Đấu tranh chống tội phạm mua bán người ở vùng cao biên giới

Thứ Sáu, 02/10/2020, 09:17
Trong những năm qua, tình hình tội phạm hình sự nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn diễn biến phức tạp. Công an các đơn vị, huyện, thành phố đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng gây án.

Chia sẻ với chúng tôi sau khi xuống địa bàn tuyên truyền pháp luật trở về, Trung tá Lưu Minh Huỳnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cao Bằng cho biết: Sở dĩ tội phạm mua bán người hoạt động trên địa bàn tỉnh một phần vì đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa, đường xá đi lại khó khăn, hay tự do qua chỗ vùng giáp biên làm thuê.

Điều đó tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng, dụ dỗ phụ nữ và trẻ em lừa bán sang bên nước bạn. Các vụ án về mua bán người điều tra rất khó khăn, có nhiều bị hại, cơ quan Công an giải cứu nhưng trong thời gian bị bán quá lâu, ngôn ngữ bất đồng, không rõ lai lịch…

Đối tượng Ly Mí Sính tại cơ quan Công an.

Cũng theo Trung tá Lưu Minh Huỳnh, tội phạm mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của một số phụ nữ và trẻ em để thực hiện hành vi phạm tội.

Thay vì trực tiếp tiếp cận và làm quen với nạn nhân, hiện nay, ngày càng nhiều đối tượng phạm tội mua bán người lợi dụng Internet, mạng xã hội giới thiệu việc làm, tán tỉnh, giả vờ yêu đương, đi làm thuê thu nhập cao, tổ chức đi du lịch, chữa bệnh… để tiếp cận, dụ dỗ một số phụ nữ và trẻ em có trình độ học vấn thấp, nhận thức xã hội còn hạn chế, có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.

Một số muốn có việc làm thu nhập cao, muốn lấy chồng nước ngoài để đổi đời hoặc các em gái ở tuổi mới lớn chưa có kinh nghiệm sống, dễ tin, thích du lịch, khám phá nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt hoặc đe dọa, khống chế, tổ chức xuất cảnh trái phép và bán nạn nhân cho các chủ sử dụng lao động nước ngoài, hoặc cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp…

“Các đối tượng mua bán người có xu hướng hoạt động liên tỉnh, liên kết với các đối tượng ở nhiều địa phương và với người nước ngoài để hình thành các đường dây tội phạm khép kín. Chúng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn khiến cho việc phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Thường chỉ khi có người bị hại được giải cứu, hoặc trốn thoát đến tố giác với cơ quan chức năng thì vụ việc mới được điều tra, làm rõ…” - Trung tá Lưu Minh Huỳnh chia sẻ.

Theo Trung tá Hoàng Hà, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cao Bằng, trong quý I năm 2020, đơn vị đã phối hợp với Công an huyện Bảo Lâm điều tra làm rõ vụ mua bán người có tính chất phức tạp và nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có sự tham gia của nhiều đối tượng ở địa phương khác, cùng móc nối, câu kết với các đối tượng người nước ngoài.

Các bị can trong vụ án gồm: Ly Mí Sính (SN 1992), trú tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc; Mua Mí Sính (SN 1986), trú tại thị trấn Phố Bảng và Vàng Mí Co (SN 1993), trú tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Tuy là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa không cao nhưng có hiểu biết nhất định về xã hội và pháp luật. Trước khi thực hiện hành vi lừa đưa nạn nhân Dương Thị L. (SN 2000), trú tại thị trấn Pác Mầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng sang Trung Quốc bán, các bị can nhận thức rõ đấy là hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên với bản chất ham chơi, hám lời muốn kiếm tiền một cách nhanh chóng để tiêu xài cho nhu cầu cá nhân nên các bị can vẫn quyết tâm thực hiện đến cùng hành vi phạm tội…

Trước đó, một vụ án được đưa ra xét xử vào những tháng cuối năm 2019 gây xôn xao dư luận, bốn bản án nghiêm minh đã phản ánh phần nào thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, phê phán sự thật đáng buồn về một bộ phận thanh niên vùng cao ham chơi, đua đòi. 

Để có tiền ăn chơi, tiêu xài, 4 đối tượng gồm Hầu Văn Tiến (SN 2001), Lầu Văn Bài (SN 1997), Hoàng Văn Thành (SN 1991), cùng trú tại xã Đa Thông, huyện Thông Nông (nay là huyện Hà Quảng), tỉnh Cao Bằng; Dương Văn Ca (SN 2000, trú tại xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) đã bàn bạc, phân công vai trò cụ thể của từng đối tượng trong nhóm đi tìm phụ nữ để lừa, đưa sang Trung Quốc bán.

Nạn nhân trong vụ án này bị các đối tượng nhắm tới là Vàng Thị G (SN 2003). Sau khi đối tượng Hầu Văn Tiến chủ động làm quen, bằng lời lẽ đường mật tán tỉnh yêu đương, ngỏ lời muốn lấy G về làm vợ. Khi thấy con mồi cắn câu, Tiến liền thông báo cho Bài, Thành và Ca cùng thực hiện hành vi phạm tội.

Sau khi dẫn cô gái nhẹ dạ cả tin đi “du lịch”, qua biên giới, trao tay cho một cặp vợ chồng người Trung Quốc, G lúc này mới sực tỉnh. Những ngày bị giam lỏng nơi xứ người, chưa lúc nào G thôi ý định bỏ trốn về nước. Trong những ngày cuối năm, khi mọi người bận rộn với công việc để chuẩn bị đón mừng năm mới, lợi dụng sơ hở chủ nhà, G đã bỏ trốn đến Đồn Công an sở tại trình báo và được đưa ra biên giới để trở về Việt Nam…

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả tình trạng này, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người, xuất nhập cảnh, xuất khẩu lao động, cảnh báo về nguy cơ đối với các trường hợp xuất cảnh trái phép.

Trong đó, Phòng Cảnh sát hình sự là đơn vị nòng cốt phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và làm tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép.

Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương, tạo mọi điều kiện giúp họ vượt qua khó khăn, hỗ trợ việc làm để họ ổn định cuộc sống. Từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự đã phát hiện, điều tra, khám phá, xử lý 12 vụ liên quan đến tội phạm mua bán người, khởi tố 17 đối tượng, trong đó có 6 vụ nạn nhân dưới 16 tuổi.

T.Duyên – T.Vy
.
.