Vụ bê bối gián điệp giữa Lithuania và Nga
- Bê bối gián điệp lớn nhất ở Đức thời hậu chiến
- Bê bối gián điệp lớn nhất giữa đức và Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai?
- Căng thẳng ngoại giao giữa Đức - Mỹ vì bê bối gián điệp
Trong khi các nhà chức trách Lithuania không đưa ra được nhiều thông tin về vụ án cũng như các bằng chứng buộc tội, nhiều nhà quan sát lại đánh giá đây chủ yếu chỉ là một vụ việc mang dụng tâm chính trị trong tình cảnh đối đầu căng thẳng của cả hai nước…
Chính trị gia thất sủng
Công luận chỉ được biết về cái gọi là “âm mưu của nhóm Paleckis” sau khi ông ta bị bắt giữ gần hai tháng. Ngày 18-12-2018, nhà sử học đồng thời là ký giả Valeri Ivanov, một công dân Nga đang sống tại Vilnius, đã thông báo trên trang Facebook của mình về việc một nhóm người lạ mặt bất ngờ ập vào nhà của ông. Đó chính là các nhân viên của Cục An ninh quốc gia Lithuania (DGB), những người đã trưng ra một quyết định lục soát nhà và bắt giữ Ivanov trong 48 tiếng đồng hồ vì nghi ngờ hoạt động gián điệp.
Algirdas Paleckis. |
Được trả tự do sau khi cam kết không đi khỏi nơi cư trú, Ivanov cho biết, các nhân viên DGB đã hỏi ông ta rất nhiều về chính trị gia đối lập Algirdas Paleckis. “Tôi đã nói rằng có quen biết ông ấy, nhưng chúng tôi đã không gặp nhau từ 2 năm trước rồi” – Ivanov kể lại như vậy, đồng thời khẳng định ông đang bị cố tình gán ghép là “liên lạc viên giữa điện Kremlin với Paleckis”.
Ngay sau khi tạm giữ Ivanov, Tổng công tố viên Lithuania là Evaldas Pashilis đã tổ chức một cuộc họp báo bất ngờ, trong đó thông báo về việc bắt giữ Paleckis từ hồi tháng 10-2018 vì tội hoạt động gián điệp. Các nhà chức trách Lithuania cho biết, họ đã phát hiện cả một mạng lưới gián điệp đang có hoạt động đe dọa tới an ninh quốc gia của nước này. “Nếu mạng lưới gián điệp này không bị phát hiện, tôi nghĩ đây sẽ là một mối nguy hiểm thực sự đối với Lithuania” – ông Pashilis bổ sung thêm.
Ký giả Valeri Ivanov, một công dân Nga bị Lithuania bắt giữ và thẩm vấn trong đường dây Paleckis. |
Nhân vật Paleckis trên thực tế từng có thời gian khá nổi tiếng tại Lithuania. Nhiều người còn nêu tên Paleckis như một ví dụ điển hình của một chính trị gia đã làm hỏng sự nghiệp chính trị của mình chỉ trong phút chốc. Xuất thân từ gia đình một quan chức ngoại giao có ảnh hưởng, Paleckis ngay từ những năm 1990-2000 đã vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Lithuania, từng là trưởng ban phụ trách khu vực Tây Âu. Về sau, ông ta còn trở thành đại biểu quốc hội từ phe xã hội dân chủ, ủy viên hội đồng thành phố Vilnius trước khi trở thành phó thị trưởng.
Là người có quan điểm cánh tả, Paleckis vào năm 2009 đã được bầu làm thủ lĩnh một đảng mới có tên “Mặt trận nhân dân XHCN Litva”. Hai năm sau, ông ta được mời tham dự một chương trình truyền hình về vụ xung đột diễn ra tại Trung tâm truyền hình Vilnius vào ngày 13-1-1991, với hậu quả 14 dân thường thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Giả thuyết chính thức tại quốc gia này vẫn cho rằng, đây là lỗi của lực lượng quân đội Xôviết triển khai tại đây. Nhưng Paleckis khi bàn về sự kiện trên đã khẳng định, đây chỉ là chuyện “quân ta tự bắn vào người dân của mình”. Ông cũng nhắc lại luận điểm trên khi trả lời phỏng vấn trên Kênh truyền hình số 5 của Nga.
Paleckis cho rằng, chính những phần tử có vũ trang ủng hộ cho Lithuania rời khỏi Liên Xô đã bắn vào dân thường nhằm kích động sự căm thù của người dân đối với chính quyền liên bang. Ngay sau sự kiện trên, viện kiểm sát Lithuania đã khởi tố Paleckis. Dù phiên tòa đầu tiên đã phán quyết Paleckis trắng án, nhưng chính trị gia này vẫn phải nộp khoản tiền phạt gần 3.000 euro.
Điều nguy hại hơn là chính sự kiện trên đã khiến cho Paleckis bị cô lập về chính trị. Mọi người đều tránh xa ông ta, kể cả một số thành viên trong gia đình. Paleckis buộc phải từ bỏ sự nghiệp chính trị, bắt tay vào hoạt động với tư cách một nhà nghiên cứu chính trị theo quan điểm cánh tả. Chính trị gia hết thời này tạm hài lòng với cuộc sống như vậy trong suốt 7 năm, trước khi bị các nhân viên DGB gõ cửa và bắt giữ.
Câu hỏi chưa có lời giải
Câu hỏi đặt ra là tại sao một chính trị gia thất sủng không mấy ai còn nhớ từ vài năm qua lại bị cáo buộc dính dáng tới hoạt động gián điệp. “Algirdas từ năm ngoái đã quyết định đoạn tuyệt với chính trị - một chiến hữu cũ trong đảng của Paleckis giải thích – Quyết định trên bắt nguồn từ một vài nguyên nhân. Thứ nhất là từ vài năm nay, ông ấy luôn sống trong điều kiện chịu nhiều sức ép về tâm lý. Nhiều người quen cũ cũng đoạn tuyệt không còn kết giao. Ngay cả con trai và con gái của Algirdas cũng phàn nàn về việc họ bị khinh miệt tại trường học.
Sự kiện ngày 13-1 tại Trung tâm truyền hình Vilnius vẫn là một vết thương chưa bao giờ lành trong quan hệ Nga- Lithuania. |
Thứ hai là tất cả những nỗ lực nhằm quay trở lại chính trường của ông ấy đều thất bại”. Paleckis cũng từng tham gia tranh cử vào quốc hội vào năm 2012 và 2016 nhưng đều không thành công. Năm 2015, ông cũng rút khỏi hàng ngũ lãnh đạo chính đảng do mình sáng lập, trước khi rời khỏi đảng này một năm sau đó. Thời gian gần đây, Paleckis tham gia điều hành một số tổ chức phi chính phủ và luôn tránh né bình luận về tất cả những đề tài chính trị. Chính vì vậy, việc ông ta bị bắt giữ vì tội hoạt động gián điệp là một bất ngờ thực sự.
Trước mắt, các đại diện Viện kiểm sát Lithuania đã nêu tên một số cá nhân bị cơ quan mật vụ nghi ngờ tham gia vào “mạng lưới của Paleckis”. Trong số này có Leonidas Minkiavichus, thành viên đảng “Mặt trận nhân dân XHCN Litva”, người được coi là đã có âm mưu giúp Paleckis “chiếm chiếc ghế thị trưởng Vilnius 10 năm trước đây”. Tiếp đó là chính trị gia Arturas Sidlauskas, từng tham gia tranh cử quốc hội trong thành phần Đảng nhân dân Lithuania. Ngoài ra còn có phó chủ tịch “Mặt trận nhân dân XHCN Litva” Andrey Gorbatenkov, giám đốc công ty Food Expert là Deimantas Biartauskas, thương gia Pavel Zevzikov.
Tất cả đều bị cơ quan mật vụ khám xét tại nhà riêng. Chẳng bao lâu, “mạng lưới của Paleckis” lại xuất hiện thêm một con cá to nữa – đó là Vaidotas Prunskus, con trai của cựu Thủ tướng Kazimira Prunskiene. Nhân vật này sau một thời gian im hơi lặng tiếng cuối cùng cũng xuất hiện trước báo chí và khẳng định, anh ta cũng được các nhân viên mật vụ gặp gỡ và thẩm vấn, dù mọi chuyện sau đó đều ổn thỏa.
Nói chung, vụ án của Paleckis đang có quá nhiều nghi vấn cần giải đáp. Điển hình là những bí mật quốc gia nào có thể bị đánh cắp từ một nhân vật đã nhiều năm không có dịp tiếp cận với những thông tin mật. Theo các nhà chức trách, Paleckis cùng các tòng phạm không chỉ bị nghi ngờ hoạt động gián điệp, mà còn cố tình thu thập trái phép thông tin về một số cá nhân cụ thể.
Phản ứng của Moscow
Vụ việc về đường dây gián điệp của Paleckis đã gây ra phản ứng quyết liệt từ phía Moscow. Phát ngôn viên Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Moscow hết sức phẫn nộ trước âm mưu truy tố công dân của mình bằng những cáo buộc giả mạo. Phản ứng của Nga tất nhiên không chỉ dừng ở những tuyên bố. Ngay từ năm ngoái, Ủy ban điều tra của Nga đã khởi tố vụ án hình sự liên quan tới các quan chức hàng đầu của Viện Kiểm sát tối cao và tòa án Lithuania.
Một phần bản danh sách được tiết lộ trên tờ Respublika. |
Phía Lithuania có nhiều lý do để thực sự lo ngại về chuyện này. Theo họ, Nga đang tìm cách truy tố hình sự đối với những cá nhân đang điều tra vụ việc ngày 13 tháng giêng, theo như họ là một âm mưu dàn dựng nhằm chống lại Moscow. Nếu vụ án trên chính thức được khởi tố, Lithuania cần phải nghĩ cách bảo vệ các quan chức trong giới tư pháp của mình, vì họ hoàn toàn có thể bị bắt giữ tại bất kỳ một nước châu Âu nào theo các kênh của Interpol.
Một số nguồn tin còn khẳng định, chính Paleckis cùng các chiến hữu của mình đã tìm cách thu thập thông tin về các công tố viên và quan tòa đang tham gia vào vụ 13 tháng giêng. Những thông tin trên rất cần thiết đối với Nga để xác định rõ danh tính, đưa ra các cáo buộc trước khi gửi yêu cầu truy nã tới Interpol.
Trong quá khứ, tình báo luôn là một chủ đề nóng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Lithuania. Mới vào năm ngoái, tờ Respublika của Lithuania đã cho công bố một danh sách những cá nhân được cho là dưới thời Xôviết từng bí mật hợp tác với KGB, trong đó có nhiều chính trị gia, nhà hoạt động xã hội và diễn viên rất nổi tiếng. Theo một số nguồn tin, có hơn 118 ngàn người Lithuania từng hoạt động trong các mạng lưới của KGB trong giai đoạn từ giữa những năm 1940 đến đầu những năm 1990.
Sau khi Lithuania rời khỏi Liên Xô, chính quyền nước này đã yêu cầu tất cả những nhân vật trên cần phải ra khai báo để đổi lấy việc không đưa thông tin trên ra trước công luận. Tờ Respublika còn cho biết thêm, cho đến năm 2015, chính quyền đã có được một danh sách bao gồm 1.589 cái tên hiện đang rất thành đạt trong xã hội từng là điệp viên bí mật của KGB – tất cả đều giữ nhiều cương vị quan trọng trong chính phủ, quốc hội và cộng đồng kinh doanh.
Trước yêu cầu của công luận đòi phải công bố bản danh sách trên, quốc hội Lithuania vào tháng 9 năm ngoái đã bỏ phiếu với đa số tán thành việc khước từ đề nghị trên. Đơn giản là nếu danh sách trên được tiết lộ, tác động của nó chắc chắn sẽ là một cơn địa chấn thực sự trên chính trường và xã hội Lithuania. Dù sao, trên báo chí cũng xuất hiện nhiều thông tin và giả thuyết về một số cá nhân cụ thể trong danh sách này. Chẳng hạn như tờ Zmonos từng đăng tải thông tin cho rằng, diễn viên điện ảnh và nhà hát nổi tiếng Donatas Banionis từng được KGB tuyển mộ với mật danh Bronius vào tháng 10-1970 nhờ những mối quan hệ cá nhân rộng rãi với tầng lớp người Lithuania ở nước ngoài.
Hay như cựu bộ trưởng ngoại giao Povilas Gilis từng công khai chỉ trích Vitautas Landsbergis, cựu chủ tịch Xôviết tối cao nước này, từng làm việc cho KGB. Dù Respublika khước từ tiết lộ nguồn gốc của bản danh sách trên, nhưng một phần thông tin đến được với công chúng đã thực sự gây bất ngờ với những cái tên như của đương kim Tổng thống Dalia Grybauskaite, người vẫn nổi tiếng với đường lối cứng rắn đối đầu với Nga, Thủ tướng Saulius Skvernelis hay các cựu Bộ trưởng Quốc phòng Rasa Jukneviciene và Juozas Olekas v.v… cùng một loạt các chính trị gia, thương gia, nhà báo nổi tiếng khác.