Nơi thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô: Thành phố bị tẩy chay
- Trở lại Polygon, nơi thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô
- Những mẫu xe hơi độc bị lãng quên của Liên Xô
- Người dân Liên Xô cũ tiếc nuối thời Xôviết
Năm nay đã ở tuổi 92, nhưng đại tá về hưu Sergei Lvovich Davidov, từng là chuyên viên phá nổ, vẫn nhớ rõ từng chi tiết mặc dù ông không được trực tiếp thấy vụ nổ vì lúc đó ông trú trong một hầm tránh đạn bê tông cốt thép đặc biệt.
Ông Sergei Davidov kể: "Khu vực thao trường có nhiều máy quay được đặt; không ai được đứng tại đây vì trái bom có sức công phá vô cùng lớn. Các nhân sự được đưa ra xa khoảng 20-30 km cách trung tâm nổ. Mọi thiết bị đều làm việc ở chế độ tự động, bật tắt đúng thời gian. Chính tôi được trao nhiệm vụ chế tạo thiết bị chương trình có chức năng điều khiển toàn bộ quá trình này".
Thành phố bị bỏ hoang sau khi bãi thử đóng cửa năm 1991. |
Đầu đạn nguyên tử được thả từ một tháp thép cao chứ không dùng máy bay ném xuống mặt đất. Công tác chuẩn bị được tiến hành vô cùng kỹ lưỡng, rà soát nhiều lần, vào khoảnh khắc nổ có 30 máy thu hình làm việc. Sau này, bộ phim với mật hiệu "Kinh nghiệm trên thao trường No. 2" đã được xếp vào tài liệu mật và nằm trên giá của kho lưu trữ liên bang hàng chục năm liền.
Từ đó, nhiều trái bom nguyên tử đã được thử nghiệm tại thao trường Semipalatinsky. Nhưng ấn tượng mạnh nhất phải nhắc tới vụ nổ bom khinh khí đầu tiên trên thế giới. Đây là trái bom có công suất 400 kiloton. "Khi viện sĩ Kurchatov đến thao trường sau vụ thử nghiệm trái bom này, chính ông ấy còn phải bàng hoàng thốt lên “Không thể nào như vậy được”- giáo sư Sergey Kapitsa, con trai nhà vật lý kiệt xuất Piotr Kapista, người được trao Giải thưởng Nobel, hồi tưởng lại - "Đó là bước nhảy vọt. Quả bom khinh khí có công suất lớn gấp ngàn lần so với bom nguyên tử. Còn bom nguyên tử thì mạnh gấp ngàn lần một quả bom thường".
Năm 1989, tại Semipalatinsk diễn ra một cuộc biểu tình quy mô - cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên chống lại các vụ thử hạt nhân kéo dài ngót nửa thế kỷ. Đến năm 1991, bãi thử này bị đóng cửa hoàn toàn. Ngày nay, Polygon đáng sợ trở thành khu công nghiệp hạt nhân dân sự. Tổng thống Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan đã ra lệnh hủy bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn hàng thứ 4 trên thế giới do Liên Xô để lại và hiện thời ông là nhà hoạt động chiến dịch chống vũ khí hạt nhân.
Năm 2010, phần lớn sự thật bị che giấu được thể hiện trong bộ phim tài liệu mang tựa đề "After the Apocalypse" (tạm dịch: "Sau ngày tận thế") mô tả thảm họa ở Polygon. Với sự giúp đỡ từ người Mỹ và Nga, Kazakhstan đang cố gắng làm sạch Polygon. Nhưng tiến trình diễn ra chậm chạp và hao tốn quá nhiều tiền bạc. Trong khi đó, giới chức chính quyền Nga tuyên bố nhiều phần ở Polygon hiện đã an toàn. Nhưng có ai dám thực sự tin tưởng?
Tới năm 2012, các nhà khoa học Mỹ, Nga và Kazakhstan đã hoàn thành việc thanh tẩy phóng xạ ở thành phố sau 17 năm lao động miệt mài. Tháng 12-2016, một bộ phim tài liệu mới nhất về bãi thử Semipalatinsk đã được đài BBC công chiếu. Các vụ thử ở Semipalatinsk chỉ cách khu vực phía tây 160km, nơi có tới 20 vạn dân sinh sống.
Bom được thử trên không trung hoặc trong các hầm đào dưới đất. Những nhân chứng trong phim cho biết, không hiếm những ngày họ bước ra khỏi nhà và nghe thấy tiếng bom nổ rầm rầm bên tai. Tổng cộng 456 quả bom hạt nhân đã được kích nổ ở bãi thử Semipalatinsk.
Sau khi đóng cửa vào năm 1991, rất nhiều nguyên liệu chứa phóng xạ bị để lại. Cư dân vùng này lo ngại những phần tử khủng bố có thể lấy trộm số nguyên liệu này để sản xuất vũ khí hạt nhân. Trong thiên phóng sự của đài BBC, các phóng viên gặp mặt một người nghệ sĩ sống gần đó. Anh này sinh ra không có tay và đây được xem là di chứng của rò rỉ phóng xạ. Và trường hợp của người nghệ sĩ này chỉ là một trong rất nhiều trường hợp điển hình.
Cụ ông Eliugazy Nurgaliev và các cháu. |
Những con đường gập ghềnh dẫn đến "Polygon" chạy ngang qua miền quê ảm đạm mà đẹp như bức tranh. Những người cao tuổi sống ở "Polygon" đã lớn lên cùng với hàng loạt đám mây hình nấm bốc lên bầu trời xanh thẳm. Những trận động đất dữ dội do chính con người gây ra thường xuyên làm rung lắc mặt đất dưới chân họ.
Cụ già 82 tuổi Eliugazy Nurgaliev, là một trong số vài người vẫn còn sống từng chứng kiến hàng loạt vụ nổ hạt nhân khủng khiếp ngoài trời, nhớ lại vụ thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên gần ngôi làng Qaynar: "Một tốp binh lính quân đội đến ngôi làng chúng tôi và ra lệnh sơ tán mọi người, 43 thanh niên bị giữ lại. Tôi nằm trong số người trẻ tuổi được chọn ở lại ngôi làng này".
Số thanh niên hoàn toàn không biết họ sắp sửa trở thành vật thí nghiệm trong đợt thử nghiệm hạt nhân đầu tiên ở Polygon. Cụ Nurgaliev kể tiếp: "Quân đội đưa chúng tôi vào giữa vùng thảo nguyên, họ cung cấp lều, thực phẩm và cả âm nhạc. Họ bảo chúng tôi cứ vui chơi thoải mái ngoài trời, tất cả mọi thứ đều ổn. Bất ngờ, bầu trời trong vắt chuyển sang màu đỏ như máu và rồi cơn bão khủng khiếp xuất hiện bên trên ngôi làng".
Những vụ nổ diễn ra cách nơi nhóm thanh niên dựng lều chưa đến 10km! Họ muốn biết chuyện gì đang xảy ra khi nhìn thấy các binh sĩ mang mặt nạ chống khí độc còn họ thì đầu, mặt phơi trần. Nhưng người sĩ quan chỉ huy quân đội không hề trả lời và còn yêu cầu nhóm thanh niên phải giữ im lặng. Sau đó, nhóm thanh niên được đưa trở về làng song phải chịu sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ.
Vài năm sau vụ nổ hạt nhân, một vài thanh niên chết do những bệnh khó hiểu. Cụ Nurgaliev sống được đến ngày hôm nay là một điều kỳ diệu. Nhưng cụ tin rằng, sự phơi nhiễm phóng xạ vẫn còn gây tổn hại đáng kể cho sức khỏe gia đình cụ - 3 trong số con của cụ bị chết non hay chết sau khi ra đời thời gian ngắn.
Cha mẹ cụ Nurgaliev qua đời vì bệnh ung thư. Chính quyền Xôviết cho xây dựng những bức tường kiên cố, những tòa nhà cao, cầu và đường hầm ở Polygon để đo đạc tác động của những vụ nổ hạt nhân thử nghiệm. Hiện nay, những đống đổ nát vẫn còn nằm rải rác dọc theo các tháp quan sát ở Polygon. Mặt đất lỗ chỗ những hố khổng lồ chứa đầy thứ nước ô nhiễm phóng xạ.
Nằm cách Polygon khoảng vài chục kilômet về phía nam là ngôi làng Znamenka. Một phụ nữ trẻ tên là Pakizad sinh ra ở nơi này năm 1991 - năm mà Kazakhstan giành được độc lập và đóng cửa vĩnh viễn Polygon. May mắn, Pakizad là đứa trẻ duy nhất mạnh khỏe trong gia đình trong khi cả 3 em gái của cô sinh ra với chứng dị dạng xương. Nhưng khi được 18 tuổi, cơ thể của Pakizad bắt đầu có vài thay đổi khác thường.
Nhà thiết kế Yulii Borisovich Khariton và quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô mang tên "Ánh sáng Đầu tiên" (người Mỹ gọi là Joe-1). |
Cô kể: "Xương và hàm của tôi bắt đầu phát triển to ra. Cả tay và chân cũng to lớn hơn. Tôi phải thay đổi size giày từ 37 lên 43 chỉ trong vòng 1 năm". Mẹ của Pakizad cho biết con gái hay bị ngất đột ngột 2 đến 3 lần mỗi ngày. Nay 26 tuổi, thị lực một mắt của Pakizad suy giảm. Cô còn bị bệnh đái tháo đường. Mới đây, các bác sĩ phát hiện một khối u nơi cổ gần động mạch chính của Pakizad. Cô sụt sùi: "Tôi muốn lấy chồng và sinh con, nhưng giờ thì đã có vấn đề. Polygon đã lạnh lùng tước đoạt cuộc sống của tôi".
Pakizad là một trong số hàng ngàn hay hàng chục ngàn con người ở Polygon thường xuyên được kiểm tra y tế. Bác sĩ Talgat Muldagaliyev, giáo sư Viện Y Phóng xạ ở Semipalatinsk phát biểu với báo chí: "Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phóng xạ gây tổn hại nặng nề cho mã di truyền và những người bị nhiễm có thể lây truyền chất độc cho thế hệ thứ 2 hay cả thứ 3. Việc đóng cửa Polygon thực ra vẫn không thể làm chấm dứt tác động đến sức khỏe con người mà phải mất đến hàng trăm năm cho phóng xạ phân rã. Người dân địa phương sống xung quanh Polygon bị phơi nhiễm phóng xạ trong suốt nhiều năm dài và điều đó khiến cho Polygon khác biệt với những vùng thảm họa hạt nhân khác".
Bác sĩ Muldagaliyev đặc biệt lo ngại về những căn bệnh liên quan đến phóng xạ - như là dị tật khi chào đời, bệnh bạch cầu và ung thư mắt - đang được phát hiện tại những ngôi làng cách xa khu vực thử nghiệm mà cho đến mới đây được chính quyền tuyên bố là an toàn.
Những hố nước độc nằm rải rác ở Polygon. |
Trong căn hộ nhỏ ở vùng ngoại ô Semipalatinsk, Mayra Zhumageldina đang xoa bóp các chi bị cong của con gái Zhannur. Bà cho biết: "Nếu không xoa bóp thường xuyên, các chi của con tôi sẽ bị co cứng. Phải xoa bóp theo phương pháp đặc biệt mới có hiệu quả". Zhannur, 25 tuổi, sinh ra trong ngôi làng Olzhabay cách Polygon 200km vào năm sau khi địa điểm thử nghiệm được đóng cửa và 3 năm sau khi vụ nổ hạt nhân cuối cùng diễn ra. Lúc 15 tháng tuổi, Zhannur được bác sĩ chẩn đoán bị chứng đầu nhỏ (microcephaly) - bệnh thần kinh hiếm gặp gây đầu teo nhỏ bất thường, não bộ chậm phát triển và cong vẹo cột sống.
Zhumageldina, người mẹ đơn thân dành toàn thời gian chăm sóc con gái bị bệnh không thể đi và nói chuyện được, kể: "Tôi thậm chí không biết gì về sự tồn tại của Polygon cho đến khi con bé Zhannur được 15 tháng tuổi. Tôi thực sự choáng váng".
Trong một căn hộ chật hẹp khác ở vùng ngoại ô, Berik Syzdykov đang nghe nhạc và chơi đàn dân tộc dombra. Syzdykov, 37 tuổi, chào đời bị mù và dị tật nặng nơi mặt tại ngôi làng Znamenka. Người mẹ 73 tuổi Zina Syzdykova kể: "Ở Polygon có một vụ nổ khủng khiếp. Lúc đó là mùa xuân năm 1979 và tôi đang mang thai. 2 tháng sau, Berik chào đời như thế đó. Lúc đó, tôi khóc rất nhiều".
Hiện nay, Syzdykov nhận được sự hỗ trợ tài chính từ chính quyền Kazakhstan và một tổ chức từ thiện của Ireland để tiến hành một số ca phẫu thuật trong nước và tại châu Âu.