Kinh doanh bên trong trại tị nạn

Thứ Ba, 27/02/2018, 10:54
Việc làm đầu tiên của Mesfin Getahun ở trại Kakuma là rửa ly cho một tiệm cà phê (cũng do người tị nạn kinh doanh) và được trả lương chưa đến 10 USD/tháng. Sau đó, Getahun dành dụm tiền để chuyển sang nướng và bán bánh mì. Getahun làm chủ lò nướng bánh mì chừng vài năm trước khi quyết định mở cửa hàng tạp hóa...

Lợi nhuận từ kinh doanh siêu thị

Đó là một buổi chiều tiết trời oi ả trong trại tị nạn Kakuma ở miền bắc Kenya, một số người đàn ông đang bận rộn vác những thùng nước ngọt Coca-Cola lên chiếc ô tô đang đỗ trước cửa hàng kinh doanh đủ loại mặt hàng; sữa bột, cà chua đóng hộp, gạo... của Mesfin Getahun. Một nhóm người tị nạn và người bộ tộc Turkana địa phương ngồi túm tụm với nhau trên ghế nhựa trước cửa hàng.

Năm 2001, Mesfin Getahun rời khỏi đất nước Ethiopia - láng giềng với Kenya - đang chìm trong bất ổn chính trị để đến khu trại tị nạn. Không ai có thể ngờ rằng sau một thời gian, Mesfin Getahun, 42 tuổi, đã trở thành chủ siêu thị bán sỉ lớn nhất trong trại tị nạn và có thu nhập hằng tháng đến 10.000 USD và được mọi người gán cho tên gọi là “Nhà triệu phú”.

Phía trước cửa hàng của Getahun có tấm bảng ghi dòng chữ “Jesus là Ngài bán sỉ Mesfin”. Gia đình ông may mắn được chọn tái định cư ở Mỹ và đang chờ ngày lên đường.

Đó là ước mơ của tuyệt đại đa số người tị nạn song không ai biết rằng Mesfin Getahun đang phải đau đầu tìm cách bảo vệ khối tài sản khổng lồ mà ông tích lũy được từ nhiều năm qua ví dụ làm sao để chuyển một số lớn tiền mặt ra nước ngoài. Vấn đề khác nữa là Getahun phải nhanh chóng tìm một người nào đó có đủ khả năng mua lại cửa hàng của ông - một vấn đề đòi hỏi mất rất nhiều thời gian.

Cũng giống như nhiều người tị nạn khác, Getahun đến trại tị nạn với hai bàn tay trắng mà làm nên sự nghiệp cho nên việc bán lại cửa hàng để bắt đầu cuộc sống mới một lần nữa ở Mỹ quả là thách thức không nhỏ với ông.

Việc làm đầu tiên của Mesfin Getahun ở trại Kakuma là rửa ly cho một tiệm cà phê (cũng do người tị nạn kinh doanh) và được trả lương chưa đến 10 USD/tháng. Sau đó, Getahun dành dụm tiền để chuyển sang nướng và bán bánh mì. Getahun làm chủ lò nướng bánh mì chừng vài năm trước khi quyết định mở cửa hàng tạp hóa. Getahun nhìn thấy cơ hội làm ăn lớn trong trại Kakuma (mở cửa năm 1992) có khoảng gần 200.000 người tị nạn.

Cư dân bên trong Kakuma chủ yếu sống nhờ vào nguồn thực cũng như dịch vụ do chính người tị nạn cung cấp hơn là sự cứu trợ quốc tế. Những cửa hàng tạp hóa phục vụ đủ mọi nhu cầu cho cuộc sống hằng ngày - thực phẩm đóng hộp, xà phòng, dụng cụ học sinh, quần áo may sẵn, nước giải khát, mỹ phẩm. Thậm chí, người tị nạn còn kinh doanh nhà hàng, quán bar, studio chụp ảnh và nhiều loại dịch vụ khác nữa.

Mesfin Getahun (người ngồi) bên trong kho hàng tạp hóa.

Người Kenya cũng mở cửa hàng kinh doanh trong trại Kakuma song quy mô không lớn và cũng không đủ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người tị nạn cho nên Getahun không lo ngại vấn đề cạnh tranh. Cách cửa hàng tạp hóa của Mesfin Getahun chừng vài mét là siêu thị Sarafina của một người tị nạn đến từ Ethiopia.

Rahul Oka, giáo sư Khoa Nhân chủng học Đại học Notre Dame (Mỹ) có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế trại tị nạn Kakuma, nhận định hoạt động kinh doanh thành công của Mesfin Getahun là sự việc không ai có thể ngờ đến.

Cửa hàng áo cưới cho cô dâu

Bên trong các trại tị nạn, cuộc sống vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, nếu có một đám cưới được tổ chức thì chắc chắn cô dâu sẽ rất khó tìm được áo cưới cho ngày trọng đại đời mình. Đó là động cơ thúc đẩy Rozhin Ahmed-Hussein (bản thân là dân tị nạn người Kurd ở Syria) mở cửa hàng cho thuê áo cưới cô dâu trong trại tị nạn mà chị đang sống ở thành phố Mosul miền bắc Iraq. Bên trong khu trại tị nạn, những căn nhà dựng lên tạm thời được ngăn cách nhau bởi lối đi rải sỏi và mọi người có thể cảm nhận được bầu không khí nóng đến 47 độ C.

Mặc dù phải chạy trốn cuộc chiến tranh khốc liệt ở Syria và sống trong trại tị nạn với tâm trạng tuyệt vọng, song điều đó đó vẫn không ngăn cản được tình yêu nảy sinh giữa nam và nữ. Dĩ nhiên, đám cưới sẽ diễn ra sau một thời gian vun đắp tình yêu.

Mặc dù không là cửa hàng áo cưới duy nhất trong trại tị nạn song có lẽ cửa hàng của Rozhin được coi là điểm đến được ưa chuộng nhất do hợp thời trang. Rozhin hiện là mẹ của 5 cô con gái nhỏ trong đó có cặp song sinh. Rozhin AhmedHussein và gia đình rời khỏi thị trấn Qamishli của người Kurd ở Syria năm 2012 khi chiến sự gia tăng ở nước này. Sau khi đến trại tị nạn ở Iraq, Rozhin nghĩ ngay đến kế hoạch kinh doanh để kiếm sống và nuôi 5 cô con gái còn nhỏ.

Sau khi kinh doanh tạp hóa thất bại, đồng thời phát hiện nhu cầu thuê áo cưới của cô dâu đang tăng, Rozhin quyết định vay tiền người thân để cung cấp dịch vụ cho đám cưới. Hiện nay, cửa hàng của Rozhin - được đặt theo tên một cô con gái của chị là Tulin - hoạt động được 6 năm và phục vụ cho khoảng 30 đám cưới trong 1 năm, trong đó đa số khách hàng là người Kurd.

Không chỉ trang điểm cho cô dâu mà Rozhin còn phục vụ cả rất đông khách mời dự đám cưới. Do thời tiết nóng bức, Rozhin thường làm tóc trước cho khách và phần trang điểm được thực hiện cuối cùng với lớp phấn phủ thật dày trên gương mặt nhằm làm giảm nguy cơ bị trôi do đổ mồ hôi. Đám cưới thường diễn ra vào khoảng từ 7 giờ đến 8 giờ sáng lúc tiết trời còn mát mẻ nhưng vào mùa hè nhiệt độ vẫn cao đến 30 độ C vào thời điểm này.

Thời gian trang điểm cho cô dâu vào khoảng hơn 2 giờ. Không chỉ cô dâu mà cả các khách dự đám cưới cũng cần được trang điểm và nhiều khi Rozhin phải phục vụ đến 2 đám trong ngày. May mắn là Rozhin có nhiều bạn bè giúp đỡ một tay. Đó là số thành viên nữ trong Đoàn Y tế Quốc tế (IMC) - tổ chức phi lợi nhuận đặt trụ sở tại bang California (Mỹ) điều hành một chương trình đào tạo nghề làm tóc và trang điểm cho những phụ nữ tị nạn. Rozhin kể: “Rất nhiều việc phải làm để phục vụ cho một đám cưới và họ rất vui vẻ khi tôi gọi đến nhờ giúp đỡ. Chúng tôi coi nhau như chị em. Sau khi xong việc, cả bọn ngồi lại với nhau cùng uống trà và cà phê”.

“Đám cưới cũng có nghĩa là phải tổ chức một buổi tiệc lớn. Nhưng điều quan trọng nhất là mọi người có cơ hội để tạm quên đi cuộc sống thường ngày khủng khiếp trong trại tị nạn - nghĩa là 20 người cùng sử dụng chung một nhà vệ sinh cũng như thường xuyên phải đề phòng với bệnh truyền truyền nhiễm”, Rozhin nói.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.