Vera Atkins và cuộc truy tìm những điệp viên mất tích

Thứ Ba, 12/09/2017, 15:45
Vera Atkins là một trong những nữ điệp viên lừng lẫy nhất của quân đội Đồng minh trong Thế chiến thứ II, còn giới sử gia phương Tây đánh giá bà là người phụ nữ mạnh nhất trong lịch sử tình báo bởi những gì bà đã làm cho tình báo Anh và quân Đồng minh trong chiến tranh.

Trong số hơn 400 trăm điệp viên do bà tuyển mộ có hơn 100 người mất tích vì bị một kẻ phản bội mang họ đi "giao nộp" cho trùm phát xít Hitler. Sau chiến tranh, Atkins đã cất công đi tìm tung tích về họ…

Theo các sử gia, Vera Atkins là con của hai người gốc Do Thái, cha là người Đức còn mẹ là người Anh, nhưng Vera sinh ra và lớn lên ở Romania. Bà sinh năm 1908 với tên khai sinh là Vera Maria Rosenberg, còn tên "Atkins" là phiên bản tiếng Anh của tiếng Romania "Etkins" là nhũ danh của mẹ bà.

Trước khi gia nhập Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt (SOE) của Anh, cuộc đời bà chứa nhiều bí ẩn mà bà giữ kín cho đến những năm cuối đời (bà mất năm 2000) mới được kể trong những quyển sách được giới nghiên cứu lịch sử tình báo cất công sưu tầm và sắp xếp lại.

Vera Atkins.

Theo quyển sách "A Life in Secrets: Vera Atkins and The Missing Agents of WWII" (tạm dịch: Một cuộc đời bí ẩn: Vera Atkins và những điệp viên mất tích trong Thế chiến thứ II), thuở còn trẻ Atkins từng theo học tại một số trường đại học ở Pháp và Thụy Sĩ, trong đó có trường Đại học Sorbonne danh giá. Vốn là một người năng động, hoạt bát, ngay từ khi còn ở Romania, Atkins đã có dịp làm quen và biết được nhiều nhà ngoại giao nước ngoài tại Romania là điệp viên của Anh, vài người trong bọn họ sau này đã giúp Atkins làm hồ sơ xin nhập quốc tịch Anh.

Mùa xuân năm 1940, Atkins đến các quốc gia Vùng Lòng chảo (Hà Lan, Bỉ) đưa tiền hối lộ cho một sĩ quan Gestapo để giúp giải thoát một người bà con ra khỏi Romania. Do bị mắc kẹt bởi quân Đức tấn công xâm chiếm Hà Lan nên đến cuối năm 1940, Atkins mới đến được Anh nhờ sự giúp đỡ của mạng lưới kháng chiến Bỉ.

Atkins gia nhập SOE vào năm 1941, khi Thế chiến thứ II lan rộng khắp thế giới. Bà phục vụ trong bộ phận dân sự của SOE, sau đó chuyển sang phục vụ trong lực lượng Không quân dự bị nữ (WAAF) cho đến tháng 2-1944 được nhập quốc tịch Anh và phân bổ vào công tác tại Cục F (phân bộ phụ trách nước Pháp). Từ đây, Atkins chính thức trở thành điệp viên Anh. Tuy được xem là điệp viên "nghiệp dư", nhưng Atkins lại là người đầu tiên triển khai điệp viên vào hoạt động trong lòng địch tại mặt trận Pháp 9 tháng sau khi quân Đức chiếm đóng.

Ngay cả các cơ quan tình báo chuyên nghiệp thời đó như MI-6 cũng chưa làm được điều này. Trong thời gian phụ trách công tác tuyển mộ và huấn luyện điệp viên kháng chiến ở Cục F, bà đã tuyển mộ tổng cộng hơn 400 điệp viên Anh, dành thời gian huấn luyện họ, dạy họ mọi thứ cần thiết để tồn tại trong lòng địch, như về việc đi lại sao cho giống người bản xứ, các quy định của chế độ phát xít... rồi sau đó đưa họ vào chiến đấu tại Pháp. Atkins đã miệt mài làm công việc đó cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Năm 1945, khi Thế chiến thứ II kết thúc, trong số hơn 400 điệp viên do Atkins huấn luyện và cử đi chiến đấu có hơn 100 người mất tích. Atkins đã cố gắng thuyết phục chính phủ Anh tìm kiếm những người chưa trở về sau chiến tranh, nhưng thời đó, chiến tranh vừa chấm dứt, việc tìm kiếm những điệp viên mất tích không phải là ưu tiên của quốc gia. Ưu tiên của chính quyền Anh lúc đó là chăm lo đời sống kinh tế, khôi phục sản xuất để tái thiết đất nước. Thế là Atkins phải tự mình lo việc tìm kiếm lại những điệp viên mà mình đã đích thân tuyển mộ, huấn luyện và đưa ra mặt trận.

Do đặc điểm tình hình, Atkins vẫn phải xin phép cơ quan chính quyền để có thể đi vào nước Đức thời kỳ hậu chiến. Nhưng Atkins đã vấp phải sự phản đối quyết liệt ở London. Maurice Buckmaster, chỉ huy cũ của Atkins thời chiến tranh tin rằng, họ phải tự mình hành động trong tình hình giấy báo tử của các điệp viên SOE từ Dachau, Flossenburg và Mauthausen (Đức) cứ gửi về dồn dập.

Về sau, Atkins phát hiện ra lý do vì sao London không đồng ý cho bà đến Đức điều tra về những điệp viên mất tích. Đó là vì, các lãnh đạo cấp cao ở London từ lâu đã biết việc một phi công Pháp đã phản bội SOE, thường xuyên chở thẳng những toán điệp viên mà Atkins cử ra mặt trận đến giao cho quân phát xít Đức. Những vụ chuyển giao điệp viên nhiều đến nỗi ngay bản thân trùm phát xít Hitler cũng cảm thấy mất dần hứng thú và miễn cưỡng tiếp nhận.

Sau phát hiện trên, Atkins không thể làm được gì để tìm lại những điệp viên mất tích. Bà cố gắng chuyển hướng giải thích rằng "quan hệ với Nga đang xấu dần đi từng giờ, và Chiến tranh Lạnh đã thật sự bắt đầu. Bất kỳ điệp viên nào còn lại có thể đã bị họ giết chết". Chính sự lãng quên của công luận đối với số phận của các nữ điệp viên được cử đi chiến đấu trong lòng địch đã chứng minh lập luận của Atkins là đúng.

Nữ điệp viên Violette Szabo.

Hầu hết các gia đình của điệp viên mất tích chấp nhận nghe theo sự hướng dẫn của Atkins là im lặng và hy vọng. Chỉ riêng gia đình của điệp viên Violette Szabo thì không. Bố của Szabo đã nổi giận trước sự im lặng và yêu cầu các chính khách địa phương ở Nam London giúp đỡ. Nếu vụ việc của Szabo đến được Hạ viện, vấn đề của nữ điệp viên sẽ thu hút được sự chú ý của giới truyền thông và chắc chắn sẽ nổ ra một cuộc tranh luận về trách nhiệm và đạo đức của chính quyền.

Chính quyền Anh lúc đó muốn tập trung sự quan tâm về tội phạm chiến tranh hơn là hoàn cảnh của những phụ nữ trẻ mất tích. Sau khi xuất hiện một tấm bản đồ ở Nuremberg thể hiện vị trí của 300 trại tù binh khắp châu Âu, dư luận bắt đầu bùng lên đòi công lý cho họ. Việc xét xử các lãnh đạo chủ chốt là chưa đủ; tất cả những ai có liên quan đều phải chịu trách nhiệm.

Để đổi lấy giấy phép đi vào các vùng hậu chiến, Atkins hứa sẽ giúp chính quyền London đi phỏng vấn các chỉ huy trại giam ở Đức để tìm bằng chứng tội phạm chiến tranh, trong số đó có các trại giam tập trung khét tiếng ở Đức như trại Sachsenthausen, nơi chủ yếu giam giữ các tù nhân chính trị, và Ravensbruck, một trại tập trung tai tiếng chủ yếu giam giữ phụ nữ. Chính quyền Anh đồng ý, nhưng giới hạn thời gian trong vài ngày.

Nhưng như thế đã là quá đủ đối với Atkins. Bà không bỏ phí thời gian, lao ngay vào việc, chỉ kịp báo cáo nhanh cho thiếu tá Anghais Fyffe, người được giao phụ trách chính việc tìm kiếm các điệp viên mất tích, rồi lên đường đi tìm phỏng vấn ngay những người phụ trách trại giam Natzweiler, nơi bà cho là một số nữ điệp viên của mình bị giam giữ. Atkins cảm thấy mình có lỗi lớn với các điệp viên vì đã đưa họ vào chỗ chết. Nhưng thời hạn cho phép quá ngắn, không đủ để điều tra hết tất cả.

Atkins muốn ở lại tiếp tục cuộc tìm kiếm thì phải "chạy chọt" và bà đã được tham gia vào Ủy ban Tội phạm chiến tranh Anh quốc (BWCC). Có được cơ hội, Atkins hăm hở phỏng vấn thêm những sĩ quan phát xít Đức khét tiếng thời chiến tranh, như Rudolf Hoss, chỉ huy trại tập trung Auschwitz.

Các cuộc phỏng vấn liên tục không ngơi nghỉ đã giúp Atkins thu thập nhiều chứng cứ để cung cấp cho các phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh. Những người bà phỏng vấn, bao gồm các chỉ huy trại giam, bác sĩ, gác ngục và cả các tù nhân cũng đồng thời có thể là nhân chứng giúp bà tìm kiếm các điệp viên mất tích của mình. Khi những người này kể chuyện, Atkins lắng nghe, ghi chép và phác họa các trại giam, ghi chú độ dài các con đường và kích thước của các phòng giam. Có những tên đồ tể phát xít đã lạnh lùng kể cho bà nghe một cách chi tiết công việc giết người không gớm tay của mình.

Atkins có gắng bình tĩnh, kiểm soát tốt cuộc điều tra riêng của mình. Bà đi khắp từ Pháp sang Đức để tìm kiếm các nhân chứng và phỏng vấn họ. Con đường bà đi qua chi chít như mạng nhện, và các câu chuyện người ta kể được bà ghi lại không câu chuyện nào giống câu chuyện nào.

Trong quá trình đi tìm nhân chứng đó, Atkins biết được một người tên là Brian Stonehouse, một cựu họa sĩ của tạp chí Vogue, đã sống sót qua 4 trại giam tập trung, trong đó có Natzweiler. Thế là Atkins gửi cho Brian ảnh chụp các nữ điệp viên mất tích. Ông ta gửi lại cho bà hình vẽ đối chiếu trùng khớp một số người. Rồi một bức thư trong hồ sơ lưu trữ đã dẫn Atkins đến gặp Hedwig Muller, một y tá bị Gestapo bắt năm 1944 do tội giết chết lính Đức.

Muller đã gửi một bức thư cho mẹ một điệp viên SOE tên Madeline Damerment, dùng bí danh của bà này, trong thư mô tả một số nữ điệp viên SOE trong trại giam tập trung Akademistrasse liên lạc với nhau bằng mật mã. Thông qua Muller, Atkins tìm ra sự thật một số thông tin mà một nhân chứng đã nói dối bà trước đó.

Không phải thông tin nào cũng chính xác, như về cái chết của Noor Inayat Khan, nữ liên lạc viên vô tuyến đầu tiên được cử vào chiến trường Pháp. Một nhân chứng bảo nhìn thấy Khan ở nhà tù Pforzheim vào tháng 9-1944, nhưng một số nhân chứng khác lại bảo đã nhìn thấy Khan chết trước đó 3 tháng. Thế là bà phải điều tra lại, tìm hiểu và phỏng vấn lại các nhân chứng mới.

Nữ điệp viên Yolande Beekman cùng chồng.

Cuộc điều tra của Atkins đã lôi ra ánh sáng và đưa nhiều kẻ từng gây tội ác với hàng trăm ngàn tù nhân nữ ra trước công lý. Nhưng hầu như lần nào cũng thế, cơ hội tìm ra các điệp viên của mình lại tuột khỏi tầm tay Atkins. Rốt cuộc Atkins điều tra ra được cái chết của điệp viên Khan cùng với điệp viên Yolande Beekman, Elaine Polewan, Madeleine Damerment và 3 điệp viên SOE khác tại trại tập trung Dachau. Các giấy báo tử còn lại Atkins không còn thời gian để tìm hiểu hết.

Trở về London, Atkins làm việc cho Cục Trao đổi Giáo dục Anh (CBEVE). Lúc này Cục F trong SOE đã giải tán sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng Atkins và Buckmaster vẫn tiếp tục chiến dịch truy tìm và công bố tên tuổi những điệp viên do mình tuyển mộ và cử ra chiến trường rồi mất tích. Nhiều bài báo gây chấn động kể về hoạt động của các điệp viên SOE trong chiến tranh liên tục xuất hiện trên các tờ báo Sunday Express và Daily Herald, và không lâu sau đó, các nhà làm phim điện ảnh và truyền hình cũng tìm đến Atkins và Buckmaster để xin phép dựng phim.

Nữ điệp viên Odette Sansom.

Một trong những nữ điệp viên của Atkins sống sót trở về là Odette Sansom đã gây chú ý trong dư luận khi liên tục xuất hiện trước ống kính báo chí bên cạnh vị chỉ huy cũ của mình là Peter Churchill. Có hai điều Sansom đã nói dối trên báo chí: một là Peter là chồng bà (tuy điều này sau đó thành sự thật), và Peter là cháu của Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Thực ra tuy mang họ Churchill nhưng Peter chẳng có quan hệ máu mủ gì với Thủ tướng Churchill cả. Bà cũng chẳng phải bị giam ở nhà tù Sicherheitsdienst mà là Ravensbruck nhưng sau đó đã trốn thoát. Năm 1947, Sansom và Peter Churchill chính thức cưới nhau. Đó là một kết thúc có hậu cho một trong những nữ điệp viên của Atkins.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.