Cuộc trấn áp đẫm máu trong ngày mừng chiến thắng

Thứ Tư, 14/10/2015, 13:45
Vào ngày 8/5/1945, trong khi tại chính quốc, toàn dân Pháp ăn mừng chiến thắng phát xít đức, thì ở Constantinois, Algérie, ngày đó biến thành cuộc tàn sát đẫm máu. 70 năm sau, bí ẩn vẫn bao trùm lên con số người chết và lên những lý do của cuộc biến động mang tính định mệnh này, mở đường cho cuộc chiến tranh Algérie.

Những xác chết bị vứt xuống giếng hoặc bị thiêu trong các lò vôi

Ngày 8/5/1945, trong vùng Constantinois của Algérie cũng như tại chính quốc là nước Pháp, mọi người ăn mừng cho sự kiện phát xít Đức đầu hàng. Tại Sétif, ngày chợ phiên biến thành ngày trẩy hội. Khoảng 9 giờ, đoàn người (khoảng 7.000 - 8.000 hoặc 10.000?) dừng lại trước Le Café de France. Các tấm băng rôn nổi bật dòng chữ: "Algérie độc lập tự do muôn năm" cùng một lá cờ Algérie.

Đa số những người đấu tranh cho Algérie đều ngả về phía đấu tranh có vũ trang sau tháng 5/1945.

Những người theo chủ nghĩa quốc gia của đảng Nhân dân Algérie của ông Messali Hadj và nhóm Những người bạn của tuyên ngôn và tự do của ông Ferhat Abbas lợi dụng buổi tụ họp này để đưa ra những yêu sách trước nhà cầm quyền thực dân (Pháp). Thế này thì thật quá đáng! Hôm trước đó, chính quyền đã cảnh báo: cho phép biểu tình, nhưng chỉ trương cờ Pháp hoặc cờ của đồng minh thôi.

Lúc ấy, anh Bouzid Saal, một thanh niên 26 tuổi mang lá cờ của người Algérie, bị bắn hạ. Mọi người bắt đầu hoảng loạn. Người dân Algérie phân tán khắp thành phố, và đến lượt họ tấn công người châu Âu. Có 29 người châu Âu bị giết trong ngày đầu tiên đó.

Vào chiều tối, một cuộc tụ họp khác diễn ra tại Guelma, cách Sétif 180km. Cảnh sát bắn chết 4 người Algérie. Trong thành phố này, nơi mà đại đa số dân cư là người Hồi giáo (4.500 người châu Âu trong tổng số 20.000 dân cư), Quận trưởng Guelma là André Achiary được báo trước qua điện thoại về những  biến cố tại Sétif, đã ra lệnh cấm trại 3 đại đội bao gồm lính biệt kích người Algérie và lực lượng dân quân tự vệ. Ngày 8/5/1945 đánh dấu sự chia cắt không thể cứu vãn giữa thực dân và người Hồi giáo, cũng là bước đầu tiên tiến đến cuộc chiến tranh độc lập của Algérie.

Buổi lễ đầu hàng của các bộ tộc Algérie vào ngày 22/5/1945, gần Kherrata, trước sự hiện diện của tướng Henry Martin (bên phải).

Ngày hôm sau, các bộ tộc ở nông thôn muốn báo thù cho người thân của họ và thực hiện những đòn trả đũa. Chính quyền thực dân bắt đầu lo sợ. Họ đóng cửa, tự vũ trang, phản công và họ yêu cầu được bảo vệ. Ngày 11/5, tướng De Gaulle, người đứng đầu Chính phủ Pháp lâm thời, ra lệnh can thiệp bằng vũ lực qua một bức điện tín không úp mở: "Hãy áp dụng mọi biện pháp cần thiết để trấn áp mọi mưu toan chống lại người Pháp của một nhóm những kẻ gây rối”.

Cuộc trấn áp do tướng Duval chỉ huy Sư đoàn Constantine diễn ra rất tàn bạo. 1.000 quân nhân dàn trận, những chiếc xe bọc thép có trang bị hỏa lực mạnh rảo khắp các con phố và nhắm vào dân bản địa. Cuộc trấn áp chính thức chấm dứt vào ngày 22/5. Ngày đó, quân đội Algérie tổ chức những buổi lễ quy hàng, và người dân Algérie phải quỳ mọp trước lá cờ Pháp trong khi quân nhạc cử hành bài “La Marseillaise” - quốc ca Pháp. Người dân Algérie hoàn toàn bị hạ nhục.

Nước Pháp mau chóng ra sức che phủ một tấm khăn thẹn thùng lên những biến cố tại Constantinois. Trong suốt tháng 5, bộ máy kiểm duyệt hoạt động hết mức, và có rất ít thông tin  bay tới chính quốc. Tại Algérie, nhiều người bị lôi ra khỏi nhà tù và bị bắn mà chẳng hề qua xét xử. Các xác chết dù đã chôn vẫn bị đào lên rồi bị vứt xuống giếng hoặc thiêu trong các lò nung vôi để việc đếm xác chết trở thành bất khả. Hầu như không có một lời khiếu nại về chuyện có người mất tích được nhà cầm quyền ghi nhận, và hồ sơ lưu trữ của các nhà tù có những chỗ thiếu đáng ngờ. Người châu Âu không được biết về bất cứ điều gì xảy ra trong những ngày đó.

Ngày 19/5/1945, cuối cùng tướng De Gaulle cũng chỉ thị cho tướng Paul Tubert tiến hành điều tra. Nhưng vị tướng này là thành viên của Liên đoàn Nhân quyền, bị kẹt lại tại thủ đô Alger cho tới ngày 25/5. Khi ông ta tới Constantinois thì lại lập tức bị triệu hồi  về Alger ngay tối hôm đó. Ông ta không thể tới được Guelma, nơi xảy ra phần lớn các cuộc đàn áp tàn bạo và khi đó vẫn đang diễn ra các cuộc trấn áp. Phải chăng tướng De Gaulle muốn miễn tội cho Quận trưởng Guelma là ông André Achiary? Dường như chính vị đứng đầu chính phủ lâm thời đã ra lệnh gián đoạn công việc của Ủy ban Giám sát nhân quyền.

Dẫu sao thì ông Paul Tubert cũng đưa ra được một bản tường trình từ một vài yếu tố mà ông đã thu nhặt được. Khi công khai bản tường trình đó vào năm… 2005, ông không để cho một chút nghi ngờ nào bao trùm lên những người chịu trách nhiệm: "Vì lợi ích tối thượng của quốc gia mà người ta đã dễ dàng trấn áp một cách mù quáng và đại trà, đồng thời cho phép trừng phạt một vài thủ phạm trong khi có hàng ngàn người vô tội bị thảm sát, và quyền miễn trừ cho nhân viên hành chính, chẳng hạn như miễn trừ cho Quận trưởng Guelma, kẻ đã ra lệnh bắt giữ và bắn chết những người Hồi giáo tại đây một cách cố ý và không có lý do, và gia đình của họ vẫn đang còn yêu cầu điều tra, xét xử hay chỉ đơn giản là yêu cầu một lời giải thích nhưng vô ích”.

Ngày 24/6/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Adrien Tixier đã nhận được bản tổng kết trong một cuộc viếng thăm Guelma: "400 người bị giết và khoảng 250 người bị thương". Trong khi con số ước tính về người chết mà bên Algérie đưa ra là từ 1.000-1.500. Từ năm 1962, Chính phủ Algérie độc lập, vì muốn làm cho vụ Sétif thành một biểu tượng, đã đẩy con số người chết lên tới 45.000! Vài năm sau, những cựu lãnh đạo của Algérie thừa nhận là đã chọn con số đó với mục đích tuyên truyền.

Đến nay, con số những người bị giết vẫn chưa chính xác. Sử gia Annie Rey-Golzeiguer đã tạm kết luận: "Điều khẳng định duy nhất có thể được, chính là con số đó phải vượt quá một trăm lần số người châu Âu bị mất, và điều còn lại là hình ảnh về một cuộc tàn sát vẫn nằm trong ký ức của mọi người”. Chỉ có con số tử vong của người châu Âu (120) là không ai phản đối". Một câu hỏi nữa là phải chăng người theo chủ nghĩa quốc gia của Algérie đã muốn lợi dụng buổi lễ ăn mừng ngày 8/5 để phát động một cuộc khởi nghĩa?

Bối cảnh quốc tế thuận lợi cho việc giành độc lập

Từ năm 1940, người Algérie đã thấy quân đội Pháp bị tan vỡ, người Mỹ đổ bộ lên Bắc Phi trong tư thế những người chiến thắng, còn quân du kích của tướng De Gaulle thì chống lại quân của tướng Giraud. Uy thế của nước Pháp không còn được như trước nữa. Bối cảnh quốc tế khi đó rất thuận lợi cho dân Algérie. Liên minh các nước Arập được thành lập vào tháng 3/1945.

Messali Hadj (trong ảnh tại Pháp) bị đày sang Congo vào ngày 23/4/1945.

Tháng 4 năm đó, hội nghị tại San Francisco đưa đến việc chuẩn y bản hiến chương của Liên Hiệp Quốc xác định "quyền lợi của các dân tộc". Tại Algérie, việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử hội đồng thành phố dự kiến tổ chức vào tháng 7 đã thúc đẩy việc đưa ra các yêu sách. Truyền đơn được phân phát, trên các bức tường đều treo các khẩu hiệu: "Hãy trả tự do cho Messali Hadj".

Vị lãnh đạo này đã bị nhà cầm quyền Pháp đưa sang Congo vào tháng 4/1945, khẩu hiệu trên đã trở thành mật lệnh cho các cuộc tụ họp. Dần dần, quân du kích của Messali Hadj chiếm ưu thế so với phe ôn hòa thân với ông Ferhat Abbas. Thế thì chẳng có ai lại không sẵn sàng cho cuộc khởi nghĩa vào ngày 8/5.

Ferhat Abbas (ảnh chụp năm 1950).

Phong trào đòi quyền tự trị vấp phải sự chống đối của chính quốc. Sau khi chiến tranh kết thúc, tướng De Gaulle muốn chứng tỏ rằng nước Pháp vẫn là một cường quốc. Ông ta cần các thuộc địa và không thể chấp nhận buông lỏng kỷ cương tại Algérie. Còn tại đây, cộng đồng người châu Âu cảm thấy bị nguy hiểm và không chịu nổi sự khước từ của một nước mà họ cho rằng đã mang nền văn minh đến.

Ngọn lửa bùng lên vào ngày 8/5 tại Constatinois, là nơi phát sinh những người theo chủ nghĩa quốc gia, mà lãnh đạo là ông Ferhat Abbas, người được mệnh danh là "dược sĩ của Sétif". Đây là giai đoạn mà đa số những người chiến đấu cho Algérie ngả về phía đấu tranh vũ trang. Văn sĩ Kateb Yacine, lúc ấy mới 16 tuổi, đã mô tả ngày đó như là "chất kết dính của chủ nghĩa quốc gia". Năm 1982, ông Ahmed Ben Bella, người đầu tiên điều hành Algérie độc lập nói rằng, những ngày đó đã thuyết phục ông "phải dùng bạo lực để đáp trả bạo lực".

60 năm sau, nước Pháp mới chịu nhận trách nhiệm. Năm 2005, Đại sứ Pháp tại Algérie là Hubert Colin de Verdierè mô tả "những cuộc thảm sát tại Sétif" như là một "thảm kịch không thể tha thứ được". Tháng 12/2012, Tổng thống Francois Hollande thừa nhận trước Quốc hội Algérie rằng: "Vào chính cái ngày mà cả thế giới chiến thắng sự man rợ thì nước Pháp lại hành xử thiếu tính con người".

Minh Thu (theo L'Express)
.
.