Vụ “đảo chính tình báo thế kỷ” của CIA

Thứ Bảy, 29/02/2020, 14:27
Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có thể đọc thông tin mật của đồng minh và kẻ thù hàng chục năm trời sau khi mua công ty mật mã Thụy Sĩ Crypto AG chuyên bán máy mã hóa cho hàng chục quốc gia.

Điều tra chung mới công bố của Đài truyền hình ZDF (Đức) và tờ Washington Post (Mỹ) cho thấy công ty Crypto AG đã cho phép các điệp viên CIA và Tây Đức tiếp cận thông tin liên lạc của hơn 120 quốc gia sau khi ký kết hợp đồng trị giá nhiều triệu USD trong những năm 1950. Vụ việc bị coi là “vụ đảo chính tình báo thế kỷ”.

Trong hơn 50 năm, tình báo CIA và Tây Đức đã tác động tới các máy mật mã bán cho nhiều khách hàng như Iran, Ấn Độ, Pakistan, các nước Mỹ Latinh… để từ đó có thể phá mật mã, đánh cắp bí mật và kiếm hàng triệu USD.

Ông Hagelin bên cỗ máy mật mã.

Các điệp viên CIA kiểm soát quyết định tuyển dụng của Crypto AG, hỗ trợ thiết kế công nghệ theo ý thích của mình và thao túng các thuật toán để có thể phá hoại các kênh mà khách hàng tin cẩn giao cho công ty. Thỏa thuận mua Crypto AG giúp tình báo Mỹ giám sát chặt chẽ hơn các tình huống ngoại giao lớn như vụ khủng hoảng con tin Iran năm 1979 và có thể chia sẻ thông tin tình báo với các nước khác.

CIA đã cung cấp thông tin cho Anh về Argentina trong cuộc chiến Falklands, theo dõi các âm mưu ám sát lãnh đạo Nam Mỹ. CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia kiểm soát gần như toàn bộ hoạt động của Crypto AG từ giai đoạn những năm 1970 tới năm 2018 – khi công ty này bị bán và chấm dứt công việc với các cơ quan tình báo.

Với hàng triệu USD kiếm được từ dự án mua Crypto AG (lúc đầu có mật danh Thesaurus và sau là Rubicon), Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) đã dùng số tiền này để chi cho các chiến dịch tại thực địa, còn CIA thì mua đứt các công ty đối thủ để thiết lập vị thế gần như độc quyền cho Crypto. BND và CIA đã bán các mô hình an ninh cho các chính phủ đồng minh và can thiệp vào các  hệ thống khắp thế giới.

Crypto AG được thanh lý năm 2018 và hai công ty mua phần lớn tài sản của Crypto AG cho biết họ không có mối liên hệ nào với các cơ quan tình báo. Sản phẩm của Crypto AG vẫn được sử dụng ở hàng chục quốc gia.

Bản báo cáo về dự án dài 96 trang do Trung tâm Nghiên cứu Tình báo của CIA hoàn thành năm 2014 khiến dư luận đặt câu hỏi liệu Mỹ có biết về các tội ác diễn ra khắp thế giới nhưng không can thiệp để không lộ bí mật hay không.

Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo Mỹ rõ rỉ tài liệu tình báo năm 2013 cũng từng tiết lộ về dự án tương tự của Mỹ nhằm thao túng thiết bị liên lạc.

Thông tin mới của ZDF và Washington Post cho biết dự án của CIA diễn ra bên trong một cơ sở quân sự mà binh sĩ Mỹ sử dụng ở Munich và về sau chuyển sang phòng gác mái một tòa nhà gần Lãnh sự Mỹ. NSA gần như kiểm soát mọi khía cạnh của dự án và các mục tiêu nghe lén được chia theo ba khu vực: A đối với Liên Xô, B đối với châu Á và G với những nơi còn lại.

Tờ Washington Post cho biết đầu những năm 1980, hơn một nửa thông tin tình báo do nhóm G thu thập là thông qua thiết bị Crypto AG. Họ tìm cách vượt mặt các đối thủ bằng thỏa thuận mua Crypto AG năm 1970 với người phát minh ra cỗ máy mật mã Boris Hagelin. Hagelin sinh ra ở Nga, lớn lên ở Thụy Điển và sau đó chạy tới Mỹ năm 1940. Ông này dự định giao lại Crypto AG cho con trai là Bo, nhưng Bo đã chết trong tai nạn ô tô mà không ai nghi ngờ gì.

Ông Hagelin chỉ nói với một thành viên hội đồng quản trị công ty là Sture Nyberg về sự liên quan của CIA. Họ đã dùng mật danh để nói về dự án và che giấu các hợp đồng sở hữu nhờ sự giúp của một công ty luật ở Đức. Công ty luật này thành lập các công ty bình phong và tạo các hợp đồng chỉ cần chữ ký của người cầm séc.

Tuy nhiên, các đối thủ chính của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh là Liên Xô và Trung Quốc lại không dùng sản phẩm của Crypto AG. Dù vậy, các khách hàng khác gồm có Iran, Ấn Độ, Pakistan, Mỹ Latinh, Vatican.

Báo cáo của CIA viết: “Các chính phủ trả nhiều tiền mua thiết bị cho Mỹ và Tây Đức để rồi những liên lạc bí mật nhất của họ lại bị ít nhất hai quốc gia đọc, có thể là 5 hoặc 6 quốc gia”.

Phía Đức rất sốc khi Mỹ sẵn sàng do thám tất cả trừ những đồng minh thân cận nhất. Mục tiêu của họ có cả các nước thành viên NATO như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy. Dự án với Crypto AG cho phép họ theo dõi các giáo sĩ Hồi giáo Iran khi xảy ra khủng hoảng con tin năm 1979.

Giám đốc NSA Bobby Ray Inman cho biết khi chính quyền Tổng thống Jimmy Carter hỏi NSA về phản ứng của Iran với thông điệp mới nhất trong thỏa thuận giải thoát cho 52 con tin ở Đại sứ quán Mỹ, NSA có thể trả lời tới 85%.

Về việc cung cấp thông tin về cuộc chiến Falklands, khi Argentina nghi ngờ về mức độ an ninh của máy mật mã, họ đoán rằng NSA có thể đã bẻ khóa được máy cũ nhưng cho rằng chiếc máy CAG 500 mới nhất thì không thể xâm nhập. Tuy nhiên, họ đoán nhầm. Argentina nuốt cục đắng nhưng vẫn mua thiết bị CAG.

Sự cố này là một trong những lý do khiến tình báo Đức rời dự án nhạy cảm năm 1993 do sợ bị lộ. Tuy nhiên, CIA đã mua cổ phần Crypto AG từ Đức và tiếp tục dự án để do thám tới tận năm 2018. Khi đó, CIA bán tài sản của Crypto AG.

Tầm quan trọng của Crypto AG với thị trường an ninh toàn cầu giảm sau đó khi công nghệ mã hóa trực tuyến phổ biến. Từ chỗ là phạm vi độc quyền của các chính phủ và tập đoàn lớn, mã hóa giờ nhan nhản như ứng dụng trên điện thoại di động.

Trong quá trình cùng tham gia dự án, tình báo Đức và Mỹ có tranh cãi về tiền bạc, quyền kiểm soát và giới hạn đạo đức. Tuy nhiên, cả hai đều công nhận dự án thành công ngoài dự đoán. Có thời điểm mà 40% điện tín ngoại giao và các thông tin truyền qua các hình thức khác của các chính phủ đều qua tay Crypto AG và được NSA giải mã, khai thác làm thông tin tình báo.

Thùy Dương
.
.