Tranh chấp dai dẳng nhằm giành giật các nguồn nước ở Trung Đông

Thứ Sáu, 09/09/2016, 08:05
Euphrates vốn là một trong 4 "con sông Thiên đường" được ghi trong Kinh Thánh, từng nuôi sống nền văn minh đầu tiên của loài người. Bây giờ tại ngôi làng Iaroblos thuộc Syria gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, Euphrates đang dần khô cạn dần với dòng nước bất động…

Mohammed Hussein, một chủ trang trại 22 tuổi ngồi trên chiếc máy kéo của mình và buồn bã nhìn ra dòng Euphrates: "Ngày nào tôi cũng ra đây và chứng kiến con sông chết dần chết mòn như thế nào…". Sông ngả màu xanh đen, bởi mọi chất thải đều bị vứt xuống.

Đây đó một vài xác cá chết nổi lên mặt nước… "Chúng tôi rất lo… Người ta nói sông sẽ được khơi thông lại. Nhưng bao giờ mới thực hiện? Đợi đến lúc đó thì đất đai canh tác nứt nẻ hết rồi! - M. Hussein thổ lộ - Trong Kinh Thánh có đoạn khẳng định, rằng nếu dòng sông Euphrates cạn nước sẽ báo hiệu sự cáo chung của thế giới này".

Khoảng giữa tháng 2-2010, chính quyền thủ đô Ankara quyết định "nắn" một đoạn sông Euphrates cho chảy vào một con hồ nhân tạo, ẩn sau đập nước khổng lồ Ataturk. Đó là nguyên nhân chính làm hạ mực nước sông cả ở Syria lẫn Iraq. Tuy người Thổ Nhĩ Kỳ hứa sẽ xả nước trở lại, cũng vẫn làm các quốc gia lân bang "tức điên" lên.

Giành quyền kiểm soát và khai thác nguồn nước là nhiệm vụ trọng tâm của binh đội Israel tại các vùng đất chiếm đóng.

Những người có trách nhiệm ở Syria - nơi 90% nước dùng là lấy từ Euphrates không tin rằng người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khôi phục lại được mức nước bình thường. "Trong tương lai, các du khách tới lưu vực sông Euphrates bây giờ sẽ được nghe giới thiệu rằng, trước kia nơi đây từng hiện hữu một dòng sông!" - ông Saker Bozua, Tổng Giám đốc Nhà máy thủy điện Al Tahura nằm ven con hồ Assad thuộc Syria quả quyết.

Những cuộc tranh cãi dai dẳng về quyền sử dụng các nguồn nước không còn là hiện tượng mới ở Trung Đông. Trong hàng chục năm trở lại đây luôn tồn tại mối hiểm họa về một cuộc chiến, nhằm giành giật 3 con sông chính trong vùng là Nile, Euphrates và Jordan. Vào các thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, giữa Syria và Iraq luôn trong tình trạng căng thẳng quanh những vụ tranh cãi về sông Euphrates.

Riêng Ai Cập thì nói họ "sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giành quyền kiểm soát dòng Nile". Còn đức Vua Abdullah II của Vương quốc Jordan lại nói riêng với các nhà ngoại giao nước ngoài ở thủ đô Amman rằng, ông thấy một lý do chính để có chiến tranh với Israel, là giành quyền kiểm soát sông Jordan.

Dân số các nước vùng Trung Đông tăng nhanh, tình hình căng thẳng cũng tăng theo - nhất là trong việc tìm các nguồn nước sinh hoạt. Nền nông nghiệp và các dự án công nghiệp cũng tạo ra những vấn đề mới phát sinh thêm của "cuộc khủng hoảng nước ngọt". Theo các nhà nghiên cứu địa phương, tới giai đoạn cuối thập niên 2010 này các quốc gia Trung Đông sẽ đứng trước việc không đủ nước dùng, nhu cầu lúc đó sẽ tăng gấp 3 lần khả năng cung cấp hiện nay của các con sông trong vùng.

Vấn đề nước sinh hoạt từng là nguyên nhân gây căng thẳng giữa Israel và các quốc gia láng giềng. Riêng Jordan và Israel thường dùng quá 15% lượng nước vốn có. Lời đề nghị trong quá khứ của Jordan dựng một con đập chung cùng Israel trên nhánh sông Yarmouk, với tổng trị giá 350 triệu USD đã không được người Do Thái chấp nhận.

Nhà nước Israel có một vùng đất ven sông Yarmouk, đó là một thực tế mà nhiều nhà quan sát cho rằng là lý do căn bản để họ "tạo thêm" nguồn nước mới. Giữa Jordan và Israel đã từng có những cuộc hội đàm bí mật trong vài năm nay. Còn người Mỹ đang đứng trung gian trong một cuộc tranh chấp khác liên quan đến con sông Jordan…

Nhưng trong quá khứ những cuộc đàm phán như vậy thường bị thất bại, bởi các quan điểm trái ngược khó dung hòa nhau. Trước đây vài năm, giới chức Amman từng kết tội Tel Aviv vì đã "nới" rộng bờ sông nhằm có thêm nhiều nước hơn.

Nước sinh hoạt cũng là một trở ngại chính để giải quyết các xung đột, liên quan tới những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Ngày nay Israel sử dụng tới 40% lượng nước dùng hàng ngày là từ các trạm cung cấp dọc bờ Tây sông Jordan và Dải Gaza.

Giáo sư Thomas Baker của Viện đại học Pennsylvania (Upenn) ở Mỹ, người đang lãnh đạo một nhóm chuyên viên quốc tế nghiên cứu sông ngòi Trung Đông, nói: "Hiện tại Israel lợi dụng vai trò siêu cường trong vùng của mình, dùng bất cứ nguồn nước nào mà họ muốn". Vẫn theo lời Giáo sư T. Baker, thì một người dân Israel dùng tới 280 lít nước/ngày, gấp 4 lần một người Palestine. Mặt khác Tel Aviv có thể "thỏa thuận có lợi" với Lebanon, theo đó sẽ có được khả năng dùng nguồn nước sông Litani nằm dọc theo biên giới với "vùng an ninh" của người Do Thái ở Nam Lebanon.

Còn giới ngoại giao phương Tây ở Vương quốc Oman lại tỏ ra bi quan, khi đề cập đến những thỏa thuận hòa bình cho vấn đề: "Nước ngọt giống như khẩu súng, luôn chĩa sát đầu người Israel, do vậy vấn đề này thật nan giải!". Ai Cập cũng có những bực dọc tương tự với sông Nile, bởi họ từng hy vọng được lượng nước nhiều hơn là cần thiết. Nhưng thượng lưu của một trong những nguồn nước của dòng Nile, là con sông Green Nile (Nile xanh) lại nằm trên đất Ethiopia.

Một khi có thỏa thuận giữa Israel và Ethiopia về một "kiến trúc chung", cùng với sự nghiên cứu thăm dò xây cất đập nước mới có thể quy tụ một phần lượng nước thượng nguồn Nile xanh, một viên chức cao cấp ở Cairo phẫn nộ nói: "Chúng tôi đang ngày đêm toát mồ hôi hột khi nghĩ tới triển vọng đó. Nếu Ethiopia tự ý dựng con đập gai mắt ấy, Ai Cập sẽ bị mất 20% lượng nước sinh hoạt của mình!". Còn theo đánh giá của một viên chức ngoại giao Tây phương ở Cairo, thì: "Ai Cập sẽ gây chiến để bảo vệ quyền lợi nước của mình. Đó là điều mà người ta không nghi ngờ gì nữa!".

Những vấn đề sau cùng liên quan đến con sông Euphrates, liên quan đến kế hoạch của người Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng 21 con đập, 17 nhà máy thủy điện cũng như lấy nước sông Euphrates tưới tiêu cho 100.000km² diện tích đất khô cằn của họ. Ankara khẳng định sẽ dành cho Syria lượng nước 500 m³/giây - đó là thỏa thuận sau cùng đạt được giữa 2 quốc gia, sau khi dòng chảy của Euphrates bị ngăn lại.

Bản đồ lưu vực sông Jordan và nhánh Yarmouk trù phú - một trong những nguyên nhân gây tranh chấp dai dẳng tại Trung Đông.

Nhưng Tổng giám đốc S. Bozua của Syria thì tin rằng, con đập Ataturk sẽ là nguyên nhân chính làm mực nước sông tụt xuống tới 2/3, đẩy nhanh quá trình mặn hóa. Đồng thời ông S. Bozua cũng dự đoán, hậu quả là lượng điện do đập Al Tahura mang lại - nguồn điện chính của đất nước Syria, sẽ chỉ phát được tối đa 12% công suất cần có.

"Sông đâu còn tồn tại nữa - Tổng giám đốc S. Bozua khẳng định - Euphrates chết rồi! Người Thổ đã nói với dân chúng của họ sống ven sông: hoặc là di cư, hoặc là bị… chết khát!". Các nhà quan sát trung lập thì cho rằng tình hình có vẻ khả quan hơn. Nhưng theo nhận định của giáo sư T. Baker: "Trong trường hợp xấu nhất, con đập Ataturk sẽ là nguyên nhân khiến Syria nhận được 40% lượng nước ít hơn từ Euphrates, còn phía hạ lưu Iraq sẽ mất đi từ 80 - 90% lượng nước thường có".

Một phần trong số những lời đề nghị về việc giải quyết vấn đề khủng hoảng nguồn nước ở Trung Đông thường quá đắt và vô lý - như đường ống dẫn hoặc tàu chở nước ngọt từ châu Âu tới. Riêng Arập Xêút đã bỏ ra ít nhất 2 tỉ USD cho hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt, nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được chừng 2,5% nhu cầu chung của dân chúng theo cách này.

Thổ Nhĩ Kỳ lại đề nghị xúc tiến xây dựng dự án "Đường ống Hòa bình" với tổng trị giá 20 tỉ USD. Đường ống sẽ chuyển tải lượng nước sạch từ các dòng suối cao ở Thổ Nhĩ Kỳ đến Syria, Iraq và Jordan. Một trong những kế hoạch "viển vông" nhất là do cố Tổng thống Muammar al-Gaddafi của Libya đề nghị.

Lúc sinh thời từng được ông gọi đó là "Kỳ quan thứ 8 của thế giới", nhằm xây dựng hệ ống bê tông dẫn nước từ những hồ ngầm phía nam sa mạc Libya tới vùng đồng bằng phía bắc. Các nhà địa chất học cho biết, là lượng nước ngầm ấy sẽ hết sau khi hoàn thành công trình đôi chút - vào đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI.

Những biện pháp đơn giản không gây rắc rối lắm cũng là một cách giúp giải quyết vấn đề nước trong vùng. Ở thủ đô Damascus của Syria hầu như đêm nào cũng cúp nước, vì hệ thống dẫn nước của thành phố quá cũ kỹ và làm thất thoát tới 40% lượng nước được cung cấp; chưa kể những cuộc giao tranh triền miên cũng ảnh hưởng tới việc cấp nước cho cư dân các vùng ngoại ô. Tình hình tại Ai Cập còn tệ hơn.

Đoạn sông Euphrates trơ đáy chảy ngang làng Iaroblos.

Theo nhà địa lý học nổi tiếng Helt Aib, thì: "Các chủ trang trại trong lưu vực sông Nile thường dùng lượng nước gấp đôi số cần thiết - do cách tưới lạc hậu. Khoảng 2/3 lượng nước cấp cho các thành phố và thị xã không tới được người dùng do hệ thống cấp nước cũ kỹ và nước để rửa xe quá nhiều. Đó là vấn đề gây tranh luận".

Dù cho mọi việc tranh chấp có được giải quyết đi chăng nữa, vùng Trung Đông cần phải tiến hành thay đổi bức tranh hiện tại. Công tác nông nghiệp cần được đổi mới. Như Arập Xêút dành tới 90% nguồn nước để tưới tiêu.

Thực ra với mức chi phí đó, quốc gia này có thể nhập được đến 1/10 tổng sản phẩm nông nghiệp làm ra trong nước. Còn Israel - quốc gia thường được gắn với sự thần kỳ "biến sa mạc nở hoa" - dùng đến 70% tổng lượng nước của mình cho nông nghiệp, và tới 17% sản lượng điện trong nước là chỉ dành cho các trạm bơm.

"Đó là vấn đề nan giải, nhưng chúng tôi không có cách nào hơn. Nhà nông cần có nước" - nhà thủy năng học Elias Halemes ở Tel Aviv nói. Giáo sư T. Baker và nhiều chuyên gia khác đề nghị thành lập một ủy ban hỗn hợp liên chính phủ nhằm kiểm soát mọi nguồn nước trong vùng, giúp giải quyết các cuộc xung đột. Trong một bản báo cáo mới đây mà ông đòi được phổ biến rộng rãi, Giáo sư T. Baker khuyến cáo rằng: "Nếu các quốc gia trong vùng không nhanh chóng bắt tay ngay vào việc soạn thảo các thỏa thuận về vấn đề nước, nhất định sẽ bùng lên các cuộc chiến mới, gây khủng hoảng lan truyền…".

Sự đóng cửa các trang trại gây lãng phí, cũng như việc tiến hành ký kết các hợp đồng cùng sử dụng nguồn nước chung, chưa bao giờ là "vấn đề ngọt ngào" ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh này. Tại "lò lửa Trung Đông", nếu người ta giải quyết vấn đề trên một cách êm thấm thì thật đúng là một điều kỳ diệu.

Quang Phú (tổng hợp)
.
.