Chuyện “4 cùng” của Công an xã vùng biên

Chủ Nhật, 22/08/2021, 17:58

Tỉnh Quảng Nam có 14 xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, trong đó huyện Nam Giang có 6 xã, huyện Tây Giang có 8 xã. Ở vùng biên, mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song những CBCS Công an chính quy từ miền xuôi lên nhận nhiệm vụ luôn nỗ lực vượt qua, thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) với người dân để đảm bảo ANTT.

Dưới cái nắng chiều nhàn nhạt của một ngày cuối tháng 7, chúng tôi ngược đường về xã biên giới A Nông, huyện Tây Giang. Sau khi kết thúc cuộc họp giao ban đơn vị, Thượng úy Lê Hữu Trung, Trưởng Công an xã tiếp chuyện chúng tôi. Anh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Công an xã đã họp bàn để tăng cường tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch và đảm bảo ANTT.

CBCS được cử về các thôn, bản để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch như mang khẩu trang ở nơi công cộng, không tụ tập đông người; đồng thời quản lý lưu trú, nhân hộ khẩu, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp không thông báo, khai báo, đăng ký lưu trú...

BON_CUNG_2-1629522191902.JPG

Công an xã A Nông thăm hỏi, tặng quà người già, người có uy tín tại địa phương. 

Công an xã A Nông có 5 CBCS Công an chính quy, trong đó 3 đồng chí ở đồng bằng lên và 2 đồng chí là người đồng bào Cơ tu địa phương. A Nông có đường biên giới dài 11,2km, tiếp giáp với huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông, Lào. Xã có 5 thôn, 193 hộ với 1.204 nhân khẩu. Cùng với lực lượng Công an chính quy thì tại mỗi thôn đều có 1 Công an viên bán chuyên trách là người địa phương. “Mặc dù công tác ở địa bàn biên giới xa xôi, song nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo Công an huyện; của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng ủng hộ của người dân nên CBCS Công an xã A Nông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thực hiện phương châm “4 cùng”, các CBCS từ miền xuôi lên không ngừng trao dồi, tự học tiếng Cơ tu để có thể giao tiếp với bà con, nhằm dễ dàng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối cũng như đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Thượng úy Lê Hữu Trung tâm sự.

Qua tìm hiểu được biết, 3 CBCS ở đồng bằng lên A Nông công tác, đó là Thượng úy Lê Hữu Trung (quê xã Ba, huyện Đông Giang), Trung úy Đặng Văn Tân (quê xã Bình Giang, huyện Thăng Bình), Thượng sĩ Nguyễn Đình Thành (quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn). Trung úy Tân và Thượng sĩ Thành trước khi lên A Nông, là CBCS Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Nam.

Trung úy Đặng Văn Tân tâm sự rằng, những ngày đầu mới lên nhận nhiệm vụ vẫn còn bỡ ngỡ lắm. Rời xa đồng bằng, phố thị, đến với miền biên viễn xa xôi với công việc mới, tiếp xúc với người dân địa phương khi bản thân chưa biết về tiếng đồng bào cũng là trở ngại không nhỏ với cá nhân anh. Song, qua thời gian, nhờ vào việc học tập tiếng Cơ tu từ người dân và qua 2 cán bộ Công an xã cũng là người Cơ tu nên đến nay, anh có thể giao tiếp khá tốt bằng tiếng đồng bào, nhất là nghe hiểu được những lời đồng bào nói.

Thấu hiểu được vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong đời sống của người Cơ tu nên ngay từ những ngày đầu về xã, các CBCS Công an chính quy đã tranh thủ sự ủng hộ của những người này để làm cầu nối với người dân, trong đó có già làng Alăng Đàn (SN 1946, trú thôn A Rớt, xã A Nông), nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang.

BON_CUNG_3-1629522253967.JPG
Căn nhà lắp ghép do Bộ Công an hỗ trợ Công an xã biên giới A Nông. 

Trò chuyện với chúng tôi, già Đàn nói rằng, từ ngày có lực lượng Công an chính quy về xã, tình hình an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn xã luôn được giữ vững. Với chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, các CBCS Công an xã A Nông đã giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức tuần tra kiểm soát đảm bảo tình hình ANTT, ATGT. Lực lượng Công an xã chính quy luôn gần dân, biết lắng nghe dân. Do đó, người dân địa phương rất yêu mến và giúp đỡ Công an xã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình…

Trung tá Mai Thanh Tâm, Trưởng Công an huyện Tây Giang cho biết, huyện Tây Giang có 8/10 xã là xã biên giới; với 67km đường biên tiếp giáp với 2 huyện Kà Lùm và Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào.

Từ khi triển khai lực lượng Công an chính quy về xã, CBCS Công an các xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và Công an huyện, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành trong việc đảm bảo ANTT trên địa bàn. Công an xã vùng biên đã tích cực phối hợp với các Đồn Biên phòng A Nông, Axan, Gari kiểm soát biên giới; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đảm bảo ANTT và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Lực lượng Công an xã đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để quản lý cư trú, nhân hộ khẩu; góp phần giữ vững an ninh chính trị, TTATXH địa bàn… Ông Bling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang đánh giá, lực lượng Công an xã chính quy tại huyện Tây Giang đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đảm bảo ANTT trên địa bàn từng xã. Với tác phong làm việc nghiêm túc, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, Công an xã chính quy tại huyện Tây Giang đã giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến TTATGT, quản lý hành chính, được cấp ủy, chính quyền và người dân ủng hộ tích cực.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, để thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo ANTT, vừa phòng, chống dịch COVID-19, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an 2 huyện Nam Giang và Tây Giang, đặc biệt là lực lượng Công an chính quy tại 14 xã giáp biên giới Lào tăng cường phối hợp với Bộ đội Biên phòng tham gia tuần tra, kiểm soát quản lý chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh, nhất là tại các tuyến giao thông trọng điểm từ cửa khẩu, đường mòn, lối mở để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép.

Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Nam, Công an các huyện Nam Giang và Tây Giang, Công an các xã giáp biên đã tăng cường công tác nắm hộ, nắm người, quản lý chặt địa bàn, quản lý cư trú, nhất là Việt kiều, người nước ngoài, các dịch vụ lưu trú; chủ động phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trong những ngày đầu lên công tác, mặc dù lãnh đạo xã tạo điều kiện về phòng làm việc, song vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ. Từ cuối năm 2020, Bộ Công an đã hỗ trợ 1 căn nhà lắp ghép để anh em Công an xã có nơi sinh hoạt khang trang hơn. Tranh thủ sự giúp đỡ của lãnh đạo xã, chúng tôi đã làm thêm một cái bếp nho nhỏ nằm bên cạnh nhà lắp ghép để anh em tự nấu ăn được”, Trung úy Đặng Văn Tân chia sẻ.

Ngọc Thi
.
.