Vụ bắt cóc tướng Đức Quốc xã Heinrich Kreipe

Thứ Năm, 03/05/2018, 12:35
Trong suốt Chiến tranh thế giới lần thứ 2, đã có một số tướng lĩnh Đức Quốc xã bị bắt làm tù binh tại mặt trận, nhưng bị bắt cóc ở ngay chính hang ổ của họ thì chỉ một người duy nhất là Thiếu tướng Heinrich Kreipe, Tư lệnh Sư đoàn 22 đổ bộ đường không, đồn trú tại đảo Crete - là lãnh thổ Hy Lạp nhưng bị Đức Quốc xã chiếm đóng.

Vụ bắt cóc được thực hiện bởi 2 biệt kích thuộc Cơ quan hành động đặc biệt Anh Quốc (SOE) với sự hỗ trợ của lực lượng kháng chiến trên đảo Crete. Kế hoạch hoàn hảo đến nỗi khi đã bị bắt, tướng Kreipe vẫn nghĩ đó chỉ là trò đùa tinh quái của bạn bè…

Cuộc săn con mồi lớn

Tháng 5-1941, những người lính Anh Quốc cuối cùng di tản khỏi đảo Crete sau nhiều tháng chống lại những đợt tấn công kinh hoàng bằng pháo binh, xe tăng và máy bay của quân đội Đức Quốc xã. Lúc này, thống trị đảo Crete là tướng Friedrich Wilhelm Muller, một viên tướng quốc xã nổi tiếng tàn bạo. Ngay sau khi chiếm được Crete, Muller đã treo cổ khoảng 2.600 dân bản xứ trong tổng số 450.000 dân - là những người đã cùng quân Anh chống lại quân Đức. Với hành động ấy, Muller được mệnh danh là “Người bán thịt ở Crete”.

Thiếu tướng Heinrich Kreipe, người thống trị đảo Crete.

2 tháng sau ngày Đức Quốc xã chiếm đảo Crete, Cơ quan hành động đặc biệt Anh Quốc (SOE) thả dù thiếu tá Patrick Leigh Fermor và đại úy Stanley Moss, xuống đảo. Nhiệm vụ của họ là tập hợp lại lực lượng kháng chiến Crete, cung cấp vũ khí, thu thập tin tình báo đồng thời giúp đỡ một số người bị Đức Quốc xã truy nã, rời khỏi hòn đảo này. Bên cạnh đó, 2 biệt kích còn lên kế hoạch bắt cóc tướng Muller để đưa về Anh, xét xử ông ta vì tội ác diệt chủng.

Tuy nhiên, đầu tháng 1-1944, tướng Muller được Hitler gọi về Đức. Thay thế ông ta là tướng Heinrich Kreipe, Tư lệnh Sư đoàn 22 đổ bộ đường không. Ngay khi lên nắm quyền, Kreipe đã tiến hành thanh lọc toàn bộ cư dân ở Anogia - là một thị trấn nhỏ trên đảo Crete bởi lẽ từ lâu, Anogia được người Đức xem là trung tâm hoạt động của tình báo Anh Quốc. Trước đó, dân Anogia cũng đã bị quy kết là đồng lõa trong vụ giết chết trung sĩ Đức Quốc xã Olenhauer, đồng lõa trong vụ đặt mìn phá hoại căn cứ Đức ở làng Damasta, che giấu du kích và những nhóm kháng chiến chống Đức khác.

Gần cuối tháng 1-1944, thiếu tá Patrick và đại úy Stanley trở về Cairo, Ai Cập (lúc này nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Anh sau khi quân Anh đánh bật “Quân đoàn sa mạc” của tướng Đức Rommel ra khỏi Bắc Phi)). Tại đây, ý định bắt cóc tướng Kreipe được trình lên Bộ Tổng Tham mưu quân đội Anh và được Tổng Tư lệnh quân đội Anh là tướng Montgomery chấp thuận.

Giăng bẫy

9 giờ tối ngày  4-2-1944, chiếc máy bay ném bom Vickers Wellington chở thiếu tá Patrick, đại úy Stanley cùng 2 du kích người Crete là Mainoli Paterakis và Georgi Tyrakis, xuất phát từ Cairo, Ai Cập đến đảo Crete. Do tính toán sai nên khi tiếp cận điểm thả dù, và khi thiếu tá Patrick đã nhảy ra khỏi máy bay thì phi công nhận thấy bãi thả quá hẹp, những người nhảy sau sẽ rơi xuống sườn núi nên ông cho máy bay quay về Ai Cập vì nếu lượn vòng lại - và phải lượn 3 lần - mỗi lần chỉ thả được 1 người, sẽ khiến quân Đức chú ý, yếu tố bí mật sẽ bị mất.

Biệt kích SOE và du kích đảo Crete (Thiếu tá Patrick ngồi giữa, bên phải là Đại úy Stanley) trước ngày bắt cóc tướng Kreipe.

Trong suốt 2 tháng sau đó, để không lộ dấu vết, với sự giúp đỡ của du kích Crete, thiếu tá Patrick lẩn trốn trong những rặng núi phía nam đảo. Đã 8 lần SOE cho máy bay thả dù thêm người nhưng cả 8 lần đều thất bại vì gió thổi quá mạnh, chưa kể 2 lần đại úy Stanley, du kích Paterakis và Tyrakis vào bằng đường biển nhưng cũng không thành công. Mãi đến 23 giờ đêm ngày 4-4-1944, một tàu cao tốc của Hải quân Anh mới đưa được Stanley, Paterakis và Tyrakis đến vùng biển phía nam đảo Crete. Từ đó, họ dùng xuồng cao su chèo vào bờ. Đón họ là thiếu tá Patrick.

Mất 3 ngày men theo những sườn núi chênh vênh, nhóm SOE  đến được làng Kadtamonitza, căn cứ của lực lượng kháng chiến. Tại đây, họ gặp Micky Akaumianos, chỉ huy du kích trên đảo.

Theo Micky, dinh thự của tướng Kreipe nằm cách thành phố Herkalion, trung tâm của đảo 8km, được bảo vệ bởi 1 đại đội lính SS. Vẫn theo Micky, hàng ngày Kreipe ra khỏi nhà lúc 8 giờ sáng bằng chiếc xe hơi hiệu Opel. Trên xe, ngoài tài xế còn có 1 thư ký và 2 cận vệ. Buổi chiều, Kreipe trở về lúc 19 giờ hoặc đôi khi là 22 giờ nếu hôm ấy ông ta ở lại bộ chỉ huy chơi bài, nhưng không có lính đi theo hộ tống.

Ngày 9-4-1944, thiếu tá Patrick và Micky cải trang thành nông dân, lên xe bus vào thành phố Herkalion, trung tâm đảo. Tiếp theo, cả hai tản bộ trên con đường từ Herkalion đến tư dinh tướng Kreipe. Trong suốt 1 tuần, họ tiến hành trinh sát, nắm quy luật đi, về, của tướng Kreipe cùng hệ thống bố phòng xung quanh dinh thự. Sau này Patrick kể lại: “4 mặt dinh thự mỗi mặt đều có 6 lính gác.

Ngày cũng như đêm, cứ 4 tiếng họ đổi ca một lần còn trong khu vườn bao quanh dinh thự, 2 trung đội thay phiên nhau tuần tra. Chưa kể cách đó khoảng 2km còn có doanh trại của 1 tiểu đoàn SS. Nếu báo động, chỉ mất khoảng 10 phút là họ sẽ xuất hiện nên việc đột kích vào tư dinh để bắt sống Kreite là điều không tưởng”.

Cũng trong một buổi sáng trinh sát, khi Patrick và Micky đang đi trên một đoạn dốc thì chiếc Opel chở tướng Kreipe chầm chậm chạy qua. Rất nghiêm chỉnh, thiếu tá Patrick dừng lại, giơ tay lên cao chào theo kiểu Quốc xã. Từ trong xe, ông ta cũng giơ tay chào lại khiến Patrick nghĩ rằng việc bắt cóc Kreipe ngay trên đoạn đường này là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Và nếu 19 giờ mà chưa thấy Kreipe về, lính gác sẽ nghĩ rằng ông ta ở lại chơi bài như thường lệ. Như vậy, nếu thành công, nhóm bắt cóc sẽ có ít nhất 3 tiếng để thoát khỏi sự truy lùng của quân đội Đức.

Tù binh Thiếu tướng Kreipe (giữa) lúc chờ tàu cao tốc Hải quân Anh đến đón (ảnh do du kích Crete chụp).

Quay trở lại căn cứ kháng chiến, thiếu tá Patrick thông báo cho đại úy Stanley biết mọi chi tiết của kế hoạch bắt cóc. Ngoài 2 du kích là  Paterakis và Tyrakis đã cùng đi với họ từ đầu, Patrick chọn thêm 4 du kích có kinh nghiệm chiến đấu, biết rõ địa hình vùng này rồi tiến hành tập dượt.

Theo đó, khi Patrick và Stanley chặn xe chở tướng Kreipe lại, 6 du kích lập tức phải vô hiệu hóa tài xế, thư ký cùng 2 cận vệ. Lúc đã bắt được Kreipe, cả nhóm sẽ rút về làng Kasdtamonitza để Patrick báo tin cho một bộ phận của SOE ở Cairo, Ai Cập bằng máy vô tuyến. Với sự hỗ trợ của lực lượng du kích, Patrick và Stanley sẽ áp giải Kreipe đến bờ biển phía nam đảo, nơi 1 tàu cao tốc của Hải quân Anh đợi sẵn để đưa Kreipe về Ai Cập.

Đùa thế là đủ rồi!

Ngày 18-4-1944, thông qua 2 cảnh sát người Crete làm việc cho Đức Quốc xã nhưng có cảm tình với quân kháng chiến, chỉ huy nhóm du kích Crete là Micky nhờ họ mua cho Patrick và Stanley 2 bộ quân phục của lính SS cùng mũ, giày và 2 khẩu tiểu liên Stein. Xẩm tối ngày 20-4, nhóm bắt cóc bí mật đến đoạn đường gấp khúc, nơi chiếc Opel chở tướng Kreipe buộc phải đi chậm lại nhưng khi gần tới, bất ngờ họ thấy chiếc Opel lướt ngang. Kreipe hôm ấy về sớm hơn thường lệ.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, kế hoạch bắt cóc tướng Kreipe cũng thất bại vì ông ta ngủ luôn tại nơi làm việc. Đến đêm thứ 4, trời đổ mưa lớn khiến tầm nhìn hạn chế. Có khá nhiều xe chạy qua nhưng nhóm bắt cóc không phân biệt được xe nào chở tướng Kreipe còn xe nào là xe của thường dân, hoặc của những sĩ quan Đức Quốc xã cấp thấp.

Cuối cùng, 21 giờ 30 phút tối ngày 26-4-1944, một du kích làm nhiệm vụ cảnh giới cách địa điểm Patrick ém quân khoảng 300m kéo mạnh sợi giây nối từ chỗ anh ta đến chỗ Patrick, báo hiệu đã thấy chiếc Opel. 25 năm sau, tướng Kreipe kể lại: “Xe bắt đầu chạy chậm để vào khúc quanh thì bỗng nhiên có những chớp sáng màu đỏ xuất hiện. Dưới ánh đèn pha của chiếc Opel là 2 sĩ quan SS đang ra hiệu cho xe dừng lại. Viên thư ký hỏi tôi: “Có nên theo lệnh của họ không, thưa tướng quân?”. Đã quen với việc kiểm soát giao thông nên tôi bảo thư ký: “Cứ làm theo họ”.

Khi chiếc Opel đã ngừng hẳn, thiếu tá Patrick bước đến phía bên ghế tướng Kreipe ngồi. Vẫn giơ tay chào theo kiểu quốc xã, Patrick nói bằng tiếng Đức: “Xin vui lòng cho xem chứng minh thư và giấy đi đường”. Rất ngạc nhiên, Kreipe nhìn thẳng vào mặt Patrick rồi sẵng giọng: “Tôi không có”. Patrick nhún vai nói tiếp: “Vậy hãy nói mật khẩu”.

Lúc này, tướng Kreipe nghĩ rằng đây chỉ là trò đùa tinh quái của mấy gã bạn vẫn thường chơi bài với ông ta vì hồi nãy, họ rủ Kreipe ở lại nhưng ông ta từ chối, và 2 tên lính SS có lẽ đã được lệnh tìm cách để ông ta quay lại sở chỉ huy. Mở cửa xe bước ra, Kreipe nhìn Patrick, bĩu môi: “Đùa thế là đủ rồi! Chả lẽ cậu không biết tôi là tướng của cậu à?”.

Câu nói gián tiếp khẳng định ông ta chính là Kreipe, và khi ông ta chưa dứt lời thì Patrick đã áp sát, bẻ quặt tay ông ta ra sau lưng trong lúc Stanley và 6 du kích xử lý tài xế, thư ký cùng 2 cảnh vệ một cách êm thấm. Ghé sát tai Kreipe, thiếu tá Patrick thì thào: “Chúng tôi là biệt kích Anh. Từ giờ phút này ông là tù binh chiến tranh của Chính phủ Anh Quốc”.

Bị trói và bị bịt miệng, tướng Kreipe bị Stanley cùng 5 du kích giải về căn cứ kháng chiến Kadtamonitza, còn Patrick và Tyrakis lái chiếc Opel đến bờ biển phía bắc nhằm đánh lạc hướng lính Đức rằng họ đã tẩu thoát bằng đường biển.

Để khẳng định việc bắt cóc tướng Kreipe được thực hiện bởi người Anh, dân Crete không liên quan gì, Patrick bỏ lại trong xe 1 chiếc giày cao cổ của biệt kích Anh, 1 gói thuốc lá Anh Quốc, 1 cuốn tiểu thuyết của nữ văn sĩ Agatha Christie cùng 1 tờ giấy với hàng chữ đậm tính hài hước của xứ sở sương mù: “Xe rất đẹp. Tiếc rằng chúng tôi phải bỏ nó lại”.

Cuối cùng, sau 17 ngày chạy trốn cuộc truy lùng của quân Đức trên đảo Crete, vào 23 giờ ngày 14-5-1944, nhóm biệt kích được một tàu cao tốc của Hải quân Anh đón tại bờ biển Peristeres, phía nam đảo Crete rồi đưa về Mersa Matruh, Ai Cập. Tiếp theo, tướng Kreipe lên đường vào trại giam ở Canada. Người thay thế Kreipe trên đảo Crete là tướng Helmut Friebe. Chỉ trong 15 ngày, Helmut Friebe đã ra lệnh hành quyết hơn 900 người dân để trả thù cho vụ bắt cóc.

Thế chiến 2 kết thúc, năm 1947 phía Đồng minh phóng thích Kreipe. Năm 1969, khi gặp lại Patrick tại Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức, Krepe nói: “Chỉ tiếc là lúc ở Ai Cập, tôi không được bắt tay ngài…”.

Vũ Cao (theo History)
.
.