Vladimir Barkovski – Điệp viên huyền thoại của Tình báo Xô viết
- Ngôi sao điện ảnh Đức là điệp viên của tình báo Xôviết
- Melita Norwood – “Bà cụ đỏ” của tình báo Xôviết
- Dieter Gerhardt – “Kim Philby” của Tình báo Xô Viết tại Nam Phi
Ngày 30-11-2010, tại thành phố Krasnogorsk đã diễn ra buổi lễ trang trọng khánh thành tấm bảng tưởng niệm tại nhà số 9 phố Krasnaya Gorka, là nơi từng sinh sống của điệp viên huyền thoại, Anh hùng nước Nga Vladimir Borisovich Barkovski, người đầu tiên ngay từ tháng 9-1941 đã báo cáo trung tâm về việc phương Tây bắt đầu xúc tiến chế tạo bom nguyên tử.
Barkovski được đánh giá là một người hùng thầm lặng của tình báo Xôviết. Rất nhiều năm sau Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, tên tuổi của điệp viên này vẫn được bảo mật nghiêm ngặt.
Chính xác hơn, tên của Barkovski chỉ bắt đầu xuất hiện trên báo chí vào năm 1996, sau khi ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga. Barkovski chính là một trong những người đặt nền móng cho lĩnh vực tình báo khoa học - kỹ thuật của Liên Xô, giúp khai thác cho Moscow những kết quả nghiên cứu khoa học bí mật nhất của phương Tây.
Trong suốt nhiều năm, ông cũng là người trực tiếp điều hành nhóm “Bộ ngũ Cambridge” nổi tiếng, chuyên khai thác thông tin về các nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của Anh…
Mơ ước thành phi công
Vladimir Barkovski sinh ngày 16-10-1913 tại thành phố Belgorod. Cha của ông dù là một viên thư ký tại tòa thị chính địa phương nhưng vẫn bị triệu tập vào quân đội trong thời gian Đại chiến thế giới thứ nhất và hy sinh ngay trong trận đánh đầu tiên mà cha ông tham gia.
Bộ trưởng Ngoại giao Molotov trao tặng huân chương cho Barkovski. |
Lâm vào cảnh góa bụa sớm, mẹ của ông đã phải vật lộn để có thể chăm lo nuôi nấng mấy đứa con. Từ năm 12 tuổi, Barkovski đã phải lao động để giúp mẹ, tự tay chế tạo các đồ thủ công bằng gỗ. Đến năm 14 tuổi, cậu trở thành học trò của phi công lái tàu lượn nổi tiếng vào thời đó là Boris Sheremetev, và ông cũng rất nhanh chóng thể hiện niềm đam mê với bầu trời.
Ngay cả khi không thể theo nghề này, nhưng kinh nghiệm tham gia chế tạo tàu lượn đã giúp ích cho Barovski rất nhiều về sau này. Sau một thời gian làm thợ nguội tại nhà máy, ông được cử tới học tại Viện chế tạo máy ở Moscow vào năm 1934. Vốn là một người có tài năng và sự khéo léo, Barkovski ngoài giờ học còn tham gia vào rất nhiều các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ xe môtô, nhảy dù thể thao…
Sau một thời gian học tập tại trường huấn luyện bay, ông thậm chí còn được xếp vào danh sách phi công dự bị của một trung đoàm tiêm kích phòng thủ khu vực Moscow. Đến năm thứ 5 đại học, Barkovski đã quyết định sẽ thi vào Học viện Hàng không để chính thức trở thành phi công. Tuy nhiên, số phận đã an bài cho ông theo một con đường hoàn toàn khác.
Tháng 3-1939, khi đang chuẩn bị thi tốt nghiệp đại học, Barkovski cùng một số sinh viên được gọi lên văn phòng và được một số cán bộ đặc biệt phỏng vấn. Chỉ hai tháng sau, ông được mời tới Lubyanka (quảng trường có tòa nhà trụ sở của Cơ quan An ninh quốc gia), cùng với thông báo đã chính thức trở thành một nhân viên của cơ quan này. Barkovski cùng những người được chọn được đưa tới một ngôi trường đặc biệt tại ngoại ô Moscow. Khi đặt chân tới nơi, họ mới biết được mình đã được tuyển chọn để đào tạo trở thành điệp viên.
Barkovski học tập tại trường tình báo trong suốt một năm. Trong một môi trường kỷ luật rất nghiêm ngặt, các học viên phải tiếp thu nhiều kiến thức rất đa dạng: từ kỹ năng hoạt động tình báo cho tới các nghi lễ ngoại giao, kinh tế chính trị, địa kinh tế… Tất nhiên, một trong những môn học quan trọng nhất tại đây chính là ngoại ngữ, vốn là công cụ không thể thiếu đối với các điệp viên khi hoạt động ở nước ngoài.
Chiến công xuất sắc tại Anh
Năm 1940, trung úy Barkovski được điều về trụ sở cơ quan tình báo. Tại đây, ông được tập trung nghiên cứu các tài liệu về nước Anh, cũng như chuẩn bị một số tài liệu về chuyên môn. Tiếp đó là một quãng thời gian thực tập ngắn tại một cơ quan ngoại giao.
Đến cuối năm đó, Pavel được chỉ huy cơ quan tình báo đối ngoại Pavel Fitin gọi lên, thông báo quyết định cử ông sang hoạt động tại Anh. Điệp viên trẻ này được giao nhiệm vụ chuyên khai thác thông tin trong lĩnh vực tình báo khoa học kỹ thuật.
Điệp viên Vladimir Barkovski |
Ngay hôm sau, Barkovski cùng vợ bắt đầu hành trình tới London. Trên thực tế, đó là một chuyến đi rất dài. Do Đại chiến thế giới thứ hai đang diễn ra tại châu Âu, nên nhà Barkovski tới Anh theo một lộ trình đặc biệt: từ Vladivostok tới Nhật, sau đó tới Hawaii, Washington và từ đây đặt chân tới Liverpool trên một chiếc tàu biển.
Khi vừa chân ướt chân ráo tới được địa bàn hoạt động vào tháng 2-1941, Barkovski đã phải bắt tay ngay vào công việc.
Vào thời điểm đó, chi nhánh tình báo Xôviết tại Anh đang đặc biệt thiếu người. Tại London chỉ còn lại một vài nhân viên với trọng trách liên lạc để tiếp nhận thông tin từ các điệp viên của mình, trong đó có cả nhóm bộ ngũ Cambridge.
Chỉ một tuần sau khi tới London, Barkovski đã được cử đi gặp nguồn tin của mình. Tính ra, điệp viên Dan (mật danh của Barkovski) được giao nhiệm vụ liên lạc với 20 điệp viên khác nhau, trong đó nhiều cuộc gặp phải diễn ra giữa những vụ ném bom của không quân Đức.
Sau khi phát xít Đức chính thức xâm lược Liên Xô, trung tâm đã gửi tới chi nhánh London một loạt các chỉ thị nhằm định hướng lại hoạt động theo hướng thông tin quân sự. Ưu tiên hàng đầu là các thông tin về Đế chế thứ ba và các quốc gia đang bị Hitler chiếm đóng.
Moscow cũng đặc biệt quan tâm tới những kế hoạch của chính phủ Anh liên quan đến Liên Xô, vấn đề quan trọng là phải làm rõ mức độ chân thành trong tuyên bố của Winston Churchill về việc hợp tác quân sự với Moscow. Stalin khi đó cũng rất muốn nắm rõ mối quan hệ giữa London và Washington về một loạt các vấn đề quốc tế, cũng như những bất đồng có khả năng trong liên minh quân sự Anh-Mỹ.
Trung tâm cũng giao nhiệm vụ cho chi nhánh London phải theo dõi các bước tiếp xúc của giới lãnh đạo Anh với các chính phủ lưu vong của Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư và nhiều nước khác đang tạm thời lưu trú tại đảo quốc này.
Hồ sơ Enormous
Ngay từ đầu chiến tranh, Hồng quân cần có nhu cầu rất cấp thiết về các loại vũ khí mới. Do tại chi nhánh ở London chỉ có Barkovski là được đào tạo về kỹ sư, ông được giao nhiệm vụ phải tập trung vào lĩnh vực tình báo khoa học kỹ thuật. Kết quả là ông đã biết tập hợp được một loạt các nguồn tin giúp cung cấp những thông tin mật đặc biệt có giá trị.
Những điệp viên nổi tiếng chuyên khai thác thông tin về bom nguyên tử. Từ trái sang: Yaskov, Kvasnikov, Barkovski và Feliksov. |
Nhờ đó, Moscow đã liên tục nhận được những tài liệu quan trọng về lĩnh vực vô tuyến định vị, động cơ phản lực và nhiều phương hướng phát triển mới của phương tiện kỹ thuật quân sự. Cũng theo xu hướng này, Barkovski bắt đầu thu thập được thông tin về việc nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử.
Ngay từ những ngày đầu tiên trong tháng 10-1941, chi nhánh London đã báo về Moscow thông tin đầu tiên về những ý tưởng chế tạo bom hạt nhân tại Anh đang dần trở thành hiện thực. Cụ thể là thành viên John Cairncross trong nhóm bộ ngũ Cambridge đã có được những tài liệu cho thấy, chính phủ Anh đang tập trung cho việc chế tạo một loại bom có sức hủy diệt khủng khiếp. Những thông tin nằm trong tài liệu đề ngày 24-9-1941 của “Ủy ban Uranium”, báo cáo lên chính phủ Anh về tiến trình nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử.
Theo Cairncross, một nhóm các nhà khoa học đứng đầu là chuyên gia vật lý nổi tiếng George Thompson đang tập trung vào việc nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Những tài liệu tiếp sau đó được Cairncross chuyển giao bao gồm những thông tin cụ thể về hoạt động của “Ủy ban Uranium”, về công nghệ sản xuất uranium 235, về cấu trúc đầu đạn nguyên tử của bom…
Do trong tài liệu có rất nhiều thuật ngữ kỹ thuật khó hiểu, Barkovski còn được giao soạn thảo điện gửi về trung tâm. Bức điện này cho tới giờ vẫn được lưu giữ trong tập hồ sơ Enormous của tình báo Xôviết chuyên về dự án chế tạo bom hạt nhân của Anh và Mỹ.
Barkovski còn có được những kiến thức sâu rộng hơn về lĩnh vực hạt nhân, sau khi được giao nhiệm vụ liên lạc với nguồn tin N, vốn là một nhân vật tham gia trực tiếp vào dự án bom hạt nhân của Anh.
Ông này còn yêu cầu Barkovski tìm đọc cuốn sách “Vật lý hạt nhân ứng dụng” của Mỹ để hiểu rõ mọi vấn đề, giúp cho quá trình trao đổi thông tin có thể dễ dàng hơn. Kết quả là điệp viên Xôviết đã phải trải qua nhiều đêm mất ngủ để nghiền ngẫm học tập, giúp cho có thể dễ dàng trao đổi nắm bắt mọi thông tin từ N.
Cho đến cuối nhiệm kỳ công tác của mình, Barkovski đã mở rộng đáng kể mạng lưới tình báo khoa học kỹ thuật của mình. Nhờ những nguồn tin trên, ông đã chuyển về Moscow hàng loạt những thông tin quý giá về vấn đề vô tuyến định vị, máy bay phản lực, hóa học, chế tạo máy… có khả năng ứng dụng trong quân sự.
Đoạn cuối sự nghiệp
Barkovski quay trở về Moscow vào năm 1946, được giao một vị trí lãnh đạo trong bộ phận tình báo khoa học kỹ thuật. Dưới thời của ông, bộ phận này đã có một vai trò rất quan trọng trong bộ máy của KGB. Năm 1954, Barkovski chuyển sang chỉ huy Ban nước Mỹ của tình báo đối ngoại, thường xuyên có nhiều chuyến công tác tới Mỹ và các nước Tây Âu.
Bức tượng bán thân của Barkovski tại thành phố Belgorod. |
Trong giai đoạn 1956-1960, Barkovski được cử sang tiếp tục hoạt động tại Mỹ với vai trò lãnh đạo chi nhánh tại New York của KGB. Chính Barkovski đã tổ chức chiến dịch đào thoát khỏi Mỹ cho một loạt các điệp viên tình báo Xôviết trong chiến dịch thanh trừng ráo riết của Washington sau vụ phản bội của Reino Hayhanen và vụ bắt giữ Rudolf Abel. Đến năm 1962, ông được chính thức triệu hồi về Moscow.
Ngừng việc hoạt động tình báo, Barkovski chuyển sang công tác đào tạo với vai trò làm giảng viên tại Trường đào tạo KGB (về sau được đổi tên thành Học viện Tình báo đối ngoại), bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ về lịch sử tình báo.
Ông đã cho công bố hơn 40 công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực tình báo đối ngoại. Barkovski chính thức nghỉ hưu vào năm 1984, nhưng vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với cơ quan tình báo, cụ thể là tiếp tục hỗ trợ bồi dưỡng các nhân viên tình báo trẻ tuổi.
Vì những công lao đặc biệt xuất sắc, Barkovski được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng nhì, Huân chương Sao đỏ cùng nhiều phần thưởng quý giá khác. Năm 1996, ông chính thức được phong tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga.
Điệp viên kỳ cựu của tình báo Xôviết từ trần vào năm 2003. Hai năm sau, một bức tượng bán thân của ông được trang trọng dựng lên tại Công viên Chiến thắng ở thành phố quê hương Belgorod.