Ba kịch bản thời tiết cực đoan đáng lo ngại

Thứ Sáu, 18/10/2019, 15:29
Thành phố Phoenix, khu vực Nam California và Vịnh Tampa ở Mỹ có thể là nơi xảy ra ba kịch bản thời tiết kinh hoàng mà không mấy người quan tâm đúng mức.


Kịch bản nắng nóng kinh hoàng ở Phoenix

Phoenix, một trong ba thành phố nóng nhất và xảy ra tình trạng ấm lên nhanh nhất Mỹ, có thể sẽ trải qua một đợt nắng nóng cực đoan một ngày nào đó trong tương lai. Nhiệt độ có thể lên tới mức gần 49 độ C và đợt nắng nóng có thể kéo dài hai tuần. Ban đêm, nhiệt độ cũng chỉ giảm xuống 38 độ C. 

Phoenix là nơi có 1,6 triệu người sinh sống và là thành phố tăng dân số nhanh thứ hai ở Mỹ. Khu vực thành thị rộng hơn có 4 triệu người sinh sống và sẽ tăng lên 6,6 triệu người vào năm 2050. Khi đó, hơn 20% dân số ở đây sẽ từ 65 tuổi trở lên.

Trong vòng 24 giờ đầu tiên của đợt nắng nóng này, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng vọt vì hàng triệu máy điều hòa nhiệt độ hoạt động hết công suất. Các nhà máy điện hết nước làm mát khi sông cạn nước.

Khi lưới điện quá tải và gây mất điện, điều hòa nhiệt độ không hoạt động, nhiều người sẽ phải ở trong nhà trong cái nóng nguy hiểm. Máy bơm nước sẽ không hoạt động, dẫn tới thiếu nước và khiến nhiều người chết vì mất nước. Người già sẽ dễ tử vong nhất.

Khu vực đô thị Phoenix sẽ bị hạn hán nặng nề. Chút nước còn lại sẽ trở nên quá nóng không thể sử dụng. Các đập nước xung quanh sẽ ở mức thấp kỷ lục. Đến ngày thứ 5, giới chức thành phố sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Kịch bản cháy rừng kỷ lục ở California

Kịch bản cháy rừng do các nhà khoa học tính toán sẽ là thảm họa tồi tệ nhất mà người California từng chứng kiến. Đám cháy có thể bắt nguồn từ việc người đi cắm trại đốt pháo hoa bất hợp pháp trong rừng quốc gia San Bernardino. Các mảng rừng trong khu vực này đã từng cháy nhiều lần trước đó. Nhưng lần này sẽ gây hậu quả thảm khốc và đám cháy sẽ vượt quá tầm kiểm soát trong vài giờ.

Trận cháy rừng Blue Cut năm 2016 xảy ra ở San Bernardino, California.

Lực lượng cứu hỏa sẽ bất lực trong kiềm chế cháy rừng vì cháy quá lớn và lan quá nhanh nhờ gió to. Chỉ trong hai ngày, đám cháy sẽ lan rộng ra 16km, lan theo mọi hướng trong rừng quốc gia, tiến tới khu vực Palm Springs với 48.000 dân và khu vực San Bernardino với 220.000 dân. Nhiều người chết cháy trong nhà và ô tô.

Khói từ đám cháy rừng có thể bay xa ít nhất 160km về phía tây, vào thành phố Los Angeles bay 160km về phía bắc tới San Diego, dẫn tới chất lượng không khí độc hại trong khắp khu vực, khiến hàng nghìn người nhập viện. Trên 100.000 nhà cửa có thể bị phá hủy, hàng trăm người sẽ chết trong cháy rừng. Ông David Sapsis, nhà khoa học tại Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy California (Cal Fire), nói: "Thiệt hại có thể sẽ rất lớn, vượt quá cả những gì chúng ta chứng kiến gần đây".

Trong tuần thứ hai, cháy rừng sẽ lớn hơn khi lan tới rừng quốc gia Cleveland và công viên Anza-Borrego ở hạt San Diego. Tổng cộng, kịch bản cháy rừng này sẽ thiêu trụi 1,5 triệu mẫu rừng và là đám cháy mạnh nhất trong lịch sử bang.

Mô hình kịch bản nói trên không ước tính tổng số người chết, nhưng ai cũng có thể biết thiệt hại về người sẽ khủng khiếp thế nào xét quy mô cháy rừng. Cháy rừng ở Paradise trong vụ cháy Camp Fire năm 2018 đã khiến 86 người chết khi quy mô chỉ bằng 1/10 kịch bản trên.

Kịch bản bão cấp 5 ở Vịnh Tampa

Trong khi đó, Vịnh Tampa là một trong những khu vực ở Mỹ gặp rủi ro nhiều nhất khi bão tràn vào vì vịnh có vị trí địa lý dễ bị tổn thương và dân số đông. Nếu bão cấp 5 trực tiếp vào vịnh, các khu vực ở hạt Pinellas (trong đó có thành phố St. Petersburg) sẽ tạm thời trở thành một hòn đảo. Những người ở lại hoặc không thể sơ tán sẽ bị mắc kẹt khi tứ bề là nước. Ở trung tâm Tampa, nước sẽ ngập tới gần 8m, gấp đôi mức ngập kỷ lục trong cơn bão năm 1921.

Gió giật 257km/ giờ sẽ thổi bay nhà cửa, đập tan cửa kính tòa nhà cao tầng, phá hủy hệ thống kiểm soát giao thông và gần một nửa triệu tòa nhà. 843.000 hộ gia đình sẽ mất nhà cửa.

Trong trường hợp xấu nhất, cơn bão kinh hoàng này sẽ giết chết 2.000 người. Vịnh Tampa sẽ phải mất nhiều năm mới hồi phục.

Chưa hành động đủ

Đây là các kịch bản thời tiết cực đoan trong trường hợp xấu nhất mà các nhà khoa học dự báo cho ba khu vực dễ bị tổn thương của Mỹ. Mỗi sự kiện đều được mô tả trong trường hợp cực đoan, tồi tệ, hiếm xảy ra. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu khiến những sự kiện này trầm trọng hơn, xảy ra nhiều hơn ở nhiều khu vực nước Mỹ.

Nếu một trong những sự kiện thời tiết cực đoan diễn ra, thậm chí là với mức độ ít nghiêm trọng hơn, thì nó vẫn sẽ khiến con người trả giá đắt bất thường cả về sinh mạng và vật chất. Đây là những tình huống mà dù một người dân hay một quan chức chính phủ đều muốn chuẩn bị sẵn sàng.

Có một điều rõ ràng là các khu vực Vịnh Tampa, Nam California và Phoenix cùng với vô số thành phố dễ bị tổn thương tương tự đều chưa hành động đến nơi đến chốn để giảm tác động của các sự kiện thời tiết này, dù là nó có thể xảy ra ở mức cực đoan nhất hay ít nghiêm trọng hơn. Ở những nơi này, người ta vẫn xây dựng nhà cửa trên đường đi của bão, vẫn chặt cây và bê tông hóa mọi nơi. Các cơ quan chính phủ bỏ lại hàng triệu cây khô trong rừng, sẵn sàng đốt bằng một mồi lửa.

Tờ New Yorker vừa đăng một bài viết của một tiểu thuyết gia nổi tiếng tên là Jonathan Franzen, trong đó ông chỉ trích các nhà khoa học và nhà hoạt động khí hậu vì có những hy vọng phi thực tế, vì tin rằng thảm họa có thể ngăn chặn được về mặt lý thuyết. Theo ông Franzen, chiến tranh với khí hậu là cuộc chiến con người không thể thắng và thay vì làm mọi thứ có thể để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, con người nên chuyển nguồn lực để thích nghi và duy trì sự sống.

Bà Mary Annaise Heglar thuộc Hội đồng Bảo vệ Nguồn lực Thiên nhiên cho rằng hoàn toàn có thể chuẩn bị cho các thảm họa này. Khi biết những thảm họa thời tiết có thể sẽ xảy ra, con người không cần co rúm lại vì sợ. Chúng ta có thể tìm hiểu về các thảm họa và tìm cách giảm nhẹ chúng.

Nhật Minh
.
.