Ác mộng từ máy bay tự sát không người lái

Thứ Ba, 27/10/2020, 14:25
Tháng 9 vừa rồi, Học viện Công nghệ thông tin điện tử Trung Quốc (CAEIT) - là công ty con của Tập đoàn Công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC) thuộc sở hữu nhà nước đã tiến hành một cuộc thử nghiệm liên quan đến một loạt máy bay không người lái (Drone), phóng đi từ các bệ phóng đặt trên xe quân sự hạng nhẹ và máy bay trực thăng. Điều này đã khiến mối đe dọa từ Drone nói chung, đang dần trở nên thực tế hơn bao giờ hết đồng thời đặt ra những thách thức với các lực lượng quân sự trên thế giới nếu xảy ra xung đột …


1. Trước đó, tháng 6/2017, CAEIT đã thực hiện thử nghiệm với gần 120 Drone, loại có cánh cố định. 4 tháng sau, CAEIT tiếp tục tiến hành thử nghiệm nhưng lần này thì quy mô hơn với 200 máy bay nhưng tháng 9 vừa rồi, một video clip xuất hiện trên mạng Internet cho thấy một lần nữa, CAEIT lại tiếp tục thử nghiệm Drone mà theo nhận định của giới quân sự phương Tây, những chiếc Drone này có khả năng thực hiện những vụ tấn công tự sát. 

Một bài trên trang tin The War Zone cho biết hiện vẫn chưa rõ tên hoặc ký hiệu của loại Drone được CAEIT sử dụng trong cuộc thử nghiệm nhưng đoạn video cho thấy chiếc máy bay này có hình dạng và chức năng rất giống với mẫu  CH-901 của China Poly Defense. Khi chiếc CH-901 dạng ống phóng lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2016, nó có hai cánh gập và đuôi hình chữ V nhưng gần đây, thiết kế đó đã thay thế đuôi chữ V bằng một đuôi kép gấp, tự động bật ra khi máy bay rời khỏi ống phóng.

Drone Trung Quốc bung cánh sau khi ra khỏi ống phóng.

Tại cuộc thử nghiệm hồi tháng 9, Drone được phóng đi từ bệ phóng nằm phía sau xe tải Dongfeng Mengshi 6x6. Bệ phóng có hình chữ nhật gồm 48 ống, xếp thành 4 hàng, mỗi hàng 12 ống, nhìn bề ngoài giống như tên lửa phóng loạt. Đoạn video cũng cho thấy một Drone cùng loại được phóng từ máy bay trực thăng. Trong cả hai lần phóng, khi chiếc Drone đã thoát khỏi ống phòng thì cánh của nó mới bung ra. Ở một đoạn video khác, có thể nhìn thấy gần một tá Drone lượn trên bầu trời. Như vậy, nếu đặt vào tình huống chiến đấu, các chiếc Drone này có thể chờ đợi cho đến khi mục tiêu xuất hiện. Do đó chúng còn có một tên gọi khác: "Bom đạn lảng vảng".

Ở phần cuối cùng của video, một Drone đang lao vào một mục tiêu. Theo The War Zone, CH-901 dài 1,2 m, nặng 9 kg, vận tốc bay 150km/ giờ và có thể ở trên không trong 2 giờ. Tuy nhiên trong cuộc thử nghiệm hồi tháng 9, nếu không phải là máy bay không người lái CH-901 thì có thể là các phiên bản sửa đổi hoặc một loại hoàn toàn mới.

2. Từ cuối năm ngoái, máy bay không người lái tự sát đã đứng đầu danh sách các mối quan tâm của Bộ Quốc phòng Mỹ khi hàng chục chiếc Drone mang bom đã làm tê liệt ngành công nghiệp dầu mỏ của Arab Saudi trong cuộc tấn công hồi tháng 9/2019 mà thủ phạm là tổ chức khủng bố Houthi ở Yemen. Theo đó, Houthi sử dụng Drone tự sát nhắm vào các cơ sở của Công ty dầu mỏ quốc doanh Aramco khiến Arab Saudi mất đi một nửa sản lượng, cụ thể là 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 5% nguồn cung thế giới. 

Bên cạnh đó, cuộc tấn công còn phá hủy lượng dầu dự phòng của Arab Saudi khoảng hơn 2 triệu thùng/ngày mà mục đích là dành để bù đắp cho thị trường trong trường hợp nguồn cung toàn cầu gián đoạn nghiêm trọng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trước vụ tấn công, tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC có sản lượng dự phòng là 3,21 triệu thùng/ngày, Trong số này, Arab Saudi chiếm 2,27 triệu thùng/ngày, phần còn lại do Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iraq và Angola đảm nhận.

Trước đó, năm 2016, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã thực hiện thành công cuộc tấn công bằng Drone đầu tiên trong chiến đấu, giết chết 2 sĩ quan thuộc quân đội chính phủ ở miền bắc Iraq. 3 năm sau, IS tuyên bố thành lập "Lực lượng máy bay không người lái Jihadis - chiến binh thánh chiến" và chỉ ít lâu, nó trở thành xu hướng được các tổ chức vũ trang khác trên thế giới bắt chước. 

Tháng 1/2018, một nhóm phiến quân Syria đã triển khai một bầy gồm 13 Drone tự chế mang theo bom, tấn công các căn cứ của Nga tại Khmeimim và Tartus. Đến tháng 8-2018, vụ ám sát Tổng thống Venezuela là ông Nicolas Maduro cũng bằng 2 chiếc Drone nhồi đầy chất nổ dẻo nhưng không thành công mặc dù cả 2 Drone đều phát nổ.

Tại Afghanistan, lực lượng Taliban không sử dụng Drone để tấn công tự sát nhưng dùng nó để tuyên truyền. Tháng 10-2018, Taliban công bố một cảnh quay bằng máy bay không người lái cho thấy một kẻ đánh bom tự sát  lái chiếc xe quân sự Humvee, lao vào căn cứ cảnh sát ở tỉnh Helmand rồi cho nổ tung. Một quan chức chính phủ Afghanistan cho biết đoạn video là thật.

Đoạn video dài 23 phút bắt đầu với cảnh kẻ đánh bom tự sát đội khăn xếp đen và áo dài trắng nói trước chiếc Humvee: "Đây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Các binh sĩ Afghanistan hãy ăn năn và gia nhập Taliban vì nếu không, chúng tôi sẽ sử dụng các phương tiện mà nước ngoài đã trao cho họ, chống lại họ và họ không thể làm gì được".

Hai phiến quân thuộc lực lượng chống đối ở Syria lắp bom vào một chiếc Drone.

Sau đó, camera gắn trên máy bay không người lái quay cảnh chiếc Humvee tăng tốc lao về phía căn cứ cảnh sát. Không gặp phải sự kháng cự nào, chiếc Humvee chứa đầy chất nổ bùng lên một cụm lửa, phủ lên toàn bộ khu nhà. Nó đã tạo nên hiệu ứng tuyên truyền rất lớn trong hàng ngũ Taliban cũng như các tổ chức khủng bố khác trên thế giới.

Theo Công ty Skylock, Mỹ, chuyên về chống Drone tự sát, rõ ràng là các nhóm khủng bố đang quan tâm đến trí tuệ nhân tạo và vũ khí tự điều khiển vì ba lý do: Chi phí thấp, hiệu quả, khó có khả năng truy xuất nguồn gốc. Một báo cáo của Skylock cho thấy Drone ngày càng rẻ hơn rất nhiều so với 1 quả tên lửa hoặc 1 chiếc xe du lịch được nhồi bom. Khi tấn công, dấu vết do nó để lại sẽ giảm thiểu đến mức tối đa, chưa kể nếu như trước đây, đánh bom tự sát được thực hiện bởi những chiến binh thánh chiến thì nay với Drone, IS sẽ không thiệt hại một người nào.

3. Để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay tự sát không người lái, Washington đã bắt đầu tạo ra những hệ thống phòng không tầm gần, sử dụng máy bay không người lái Switchblade của nhà sản xuất Aero Vironment, hoặc của nhà thầu quốc phòng Raytheon's Coyote, Mỹ, gồm các bệ phóng từ xe quân sự hạng nhẹ, từ máy bay, tàu chiến và từ mặt đất, được gọi là "Công nghệ tàn sát UAV chi phí thấp (LOCUST). 

Trong một thử nghiệm, 2 máy bay phản lực chiến đấu F/A-18E và F Super Hornets đã phóng đi một bầy Drone loại Perdix, điều khiển bởi một thiết bị giống như máy tính bảng. Trên màn hình máy tính, có thể thấy bầy Drone lượn lờ trên các mục tiêu giả định, đợi lệnh tấn công nhưng chưa rõ các Drone này có gắn camera hoạt động trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc camera hồng ngoại cho phép chúng hoạt động vào ban đêm hay không.

Theo Công ty Skylock, chuyên về chống máy bay không người lái ở Mỹ, một bầy Drone có thể triển khai từ mặt đất hoặc trên không, trên biển, có khả năng tiếp cận mục tiêu từ nhiều hướng, mang lại cho bên tấn công nhiều chọn lựa nhằm làm tê liệt đối phương. Hơn nữa, đối phó với bầy đàn Drone rất khó vì một trong những ứng dụng rõ ràng nhất của chúng là làm mù ra đa, gây nhầm lẫn cho hệ thống phòng không của đối phương. 

Tyler Rogoway, kỹ sư của Skylock nói: "Chúng kết nối với nhau nhưng hoạt động tự chủ. Khi được lập trình vị trí, mục tiêu tấn công, mỗi chiếc Drone sẽ thực hiện nhiệm vụ của riêng mình, dẫn đến sự vô hiệu hóa việc bảo vệ, ngay cả với những hệ thống phòng không tầm ngắn (SHORAD) tốt nhất hiện nay. Những cuộc tấn công như vậy sẽ gây căng thẳng về tâm lý, làm mất tinh thần của các binh sĩ trên mặt đất".

Vẫn theo Tyler Rogoway, ý tưởng một chiếc xe tải có thể triển khai 48 máy bay không người lái chỉ trong vài giây, bao vây một khu vực rộng hàng chục km vuông là một lời cảnh báo rằng thời điểm này, vẫn chưa có biện pháp phòng thủ nào hữu hiệu để đối phó. Tyler Rogoway nói tiếp: "Tia laze, máy bay tác chiến điện tử và thậm chí các dạng năng lượng định hướng vẫn còn bị hạn chế về khả năng chống lại 1 Drone chứ chưa nói đến một bầy lớn của chúng".

Khói lửa bao trùm cơ sở lọc dầu Aramco sau khi bị Drone của tổ chức khủng bố Houthi tấn công.

Trước nguy cơ xảy ra những cuộc tấn công tự sát bầy đàn bằng Drone, Công ty Skylock đưa ra một giải pháp, nghe có vẻ giống như tiểu thuyết khoa học viễn tưởng: Đó là lực lượng đồn trú cũng phải chuẩn bị sẵn sàng các bầy đàn của họ. Điều này sẽ dẫn đến hàng chục, thậm chí hàng trăm trận không chiến tự sát trên bầu trời giữa các Drone nhỏ bé nhưng có đầu óc phán đoán như những phi công giàu kinh nghiệm. 

Tướng Kenneth McKenzie, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm, Mỹ, nói: "Các loại vũ khí cá nhân lặt vặt cũng đã chứng tỏ khả năng gây ra tác động tàn khốc lên đối thủ, chứ nói gì đến một bầy Drone với chất nổ hoặc tên lửa mini, thậm chí là bom sinh học. Bất kỳ ai ở Mỹ cũng có thể mua một chiếc Drone 4 cánh quạt tại siêu thị Cosco giá 1.000USD. Với những sửa đổi rất đơn giản, người ta hoàn toàn có thể trang bị cho nó lựu đạn, chất nổ, bom cháy… Và nếu số lượng của nó tăng lên 10 chiếc, 20 chiếc hoặc 50 chiếc, ta sẽ biết hậu quả là như thế nào…". Điều này hoàn toàn đúng trong cuộc giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng Nagorno-Karabakh, Drone đã chứng minh tính hiệu quả với độ chính xác gần như tuyết đối.

4. Có thể nói, công nghệ chế tạo Drone ngày càng phát triển và dễ dàng sử dụng chỉ sau một thời gian ngắn luyện tập. Vì vậy, theo Bộ Quốc phòng Mỹ, đã có cơ sở rõ ràng rằng al-Qaeda, IS và các nhóm khủng bố khác đã tìm cách thiết kế những cuộc tấn công nhằm vào phương Tây bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Drone là lựa chọn tối ưu. 1, 2 hoặc 3 chiến binh thánh chiến mặc áo bom, lọt qua hàng rào an ninh vào sân bóng đá hoặc các điểm tụ tập công cộng để đánh bom tự sát là một viễn cảnh khó khăn trong giai đoạn hiện nay, khi mà tinh thần cảnh giác đã được đặt lên mức cao nhất, cộng với sự hỗ trợ của các phương tiện dò tìm tối tân nhất, nhưng một bầy Drone đột ngột xuất hiện với chất nổ, bom cháy hoặc vũ khí sinh học là một ác mộng. 

Và mặc dù có thể chúng không giết được nhiều người nhưng những cuộc tấn công bằng Drone vẫn đạt được mục tiêu của bọn khủng bố: Đó là reo rắc sự sợ hãi đồng thời kích động tâm lý của các chiến binh thánh chiến và những kẻ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. 

Tướng Kenneth McKenzie nói: "Trong tương lai, việc sử dụng máy bay không người lái cho mục đích thương mại và cá nhân chắc chắn sẽ trở nên phổ biến, ngay cả ở những vùng xa xôi, hẻo lánh.  Giả sử đến năm 2025, các đơn vị kinh doanh coi Drone là phương tiện tối ưu trong việc giao hàng tận nhà thì chuyện này sẽ khiến không gian bị tắc nghẽn, nhất là tại các thành phố lớn. Lợi dụng điều đó, các tổ chức khủng bố có thể che giấu những chiếc Drone tự sát bằng cách lẫn vào những nhóm Drone thương mại bình thường"…

Vũ Cao (Theo The War Zone)
.
.