Áo quan sinh học có lợi cho môi trường

Thứ Tư, 22/01/2020, 15:14
Những bộ đồ làm từ nấm hay những cỗ quan tài hình tên lửa, lấy nguồn cảm hứng từ ca sĩ biểu tượng Prince, xem ra các công ty công nghệ trên thế giới đang xé bỏ rào cản về những cấm đoán liên quan đến cái chết.

Khi nam diễn viên người Mỹ, Luke Perry qua đời vào năm ngoái 2019, xác ông được khoác một bộ đồ đen trắng khá thê lương. Kỳ lạ là bộ đồ đó làm hoàn toàn từ nấm và các loại sinh vật siêu nhỏ khác. 

Bộ quần áo sẽ phân hủy cơ thể của Perry nhanh chóng hơn. Bộ áo quan trị giá 1.500 USD là sản phẩm của dự án khởi nghiệp tang nghệ Coeio với mục tiêu cam kết giảm nhẹ các tác động môi trường liên quan đến người quá cố và tẩy sạch độc chất của tử thi - chúng sẽ thấm vào môi trường và loài nấm sẽ đánh chén chúng.

Chiếc áo quan làm từ các loại nấm và nam diễn viên quá cố Luke Perry đã nằm trong đó. Ảnh: BBC.

Coeio được thành lập bởi sinh viên Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) là Jae Rhim Lee, là một trong số các dự án khởi nghiệp đang chiếm lĩnh lấy thị trường tang lễ truyền thống trị giá 2 tỷ bảng Anh mỗi năm chỉ tính riêng ở Anh, mà cho đến nay vốn chỉ lệ thuộc vào 2 hình thức táng chính là hạ huyệt hoặc hỏa thiêu. 

Nhờ những đề nghị mới này mà di nguyện của ông Luke Perry đã không còn lập dị nữa: tro cốt người quá cố có thể biến đổi thành những viên kim cương tuyệt đẹp, đĩa ghi vinyl record, hay thậm chí là tạo ra những dạng bia mộ để có thể chiếu những video mang tính tưởng niệm và chỉ chiếu khi có ai đó đi ngang qua.

Trên thực tế, những người lựa chọn áo quan bằng nấm thay cho cỗ quan tài truyền thống sẽ giúp tiết kiệm một khoản tiền đáng kể. Những con số mới được công bố trong tuần này đã cho thấy rằng mức giá trung bình cho người chết (sau khi trừ phí ma chay và chứng thực di chúc) ở Anh đã tăng lên 9.493 bảng Anh (năm 2019) tức tăng hơn 70% kể từ năm 2014. 

Dữ liệu từ hãng bảo hiểm SunLife tuyên bố, chỉ riêng tang ma đã có giá trung bình 4.417 bảng Anh. Phí ma chay leo thang đã đổ áp lực lên những gia đình thu nhập thấp khi phải è cổ trả hóa đơn.

Thực trạng này đã giải thích lý do tại sao các nhà đầu tư lớn đang đổ xô tung ra các mức giá cạnh tranh với lời tuyên bố nặng ký rằng khách hàng sẽ tiết kiệm 1.000 bảng Anh nếu mua quan tài hay các dịch vụ quan tài trực tuyến. Ông Derrick Grant, nhà sáng lập công ty tang lễ thân thiện môi trường Willow nhấn mạnh: "Các gia đình trung bình sẽ dính món nợ 1.600 bảng Anh để trang trải các chi phí ma chay, và thường họ sẽ vay nóng để trả chi phí".

Ông Grant lập luận rằng những người đứng ra tổ chức tang lễ thường bị áp lực khi phải quyết định nó trong khoảng thời gian ngắn, càng áp lực hơn khi không có ai để nhờ vả. Xong lễ tang cũng là lúc để lại một món nợ khổng lồ. Nhưng tiền cũng không phải là vấn đề duy nhất. Hạ huyệt và hỏa táng đều gây hại cho môi trường khi mà các chất độc hại từ quá trình xác phân hủy đã phát tán vào không khí và ngấm xuống đất. 

Số liệu của Liên minh người tiêu dùng tang lễ (FCA) cho thấy rằng 246,240 tấn carbon dioxide đã được phát tán mỗi năm do liên quan đến phong tục hỏa táng (tương tự mức xả thải của 41.040 xe mỗi năm). Thay vì mua một cỗ áo quan gỗ đắt tiền và mất tới ít nhất 50 năm mới phân hủy sau khi hạ huyệt, người tiêu dùng nên mua áo quan bằng bìa carton chỉ với 95 bảng Anh và giảm phát thải carbon tới 50%.

Một giải pháp an táng "khủng" hơn phải kể đến dự án khởi nghiệp Recompose (Mỹ) khi công ty này cung cấp các tủ hình lục giác, một khi bỏ xác vào bên trong tủ thì nó sẽ phân hủy để tạo ra một loại "đất" và các gia đình có thể lấy về nhà bắt đầu từ năm 2021. 

Hay công ty Eternal Reefs sẽ nhận tro cốt của người quá cố và chôn nó xuống các tầng sâu của đại dương trong hình dạng những "quả bóng san hô" phân hủy sinh học nhằm giúp bảo tồn biển khơi. Và tại sao không an táng trong không gian? Một công ty nhỏ đặt trụ sở ở thành phố Houston (Texas) có tên là Clestis sẽ đảm nhiệm việc đó. 

Nam diễn viên điện ảnh người Canada - James Doohan, người đóng vai "Scotty" trong hình thức nhượng quyền thương mại của siêu phẩm điện ảnh Star Trek, là một trong những khách hàng đầu tiên của Clestis, dự kiến xác của ông sẽ được đưa lên Mặt trăng.

Nhưng xui làm sao khi tro cốt của Scotty đã thất bại khi cả 3 lần bay ra vũ trụ đều bất thành và nhà tang lễ buộc phải an táng nó trên một sườn đồi ở New Mexico sau một chuỗi tên lửa phóng đi đã thất bại và phát nổ. Sự cố đó không hề gây ngán ngại cho những người đăng ký khi có đến hàng trăm người muốn thực hiện các chuyến bay tiếp theo, tất cả đều dùng tên lửa của hãng SpaceX. 

Có một thực tế là nhiều người nổi tiếng muốn thực hiện dấu ấn ngay cả khi họ đã quy tiên. Công ty in 3D đã tạo ra những cái lọ tro cốt tinh xảo theo hình tượng huyền thoại âm nhạc Prince. Cái lọ tro cốt mang hình ảnh khu nhà ông ở Paisley Park (tiểu bang Minnesota, Mỹ) cùng với một biểu tượng màu tím khổng lồ thu hút mọi ánh nhìn của công luận.

Với mức giá từ 2.500 USD, thân nhân của người quá cố có thể đặt hàng từ bất kỳ đâu trên thế giới, và một họa sĩ từ Foreverence sẽ thiết kế theo di chúc của người quá cố. 

Ông Pete Saari, nhà sáng lập của công ty in 3D, cho hay rằng đang có rất đông khách hàng đã liên hệ với đội ngũ của ông trước khi họ qua đời, nhằm thiết kế các hình dáng lọ tro cốt theo ý của họ: xe hơi cổ điển, tàu hộ vệ tên lửa hay một loài thú cưng nào đó. 

Ông Saari nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp tang lễ từ chối sự đổi mới và công nghệ và nhiều người không thích ai đó vượt khỏi lằn ranh. Ông Saari quả quyết: "Giờ đây có những công nghệ tân tiến sẽ giúp cho việc ma chay trở nên dễ thở và đầy ý nghĩa hơn".

Văn Chương (tổng hợp)
.
.