) và Sputnik cũng bị chỉ mặt trong báo cáo của tình báo Mỹ về việc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái. RT bị cáo buộc truyền các thông điệp chiến lược của chính phủ Nga với mục đích gây ảnh hưởng chính trị và thổi bùng bất mãn tại Mỹ. Các quan chức tình báo Mỹ đã cáo buộc Điện Kremlin sử dụng các tổ chức truyền thông Nga để gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ, và Washington đã buộc đài RT của nhà nước Nga phải đăng ký văn phòng đặt ở Mỹ dưới tư cách "đặc vụ nước ngoài".

Điện Kremlin nhiều lần phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử và nói những hạn chế đối với các đài của Nga tại Mỹ là một cuộc tấn công nhắm vào tự do ngôn luận. Twitter không phản hồi về cáo buộc của lãnh đạo RT. Trong khi đó, Sputnik nói hãng tin này chưa bao giờ quảng cáo trên Twitter.

Không chỉ có vậy, trước đó, Nga phủ nhận liên quan tới các quảng cáo trên Facebook tác động bầu cử Mỹ. Điện Kremlin ngày 22-9 tuyên bố không liên quan đến những quảng cáo trên mạng xã hội Facebook được cho là đã tác động tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Nga không biết ai đã đăng quảng cáo lên Facebook và bằng cách nào.

Nga chưa bao giờ làm điều này và Moscow không liên quan gì đến việc này. Tuyên bố trên đưa ra để đáp lại phát biểu của Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg khẳng định sự ủng hộ đối với cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ liên quan cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, điều mà Moscow luôn bác bỏ. CEO Facebook cho biết công ty sẽ chuyển cho Quốc hội Mỹ các chi tiết về những quảng cáo chính trị được cho là liên quan tới Nga nhằm kích động căng thẳng về cuộc bầu cử.

Ngay sau hành động của Twitter, cuối tháng 10-2017, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phản đối quyết định của Twitter, cho rằng, việc mạng xã hội Twitter chặn quảng cáo của hãng tin Sputnik và Đài RT là “vụ công kích chưa từng có” và vi phạm quy định về tự do ngôn luận, Bộ Ngoại giao Nga nói. Người phát ngôn Maria Zakharova cho rằng, quyết định của Twitter rõ ràng đã vi phạm thông lệ quốc tế và do áp lực từ các cơ quan tình báo Mỹ.

“Chúng tôi xem đây là một hành động gây hấn khác nhằm cản trở hoạt động của Đài RT Nga”, bà Zakharova phát biểu, đồng thời đe dọa sẽ có hành động đáp trả. Trong khi đó, Nghị sĩ Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Twitter và cho rằng công ty này đã bị “chính trị hóa”.

Nước Nga đã nói là làm. Từ khi kênh tin thời sự nhà nước Nga RT bị bắt phải tuân thủ luật Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ trả đũa Mỹ trên mặt trận truyền thông. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với các nhà báo: “Một cuộc tấn công vào giới truyền thông chúng tôi chính là tấn công quyền tự do ngôn luận. Họ sắp đóng cửa RT. Sẽ có sự trả đũa thích đáng”. Và Tổng thống Putin đã thể hiện rõ ý chí của phía Nga khi cho phép coi báo chí nước ngoài là tình báo. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25-11 ký đạo luật cho phép các nhà chức trách nước này liệt cơ quan báo chí nước ngoài vào danh sách “đặc vụ nước ngoài” và phải tiết lộ các nguồn tài chính.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng đưa ra cảnh báo rằng Moscow sẽ trả đũa nếu Mỹ có hành động chống lại các hãng truyền thông RT và Sputnik. Căng thẳng vẫn đang bao trùm quan hệ Washington – Moscow. Các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ tiếp tục quan ngại về quan hệ đang xấu đi giữa hai nước.

Giám đốc Tình báo Quốc phòng Vincent Stewart, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) nói: “Mối quan hệ của chúng ta (Mỹ) với Nga đang ở mức thấp nhất và nguy hiểm nhất từ trước tới nay”. Phát ngôn viên điện Kremlin Dimitry Peskov cũng nói với các nhà báo khi được hỏi về mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đang sa sút xuống mức “thấp nguy hiểm”.

Nguyễn Hòa
.
.