Thảm kịch kinh hoàng trên dãy núi Andes

Trong cái chết quyết tìm ra nẻo sống (bài 2)

Thứ Bảy, 19/03/2016, 09:40
Với một lưỡi dao cạo cùng những mảnh vỡ thủy tinh, họ cắt phần cơ bắp của tử thi rồi đặt nó trên một miếng kim loại ở thân máy bay. Tiếp theo, họ xẻ nó thành từng lát mỏng rồi chia đều cho tất cả mọi người. Một vài người lúc đầu từ chối nhưng sau cùng họ cũng phải ăn vì không chịu được cái đói.

Công việc khủng khiếp và lời giải thích về “thùng phó mát”

Ngày thứ 11 sau vụ tai nạn, khi lục tìm những thứ có thể ăn được bên trong thân máy bay và trong những túi hành lý, Adolfo Fito Strauch bất ngờ nhìn thấy một chiếc radio ở gần phía buồng lái nhưng niềm hy vọng nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng vì không có pin. Roy Harley - vốn là thợ sửa chữa máy bay cho biết với loại Fairchild, pin được đặt ở sau đuôi.

Những người sống sót túm tụm vào nhau để giữ ấm.

Canessa viết: “Mặc dù rất yếu vì đói, chúng tôi vẫn quyết định đi tìm đuôi máy bay. Để chống hiện tượng “bỏng mắt” mà nguyên nhân là do tuyết trắng nên độ phản chiếu ánh nắng mặt trời rất cao, nếu không có kính sậm màu, mắt sẽ bị bỏng rát, Adolfo Fito Strauch đã lấy những mảnh kính máy bay bị vỡ rồi dán lên lớp giấy bóng màu đỏ bọc sô cô la và dùng dây điện tạo hình gọng kính. Bên cạnh đó, anh ấy còn lấy lớp vải sợi thủy tinh cách nhiệt bọc trong thân máy bay, làm cho chúng tôi mỗi người một đôi giày”.

Đi suốt cả ngày, nhóm 4 người gồm Canessa, Strauch, Parrado và Vizintin đến được chỗ đuôi máy bay văng ra, gần đó là 6 xác chết đã đông cứng nhưng bộ pin dùng cho radio lại nặng 200kg nên không thể vác về được. Bên cạnh đó, họ còn tìm thấy thuốc lá, một chai rượu rum và một kg đường.

Cuối cùng, họ quyết định quay lại chỗ mọi người đang ẩn náu, tháo chiếc radio mang qua. Tuy nhiên, cả nhóm không hề biết rằng hệ thống radio liên lạc trên chiếc Fairchild vận hành bằng nguồn điện phát ra từ động cơ nên liên tục 3 ngày sau đó, thợ máy Harley đã cố gắng bằng mọi cách mà vẫn không sao làm cho radio hoạt động được…

Ngày qua ngày, vẫn chẳng thấy bóng dáng chiếc trực thăng nào. Khoang máy bay trở thành nơi ẩn náu của những con người đau đớn vì những vết thương và vì cái đói, cái rét 30 độ âm. Không ai còn đủ sức bước ra ngoài khi mà xung quanh chỉ toàn một màu trắng xóa. Không cây cỏ hay bất cứ thứ gì để có thể ăn cầm hơi. Một vài người trở nên hoảng loạn, họ liên tục nói lảm nhảm những câu vô nghĩa. Có người nhai sợt dây thắt lưng bằng da và có người ăn cả đôi giày của mình.

Tối 29-10, nghĩa là 16 ngày kể từ khi chiếc Fairchild 571 gặp nạn, một trận lở tuyết đã giết thêm 8 người khi họ đang ngủ ở đầu khoang máy bay. Canessa kể về thảm họa này: “Tối hôm ấy, đến lượt tôi ngủ gần cửa ra vào máy bay vì chúng tôi đã chia nhau, luân phiên từng người nằm ở nơi ấm áp nhất. Bên cạnh tôi là Daniel Maspons. Đang chập chờn thì bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng ầm ầm rất lớn, giống như một cơn bão cấp 12 ở ngay trên đầu.

Trước khi biết được chuyện gì đang xảy ra thì cơ thể tôi đã lãnh trọn một khối  tuyết. Chắc chắn đây là một trận lở tuyết và tôi sẽ chết. Tôi ngất đi cho đến lúc Roy Harley điên cuồng móc tuyết ra khỏi miệng tôi. Há hốc miệng để thở, tôi vùng vẫy thoát khỏi khối tuyết đang bao phủ khắp người rồi chợt nhớ đến Daniel, người nằm cạnh tôi - lúc này đã biến mất trong đống tuyết. Dùng hai bàn tay trần, tôi cào cho đến khi các đầu ngón tay bật máu nhưng rồi tôi nhận ra rằng Daniel đã chết. Tệ hại hơn nữa, những tấm mền do chúng tôi tạo ra từ lớp vải bọc ghế máy bay và một ít quần áo cũng bị trận lở tuyết cuốn trôi”.

Thế vẫn chưa xong, chiều hôm sau, cầu thủ Enrique Platero bị thương ở bụng bỗng hét lớn: “Vợ tôi, vợ tôi đang gọi tôi kìa, Tôi về với cô ấy” rồi chập choạng đứng dậy, lết ra ngoài. Biết là Platero bị ảo giác, Canessa cố gắng lôi anh ta lại nhưng dường như có một sức mạnh thần kỳ, Platero vẫn xăm xăm bước đi. Canessa viết: “Tôi không còn đủ sức để giữ anh ấy nữa. Tôi quá yếu do đói ăn lâu ngày và tôi biết anh ấy sẽ chết”.

Enrique Platero chết vì lạnh khi ra khỏi khoang máy bay chỉ 10 mét. Nhìn xác Platero, Canessa tự hỏi cơ thể của những người đã chết được băng tuyết bảo quản có phải là nguồn thực phẩm duy nhất giúp ông và những người còn lại sống sót trong điều kiện khắc nghiệt hiện tại hay không? Ông viết: “Câu trả lời đã rõ nhưng nó quá khủng khiếp để nghĩ tiếp. Riêng tôi, thật vinh dự khi nói rằng nếu tim tôi ngừng đập, cơ bắp ở cánh tay và chân tôi sẽ là một phần sứ mệnh, giúp bạn bè tôi có đủ sức khỏe để chịu đựng cho đến lúc thoát khỏi địa ngục này…”.

Sáng hôm sau, Canessa bò ra ngoài, cầu xin thượng đế hướng dẫn cho ông biết việc cần phải làm. Một lát, Javier Methol, thương nhân 38 tuổi và cũng là người lớn tuổi nhất trong nhóm bò ra theo ông. Sau khi cầu nguyện, Javier đọc cho Canessa một đoạn trong kinh Tân ước: “Đây là mình và máu ta. Ai ăn thịt ta và uống máu ta thì sẽ có sự sống đời đời”.

Trong hồi ký, Canessa viết: “Vậy là chúng tôi hiểu nhau. Bây giờ chỉ còn làm thế nào để thực hiện cái công việc khủng khiếp ấy. Tôi gọi ba người bạn thân nhất lại để bàn bạc. Đó là Gustavo, Fito Strauch và Daniel Maspons”. Với một lưỡi dao cạo cùng những mảnh vỡ thủy tinh, họ cắt phần cơ bắp của tử thi rồi đặt nó trên một miếng kim loại ở thân máy bay.  Tiếp theo, họ xẻ nó thành từng lát mỏng rồi chia đều cho tất cả mọi người. Một vài người lúc đầu từ chối nhưng sau cùng họ cũng phải ăn vì không chịu được cái đói. Canessa viết tiếp: “Hành động đó là lời vĩnh biệt với thế giới loài người. Tất cả chúng tôi đều biết mình chẳng bao giờ còn được như trước nữa…”.

Giải thích về việc phải ăn thịt đồng loại, Nando Parrado - một trong những người còn sống sót nói: “Trên núi cao, cơ thể cần rất nhiều calo để chống lại cái lạnh mà chúng tôi thì đang bắt đầu chết đói. Ngoài thắt lưng, giày, chúng tôi đã ăn lớp da thuộc từ những chiếc vali mặc dù biết rằng nó được xử lý bằng nhiều chất hóa học độc hại. Chúng tôi xé ghế ngồi tìm rơm để nhai nhưng chỉ thấy toàn những lớp mút xốp. Rất nhiều lần, tôi đã đi đến kết luận rằng nếu chúng tôi không ăn thịt của chính những bạn bè mình thì chẳng còn gì khác để ăn ngoại trừ nhôm, nhựa, dây điện, tuyết, và đá”.

Khi được cứu thoát, thoạt đầu những người còn sống đều cùng một lời giải thích là họ đã tìm thấy một “thùng phó mát” trong máy bay, và họ dùng nó để cầm cự qua ngày.

Thân máy bay nằm trong một thung lũng đầy tuyết, xung quanh là những ngọn núi cao.

Canessa viết: “Thật lòng là chúng tôi không muốn nói dối mặc dù câu chuyện xảy ra rất kinh hoàng và khủng khiếp. Chúng tôi chỉ muốn trước hết là gặp gỡ thân nhân của những bạn bè đã chết, nói cho họ hiểu vì sao chúng tôi phải làm như vậy trước khi vấn đề được đưa ra công khai”.

Tuy nhiên, do những lời kể của vài người sống sót với gia đình họ, sự thật của “thùng phó mát” bị tiết lộ. Ngay lập tức trên nhiều tờ báo, xuất hiện những câu chuyện giật gân với những mô tả rất rùng rợn cùng những lời kết án nặng nề, tạo ra những cuộc tranh cãi về việc có nên hay không nên ăn thịt người trong trường hợp chẳng còn thứ thực phẩm nào khác để tồn tại!

Cuối cùng, ngày 28-12, những người sống sót đã phải tổ chức một cuộc họp báo tại Trường cao đẳng Stella Maris ở Montevideo, nói về những sự kiện xảy ra trong suốt 72 ngày hoạn nạn trên dãy núi Andes. Trong cuộc họp báo này, trái ngược với suy đoán của giới truyền thông, gia đình những người đã chết đều ủng hộ hành động của họ.

Vượt núi Andes

Sáng 23-11, một bất ngờ xảy ra. Roy Harley tìm thấy một máy thu thanh - loại dùng để nghe tin tức, ca nhạc chứ không có chức năng truyền tin trong một túi hành lý văng ra xa khi máy bay rơi, bị tuyết phủ kín. Chiếc máy vẫn còn hoạt động tốt. Sau khi chăm chú lắng nghe suốt gần 30 phút, anh ta quay lại nơi trú ẩn, giơ cao chiếc máy rồi thông báo cho mọi người biết về những gì mình vừa nghe được: “Các cậu! Có tin mừng rồi”.

Chờ đợi trong tuyệt vọng.

Tất cả những người đang nằm trong khoang máy bay nhổm dậy, kể cả những người bị thương. Vài kẻ trong số họ bật khóc, một số khác chắp tay cầu nguyện. Roy nói lớn: “Tôi vừa nghe được trên máy thu thanh. Đài phát thanh Santiago phát đi bản tin rằng họ đã dừng cuộc tìm kiếm vì lý do thời tiết, cũng như họ không tin là chúng ta còn sống”.

Mọi người sững sờ. Một sự im lặng khủng khiếp bao phủ cả thân máy bay. Đứng bên cạnh Roy, Parrado đưa mắt nhìn lên những đỉnh núi ngăn cách giữa Argentina và Chile, không nói câu nào còn Antonio Tintin Vizintin vẫn mặc bộ đồng phục của đội bóng bầu dục, mặt cúi xuống đầy vẻ u tối. Cầu thủ Paez chỉ tay vào Roy Harley quát lớn: “Làm sao cậu lại gọi đó là tin mừng được?”.

Khi Roy chưa kịp trả lời về trò đùa của mình thì Vizintin ngước lên: “Tin mừng nghĩa là chúng ta sẽ phải tự thoát ra khỏi địa ngục”. Tất cả mọi ánh mắt đều hướng về Vizintin. Bằng một giọng chậm rãi, Vizitin chỉ tay sang phía tây, nơi thuộc về lãnh thổ Chile: “Phải có ai đó vượt qua rặng núi này để tìm người đến cứu”.

Câu nói thật là không tưởng! Dãy Andes gồm nhiều ngọn núi nối tiếp nhau, dài hơn 7.000km và chỗ rộng nhất là 500km, cao từ 4.000 đến hơn 6.000m so với mặt nước biển. Ngay cả những nhà leo núi chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ lương thực và dụng cụ cũng phải mất cả tuần lễ mới có thể vượt qua nếu không gặp bão tuyết hay tuyết lở trong lúc những con người còn sót lại trên máy bay đều đang kiệt sức vì đói, rét. Nếu phải đi tìm người cứu giúp, họ chỉ có những bộ quần áo bình thường, không giày lội tuyết, không kính bảo hộ, không bình oxy hỗ trợ hô hấp, không địa bàn, bản đồ, không lương thực dự trữ ngoại trừ những miếng thịt người và quan trọng hơn cả là họ không biết họ đang ở nơi nào trên dãy Andes.

Sau cả ngày bàn bạc, cuối cùng trong số 16 người, 3 người còn khỏe mạnh nhất là Canessa, Parrado, Vizitin quyết định thực hiện một chuyến thăm dò nhằm xác định phương hướng cần đi. Canessa viết: “Để giúp chúng tôi có thể sống sót khi ngủ ở ngoài trời, Roy Harley đã cắt lớp vải cách nhiệt có trộn sợi thủy tinh lấy từ thân máy bay, dùng dây điện khâu thành ba cái túi ngủ. Cũng với chất liệu ấy, họ làm thêm 3 đôi giày. Gia tài của mỗi người chúng tôi trước lúc lên đường gồm 1 ống bằng nhôm để nấu nước, 1 cái bật lửa, 1 bộ quần áo, 1 mảnh kính thay cho con dao và một ít “thịt”.

Mất một buổi, nhóm của Canessa mới lên đến đỉnh núi. Tại đây, họ gặp phần đầu của chiếc máy bay. Chui vào buồng lái, họ cố gắng tìm kiếm những thứ có thể ăn được nhưng chẳng thấy gì. Canessa viết trong hồi ký: “Tôi ngồi vào ghế của cơ trưởng với nỗi tuyệt vọng vô cùng. Tôi biết hy vọng duy nhất giúp chúng tôi sống sót là phải đến được Chile nhưng đó cũng có thể là cuộc hành trình đi vào cõi chết, và những người đang chờ đợi trong khoang máy bay sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy chúng tôi trở lại…”.

Sau khi đã xác định phương hướng dựa vào chiếc la bàn gắn trên bảng đồng hồ điều khiển của máy bay mà họ không tháo ra được vì không có dụng cụ chuyên dùng, nhóm của Canessa quay về nơi trú ẩn để chuẩn bị lại với quyết tâm vượt dãy Andes.

(Còn nữa)

Cao Trí (theo hồi ký “Câu chuyện của những người sống sót trên dãy Andes”)
.
.