"Gã đồ tể thành Lyon" và bí mật hổ thẹn của hai cơ quan tình báo:

Con bài "Tội phạm Đức Quốc xã"

Thứ Tư, 18/05/2011, 09:40

Đối với BND, hồ sơ "điệp viên Adler" đã được đóng lại khi họ không còn hợp tác với kẻ mang mật danh "Đại bàng" nữa. Nhưng cơ quan tình báo này cũng quyết định không thông báo cho các cơ quan tư pháp của Đức những thông tin về Barbie, mặc dù hắn ta bị truy nã với tội danh giết người và tội phạm chiến tranh.

“Gã đồ tể” trong tay CIA và BND

Gần đến cuối năm 1944, Barbie đột nhiên biến mất. Người ta đồ rằng, y ẩn náu tại đâu đó trên lãnh thổ Đức ngay trước khi chiến tranh kết thúc. Tuy vậy, lệnh truy nã những tội phạm chiến tranh được bảo vệ bởi cả CIA và Chính phủ Đức. Nhà nghiên cứu sử Hammerschmidt khẳng định rằng, tên của Barbie xuất hiện trong danh sách tội phạm của lực lượng tình báo Mỹ vào tháng 4/1947, mặc dù nó đã xuất hiện trong danh sách truy nã của Đồng minh ngay từ  mùa xuân năm 1946. Chính điều này đã cứu Barbie không phải tới Pháp chịu xét xử và y vẫn có thể nương náu ở Đức trước khi trốn chạy sang Bolivia.

Có nhiều bằng chứng cho thấy, Cơ quan Phản gián CIC từng thuộc Lục quân Mỹ, đã tuyển mộ Barbie ngay từ những ngày vừa chấm dứt chiến tranh. Trong suốt thời gian sau đó, họ đã bảo vệ y khỏi các công tố viên hình sự Pháp. Ngay từ năm 1945, Barbie cũng bắt tay với Cơ quan Chiến lược OSS, tiền thân của CIA sau này. Năm 1951, người Mỹ còn giúp Barbie trốn sang Bolivia và định cư tại đây dưới cái tên Klaus Altmann.

Không giống rất nhiều tội phạm chiến tranh tại Nam Mỹ thời đó, Barbie không đào tẩu một cách đơn giản. Y giữ một vị trí trong đội cố vấn chính thức của phe cánh hữu của quân đội độc tài. Được sự cho phép từ cơ quan đầu não của quân đội Mỹ, Barbie tiếp tục những  kinh nghiệm mà y đã thu thập được tại Lyon vốn rất hữu ích cho sự đàn áp các thế lực chính trị chống đối: "kỹ thuật để tra khảo", "kỹ năng tra tấn" và "chống nổi dậy của du kích".  Barbie trở thành trụ cột của ban cố vấn quân đội vào năm 1964-1965.

Cũng khoảng thời gian đó, Barbie trở nên giàu có nhờ vào chiến tranh Việt Nam từ việc bán được số lượng rất lớn cây ki-na, một loại nhiên liệu thô để sản xuất thuốc chống bệnh sốt rét cho cơ quan hóa chất Đức tại Mannheim. Lúc này, Barbie cùng lúc dính líu với cả buôn bán vũ khí và ma túy. Từ giữa đến cuối những năm 60 thế kỷ trước, "Đồ tể của thành Lyon" di chuyển từ các nước thuộc Bắc Mỹ đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và cung cấp vũ khí cho những nước này. Năm 1971, Barbie trở thành cố vấn bên trong chính phủ và Đội chống gián điệp của quân đội Bolivia.

Với sự hỗ trợ của CIA, Barbie đã cộng tác với nhiều chế độ độc tài quân sự ở Nam Mỹ tới đầu những năm 80. Có bằng chứng cho thấy y còn dính dáng đến kế hoạch ám sát Victor Paz Estenssoro (Tổng thống Bolivia theo cánh tả, bị lật đổ và lưu đày sang Peru). Barbie sống ở Nam Mỹ cho đến năm 1983, khi cuối cùng bị giải về Pháp để ra tòa.

Theo Hammerschmidt, người đã tiến hành những nghiên cứu tại Cục Văn thư lưu trữ Quốc gia Mỹ (NARA) tại Washington, một tài liệu của CIA vào tháng 12/1983 cho rằng việc bắt và dẫn độ được Barbie là một bằng chứng về sự thắng thế của Chính phủ François Mitterrand. Vì một số lý do chính trị nội bộ nào đó, Pháp đã trả giá cho việc dẫn Barbie đột ngột khỏi Bolivia bằng một lượng khá lớn vũ khí như súng máy, súng ngắn, vũ khí chống xe tăng và các loại đạn dược. Cuối cùng, Barbie bị kết án chung thân và y chết trong một trại giam ở Pháp vào năm 1991. Trong một động thái đầy bất thường, sau này Washington đã chính thức gửi lời xin lỗi đến Paris về những hành động trên.

Điệp viên mật danh "Đại bàng" chính là tội phạm Đức Quốc xã Klaus Barbie.

Cũng vào những năm 50, với tư cách là một điệp viên của CIA, Barbie tuyển thành viên mới cho Liên đoàn Thanh niên Đức (BDJ), sau này bị cấm hoạt động. Tổ chức nửa quân sự này được xây dựng nên nhằm tiếp tục những vụ phá hoại và ám sát đằng sau sự phòng thủ của kẻ địch nhân lúc liên minh Xôviết bị tấn công.

Đối với BND, hồ sơ "điệp viên Adler" đã được đóng lại khi họ không còn hợp tác với kẻ mang mật danh "Đại bàng" nữa. Nhưng cơ quan tình báo này cũng quyết định không thông báo cho các cơ quan tư pháp của Đức những thông tin về Barbie, mặc dù hắn ta bị truy nã với tội danh giết người và tội phạm chiến tranh. Những vụ điều tra bị kéo dài ra và các phiên tòa được hoãn lại. Hammerschmidt khẳng định: Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc năm 1971 đã chỉ đạo: "Nhiệm vụ của an ninh quốc gia là  phải bảo mật những thông tin về Barbie".

Có vẻ như lời giải thích của BND về việc không biết gì về quá khứ của Barbie cũng như những nhân viên này chỉ là dối trá bởi vì ngay câu chuyện Altmann kể cho Holm rằng y trốn thẳng từ CHDC Đức sang Bolivia lẽ ra phải dẫn tới một cuộc điều tra kỹ càng về quá khứ của tên này. Một số quan chức tình báo không liên quan đến vụ này cũng đã nghi ngờ khi điệp viên V-43118 (Barbie) từ chối tới Đức để huấn luyện.

Người ta đã tìm thấy những đề nghị về một cuộc điều tra như vậy trong hồ sơ về Barbie. Lãnh đạo Cơ quan tình báo CHLB Đức (BND) tại thời điểm đó rõ ràng đã bỏ qua việc thu thập thông tin chính thức về Altmann và cố tình bưng bít chuyện này.

Còn bao nhiêu kẻ như Barbie?

Thời Chiến tranh lạnh, Mỹ luôn lảng tránh những câu hỏi như thế này. Nhưng kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, dưới sức ép của nhiều tổ chức phi chính phủ và các nghị sĩ, Washington bắt đầu thừa nhận mối liên hệ trong quá khứ với các nhân vật thuộc phát xít Đức. Năm 1990, CIA công khai các tài liệu về hoạt động bí mật mang tên "Paperclip" về việc tuyển một số nhà khoa học Đức phục vụ trong các dự án bí mật của họ. Trong số này phải kể đến Wernher von Braun, cha đẻ của loại tên lửa V-2 và chương trình vũ trụ của Mỹ.

Tiếp theo, Bill Clinton còn tiến xa hơn. Năm 1998, ông cho tiến hành bỏ phiếu thông qua một đạo luật buộc tất cả các cơ quan, bao gồm cả các cơ quan tình báo, công khai các tài liệu của họ về tội phạm phát xít Đức. Hàng nghìn hồ sơ đã được công bố, đặc biệt trong những tài liệu được công bố mới đây đã khiến nhiều chuyện sáng tỏ. Có đủ bằng chứng cho thấy một số nhân vật phát xít rất có máu mặt đã bắt tay với CIA.

Có thể kể đến Herman Hôfle, phó chỉ huy sĩ quan cấp cao thuộc lực lượng SS được hồ sơ của Cơ quan Phản gián Mỹ CIC năm 1954 ghi chép: "Anh ta có thể trở thành nhân viên hữu ích cho chúng ta, mặc dù anh ta từng làm việc trong lực lượng SS và Gestapo". Theo mô tả trong hồ sơ thì  nhân viên khá "lịch lãm" trên là một trong những tên đồ tể khét tiếng nhất của phát xít Đức. Chính Hôfle đã lên kế hoạch trục xuất những người Do Thái ở Warsaw, Lublin, Radom, Cracovie và Lvov. Cũng là Hôfle đã giám sát việc xây dựng các trại giết người Sobibor, Treblinka và Belzec. Và chính y là kẻ ra lệnh cho xây các phòng hơi ngạt và các lò thiêu người man rợ.

Tháng 2/1954, CIA đã tuyển dụng y dưới cái tên giả Hans Hartman, với mức lương 100 mác/tháng. Tuy nhiên, đời gián điệp cho quân đội Mỹ của Hôfle chẳng được bao lâu. Kể từ tháng 6/1954, y bị cho thôi việc, vì hoạt động không hiệu quả. Đơn độc, không ai bảo vệ, Hôfle bị bắt vì tội ác chiến tranh năm 1961 và tự sát trong nhà tù ở Vienne (Áo).

Ngoài ra còn có Emil Augsburg, một trong những sĩ quan cao cấp SS mang nhiều nợ máu với người Do Thái. Sinh tại Lodz (Ba Lan) năm 1904, thông thạo tiếng Nga, Augsburg từng làm việc ở Viện Wannsee, nơi chuyên nghiên cứu Đông Âu. Cuối thập niên 40, Augsburg là một trong những tên Đức Quốc xã tiến hành các cuộc thảm sát nhằm vào người Do Thái. Sau chiến tranh, Emil Augsburg bị Chính phủ Ba Lan truy nã gắt gao nhưng ít ai ngờ rằng hắn cũng được CIC tuyển dụng làm cố vấn riêng cho các vấn đề Liên Xô! Tuy nhiên, Augsburg cuối cùng bị CIC bỏ rơi khi quan ngại có thể phiền hà.

Tuy nhiên, những tên tội khạm khét tiếng trên chả nhằm nhò gì so với Wilhelm Hoettl. Y nổi lên trong làng tình báo thập niên 50 như một trong những nhân vật chủ chốt với nhiều điệp vụ phản gián tầm cỡ. Sinh tại Vienna (Áo) ngày 19/3/1915, Hoettl là một trong những sĩ quan chóp bu của Cục An ninh Đức và từng là cố vấn cho viên Toàn quyền Edmund Veesenmayer tại Hungary năm 1944, chiếm vị trí chỉ sau Himmler.

Hoettl còn là một trong những đạo diễn chính trong quá trình triển khai chiến dịch bắt và tống gần 440.000 người Do Thái đến trại Auschwitz chỉ trong thời gian ngắn từ 15/5 đến 8/6/1944. Tháng 12/1944, khi Hồng quân Liên Xô ào ạt tiến vào Budapest, Hoettl nhanh chân trốn đến Oedenburg, rồi Vienna. Trong cùng thời gian, Hoettl thực hiện sứ mạng cứu Ngoại trưởng Galeazzo Ciano của nhà độc tài Italia Benito Mussolini (nhưng bất thành).

Ngày 8/5/1945, quân đội Mỹ bắt Hoettl tại thị trấn quê nhà Alt Aussee (Áo) của hắn. Từ Hoettl, nhiều thông tin đắt giá hiện ra, chẳng hạn về các nhóm chống Cộng ở Balkans và về Werewolf - tổ chức ngầm quyết tâm lấy lại hình ảnh huy hoàng thời Hitler. Ngoài ra, Hoettl cũng tình nguyện giao nộp 5 trạm điều hành cùng khoảng 30 điệp viên…

Có Hoettl, CIC tưởng như vớ được mỏ vàng. Mạng lưới cũ của Hoettl được lập thành hai cơ sở chuyên rình mò Hungary cũng như lực lượng Hồng quân ở đó đồng thời tìm cách phá rối nội bộ Đảng Cộng sản Áo. Tuy nhiên, người Mỹ nhanh chóng nhận ra rằng Hoettl chẳng mang lại lợi ích như mong đợi. Cuối năm 1949, CIA quyết định dẹp hai mạng lưới tình báo trên và đầu năm 1950, họ phải thừa nhận rằng Hoettl bám vào người Mỹ chỉ để giữ mạng sống.

Không chỉ có CIA, CHLB BND cũng đặc biệt quan tâm và tìm cách chiêu mộ những tội phạm Đức Quốc xã. Mùa hè 1949, BND đã tuyển mộ khoảng 400 nhân viên mà hầu hết trong số đó là những vị trí cấp cao có nguồn gốc từ bộ máy phát xít Đức. Trong đó khoảng 200 nhân viên BND được xác nhận từng là sĩ quan Đức Quốc xã và có cả tội phạm chiến tranh. Đến những năm 70, BND vẫn còn sử dụng tới 25-30% nhân viên  Đức Quốc xã.

Bao che, dung túng và lợi dụng

Thực ra những sĩ quan Đức đầu tiên được tuyển mộ vào mùa xuân năm 1945. Tuy nhiên, khi đó quân đội Mỹ khá thận trọng. Nhưng tình hình đã thay đổi nhanh chóng khi Chiến tranh lạnh bắt đầu. Ngay tháng 3/1946, CIC đã nhận định rằng mục tiêu chính của họ bây giờ là Liên Xô và các đảng Cộng sản châu Âu. Nhưng lực lượng phản gián Mỹ không có cả thông tin lẫn người đưa tin. Phát xít Đức lại có 10 năm đi trước.

Kể từ những năm 30, các gián điệp phát xít đã lập nên những mạng lưới nhân viên dày đặc ở Liên Xô và Đông Âu và nắm trong tay hàng nghìn tập tài liệu. Mỹ quyết định tận dụng điều này. Một trong những quan chức của CIC ở châu Âu là Richard Helms, người sau này trở thành giám đốc CIA cuối những năm 60, đã chủ trương "tìm tất cả những người Đức am hiểu về Nga và có thể làm tiếp công việc này cho chúng ta". Không loại trừ ai, cho dù đó là phát xít Đức, hay SS.

Mặt khác, khi sắp kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2 và ngay lập tức sau đó, Mỹ đặc biệt quan tâm tới việc làm thế nào để tiếp cận được với kho tàng tri thức về khoa học và kỹ thuật của quân phát xít Đức. Trong thời gian Chiến tranh lạnh, CIA duy trì được một mạng lưới điệp viên rộng lớn với sự giúp đỡ từ phía cựu phát xít Đức.

Cũng thời gian này, các nhà chính trị Đức cũng như toàn dân đều hình dung sự thảm bại của người Đức sẽ đến. Họ trông đợi sự đối đầu của Mỹ, Pháp, Anh dành cho quân Xôviết. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Reinhard Gehlen, một cựu thiếu tướng tình báo phát xít Đức đã thành lập lực lượng "chống Cộng" có tên gọi "Cơ quan của Gehlen" do ông ta chỉ huy dưới sự giám sát của Cơ quan tham mưu quốc gia CIC của Mỹ.

Năm 1956, cơ quan này mới được chính thức chuyển giao sang trực thuộc chính phủ và có tên gọi BND như hiện nay. Theo Harry Rositzke, lãnh đạo của mạng lưới CIA tại Xôviết thì phần lớn những kẻ cầm đầu Cơ quan SS đã được tuyển dụng vào BND.

Trên danh nghĩa, nhiệm vụ chính của BND chính là hoạt động tình báo đối ngoại nhưng họ lại rất quan tâm đến hoạt động chống phá CHDC Đức, khi đó không được xếp vào nhóm thuộc "nước ngoài". Ngoài ra, bản thân BND có một mạng lưới điệp viên rất đông đảo ngay trong nước. BND, lúc đầu chỉ hoạt động tại châu Âu, bắt đầu mở rộng mạng lưới điệp viên của mình trên khắp thế giới và tập trung mạnh vào Bolivia, đất nước ở thời điểm do một hội đồng quân sự nắm quyền. Phương Tây e ngại rằng một cuộc cách mạng chống lại chính quyền quân sự có thể khiến nước này rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô.

Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, BND cũng đã từng dính vào không ít những vụ bê bối - những phi vụ thất bại của các điệp viên tại Iraq và Afghanistan, hoạt động theo dõi trái phép các phóng viên, bản danh sách nổi tiếng hồi năm 1970 (liệt kê các nguồn tin bí mật của BND, trong đó có một loạt tổng biên tập của các tờ báo lớn tại Đức) v.v... Tuy nhiên, tiết lộ về sự bao che của BND đối với những tên đao phủ phát xít như Barbie được công luận đánh giá là một sự sỉ nhục đặc biệt đối với cơ quan này

Ngọc Mai
.
.