Vén màn bí mật âm mưu đảo chính Nhật Hoàng Hirohito

Thứ Năm, 08/09/2016, 15:00
Ngày 16-7-1945, tại cung điện Cecilienhof của thái tử Wilhelm Hohenzollern ở thành phố Potsdam, Đức, đã diễn ra hội nghị giữa ba cường quốc lúc bấy giờ là Anh - đại diện bởi Thủ tướng Winston Churchill, Mỹ - đại diện bởi Tổng thống Harry S. Truman và Liên Xô - đại diện bởi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Joseph Stalin.

Hội nghị kết thúc bằng một bản tuyên bố - thường được biết đến với tên gọi "Tuyên bố Potsdam" - trong đó ngoài các vấn đề về nước Đức Quốc xã sau Chiến tranh thế giới thứ 2, thì còn có những điều khoản vạch ra cho sự đầu hàng của phát xít Nhật.

Thời điểm này, Liên Xô cũng vừa chính thức tuyên chiến với Nhật nên sự sụp đổ của "Đế chế Mặt trời mọc" chỉ còn tính từng ngày...

BÀI I: ĐẢO CHÍNH ĐỂ TIẾP TỤC... CHIẾN TRANH

Tuyên bố Potsdam

19 giờ 30 phút ngày 26-7-1945, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản là Shigenori Togo lúc vừa xuống xe đã vội vã bước lên những bậc tam cấp dẫn vào phòng làm việc của Nhật hoàng Hirohito nằm trong cung điện Kyujo. Trên tay ông là chiếc cặp da màu đen, chứa mấy tờ giấy ghi lại toàn văn bản Tuyên bố Potsdam đã dịch ra tiếng Nhật mà bộ phận kiểm thính thuộc Cục Đối ngoại - Bộ Ngoại giao Nhật Bản thu được qua Đài Phát thanh BBC, Anh Quốc.

Nội các chiến tranh Nhật Bản năm 1944.

Sau khi nghe bộ trưởng Shigenori Togo trình bày các điểm chính liên quan trực tiếp đến nước Nhật trong "Tuyên bố Potsdam", Nhật hoàng Hirohito hỏi thêm về một số chi tiết rồi im lặng khá lâu. Cuối cùng, bằng một giọng trầm trầm, ông nói: "Hãy triệu tập cuộc họp vào lúc 22 giờ".

22 giờ kém 1 phút, Nhật hoàng Hirohito bước vào căn hầm dùng làm nơi trú ẩn, nằm sâu dưới đất 20m, bên dưới thư viện Imperial, nơi 11 thành viên trong nội các chiến tranh của Chính phủ Nhật đã đợi sẵn. Trong bộ quần áo hơi rộng vì thợ may không được phép chạm vào người hoàng đế khi đo, cắt, Hirohito ngồi thẳng lưng trên ghế, kiên nhẫn lắng nghe từng người một, trình bày quan điểm của mình về bản "Tuyên bố Potsdam".

2 giờ sáng, Thủ tướng Kantaro Suzuki làm một việc mà từ trước đến nay chưa ai dám làm trước mặt Nhật hoàng: Đứng dậy, chống hai tay lên bàn, người hơi khom về phía trước, Kantaro Suzuki hỏi: "Bệ hạ có thể cho chúng thần biết là lúc này nước Nhật cần phải hành động như thế nào không?". Khá căng thẳng, Nhật hoàng Hirohito nói, ông không tin Nhật Bản còn có thể tiếp tục chiến đấu: "Đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận sự khó chịu. Tôi nuốt nước mắt đề nghị thủ tướng cùng các bộ trưởng, chấp nhận bản thông báo của Đồng minh".

Không phải chỉ đến lúc Hội nghị Potsdam ra tuyên bố thì Nhật hoàng Hirohito mới hiểu rằng nước Nhật đã thua trận mà ngay từ cuối tháng 5-1945, con số tổn thất của quân đội Nhật ở mặt trận Thái Bình Dương đã được Bộ Chiến tranh trình lên người đứng đầu nước Nhật với hơn 50.000 máy bay, 3.000 xe tăng cùng khoảng 300 chiến hạm -  trong đó có 19 tàu sân bay và 8 thiết giáp hạm, soái hạm bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng, cộng với 2 triệu sĩ quan, binh lính tử vong trong những trận giao tranh đẫm máu ở Singapore, Mãn Châu - Trung Quốc, Miến Điện (nay là Myanmar), Malaysia, Philippines và các hòn đảo trên Thái Bình Dương.

Chưa hết, chỉ vài ngày sau đó, hai trái bom nguyên tử do người Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki, giết chết gần 1 triệu dân thường đã là đòn chí mạng đánh vào giới quân phiệt Nhật Bản. Ngay cả các tướng lĩnh cầm đầu phái chủ chiến ở Bộ Chiến tranh cũng phải nhìn nhận rằng "nước Nhật đã thất bại" nhưng không ai nghĩ đến chuyện đầu hàng

Thế nên, đến sáng, khi bản Tuyên bố Potsdam được phổ biến cho tất cả các tướng lĩnh trong Bộ Chiến tranh thì nhiều người không đồng tình với những điều khoản trong bản tuyên bố ấy - nhất là việc cấm nước Nhật không được phép tái vũ trang. Tướng Yoshijiro Umezu, Tham mưu trưởng Lục quân quát lớn: "Chúng ta vẫn còn hơn 1 triệu lính, còn máy bay, xe tăng, tàu chiến. Tại sao chúng ta lại phải đầu hàng vô điều kiện?".

Ngày 6-8-1945, sau khi thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima, máy bay Mỹ cũng đã rải hàng trăm nghìn tờ truyền đơn xuống Tokyo, nội dung: "…Bởi vì các nhà lãnh đạo quân sự của quý vị đã không nghĩ đến chuyện chấm dứt nên chúng tôi buộc phải sử dụng bom nguyên tử. Trước khi chúng tôi ném loại bom này thêm một lần nữa - và một lần nữa - để tiêu diệt mọi nguồn lực của quân đội Nhật đang cố gắng kéo dài cuộc chiến tranh vô ích, quý vị hãy kiến nghị với Hoàng đế của quý vị để mọi việc nhanh chóng kết thúc…".

Nhiều sĩ quan cao cấp ở Bộ Chiến tranh phản ứng trước việc Nhật Bản đầu hàng.

Ngày 9-8-1945, trái bom nguyên tử thứ hai lại được người Mỹ ném xuống Nagasaki. Lúc này, Hội đồng tối cao chỉ đạo chiến tranh - Bộ Chiến tranh Nhật Bản - thay vì phải quyết định đầu hàng thì họ lại ban bố lệnh thiết quân luật trên toàn nước Nhật. Và do không thể đạt được một sự đồng thuận về việc chấp nhận các điều khoản trong bản tuyên bố Potsdam nên cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh là Korechika Anami cùng các thành viên đã để cho Nhật hoàng quyết định.

Ông Agaki, thư ký ở Bộ Ngoại giao nhớ lại: "Tối ngày 9-8-1945, một cuộc họp do Hoàng đế chủ tọa đã được tổ chức trong căn hầm dưới thư viện Imperial nhằm đề phòng không quân Mỹ tiếp tục ném bom nguyên tử xuống Tokyo, với sự tham dự của Thủ tướng Suzuki, Bộ trưởng Hải quân Mitsumasa Yonai, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Korechika Anami và Bộ trưởng Ngoại giao Shigenori Togo. Trong buổi họp này, một lần nữa cả bốn vị đều đề nghị Nhật Bản nên chấp nhận Tuyên bố Potsdam, đầu hàng vô điều kiện. Sau nhiều tiếng đồng hồ thảo luận, đến khoảng gần 1 giờ sáng ngày 10-8, Nhật hoàng Hirohito đồng ý".

Hôm sau, ngày 11-8, nhận lệnh từ Bộ Ngoại giao, các phái viên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản ở Thụy Sĩ và Thụy Điển lập tức thông báo quyết định đầu hàng cho phe Đồng minh. Theo dự kiến, trưa ngày 15-8-1945, Nhật hoàng Hirohito sẽ chính thức đọc lời tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên Đài phát thanh NHK, Nhật Bản.

Thế nhưng, đến nửa đêm ngày 12-8-1945, Đài phát thanh KGEI ở San Francisco, bang California, Mỹ phát đi một bản tin,  được cho là câu trả lời từ phía Đồng minh sau khi các phái viên Nhật Bản thông báo về việc đầu hàng của nước Nhật. Nội dung bản tin cho biết phía Đồng minh đã quyết định rằng chủ quyền của nước Nhật, quyền của Hoàng đế và của Chính phủ Nhật sẽ phải phụ thuộc vào phái bộ Đồng minh đóng ở nước Nhật. Bên cạnh đó, sau khi giải giáp quân đội Nhật, Đồng minh cũng không cho phép Chính phủ Nhật Bản xây dựng lại và tái vũ trang lực lượng này - như đã áp dụng với nước Đức Quốc xã theo Tuyên bố Potsdam.

Trước bản tin ấy, Bộ Ngoại giao Nhật Bản giải thích "đây chỉ là biện pháp nhằm hạn chế chủ quyền", nhưng một số tướng lĩnh quân đội Nhật thì cho rằng "Đồng minh đã đặt nước Nhật vào vòng nô lệ".

Kenji Hatanaka – Linh hồn của âm mưu đảo chính

Ngày 13-8-1945, không khí tại Bộ Chiến tranh, Nhật Bản bỗng trở nên sôi động khác thường dù rằng thời điểm này ở các mặt trận, quân đội Nhật hầu như không còn đủ sức để chống đỡ những đợt tấn công của quân Đồng minh và quân đội Liên Xô - ngoại trừ những phi vụ tự sát lẻ tẻ của các phi công Thần phong Kamikaze.

Thiếu tá Kenji Hatanaka, người cầm đầu cuộc đảo chính.

9 giờ sáng, tin tức về việc Hoàng đế Hirohito quyết định sẽ đầu hàng lan nhanh như một tia sét. Nhiều sĩ quan đứng trước khoảng sân rộng của Bộ Chiến tranh, tuốt kiếm ra rồi đồng loạt hét lớn: "Đánh đến cùng! Hoặc đánh, hoặc chết!", bỏ mặc ngoài tai lời kêu gọi của Bộ trưởng Korechika Anami.

Đến 3 giờ chiều, sau nhiều tiếng đồng hồ nghe Bộ trưởng Anami phân tích, đa số các sĩ quan, tướng lĩnh ở Bộ Chiến tranh đồng ý - hoặc miễn cưỡng đồng ý với việc đầu hàng nhưng một nhóm nhỏ trong số này, đứng đầu là thiếu tá Kenji Hatanaka lại coi đây là một sự sỉ nhục.

Cùng với các Trung tá Masataka Ida, Masahiko Takeshita (là em rể của Bộ trưởng Anami), Inaba Masao và Đại tá Okikatsu Arao, họ quyết định gặp Bộ trưởng Korechika Anami để thuyết phục ông này "làm bất cứ điều gì nhằm ngăn chặn việc thi hành Tuyên bố Potsdam". Tuy nhiên, Bộ trưởng Anami từ chối và cho rằng: "Nếu Hoàng đế Hirohito đã quyết định đầu hàng thì tôi sẽ không cãi lệnh vì như thế là phản quốc".

Mặc dù Bộ trưởng Anami - người có quyền đưa ra tất cả mọi mệnh lệnh về việc điều động các binh chủng hải, lục, không quân Nhật Bản - đã từ chối, nhưng nhóm Kenji Hatanaka vẫn quyết định hành động bằng cách vạch ra kế hoạch đảo chính, mục tiêu là quản thúc Nhật hoàng Hirohito, vô hiệu hóa những sĩ quan, tướng lĩnh ủng hộ thi hành Tuyên bố Potsdam, ngăn chặn việc ghi âm lời kêu gọi đầu hàng của Nhật hoàng, tổ chức lại quân đội để tiếp tục chiến tranh.

Fujiwara, thiếu tá bộ binh thuộc Trung đoàn 1 - Sư đoàn Vệ binh Hoàng gia số 1 chịu trách nhiệm bảo vệ cung điện Kyujo - là nơi ở của Nhật hoàng - kể lại: "Trong suốt hai ngày 13 và 14-8, Kenji Hatanaka liên tục gặp gỡ những sĩ quan cao cấp ở các binh chủng để thuyết phục họ ngả về phe đảo chính…" trong lúc Đại tá Okikatsu Arao cùng các Trung tá Masataka Ida, Masahiko Takeshita, Inaba Masao đã bố trí xong một số quân ở vài khu vực xung quanh Tokyo. Nhóm sĩ quan này tin rằng một khi Nhật hoàng Hirohito bị lật đổ, người dân Nhật sẽ đoàn kết lại và tiếp tục cuộc chiến bất kể kết cục sẽ như thế nào…

Trước sự việc ấy, tối 13-8, một nhóm sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội Nhật Bản gồm các tướng Hajime Sugiyama, Doihara Kenji, Torashiro Kawabe, Masakazu Kawabe, Tadaichi Wakamatsu - và cả Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Korechika Anami khi gặp nhau trong bữa ăn đều lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc binh biến dù không ai đề cập đến. Sau những phút im lặng, chỉ có tiếng chén đũa chạm vào nhau,  Tổng Tham mưu trưởng Torashiro Kawabe đột ngột lên tiếng.

Theo đó, ông đề nghị tất cả những người có mặt phải thể hiện sự tuân phục bất cứ mệnh lệnh nào của Nhật hoàng. Ông nói: "Quân đội sẽ hành động phù hợp với quyết định của Hoàng đế cho đến phút cuối cùng". Tiếp theo, tất cả các tướng lĩnh có mặt đều ký vào một thỏa ước, nội dung không tham gia, kích động hoặc ủng hộ âm mưu đảo chính ở Tokyo dưới mọi hình thức.

Sinh ngày 28-3-1912 tại Kyoto, Kenji Hatanaka gia nhập quân đội phát xít Nhật khi mới 17 tuổi. Trải qua những trận đánh đẫm máu ở Philippines trong vai trò tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng rồi tiểu đoàn trưởng, bắt sống hàng trăm tù binh Anh, Mỹ, Hatanaka nhanh chóng mang cấp hàm thiếu tá lúc mới 22 tuổi và được rút về Bộ Chiến tranh.

Khi hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, Hatanaka là sĩ quan tham mưu tác chiến, dưới quyền Đại tá Ono. Ông Ono nhớ lại: "Đó là một thanh niên gan dạ, quả cảm và thông minh với lòng yêu nước nhiệt thành nhưng cuồng tín. Anh ta là mẫu người tiêu biểu cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi…".

Cao Trí (theo History - The Kyujo Incident)
.
.