Vũ khí dầu mỏ trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc

Thứ Bảy, 29/12/2018, 07:20
Lịch sử cho thấy nhu cầu dầu mỏ từ các quốc gia thành viên của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã suy giảm mạnh vào đầu thập niên 1980 và phương Tây triển khai nhiều dự án khoan thăm dò dầu mỏ ở Bắc Hải, Alaska và Vịnh Mexico.

Ngày nay các công ty dầu mỏ phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm những trữ lượng bổ sung. Và, khoảng 40% trữ lượng dầu mỏ mới trên toàn thế giới được khám phá ở vùng biển sâu. Điều đó cho thấy vũ khí dầu mỏ thật ra chỉ trực tiếp chống lại những người sở hữu dầu mỏ!

Sự thật về sức mạnh răn đe của vũ khí dầu mỏ

Vũ khí dầu mỏ được sử dụng lần đầu tiên vào mùa hè năm 1967, tức không lâu sau sự bùng nổ cuộc Chiến tranh 6 ngày. Lúc đó, các bộ trưởng dầu mỏ Arab họp bàn cách trừng phạt phương Tây và quyết định ngưng bán dầu cho Mỹ và Anh sau khi Israel không kích những mục tiêu ở Ai Cập.

Nhưng biện pháp này không có được hiệu quả như mong muốn nên các quốc gia Arab buộc phải dỡ bỏ lệnh cấm này chỉ sau vài ngày thực thi. Lý do là Liên Xô ngay lập tức lấp đầy khoảng trống dầu mỏ mà Arab tạo ra, đồng thời nguồn thu nhập của Arập cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cuối cùng, vũ khí dầu mỏ được sử dụng lần đầu tiên đã thất bại.

Iran và phương Tây thường sử dụng dầu mỏ làm vũ khí đối đầu nhau.

Dầu mỏ được dùng làm vũ khí lần thứ hai vào 7 năm sau đó, tức sau sự bùng nổ Chiến tranh Yom Kippur vào tháng 10-1973, nhưng nó cũng có tác dụng ngược. Lúc đó, liên minh OPEC quyết định tăng gấp đôi giá dầu thô từ 2,90 USD đến 5,11 USD một thùng. OPEC cũng quyết định giảm 5% sản lượng dầu thô một tháng cho đến khi Israel rút quân khỏi vùng lãnh thổ nước này chiếm đóng năm 1967. Phản ứng của phương Tây gần như là hoảng loạn và người tiêu thụ bắt đầu lo tích trữ xăng dầu cho phương tiện giao thông và hệ thống lò sưởi.

Nhưng sự sợ hãi thật ra đã bị thổi phồng. Ví dụ nước Đức chỉ thiếu hụt 12 triệu trong số 370 triệu tấn dầu tiêu thụ trong một năm, một con số dễ dàng được bù đắp từ những nguồn khác. Nói khác đi, không có sự đình trệ nào thật sự xảy ra và mặt trận thống nhất của OPEC chống lại phương Tây đã nhanh chóng tan vỡ. Algeria rút khỏi lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC trước tiên, sau đó đến Iraq. Khi vài quốc gia sản xuất dầu mỏ tăng giá dầu đến 11,65 USD một thùng vào ngày 23-12-1973, Saudi Arabia - quốc gia thành viên quan trọng nhất của OPEC - không tán thành lệnh cấm vận. Một lần nữa, vũ khí dầu mỏ không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Sự thiếu thống nhất trong OPEC vẫn tiếp tục xảy ra cho đến ngày nay. Kể từ khi thành lập vào năm 1960, OPEC từng có sự chia rẽ nội bộ giữa một bên là những quốc gia như Saudi Arabia, nước có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ và luôn có kế hoạch dài hạn, và một bên là những quốc gia cứng rắn ủng hộ biện pháp đối đầu bất chấp hậu quả. Nhưng thực tế cho thấy biện pháp cấm vận dầu mỏ chỉ gây hại cho các quốc gia thành viên OPEC.

Ahmed Zaki Yamani, cựu bộ trưởng dầu mỏ của Saudi Arabia, thường cảnh báo những nước thành viên của liên minh không nên có những hành động quá mạnh tay. Tháng 11-1973, Yamani nói mục tiêu của OPEC không là "làm tê liệt và huỷ hoại" nền kinh tế của các quốc gia phương Tây. Yamani biết rằng mỗi cú sốc giá dầu chỉ gây nên hậu quả tai hại, bởi vì khi giá dầu tăng cao thì các quốc gia công nghiệp bắt đầu tìm kiếm các nguồn năng lượng khác thay thế.

Ví dụ, các nhà chế tạo ô tô sẽ phát triển những chiếc ô tô tiết kiệm nhiên liệu hơn, và nhà thầu xây dựng sẽ tăng cường thêm chất cách nhiệt cho mỗi công trình của họ. Vũ khí dầu mỏ được các quốc gia tiêu thụ sử dụng cũng chẳng có hiệu quả gì. Những ví dụ từ Iraq, Nigeria, Sudan và Libya đã chứng minh cho thấy những biện pháp cấm vận dầu mỏ khó thực thi như thế nào cũng như dễ tìm cách tránh né chúng ra sao.

Ngoài ra, những quốc gia tiêu thụ dầu mỏ cũng không là một nhóm thuần nhất khi phải trừng phạt một nước như Iran. Đối với các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản có nhu cầu 10% dầu thô từ Iran. Hàn Quốc không dễ vi phạm những hiệp ước đã ký kết với Tehran. Nhật Bản càng cần lượng lớn dầu mỏ hơn nữa sau thảm họa hạt nhân Fukushima. Dù sao thì trong bất cứ trường hợp nào, vũ khí dầu mỏ cũng là công cụ không hiệu quả đối với cả nhà sản xuất lẫn người tiêu thụ. Bởi vì cả hai phía đều phụ thuộc lẫn nhau - nhà sản xuất cần tiền còn người tiêu thụ cần nhiên liệu.

Chính sự phụ thuộc lẫn nhau này cuối cùng sẽ dẫn đến… sự thoả hiệp. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, cả hai bên đối đầu đều sẽ phải chịu mất mát về phần mình. Trong quá khứ, Iran và Saudi Arabia cũng từng lao vào cuộc chiến tranh đặc biệt làm tiêu hao sinh lực kinh tế của cả hai quốc gia trong vài thập niên - với vũ khí lựa chọn là dầu mỏ chứ không là chất nổ. Cả hai chế độ cùng cảnh báo một cách sắc sảo rằng mặc dù bom đạn có thể giết người, nhưng chúng không thể gây phá sản mà chỉ có sự suy sụp đột ngột trong thu nhập từ dầu mỏ mới có thể dẫn đến hậu quả ghê gớm đó.

Trong thời gian sau này, một số tài liệu giải mật của chính quyền Mỹ tiết lộ vào mùa hè và mùa thu năm 1976, ngay giữa chiến dịch tranh cử tổng thống căng thẳng của hai đối thủ mạnh Ford - Carter, nhóm cố vấn kinh tế của tổng thống Gerald Ford lo ngại giá nhiên liệu tăng cao có thể dẫn đến sự sụp đổ tài chính toàn cầu. Vào 3 năm trước đó, Shah Reza Pahlavi đã mưu mô một "cú sốc dầu mỏ" gây tăng giá phi mã làm lung lay những đế chế tài chính phương Tây.

Để thanh toán những hoá đơn dầu mỏ cao cắt cổ của OPEC, các quốc gia Nam Âu buộc phải vay những khoản tiền khổng lồ từ những nhà cho vay tư nhân và cả các ngân hàng ở Wall Street - bao gồm Bank of America, Citibank, Chase Manhattan và Morgan.

Các ngân hàng này cho vay quá nhiều tiền và quá nhanh đến nỗi vào cuối năm 1976 họ có nguy cơ thấy rõ là những con nợ châu Âu tiến gần đến mức mất khả năng trả nợ. Sự lo sợ của Alan Greenspan và những quan chức khác trong chính quyền Ford là Bồ Đào Nha, Italy và Tây Ban Nha có thể bị vỡ nợ dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính nguy hiểm.

Washington buộc phải quay sang cầu cứu Saudi Arabia và hoàng gia nước này đồng ý bơm dầu vào thị trường với giá rẻ. Quyết định của Saudi Arabia đã đánh đòn đau vào nền kinh tế thiếu sinh khí của Iran. Saudi Arabia muốn dạy Shah Reza Pahlavi một bài học và họ đã có được thành công khi thu nhập từ dầu mỏ của Iran bị suy sụp vào đầu năm 1977 gây mất ổn định kinh tế nước này và từ đó dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính làm lung lay nền móng chế độ Pahlavi.

"Chúng ta đang khánh kiệt", Pahlavi rên rỉ khi sản lượng dầu mỏ của Iran sụt xuống 38% chỉ trong vòng có 9 ngày - tương đương 2 triệu thùng dầu một ngày. Một con số gây choáng váng chính quyền Iran. Vũ khí dầu mỏ mà Saudi Arabia sử dụng chống lại Iran lúc đó đã góp phần làm mất đi sự ủng hộ của người dân đối với chính quyền của Pahlavi, từ đó dẫn đến cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. 

Cuộc chiến dầu mỏ mà hoàng gia Saudi Arabia phát động chống Reza Pahlavi đã trở thành khuôn mẫu cho những sự đe dọa và mưu đồ nham hiểm ngày nay giữa sự đối đầu của hai quốc gia Saudi Arabia và Iran. Người Saudi Arabia luôn hiểu rõ những điều mà người phương Tây không thể hiểu nổi - đó chính là dầu mỏ đồng thời là hàng hoá và thứ vũ khí siêu mạnh.

Đối với họ, dầu mỏ tạo nên sự thịnh vượng, phát triển kinh tế quốc gia và bảo vệ quyền lực hoàng gia. Nhưng, dầu mỏ cũng là công cụ hàng đầu để bảo vệ quốc gia, một vũ khí tấn công tiềm tàng và chiếc chìa khoá cho an ninh và sự sống còn của hoàng gia.

CIA và kế hoạch "chính sách khắc chế" chống Liên Xô

Năm 2016, một số tài liệu tuyệt mật được giữ kín trong suốt nhiều năm dài tiết lộ Mỹ và Anh có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn Liên Xô chiếm đoạt những nguồn dầu mỏ có giá trị ở Trung Đông. Hồ sơ mật - được tờ Politico Magazine phát hiện tại Thư khố Quốc gia Anh ở London - phơi bày khá chi tiết về những bước đi của Mỹ và Anh nhằm vô hiệu hóa nguồn dầu mỏ Trung Đông như thế nào. Các tài liệu tại Thư viện Tổng thống Truman ở Mỹ cũng tiết lộ về kế hoạch này.

Hải quân Iran bắn tên lửa Mehrab trong cuộc tập trận "Velayat-90" ở Eo biển Hormuz, ngày 1-1-2012.

Vào một ngày mùa hè năm 1951 ở thủ đô London nước Anh, sĩ quan George Prussing ở Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có mặt tại trụ sở Bộ Dầu mỏ và Năng lượng Anh và nói chuyện với 3 giám đốc điều hành người Anh làm việc cho 3 công ty dầu mỏ - Iraq Petroleum, Kuwait Oil và Bahrain Oil - về một kế hoạch tuyệt mật đối phó với Liên Xô của chính quyền Mỹ. Prussing đề nghị sự giúp đỡ và đồng ý hợp tác với CIA. Prussing cũng nhấn mạnh về vấn đề an ninh, bao gồm việc giữ bí mật đối với các quốc gia mục tiêu ở Trung Đông bao gồm Saudi Arabia, Iran và Iraq.

"An ninh hiện nay quan trọng hơn sự thành công của bất cứ chiến dịch nào", Prussing nói với họ. Mục đích kế hoạch là tàn phá ngành công nghiệp dầu mỏ ở Trung Đông nếu như khu vực rơi vào quyền kiểm soát của Moscow. Cụ thể là, các giếng dầu sẽ bị bít lại, trang thiết bị và các  kho dự trữ dầu bị phá hủy, các nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn dầu được vô hiệu hóa - nghĩa là bất cứ hành động gì nhằm ngăn chặn Liên Xô sở hữu những nguồn dầu mỏ có giá trị. CIA gọi kế hoạch tuyệt mật là "chính sách khắc chế".

Điều khôi hài là, vào năm 1941, Anh và Liên Xô là đồng minh thời chiến và cả hai cùng triển khai Chiến dịch Countenance để chống lại khả năng người Đức kiểm soát nguồn dầu mỏ ở Trung Đông. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, ông Stalin và Liên Xô lại trở thành kẻ thù của Mỹ và Anh khi cuộc Chiến tranh Lạnh bắt đầu hình thành.

Đã hơn 60 năm trôi qua kể từ khi tổng thống Mỹ Harry S. Truman phê chuẩn kế hoạch gọi là NSC 26/2 để ngăn chặn quân đội Liên Xô nắm giữ nguồn dầu mỏ Trung Đông. Các tài liệu từ Thư khố Quốc gia Anh cho thấy lần đầu tiên CIA có vai trò chủ đạo trong kế hoạch biến các công ty dầu mỏ thành lực lượng bán quân sự sẵn sàng thực hiện "chính sách khắc chế" của chính quyền Mỹ. Chương trình giám sát của CIA bao gồm việc bí mật cài một số điệp viên ngầm vào trong nội bộ các công ty dầu mỏ để hoạt động gián điệp.

Tài liệu mật cũng tiết lộ những cuộc bàn luận giữa Mỹ và Anh về kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân ở Iraq và Iran. Giới chức quân sự Anh lúc đó tin rằng bom nguyên tử cũng có thể là lựa chọn để phá hủy những nhà máy lọc dầu. Anh thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân vào đầu thập niên 1950 và năm 1953 - với sự giúp đỡ của Mỹ - lật đổ thủ tướng Iran Mohammad Mossadeg sau khi người này dám đề nghị quốc hữu hóa công ty dầu mỏ Anh-Ba Tư, về sau trở thành BP.

Trước đây, do sự nhầm lẫn tai hại mà kế hoạch NSC 26/2 bị một thủ thư Thư viện Tổng thống Truman - một bộ phận của Cơ quan Quản trị Hồ sơ chính quyền và Thư khố Quốc gia Mỹ (NARA) - giải mật. Do sự tắc trách vô cùng nguy hiểm này mà CIA giận dữ yêu cầu sa thải ngay lập tức người thủ thư. Tuy nhiên, sau đó người này vẫn tiếp tục là nhân viên thư viện song bị tước quyền sử dụng thông tin mật.

Mặc dù sau đó hồ sơ NSC 26/2 được tái phân loại tuyệt mật trở lại, nhưng vào lúc đó công ty Research Publications ở bang Connecticut miền bắc nước Mỹ đã kịp thời gửi hồ sơ giải mật cùng với một số tài liệu vi phim đến cho các thư viện khác trên khắp đất nước. Toàn bộ vi phim không được thu hồi lại do chính quyền cho rằng hành động này có thể thu hút sự chú ý trong dư luận.

Kế hoạch NSC 26/2 được công chúng biết đến vào năm 1996 qua câu chuyện của Charles Crumpley đăng tải trên tờ The Kansas City Star song vẫn còn giữ bí mật một phần. Năm 1953, kế hoạch NSC 26/2 được chính quyền tổng thống Dwight D. Eisenhower thay thế bằng kế hoạch NSC 176 và về sau đổi tên gọi lần nữa thành NSC 5401 với sự nhấn mạnh hành động tăng cường bịt kín những giếng dầu để "bảo tồn" nguồn dầu mỏ Trung Đông để các chính quyền phương Tây sử dụng sau này.

Mặc dù vậy, "chính sách khắc chế" vẫn tiếp tục kêu gọi các công ty dầu mỏ vô hiệu hóa hay phá hủy các cơ sở và trang thiết bị sản xuất dầu nhằm ngăn chặn sự chiếm hữu từ Liên Xô. Do lo ngại sự rò rỉ thông tin mật đến các chính quyền Trung Đông cho nên "chính sách khắc chế" được tái cấu trúc vào năm 1957 với tên gọi NSC 5714. Và, chính sách mới chủ yếu bảo vệ các cơ sở dầu mỏ trước những cuộc  không kích và phá hoại.

Về cơ bản, đây là câu chuyện về tầm quan trọng ngày càng tăng của nguồn dầu mỏ khổng lồ ở Trung Đông cũng như sự thèm khát kiểm soát của phương Tây. Và mãi cho đến ngày nay, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục thể hiện sự thèm khát này bằng sự can thiệp vào khu vực đầy nhạy cảm.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.