Gian nan cuộc chiến chống tội phạm mua, bán người

Thứ Năm, 06/08/2020, 14:20
Mặc dù hằng năm, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, phát hiện và chặn đứng nhiều đường dây đưa phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài để bán, song vì lợi nhuận kếch sù, tội phạm liên quan đến lĩnh vực này vẫn diễn ra nhức nhối. Trong đó, tỉnh Nghệ An được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm về tội phạm này.


Liên tiếp giải cứu thành công nhiều vụ mua bán người

Đầu tháng 7/2020, Công an huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nhận được đơn trình báo của 2 nạn nhân Lô Thị M. (sinh năm 1966) và Lô Thị T. (sinh năm 1976), cùng trú tại xã Yên Na, huyện Tương Dương về việc bị lừa bán cách đây 7 năm.

Thông qua lời hứa của một người lạ đưa sang Trung Quốc làm việc tại công ty, do đang cần việc làm gấp, 2 người này đã vượt biên trái phép, nhưng sau khi vào sâu nội địa Trung Quốc thì bị ép lấy chồng bản địa với giá lần lượt là 2 và 3 vạn nhân dân tệ. Đến đầu năm 2020, hai người phụ nữ này may mắn được cơ quan chức năng Việt Nam giải cứu, trở về địa phương nên đã làm đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an.

Tiếp nhận thông tin, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Tương Dương phát hiện có hiện tượng một số đối tượng từ địa bàn khác đến lôi kéo, dụ dỗ phụ nữ tại các xã giáp ranh đi sang Trung Quốc làm ăn nhưng thực chất là lừa bán sang bên kia biên giới nên đã xác lập chuyên án đấu tranh.

Sau một thời gian xác minh, đối tượng đưa hai nạn nhân M. và T. qua biên giới lừa bán được xác định là La Thị May (sinh năm 1986), trú tại bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn. Ngày 12/7/2020, xác định đối tượng đang có mặt tại địa phương, Ban chuyên án đã nhanh chóng tiến hành bắt giữ đối tượng này.

Truyền thông về phòng, chống mua bán người tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Tại cơ quan điều tra, May khai nhận: Do có chị gái đang lấy chồng và sinh sống ở Trung Quốc nên đối tượng đã nảy sinh ý định đưa người qua bên kia biên giới, núp bóng chiêu bài làm việc ở các công ty để bán cho đàn ông bản địa làm vợ.

Để thực hiện hành vi, May móc nối với 2 đối tượng khác là người địa phương nhằm lôi kéo, dụ dỗ những người phụ nữ nhẹ dạ, cả tin. Và chị M. cùng với T. là hai trong số những nạn nhân của May. Số tiền thu lợi được từ việc bán 2 nạn nhân, May giữ lại 2 vạn tệ, gửi cho chồng của chị M. 20 triệu tiền Việt và gửi cho bố mẹ chị T. 30 triệu đồng, số còn lại chi phí cho những người môi giới.

Trước đó, vào cuối tháng 5-2020, Công an huyện Quỳ Hợp phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An, bắt quả tang đối tượng Trương Đình Thi (sinh năm 1972) trú tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, đang có hành vi đưa 3 phụ nữ mang thai trên đường sang Trung Quốc để bán thai nhi.

Các nạn nhân bao là Lê Thị N.K. (sinh năm 1994) trú tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang; Nguyễn Thị N.H. (sinh năm 1982) trú tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk và Phạm Thị T.H. (sinh năm 1997) trú tại TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Thi là đối tượng từng có tiền án về tội "Chứa chấp mại dâm", nằm trong diện theo dõi của cơ quan Công an. Do đó, khi tiếp nhận thông tin đối tượng này đưa 3 phụ nữ đang mang bầu vào một nhà nghỉ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, thuê phòng nghỉ dài ngày, Công an huyện Quỳ Hợp xác định những phụ nữ này đang "nuôi thai", chuẩn bị bán con cho người Trung Quốc để lấy tiền.

Rạng sáng ngày 25/5/2020, khi Trương Đình Thi đang đưa 3 phụ nữ nói trên sang Trung Quốc bằng xe khách, tại Km33+700 trên Quốc lộ 48, thuộc địa phận TX Thái Hòa thì lực lượng chức năng đã bắt quả tang. Đối tượng thừa nhận, quen những người này qua mạng xã hội, họ là những phụ nữ lỡ làng nên nhẹ dạ. Thi bắt mối trò chuyện, lôi kéo những phụ nữ này nuôi thai để bán cho người Trung Quốc, sau đó thống nhất giá tiền bán thai nhi từ 30 - 70 triệu đồng tùy thuộc vào giới tính.

Mới đây nhất, vào ngày 16/7, Công an huyện Quỳ Châu phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bắc Giang, giải cứu thành công 3 cháu bé trong độ tuổi từ 14, 15 tuổi, trú tại huyện Quỳ Châu đang bị nhốt giữ tại một ngôi nhà 4 tầng nằm trong khu chợ Mộc, tổ dân phố Đông, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang để chuẩn bị vượt biên trái phép sang Trung Quốc.

Phức tạp vùng biên

Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, điều tra, làm rõ 12 vụ mua bán người, giải cứu thành công 11 nạn nhân. Liên quan đến lĩnh vực này, số liệu thống kê trên toàn quốc là 60 vụ, với 85 đối tượng và số nạn nhân bị lừa bán là 90 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân.

Một số đối tượng mua bán người bị Công an Nghệ An bắt giữ đầu năm 2020.

Xác định Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn mua bán người, trong đó xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, xuyên quốc gia nên cuối tháng 7-2020 vừa qua, Bộ Công an và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chọn Nghệ An làm điểm để phát động chương trình hành động "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7".

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 138/CP; Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an và bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã tham gia các hoạt động tuyên truyền công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng và trên toàn quốc nói chung.

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, tội phạm và tệ nạn liên quan mua bán người diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều thủ đoạn, mánh khóe tinh vi. Thủ đoạn phạm tội là tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động hoặc ép bán dâm, bán làm vợ, thậm chí bán nội tạng.

Tội phạm mua bán người thường sử dụng chiêu bài tuyển công nhân vào công ty làm việc, tuyển nhân viên bán hàng, tuyển lao động nữ đi làm thuê hoặc rủ đi buôn bán với mức thù lao cao để lừa phỉnh phụ nữ, trẻ em đem bán, ép buộc hoạt động mại dâm hoặc bán ra nước ngoài.

Cá biệt, có đối tượng còn giả vờ yêu và rủ đi du lịch, sau khi thoả mãn dục vọng đã đem nạn nhân bán lấy tiền tiêu xài. Việc lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, người dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn lừa bán qua biên giới xảy ra nhiều.

Một số vụ án, đối tượng phạm tội lại chính là nạn nhân bị lừa bán, có những vụ việc ra nước ngoài để bán con sau khi sinh, tình trạng đưa người ra nước ngoài trái phép cũng đang diễn ra phức tạp. Trong đó, nghiêm trọng nhất có thể kể đến là thảm kịch vụ 39 người Việt Nam chết trong thùng container tại Vương quốc Anh, xảy ra vào hồi đầu tháng 11/2019.

Ông Brett Dickson, Quyền Trưởng đại diện cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, trong một bài phát biểu truyền thông kêu gọi chung tay phòng chống mua bán người mới đây đã nhắc lại sự kiện này và cho rằng, đã đến lúc phải chấm dứt nạn mua bán người tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

"Thay mặt Cơ quan Di cư Liên hợp quốc tại Việt Nam, tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc tế, toàn xã hội tiếp tục chung tay phòng chống mua bán người, tăng cường hỗ trợ các nạn nhân, đưa các đối tượng mua bán người ra trước pháp luật. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng Việt Nam để chấm dứt nạn mua bán người", ông Brett Dickson khẳng định.

Chủ động phòng ngừa

Thừa nhận có những khó khăn thực sự trong quá trình đấu tranh với tội phạm mua bán người trên địa bàn, Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn thể, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm mua bán người nói riêng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là ở địa bàn vùng miền núi, giáp biên, hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người.

Công an Nghệ An tích cực bám bản, truyền thông tới người dân vùng cao kĩ năng phòng, chống mua bán người.

Đại tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết thêm: Hàng năm, cùng với việc tham mưu, chỉ đạo công tác phòng, chống mua bán người gắn với các chuyên đề về đảm bảo trật tự an toàn xã hội, Công an tỉnh Nghệ An đều tiến hành rà soát, thống kê số phụ nữ, trẻ em nghi bị mua bán, khi có các biểu hiện như vắng mặt lâu ngày tại địa phương, theo dõi chặt chẽ số gia đình có con lấy chồng nước ngoài, đi du lịch trốn ở lại nước ngoài và các đối tượng lấy chồng nước ngoài nay về nước có hành vi nghi vấn dụ dỗ phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng, làm việc.

Đặc biệt, năm 2019, trước tình hình tội phạm mua bán người tiềm ẩn phức tạp, nhất là việc xuất hiện vấn nạn "mua bán bào thai", các vấn đề liên quan xuất nhập cảnh trái phép, di cư tự do tiềm ẩn yếu tố mua bán người, Công an tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu, soạn thảo và hoàn thành việc tham mưu để ban hành Nghị quyết số 24/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trong thời gian tới, cùng với việc chỉ đạo các lực lượng chức năng tấn công, trấn áp quyết liệt tội phạm mua bán người, tỉnh Nghệ An sẽ chú trọng gắn với hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương, ổn định cuộc sống.

Số liệu của Bộ Công an cho thấy, trong 5 năm (2016 - 2020), có 2.912 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán. Trong số này, phụ nữ và trẻ em chiếm trên 90%, thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đối tượng nam giới, trẻ em trai cũng trở thành nạn nhân mua bán người vì mục đích bóc lột lao động, mua bán nội tạng. Riêng tại Nghệ An, giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 67 vụ, 113 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, xử lý 3 vụ, 6 đối tượng có hành vi liên quan đến mua bán bào thai.
Thiện Thành
.
.