Ấn Độ: Giảm thiểu nạn xả rác bằng ứng dụng công nghệ

Thứ Ba, 29/11/2016, 23:15
Khi phát hiện một người vứt rác trên đường hoặc nơi công cộng, một người khác sẽ chụp ảnh “thủ phạm” bằng smartphone, sau đó gửi tấm ảnh này qua ứng dụng WhatsApp vào điện thoại của lực lượng cảnh sát chống xả rác. Những cảnh sát lập tức nhảy lên xe, chạy ngay tới hiện trường, yêu cầu người xả phải dọn sạch.

Trong trường hợp thủ phạm không có mặt ở đó, một nhóm nhân viên thành phố sẽ dọn dẹp. Người có công phát hiện sẽ được thưởng bằng tiền mặt hẳn hoi, còn người vi phạm đương nhiên là bị phạt (nếu tìm ra đối tượng xả rác).

Đó là điều đang diễn ra ở một số thành phố lớn của Ấn Độ. Chính quyền các thành phố đang triển khai các chương trình chống xả rác sử dụng công nghệ di động để giảm thiểu nạn xả rác đã thành thói quen của đa phần người dân. “Những sáng kiến nhờ vào công nghệ như ứng dụng WhatsApp có thể giúp tạo ra cầu nối giữa các quan chức thành phố với công dân”, Babasaheb Rajale nhận xét.

Trước khi nhận nhiệm vụ mới trong chính phủ vào tháng 3 vừa qua, Rajale là phó ủy viên thành phố phụ trách xử lý rác thải rắn cho Navi Mumbai, một vùng ngoại ô Mumbai và có 5 nhân viên nhà nước phụ trách xử lý các khiếu nại về xả rác trên WhatsApp. “Không có sự tham gia của người dân, những vấn đề này không thể được giải quyết”, Arindam Guha, một đối tác tại Deloitte Touche Tohmatsu India, nhận xét.

Chính quyền Navi Mumbai còn bố trí 2 chiếc xe jeep thuộc “biệt đội” truy lùng kẻ vi phạm từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm và phản hồi những “tố giác” trên WhatsApp. Đã có hơn 300 báo cáo phát hiện vi phạm của người dân kể từ khi chương trình được triển khai vào tháng 1.

Những người vi phạm có thể bị phạt 100 rupee (1,5 USD) nếu lần đầu tiên vi phạm và 250 rupee nếu tái phạm, dù thủ phạm không phải lúc nào cũng tìm thấy, theo Rajale. Những mức phạt tương đối khiêm tốn này chỉ để khiến cho kẻ vi phạm vì xấu hổ mà hành động có trách nhiệm hơn.

Đầu tháng 11 này, chính quyền bang Delhi đã tung ra một ứng dụng gọi là Swachh Delhi, hay Clean Delhi để người dân tải lên hình ảnh các đối tượng bỏ rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Một phòng ban khác của chính quyền Delhi thì dựa vào các báo cáo “tố giác” trên WhatsApp để ngăn chặn người dân đốt rác nhằm giữ ấm trong mùa đông, một hành động càng làm tồi tệ hơn tình trạng ô nhiễm không khí tại thành phố ô nhiễm nhất thế giới này.

Tại Bihar, chính quyền bang đang tìm cách dọn dẹp thủ phủ Patna, vốn được xếp vào nhóm 4 thành phố dơ bẩn nhất tại Ấn Độ trong một cuộc khảo sát trên toàn quốc của chính phủ vào năm 2016. Theo đó, chính quyền bang sử dụng ứng dụng Apna Patna hay My Patna, cho phép người dân báo cáo các trường hợp vi phạm như bỏ rác bừa bãi, vỡ đèn đường, ngập lụt, xác động vật chết và đổ rác xây dựng (xà bần) từ các công trình xây dựng trái phép. Tiến trình của mỗi đơn “tố giác” có thể được theo dõi trực tuyến.

Một thùng rác có gắn cảm biến ở Mumbai (ảnh nhỏ) và Nhiều công trình xây dựng còn ngổn ngang ở Navi Mubai.

Chương trình này được triển khai tiến trình thử nghiệm vào tháng 10-2015 và đã giúp giảm đáng kể tình trạng xả rác thải xây dựng bất hợp pháp. Hai chiếc xe, được gọi là Flying Debris Squad, tuần tra các vùng ngoại ô suốt 24 giờ tất cả các ngày trong tuần để bắt những chiếc xe tải, chủ yếu từ ngành xây dựng, đổ rác không có giấy phép hoặc đổ rác tại những khu vực bị cấm như vùng đầm lầy trồng đước giáp với thành phố.

Người dân có thể nhận số tiền thưởng 1.000 rupee mỗi lần họ báo cáo những chiếc xe tải vi phạm luật. Đối tượng vi phạm bị tịch thu phương tiện (xe tải), trừ phi họ nộp phạt tới 30.000 rupee. Hơn 60 chiếc xe tải đã bị tịch thu cho đến thời điểm này, với mức phạt tổng cộng lên tới 1,34 triệu rupee.

Navi Mumbai đang nỗ lực tránh những “cơn mưa rác” của Mumbai - người hàng xóm lâu năm nhưng khá bẩn, vốn là nơi hội tụ của bãi rác lớn nhất Ấn Độ. Mumbai tạo ra 11.000 tấn rác mỗi ngày, phần lớn số rác này được thải ở Deonar. Ngược lại, Navi Mumbai tạo ra chỉ 675 tấn rác sinh hoạt và 1.200 tấn rác thải xây dựng mỗi ngày. Ngoài ra, cảnh sát chống xả rác còn phạt những tiệm sửa ôtô quăng bừa bãi săm lốp xe, bù-lon, ốc vít trên đường.

Các cửa hàng đóng đồ gỗ nội thất cũng bị phạt do người thợ đã để những mảnh gỗ vụn và mùn cưa trên vỉa hè. Một cửa hiệu may quần áo cũng bị phạt vì để các mảnh vải vụn trên đường trong khi một quán bán nước ép trái cây bị phạt vì bỏ bừa bãi vỏ và xác hoa quả đã ép hết nước.

Không để bị mang tai mang tiếng nhiều hơn, chính quyền thành phố Mumbai đã nảy ra ý tưởng: mỗi khi bỏ rác vào thùng, “người văn minh” sẽ được truy cập wifi miễn phí trong 15 phút! Ý tưởng này được chính quyền thành phố Mumbai phối hợp cùng hai người khởi nghiệp trẻ lấy tên cho nhóm của mình là ThinkScream đang nhận được sự hưởng ứng từ rất nhiều tổ chức, cộng đồng vì môi trường.

ThinkScream đã tạo ra một loại thùng rác thông minh có tích hợp sẵn wifi miễn phí. Khi được “ăn rác”, bằng các cảm biến đã được tích hợp sẵn bên trong, thùng rác thông minh sẽ cấp cho người dân một mật khẩu truy cập vào mạng wifi miễn phí, hiển thị thông qua màn hình LED ở phía trên, có hiệu lực sử dụng trong 15 phút. Như vậy, thùng rác thông minh của ThinkScream đã cùng lúc giải quyết được 2 vấn đề, vừa nâng cao ý thức đổ rác, vừa phát mạng wifi cho người dân.

Theo chia sẻ của 2 nhà sáng lập So Desai và Pratik Agarwal, ý tưởng thùng rác thông minh ThinkScream ra đời từ năm 2013, nhưng tới năm 2014 mới bắt đầu thí điểm. Thời điểm hiện tại, thùng rác thông minh ThinkScream đã được đặt hàng từ rất nhiều doanh nghiệp, cũng như hợp tác với chính quyền thành phố Mumbai, Ấn Độ.

Giá bán cho mỗi chiếc thùng rác là khoảng 1.470 USD, sử dụng chất liệu nhựa tổng hợp, trang bị màn hình LED và đi kèm bộ phát wifi miễn phí trong bán kính khoảng 50 mét. Bên cạnh các địa điểm công cộng, ThinkScream còn mang thùng rác thông minh tới các rạp chiếu phim, hay các sự kiện âm nhạc lớn.

Đ.K. (tổng hợp)
.
.