Âm mưu đảo chính Nhật hoàng Hirohito và những cái chết được báo trước

Thứ Năm, 15/09/2016, 09:15
9 ngày sau khi cuộc đảo chính bị đập tan, tướng Tanaka Shizuichi tự sát. Lý do là khi Hatanaka đến gặp ông để thuyết phục ông tham gia, thay vì phải bắt giữ Hatanaka ngay lập tức thì ông chỉ khuyên anh ta nên quay về nhà! Trong lời trăng trối để lại, ông nói: "Tôi tự sát vì tôi đã không làm tròn bổn phận của một quân nhân đối với nước Nhật và Nhật hoàng".

Khi giấc mơ tan vỡ

2 giờ 30 phút sáng ngày 15-8, một nhóm gồm 60 quân đảo chính chiếm được Đài phát thanh NHK, dồn phần lớn nhân viên vào phòng thu âm số 2. Một sĩ quan trẻ tuổi yêu cầu họ phải mở máy phát sóng để anh ta đọc lời kêu gọi người dân Nhật tiếp tục tham gia chiến đấu chống lại quân Đồng minh. Tuy nhiên, kỹ sư Watanabe nhanh trí trả lời rằng hệ thống lưới điện của Đài đã bị bom Mỹ đánh hỏng nên chưa thể phát thanh được vì bộ phận kỹ thuật vẫn đang sửa chữa. Càu nhàu một hồi, viên sĩ quan bỏ đi sau khi đã rút kiếm đưa lên ngang cổ Watanabe, ra dấu là sẽ chặt đầu.

Trụ sở Đài NHK, nơi phát đi lời tuyên bố đầu hàng của Nhật hoàng Hirohito.

Lực lượng chiếm Đài NHK được chỉ huy bởi Thiếu tá Hidemasa Koga, sĩ quan tham mưu Sư đoàn Vệ binh Hoàng gia số 1. Ông ta cũng là con rể của tướng Hideki Tojo, Thủ tướng Nhật Bản tại thời điểm năm 1941, khi trận tập kích của Không quân Nhật vào căn cứ Hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng nổ ra. Bằng cách ban hành một mệnh lệnh giả, lấy danh nghĩa Sư đoàn Vệ binh Hoàng gia số 1, Koga đã đưa gần 1.000 người lính vào tròng.

Cũng lúc ấy, Thiếu tá Kenji Hatanaka, kẻ cầm đầu cuộc đảo chính bước vào phòng thu âm số 2, tay cầm khẩu súng ngắn gí vào đầu kỹ sư Morio Tateno, yêu cầu ông này phải khởi động máy phát điện dự phòng để Hatanaka đọc lời tuyên bố là cuộc đảo chính đã thành công mặc dù khi ấy, Hatanaka vẫn chưa tìm thấy Nhật hoàng, cũng như chưa tìm thấy cuốn băng ghi âm cùng bản thảo lời tuyên bố đầu hàng. Uchi Makishita, nhân viên Đài NHK kể lại: "Anh ta - tức Hatanaka - lồng lộn như con thú. Khi thấy kỹ sư Tateno từ chối không cho mình đến gần chiếc micro, anh ta đã nghiêng nòng khẩu súng ngắn, giống như chuẩn bị bóp cò. Mặc dù vậy, gương mặt kỹ sư Tateno vẫn không hề biến sắc. Có lẽ bị ấn tượng trước sự dũng cảm của Tateno, anh ta cất khẩu súng vào bao…".

Vẫn theo lời Uchi Makishita, sau khi cuộc đảo chính kết thúc, mới hay một kỹ sư lúc thấy binh lính tiến vào, đã nhanh chóng ngắt hệ thống kết nối từ máy phát sóng đến tháp ăng ten. Nếu không, khi Hatanaka đọc lời kêu gọi thì có lẽ nó sẽ tạo ra ảnh hưởng rất lớn - nhất là đối với những quân nhân chủ trương "đánh đến cùng" vì lời tuyên bố của Hatanaka trùng hợp với thông báo của Đài NHK hôm 14-8, rằng "ngày mai, 15-8, sẽ có một bản tin đặc biệt".

3 giờ sáng, khi vừa quay lại cung điện Kyujo để chỉ huy việc tìm kiếm Nhật hoàng và bản ghi âm lời tuyên bố đầu hàng, Kenji Hatanaka được Trung tá Masataka Ida cho biết lực lượng Quân khu Đông đang trên đường đến cung điện và Đài NHK để dập tắt cuộc đảo chính. Tiếp theo, Masataka Ida khuyên Hatanaka nên bỏ cuộc.

Chỉ có khoảng 1.000 tay súng, trong đó nhiều người tinh thần đã bắt đầu dao động nhưng phải đối đầu với 20.000 binh sĩ thuộc Quân khu Đông, vũ trang hơn hẳn, Thiếu tá Hatanaka hiểu rằng cuộc binh biến đã kết thúc và hình phạt chặt đầu đang đợi anh ta.

Trong một nỗ lực cuối cùng, Hatanaka yêu cầu các thuộc hạ nối lại đường dây điện thoại từ cung điện Kyujo ra ngoài rồi quay máy, đề nghị được gặp tướng Tatsuhiko Takashima, Tham mưu trưởng Quân khu Đông. Trong cuộc nói chuyện ấy, Hatanaka nài nỉ: "Xin tướng quân cho tôi 10 phút phát biểu trên Đài NHK, giải thích cho người dân nước Nhật biết vì sao tôi đảo chính", nhưng tướng Tatsuhiko Takashima thẳng thừng từ chối. Ông nói: "Anh chỉ còn có 2 con đường: Một là đầu hàng, hai là tự sát".

Vài phút sau đó, Hatanaka lại nhận được tin dữ. Đại tá Haga, chỉ huy Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn Vệ binh Hoàng gia số 1 - qua những thông tin tình báo, biết rằng đại đa số quân đội không ủng hộ âm mưu đảo chính do Hatanaka khởi xướng nên ông sai liên lạc viên gửi cho Hatanaka một mệnh lệnh: "Ngay lập tức, anh phải bước ra ngoài cung điện rồi đến trình diện tôi".

6 giờ sáng, tướng Tanaka Shizuichi, tư lệnh Quân khu Đông đích thân đến cung điện Kyujo. Trước mặt các sĩ quan tham gia nổi loạn, Tanaka Shizuichi không tiếc lời nhiếc móc họ, gọi là những kẻ phản quốc hèn hạ rồi ra lệnh cho họ, ai ở đơn vị nào thì mau chóng trở về đơn vị nấy.

Ngoại trưởng Mamoru Shigemitsu, đại diện Chính phủ Nhật ký văn kiện đầu hàng trên tàu USS Missouri.

9 ngày sau khi cuộc đảo chính bị đập tan, tướng Tanaka Shizuichi tự sát. Lý do là khi Hatanaka đến gặp ông để thuyết phục ông tham gia, thay vì phải bắt giữ Hatanaka ngay lập tức thì ông chỉ khuyên anh ta nên quay về nhà! Trong lời trăng trối để lại, ông nói: "Tôi tự sát vì tôi đã không làm tròn bổn phận của một quân nhân đối với nước Nhật và Nhật hoàng".

6 giờ 30 phút sáng, sĩ quan, binh lính tham gia đảo chính lục tục kéo ra khỏi cung điện Kyujo. Ngay lập tức, họ bị vệ binh của Sư đoàn Vệ binh Hoàng gia số 1 tước vũ khí, lập danh sách rồi dẫn giải về nơi đóng quân. Riêng Hatanaka, lợi dụng lúc hỗn quân hỗn quan, anh ta cùng Shiizaki lấy một chiếc xe gắn máy và một con ngựa. Cả hai - người cưỡi ngựa, kẻ đi xe - rảo qua nhiều đường phố lớn ở Tokyo, tung những tờ truyền đơn nội dung giải thích động cơ của cuộc đảo chính.

11 giờ, ngựa, xe dừng lại. Kenji Hatanaka cầm khẩu súng ngắn đưa lên trán rồi bóp cò, còn Shiizaki sau khi đâm dao găm vào bụng, cũng tự sát bằng súng. Trong túi áo của Hatanaka có một bài thơ tuyệt mệnh viết theo thể Haiku: "Bây giờ, tôi chẳng còn gì để phải hối tiếc/ Những đám mây đen đã biến mất, chỉ còn lại vầng hào quang dưới sự trị vì của Nhật hoàng". Lời thơ thể hiện Hatanaka vẫn suy tôn Hoàng đế, và cuộc đảo chính do anh ta chủ mưu chỉ là "những đám mây đen".

Dùng mạng sống rửa nhục

7 giờ sáng ngày 15-8, cung điện Kyujo không còn bóng dáng một người lính nào thuộc phe đảo chính. Ở một con phố vắng, các kỹ sư Đài NHK lấy cuốn băng ghi lời tuyên bố đầu hàng của Nhật hoàng Hirohito từ một hầm ngầm rồi đưa vào một chiếc xe hơi, chạy vòng vèo qua nhiều tuyến đường khác nhau nhằm tránh bị ai đó vẫn còn có âm mưu chiếm lấy trước khi đến trụ sở.

7 giờ 21 phút, kỹ sư Morio Tateno lên sóng phát thanh, trực tiếp kể lại những diễn tiến xảy ra đêm qua tại Đài NHK rồi tiếp theo, ông nói: "Hoàng đế đã ban hành một huấn lệnh, sẽ được phát đi vào trưa hôm nay. Chúng ta hãy trân trọng lắng nghe lời của Hoàng đế".

Người dân Nhật quỳ gối, khóc nức nở khi nghe Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng.

Và để đông đảo người dân Nhật có thể nghe được lời nói của Nhật hoàng, những nhân viên thuộc Công ty Điện lực Tokyo nhanh chóng kéo đường dây truyền tải đến những khu vực mà trước kia, vốn đã không có điện. Bên cạnh đó, hệ thống loa phóng thanh cũng được mắc thêm ở tất cả các ga xe lửa, sở bưu chính, các văn phòng chính phủ và khu vực buôn bán tư nhân. Nhà báo Kazuo Kawai, biên tập viên của tờ Nippon Times sau này đã viết: "Hàng chục triệu dân Nhật khóc nức nở khi nghe Hoàng đế tuyên bố.

Đó là một rối loạn phân ly tập thể bất ngờ mang tính quy mô tầm cỡ quốc gia" mặc dù Hirohito nói bằng ngôn ngữ cổ, không dễ hiểu đối với nhiều người Nhật: "Chiến tranh không nhất thiết phải mang lại lợi ích cho Nhật Bản… Hơn nữa đối phương đã bắt đầu sử dụng một loại bom mới, độc ác nhất  (...) Chúng tôi đã giải quyết để mở đường đến một nền hòa bình lớn cho tất cả các thế hệ mai sau…" nhưng trong toàn bộ lời tuyên bố, Nhật hoàng Hirohito không bao giờ nhắc đến các từ "thất bại" hoặc "đầu hàng".

Ngay sau khi bản thông điệp chấm dứt, một quan chức cao cấp ở Bộ Ngoại giao lập tức nói tiếp trên sóng phát thanh, giải thích những gì mà Nhật hoàng vừa phát biểu: "Nước Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh".

Trong những ngày tiếp theo, ít nhất có 8 tướng Nhật tự sát, còn sĩ quan cấp thấp và binh lính thì khó đếm được. Phó Đô đốc Matome Ugaki, chỉ huy Hạm đội tàu sân bay số 5 trên đảo Kyushu, sau khi uống một chén rượu sake để chia tay với các thuộc cấp của mình, đã lái xe đến một sân bay, nơi có 11 chiếc máy bay ném bom  D4Y Suisei đang đậu thành hàng ngang, máy nổ ầm ĩ. Đứng trước mặt 22 phi công hầu hết đều rất trẻ, ngang trán thắt một dải băng màu trắng có hình mặt trời đỏ, ông hỏi: "Các bạn có cùng đi với tôi không?"

"Vâng, thưa ngài". 22 phi công đồng loạt hét lớn rồi lần lượt bước vào buồng lái. Giây lát, họ cất cánh sau khi Ugaki gửi lại một thông điệp cho những người ở dưới đất: "Tôi sẽ tiến tới Okinawa, nơi những người đàn ông của chúng tôi sẽ hiển thị tinh thần của chiến binh Nhật Bản". Bay cho đến khi hết xăng, 11 chiếc D4Y Suisei lần lượt cắm đầu xuống biển.

Và mặc dù Nhật hoàng Hirohito đã tuyên bố đầu hàng, nhưng một số phần tử cực đoan trong quân đội Nhật vẫn không chịu nhìn nhận sự thất bại. Họ tụ tập từng đám đông để phản đối, thậm chí một số phi công Nhật còn dùng máy bay rải truyền đơn lên án việc đầu hàng.

Ngày  24-8-1945, ở tỉnh Shimane, Isao Okazaki, 25 tuổi đã tổ chức một cuộc nổi dậy. Đây được gọi là "Vụ nổi dậy Matsue".

Chỉ vài ngày trước khi một đơn vị chiếm đóng của Mỹ đặt chân lên tỉnh Shimane, Okazaki và 40 thuộc hạ vũ trang tiến hành chiếm giữ các văn phòng của chính quyền địa phương, một nhà máy điện và một tờ báo ở thành phố Matsue.

Cuộc nổi dậy bị đập tan chỉ vài giờ sau đó khi Okazaki đang cố gắng giành quyền kiểm soát đài phát thanh. Bị bắt rồi bị đưa ra tòa, Okazaki cùng các đồng phạm lĩnh án tù trong lúc ở một số hòn đảo trên Thái Bình Dương, nhiều đơn vị lính Nhật vẫn tiếp tục chiến đấu. Có đơn vị Nhật gồm 20 binh sĩ cố thủ tại một hòn đảo nằm trong quần đảo Marianas cho đến tháng 6-1951 mới chịu đầu hàng.

9 giờ 4 phút ngày 2-9-1945, trên chiến hạm USS Missouri của Mỹ, thả neo tại vịnh Tokyo, Ngoại trưởng Mamoru Shigemitsu, đại diện Nhật hoàng Hirohito và Chính phủ Nhật, tướng Yoshijiro Umezu, thay mặt cho Tổng hành dinh quân đội đế quốc Nhật đã ký vào văn kiện đầu hàng. Về phía Đồng minh, có tướng Douglas MacArthur, Tư lệnh tối cao của Bộ Tư lệnh quân đội Đồng minh, Đô đốc C.W. Nimitz, đại diện Chính phủ Mỹ cùng đại diện của các quốc gia Anh, Pháp, Liên Xô, Canada….

Bản tuyên bố đầu hàng do Ngoại trưởng Mamoru Shigemitsu đọc, có đoạn: "Thay mặt cho Tổng hành dinh quân đội Đế quốc Nhật cùng tất cả các lực lượng vũ trang Nhật và các lực lượng vũ trang khác, nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật ở bất cứ nơi nào, chúng tôi xin tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước Đồng minh.

Chúng tôi ra lệnh cho tất cả các lực lượng Nhật và người dân Nhật ở bất cứ nơi nào chấm dứt ngay lập tức các hoạt động thù địch để tránh thiệt hại cho tàu bè, máy bay, tài sản quân sự cũng như dân sự, tuân thủ tất cả các yêu cầu được đặt ra bởi Lực lượng tối cao Đồng Minh hoặc các cơ quan dưới sự điều hành của Chính phủ Nhật….".

Và hòa bình đã trở lại với nước Nhật trong những lời cay đắng ấy…

Cao Trí (theo History - The Kyujo Incident)
.
.