Trại tị nạn ở Italia – Cỗ máy kiếm tiền của các băng nhóm

Thứ Sáu, 23/03/2018, 12:41
Kể từ khi Chính phủ Italia đồng ý cho thiết lập các trại tị nạn ở đất nước này để đón tiếp dòng người chạy trốn khỏi các cuộc chiến tranh ở một số quốc gia châu Phi và Trung Á thì nó nghiễm nhiên trở thành những cỗ máy kiếm tiền của các băng nhóm, trong đó đáng kể nhất là tổ chức tội ác mafia.

Bằng cách đứng ra “bảo lãnh” cho các cô gái người Nigeria, Tunisia, Lybia, Afhanistan, Syria…, mafia đưa họ thẳng vào các nhà chứa…

Vượt Địa Trung Hải bằng xuồng cao su

Lúc ấy là khoảng nửa đêm ngày 12-6-2016, ở một bến cảng bỏ hoang nằm gần thành phố Tripoli, Lybia, Yobuja, một cô gái Nigeria 16 tuổi được một nhóm buôn người lùa lên chiếc xuồng cao su cùng hơn 150 dân tị nạn Nigeria khác sau khi đã phát cho họ mỗi người 1 chai nước 1,5 lít và 1 túi bánh mì khô.

Trả lời phỏng vấn của trang tin Nhân chứng toàn cầu - Global Witness - Yobuja nói: “Quê tôi là một ngôi làng nằm ở một vùng ngoại ô nghèo nàn thuộc thành phố Benin, phía nam Nigeria. Từ đầu năm 2016 đến ngày quyết định ra đi, một số bạn gái của tôi đã bị phiến quân Boko Haram bắt làm nô lệ tình dục. Sợ bị rơi vào số phận bi thảm như họ, bố mẹ khuyên tôi tìm cách chạy sang phương Tây vì lúc ấy, rất nhiều người tị nạn châu Phi được Italia, Đức, Hy Lạp, Anh, Pháp… tiếp nhận…”.

Với 3.200USD cha mẹ cho làm lộ phí, để tới được Tripoli, Lybia và để lên được chiếc xuồng cao su, Yobuja cùng mấy người khác trong làng đã phải trả tiền cho một tài xế xe tải để anh ta đưa qua biên giới giữa Nigeria và Niger.

Người tị nạn nhận khẩu phần ăn hàng ngày ở trại Cara di Mineo.

Sau nhiều ngày, cô đến Agadez, một thành phố nằm ven rìa phía nam sa mạc Sahara, thuộc Niger. Tại đây, qua sự giới thiệu của những di dân đi trước, Yobuja gặp một nhóm buôn người và họ đồng ý đưa cô đến Italia với giá 1.500USD.

Yobuja kể tiếp: “Bằng nhiều phương tiện, chủ yếu là xe container, họ đưa tôi cùng hơn 100 người khác đến Tripoli. Sau 2 ngày ở đây, nửa đêm 12-6-2016, họ lùa chúng tôi lên xuồng cao su. Khi có người thắc mắc tại sao lại vượt Địa Trung Hải chỉ bằng xuồng cao su thì đám buôn người cho biết “đi thứ này mới được tàu nước ngoài cứu vớt”.

Vẫn theo Yobuja, chuyến vượt biển rất kinh hoàng. Vì là xuồng cao su nên không có mái che. Cả trăm con người phơi mình dưới ánh nắng gay gắt. Vài người ngồi ngoài mép xuồng ngã xuống biển do say nắng nhưng chiếc xuồng vẫn không dừng lại. Vài người khác chết vì kiệt sức. Xác họ nhanh chóng bị ném xuống nước để có chỗ rộng hơn cho những người còn lại.

Một thống kê của Tổ chức di dân Liên Hiệp Quốc (IOM) cho thấy từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 5-2016, đã có 53.586 người được các tàu Hy Lạp, Italia, Đức, Anh, Pháp…, tìm thấy trên Địa Trung Hải, còn con số tử vong ước lượng là khoảng 5.000 người. Nhiều tử thi bị sóng đánh dạt vào bờ biển, trên da họ vẫn còn có thể đọc thấy những dòng chữ ghi họ tên, quê quán, số điện thoại của người thân…, được viết bằng mực không phai.

Cái bẫy nhân đạo

Sau gần 3 tuần lênh đênh trên biển, cuối cùng chiếc xuồng chở Yobuja và những người Nigeria khác cũng đến được cảng Augusta, phía đông đảo Sicily, Italia. Khi bước chân lên bờ, việc đầu tiên của cảnh sát Italia là lục soát tất cả để tìm vũ khí, phần lớn là dao găm, dao xếp.

Tiếp theo, những người có giấy tờ tùy thân được xếp riêng sang một bên còn những người không có phải trải qua một đợt kiểm tra lí lịch rồi được viết vào cánh tay một con số bằng mực đen để dễ quản lý. Sau đó những chiếc xe tải đưa họ vào trung tâm đón tiếp người tị nạn Cara di Mineo - là một doanh trại quân đội cũ, không còn sử dụng.

Các cô gái mại dâm Nigeria trên đường phố Naples.

Yobuja kể: “Ngày qua ngày, chúng tôi chỉ biết ăn rồi ngồi chờ quốc gia nào đó tiếp nhận. Một số thanh niên trai tráng trốn ra ngoài đi làm chui thông qua một đường dây tuyển mộ lao động phổ thông và dĩ nhiên là họ phải trích lại 40% tiền lương của họ cho đường dây ấy”. Hầu hết đều biết rằng nếu bị cảnh sát Italia phát hiện, cơ hội đi định cư của họ sẽ rất mờ mịt nhưng không ít người trước khi vượt biển, gia đình họ đã phải vay mượn tiền để trả cho bọn buôn người nên dù muốn dù không, họ vẫn phải làm kiếm tiền gửi về nhà trả nợ.

Một buổi sáng, Yobuja được thông báo có khách đến thăm. Đó là một người đàn ông và một phụ nữ, tự giới thiệu là “ông bà Corlio”. Theo lời họ thì họ muốn làm thủ tục bảo lãnh Yobuja dưới hình thức nhận cô là con nuôi. Họ hứa hẹn Yobuja sẽ có nơi ăn chốn ở tử tế, được cho đi học, vừa học chữ vừa học nghề và sẽ có việc làm.

Yobuja kể: “Tôi mừng muốn chảy nước mắt. Tôi nhanh chóng ký vào tất cả các loại giấy tờ họ đưa cho tôi”. Capori, một sĩ quan đặc vụ ngầm thuộc Đội chống buôn người trực thuộc Bộ Nội vụ Italia cho biết: “Tổ chức tội ác mafia mua chuộc một số người tị nạn trong các trại tiếp nhận rồi giao cho họ nhiệm vụ chụp ảnh, tìm hiểu họ tên, nhân thân của những thanh niên tuổi từ 16 đến 20. Tiếp theo, những thông tin ấy được chuyển cho mafia rồi sau khi lựa chọn, mafia sẽ cử những cặp đóng vai vợ chồng vào trại, xin nhận con nuôi hoặc con đỡ đầu. Khi tất cả mọi thủ tục đã hoàn tất, mafia đưa họ về những điểm tập kết. Tại đó, thường thì họ phải ở lại từ 1 tuần đến nửa tháng để được “huấn luyện” rồi bị buộc phải ra đường bán lẻ ma túy hoặc tham gia vào các đường dây vận chuyển ma túy nếu là trai, còn gái thì vào động mại dâm…”.

Trở lại chuyện Yobuja, mọi thủ tục nhận con nuôi hoàn tất sau nửa tháng rồi cô theo “vợ chồng” Corlio đến thành phố Naples. Bắt đầu từ đó, cô phải gọi ông Corlio là “il padre” - tiếng Italia nghĩa là cha, còn bà Corlio là “la madre” - nghĩa là mẹ. Nơi ở của Yobuja là một tầng hầm của một ngôi nhà gạch màu nâu đỏ đã xuống cấp. Trong căn hầm, cùng ở chung với cô còn có hơn 10 thiếu nữ khác, cả người Nigeria lẫn người Tunisia. Hỏi thăm, họ cho biết họ được vợ chồng Corlio nhận làm con nuôi và đang chở đi… học nghề!

Cũng cùng chung số phận như Yobuja là Igbira, người Nigeria, 18 tuổi. Sau khi đóng tiền cho bọn buôn người và sau khi đến đảo Sicily, cô được đưa vào trung tâm tị nạn Sant'Anna ở Isola di Capo Rizzuto.

Tại đây, một cặp vợ chồng “tốt bụng” đã nhận cô làm con đỡ  đầu rồi bảo lãnh cô ra khỏi trại. Trải qua một tuần lễ huấn luyện “kỹ thuật tình dục” và các phương pháp làm mủi lòng khách làng chơi để xin thêm tiền, Igbira bị đẩy ra đường, buộc phải trở thành gái mại dâm đường phố ở Naples.

Vẫn sĩ quan đặc vụ ngầm Capori cho biết: “Trước khi ra đường hành nghề, các cô gái đều phải học thuộc lòng lời khai nếu chẳng may bị cảnh sát bắt, rằng họ tự ý trốn nhà làm gái mại dâm để kiếm tiền xài thêm chứ cha mẹ nuôi không hề ép buộc hay cưỡng bức. Xác minh “cha mẹ nuôi” của họ, chúng tôi cũng nhận được những lời khai tương tự. Khi hỏi tại sao lúc biết “con” họ bỏ đi, họ không trình báo thì câu trả lời luôn luôn là: “Vợ chồng tôi cứ tưởng nó đi chơi đây đó với bạn bè vài bữa rồi sẽ lại về, chứ nó đã mất tích đâu mà phải trình báo…”.

Cuối đường hầm vẫn là bóng tối

Theo Tổ chức Di dân Liên Hiệp Quốc (IOM), hơn 80% phụ nữ người Nigeria được đưa đến châu Âu đều là nạn nhân của những cái “bẫy nhân đạo” và họ rất khó để thoát ra được. Yobuja chẳng hạn, trước ngày bị đẩy vào một nhà chứa, cô đã phải viết giấy mượn nợ vợ chồng Corlio 50.000 Euro để “gửi về cho bố mẹ ở Benin, Nigeria” - một lý do hoàn toàn chính đáng và hợp lý nếu bị cảnh sát hỏi đến, chỉ có điều là mượn ảo - mượn mà không nhận tiền.

Một chân rết của mafia ở trại Cara di Mineo bị bắt trong chiến dịch “Buôn da thịt”.

Nợ ảo nhưng phải trả thật. Yobuja cũng như Igbira chỉ được giữ lại 10% trong tổng số tiền kiếm được sau một đêm “đi khách”. Yobuja nói với trang tin Nhân chứng Toàn cầu: “Phải 5 năm nữa tôi mới có thể trả hết nợ với điều kiện là khách vẫn thường xuyên tìm đến tôi như hiện nay”. Tuy nhiên, đặc vụ ngầm Capori cho biết thông thường họ phải mất từ 6 đến 8 năm vì theo thời gian cộng với tính chất đặc thù của “nghề nghiệp”, nhan sắc, vóc dáng của họ rất nhanh xuống cấp, số lượng “khách” cũng dần ít đi. Theo ông Torili Puzzo, điều phối viên chống buôn người thuộc Tổ chức Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Italia thì: “Trong suốt cả năm 2016, có khoảng 11.000 thiếu nữ là di dân từ một số các quốc gia châu Phi đến Italia. Chỉ cần một nửa trong số này, mỗi người viết giấy vay nợ của mafia 50.000 Euro thì ước tính mafia sẽ thu về hơn 250 triệu Euro”.

Sau khi đã trả hết nợ, các cô gái được tự do nhưng phần lớn đều quay lại “nghề” cũ bởi lẽ ngoài việc bán cái “vốn tự có”, họ chẳng biết làm gì. Margi, một gái mại dâm người Nigeria hết thời nay trở thành… tú bà. Quy tụ những bạn đồng cảnh ngộ, Margi đứng ra điều hành một đường dây giá “bình dân” - nghĩa là thay vì từ 150 đến 200 Euro cho 1 lần “đi khách” thì nay họ chỉ lấy 40 Euro. 

Margi nói: “Dù hành nghề tự do nhưng chúng tôi vẫn phải đóng thuế cho các băng nhóm vì nếu không, chúng tôi sẽ chẳng được phép đón khách trong những vùng lãnh địa của họ”. Các cuộc điều tra của cảnh sát Italia cho thấy Trung tâm tiếp nhận người tị nạn Cara di Mineo - là một trong những trại lớn nhất châu Âu - nơi thường xuyên có hơn 4.000 di dân tạm trú, đã trở thành cỗ máy kiếm tiền của mafia và của các băng nhóm người Nigeria. 

Cuối năm 2016, cảnh sát Italia đã tiến hành một chiến dịch với mật danh “Buôn da thịt”. Kết quả là họ phát hiện một mạng lưới đưa các thiếu nữ người Nigeria ra khỏi trại Cara di Mineo bằng các giấy tờ giả rồi buộc họ hành nghề mại dâm. Trong số những kẻ bị bắt có Irene Ebhoadaghe, 44 tuổi, tự xưng là “la madre Shade - mẹ Shade”. Các điều tra viên cho biết họ bắt được “mẹ Shade” khi bà ta đang chuẩn bị đưa 3 thiếu nữ Nigeria từ trại Cara di Mineo đến thành phố Naples.

Cũng qua điều tra, cảnh sát còn phát hiện số tiền mà Chính phủ Italia cấp cho mỗi người dân tị nạn dưới hình thức thực phẩm và các dịch vụ tiện ích khác, đã bị một vài quản lý trại ăn chặn bằng cách khai khống số lượng, chưa kể còn có sự cấu kết với mafia trong việc hợp pháp hóa giấy tờ để đưa di dân ra khỏi trại.

Ông Torili Puzzo, điều phối viên chống buôn người thuộc Tổ chức Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Italia nói: “Lúc bước lên chiếc xuồng cao su để vượt biển, những cô gái Nigeria đã đi vào một con đường hầm. Khi đến Italia rồi khi được đưa ra khỏi trại dưới hình thức con nuôi, con đỡ đầu, họ lại đi vào một con đường hầm khác mà ở cuối đường, hoàn toàn vẫn chỉ là bóng tối…”.

Vũ Cao (theo Global Witness)
.
.