Bắc Cực đang “nóng” lên

Thứ Ba, 21/05/2019, 17:47
Bắc Cực đang “nóng” lên không chỉ về nhiệt độ tự nhiên do biến đổi khí hậu gây ra, mà còn “nóng” bởi những cuộc tranh đua của các cường quốc, những quốc gia có biên giới giáp Bắc Cực. Có nhiều mục tiêu lợi ích trong cuộc đua tranh này, trong đó rõ nhất là nguồn tài nguyên giàu có chưa được khai thác, và tuyến hàng hải vô cùng quan trọng.


Băng tan nhanh kỷ lục

Theo Chương trình nghiên cứu biến đổi khí hậu toàn cầu Mỹ (GCRP), sự tụt giảm băng dẫn đến nhiệt độ nước toàn cầu ấm lên, và nước ấm này quay trở lại làm cho băng tan nhanh hơn. Một báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) công bố hồi tháng 3-2019 cho biết “kể từ khi có đo đạc bằng vệ tinh vào thập niên 1970, băng trên biển Bắc Cực đã giảm liên tục trong cả năm và trên hầu hết khu vực, ngoại trừ khu vực biển Bering vào mùa đông”.

Băng tan nhanh ở vùng Svalbard, Na Uy.

Giáo sư Tore Furevik tại Viện Địa vật lý thuộc Đại học Bergen, Na Uy đưa ra một chi tiết khiến ai cũng giật mình: Tốc độ băng tan ở Bắc Cực hiện nay là rất cao, cứ mỗi giây trôi qua là mất đi 10.000 tấn băng. Còn một báo cáo mới của Trung tâm Dữ liệu băng tuyết quốc gia (NSIDC) công bố hồi tháng 4-2019 cho biết độ phủ băng ở Bắc Cực giảm đến mức thấp kỷ lục, giảm đến 130.000km2 so với tháng 4-2018.

Báo cáo cũng lưu ý băng từ 4 năm tuổi trở lên hiện chỉ còn chiếm khoảng 1,2% tổng diện tích phủ băng của Bắc Cực. Một cách tổng quát, băng ở Bắc Cực tan nhanh bởi nhiệt độ vùng cực đang tăng với tốc độ gấp đôi so với các vùng khác của trái đất. Theo dự báo, đến năm 2035, Bắc Cực sẽ không còn băng vào mùa hè.

Hậu quả của tình trạng băng tan nhanh ở Bắc Cực không chỉ là biến đổi hệ sinh thái các loài ở Bắc Cực, trong đó có những loài cá thương phẩm cũng như nguồn thức ăn của gấu Bắc Cực, mà nghiêm trọng hơn nó làm cho hiện tượng nước biển dâng diễn ra nhanh hơn và nặng nề hơn.

Cuộc đua khai thác tài nguyên

Băng tan nhanh làm lộ ra những vùng đất mới giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt, uranium, đất hiếm và các loại khoáng sản khác.

Thành phố Barrow thuộc bang Alaska là địa điểm gần Bắc Cực nhất của nước Mỹ. Nằm cách điểm Bắc Cực không quá 1.800km, Barrow còn được biết đến là một căn cứ nghiên cứu biến đổi khí hậu. Vùng đất này xưa kia có tên gọi là Ukpeagvik, vùng đất săn ó tuyết, đến năm 1825 đổi tên thành Barrow lấy theo tên Đô đốc Hải quân Anh Sir John Barrow.

Ngày nay, người Anh đã trở lại nơi đây nhưng với mục đích khác hẳn: khai thác tiềm năng khoáng sản. Tập đoàn dầu khí Shell của liên danh Anh-Hà Lan đã có mặt nhiều năm nay để đầu tư thăm dò và xây dựng kế hoạch khoan lấy dầu bên dưới lớp băng đang ngày càng mỏng đi.

Trước Shell, Tập đoàn BP đã đến Alaska từ hơn nửa thế kỷ trước, và hiện đang khai thác một mỏ dầu ở Prudhoe Bay, nằm ở duyên hải phía đông thành phố Barrow. Gần đây, đối thủ của Shell là Hãng Total của Pháp cũng đã hợp đồng thăm dò dầu khí ở Bắc Cực, nhưng sau đó đã hủy bỏ hợp đồng và rút lui do lo ngại tai tiếng về vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của Viện Quan trắc địa chất Mỹ (USGS), Bắc Cực hiện đang chứa khoảng 30% trữ lượng khí đốt và 15% trữ lượng dầu mỏ chưa khai thác trên trái đất, tương đương khoảng 412 tỉ thùng dầu thô. Trong 8 quốc gia có lãnh thổ giáp với Bắc Cực, Mỹ có tỉ lệ trữ lượng dầu cao nhất với 32,6%, kế đến là Nga với 29,2%, Đan Mạch có 14,6%, Canada 11,1% và Na Uy 4,7%. Ngoài ra, Iceland cũng chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, khoảng 0,3%.

Cho đến nay, Shell đã đầu tư khoảng 6 tỉ USD cho hoạt động khoan thăm dò trong khu vực Bắc Cực thuộc bang Alaska của Mỹ, nhưng chưa thu được kết quả cụ thể nào. Theo USGS, chỉ cần Shell thăm dò thành công, lập tức hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí sẽ bùng nổ khắp vùng Bắc Cực. Khi đó, Bắc Cực sẽ rất “nóng” với cuộc đua tìm “vàng đen”.

Thực tế, kể cả khi hoạt động thăm dò của Shell chưa thành công, sự quan tâm đối với nguồn tài nguyên giàu có của các quốc gia Bắc Cực cũng đã khiến cho Bắc Cực trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Mỹ, Nga, Na Uy, Greenland và một loạt quốc gia khác đều đang gia tăng chi tiêu cho quân sự và có những hoạt động mang tính khẳng định chủ quyền tại đây.

Viện Nghiên cứu các sự vụ quốc tế Ba Lan (PISM) gần đây đưa ra cảnh báo Nga đang thiết lập một đơn vị lính thủy đánh bộ, một sư đoàn phòng không và hệ thống tên lửa bảo vệ bờ biển trên một chuỗi đảo trong Bắc Băng Dương.

Việc Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đến thăm chuỗi đảo này cũng được xem là hành động có tính “khiêu khích” các quốc gia Bắc Cực khác. Ngoài ra, Nga cũng đang khôi phục lại các căn cứ quân sự trên bán đảo Kola từng được Liên Xô xây dựng trong thời Chiến tranh Lạnh ở vùng tây bắc nước này.

Sự hiện diện ngày càng nhiều của con người sẽ khiến băng ở Bắc Cực tan nhanh hơn.

Không chỉ có Nga mà hầu như tất cả các quốc gia giáp Bắc Cực đều có hành động xí phần, xác lập chủ quyền đối với phần đất còn bỏ hoang dưới lớp băng vùng cực dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Việc khẳng định chủ quyền sẽ là tiền đề quan trọng để các quốc gia ký kết các hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản quý hiếm khác chưa được đụng đến. Bên cạnh đó, để bảo đảm an ninh cho hoạt động khai thác tài nguyên, cũng như khẳng định chủ quyền lãnh thổ, các quốc gia cũng không ngừng gia tăng quân sự hóa vùng cực.

Ngoài Nga, Na Uy là quốc gia thứ hai đã đưa quân đội lên đóng trong vùng biển Bắc Băng Dương. Tháng 10-2018, NATO đã triển khai một cuộc tập trận mang tên Trident Juncture với 40.000 quân tại vùng biển thuộc Na Uy. Đây là cuộc tập trận lớn nhất ở Na Uy trong hơn 10 năm qua.

Trước đó khoảng 1 tháng, nước Anh cũng đã thông báo một “Chiến lược phòng thủ Bắc Cực” mới và cam kết trong 10 năm sẽ đưa 800 lính biệt kích đến Na Uy và điều 4 máy bay tiêm kích RAF Typhoon đến Iceland để tuần tra trên không.

Mỹ cũng không chịu thua kém, gần đây đã “gia cố” sự hiện diện quân sự lẫn ngoại giao ở Bắc Cực với việc tham gia các cuộc tập trận quân sự và đưa tàu phá băng lên tuần tra. Hàng trăm lính thủy quân lục chiến Mỹ đang được luân chuyển lên vùng cực, và nước này còn tuyên bố sẽ lần đầu tiên cử tàu hải quân đi qua tuyến hàng hải Bắc Cực như một hành động khẳng định quyền tự do hàng hải.

Tại Hội nghị Những biên giới Bắc Cực (Arctic Frontiers) tổ chức ở Tromso, Na Uy hồi tháng 1-2019, Giáo sư địa chính trị học Klaus Dodds ở Đại học London nhận định rằng lý do để các quốc gia gia tăng sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực xuất phát từ nỗi lo về an ninh khi băng tan, lộ ra vùng nước và thềm lục địa.

“Cấu trúc an ninh ở Bắc Cực xưa nay được hình thành và giữ vững bởi khí hậu lạnh giá của tự nhiên. Một khi Bắc Cực trở thành một đại dương thực thụ, cấu trúc an ninh đó không còn nữa”, Giáo sư Dodds nói.

Giáo sư Dodds cũng cảnh báo Bắc Cực đang ngày càng đông đúc và “nóng” hơn không chỉ bởi sự hiện diện quân sự và khai thác tài nguyên của các quốc gia Bắc Cực, mà còn bởi sự chen chúc của những quốc gia khác ngoài Bắc Cực, kể cả những quốc gia ở tận vùng nhiệt đới nóng nực của trái đất, như Trung Quốc, Pakistan, Singapore, Morocco,…

Tuyến hàng hải vô cùng quan trọng

Băng tan nhanh không chỉ đe dọa hệ sinh thái và khí hậu trái đất, mà theo góc nhìn của một số người còn mở ra cơ hội lớn cho các hoạt động kinh tế. Phát biểu với báo chí trước cuộc họp Hội đồng Bắc Cực hôm 7-5 tại Rovaniemi, Phần Lan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố một cách phấn khích rằng diện tích băng Bắc Cực giảm nhanh đang tạo ra nhiều cơ hội kinh tế.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Bắc Cực ở Rovaniemi, Phần Lan.

“Băng trên biển tan nhanh sẽ mở ra tuyến hàng hải mới. Chúng ta đang bước vào một thời đại mới với sự tham gia chiến lược ở Bắc Cực, có cả những mối đe dọa lợi ích và an ninh” – ông Pompeo nói.

Như một minh chứng cho lời ông Pompeo nói, mùa hè năm 2018, lần đầu tiên một chiếc tàu chở Container của hãng vận tải biển Maersk đã đi từ châu Á sang châu Âu thông qua tuyến hàng hải Bắc Băng Dương.

Tuyên bố của ông Pompeo vấp phải phản ứng trái chiều từ giới bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Rõ ràng băng Bắc Cực tan nhanh là điều đáng lo hơn đáng mừng, bởi theo sau nó là những hệ quả khó lường đối với khí hậu trái đất và cuộc sống của con người.

Ông Pompeo cũng khiến giới quan sát ngạc nhiên khi đưa vấn đề an ninh vào nghị trình của Hội đồng Bắc Cực. Các chuyên gia cho rằng Hội đồng Bắc Cực có sứ mệnh chung là giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường của Bắc Cực, đặc biệt là làm sao ngăn chặn tình trạng nhiệt độ đang ấm lên liên tục trong vài năm gần đây dẫn đến tình trạng băng tan nhanh hơn sự bù đắp hàng năm.

Thực ra, phát biểu của ông Pompeo phản ánh thực tế Bắc Cực đang “nóng” dần lên bởi các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên và quân sự hóa như đã nêu ở phần trên. Bên cạnh đó, ông Pompeo đưa ra cảnh báo đối với một số quốc gia khác đang muốn tham gia vào cuộc đua tranh quyết liệt ở vùng cực.

Quốc gia mà ông Pompeo cảnh báo mạnh mẽ nhất chính là Trung Quốc. “Cách thức hành động thái quá của Trung Quốc ở những nơi khác cho chúng ta suy nghĩ họ sẽ làm như thế nào với Bắc Cực” – ông Pompeo.

Ngoại trưởng Mỹ đặc biệt “dị ứng” với các hoạt động thời gian qua của Trung Quốc khi biến các quốc gia nghèo thành con nợ trong hợp tác xây dựng “Vành đai, Con đường”, việc quân sự hóa các đảo xây, chiếm trái phép trên Biển Đông và khai thác tài nguyên một cách không kiểm soát ở châu Phi.

Ông Pompeo khẳng định: Trung Quốc không phải là quốc gia Bắc Cực, mà chỉ có tư cách quan sát viên ở Hội đồng Bắc Cực. Điểm cực Bắc của nước này cũng cách xa vùng Bắc Cực đến 1.450km.

Vì thế ông Pompeo cho rằng Bắc Kinh không thể lạm dụng từ ngữ để tự xem mình là “quốc gia nằm gần Bắc Cực”, và rằng Bắc Kinh không thể biến Bắc Cực thành một “Biển Đông thứ hai”, ám chỉ những hành động tạo tranh chấp, lấn chiếm trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông có thể được tái hiện ở Bắc Cực.

Điều ông Pompeo cảnh báo hoàn toàn có cơ sở. Trong giai đoạn từ năm 2012-2017, Trung Quốc đã đầu tư khá lớn vào Bắc Cực, gần 90 tỉ USD, nhằm mục tiêu khai thác tuyến hàng hải đi qua Bắc Cực. Gần đây, Mỹ càng sốt ruột hơn khi Nga chấp thuận làm đối tác với Trung Quốc để đưa tuyến hàng hải Bắc Cực vào dự án “Con đường tơ lụa” mới, tức “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

Tình hình này sẽ khiến cho không khí hòa bình trong băng giá của Bắc Cực sẽ sớm biến mất, sự hợp tác xuyên biên giới cũng sẽ bị đe dọa. Ngay cả trong thời Chiến tranh Lạnh vẫn có những thỏa thuận hợp tác giữa các quốc gia Bắc Cực trong khai thác, đánh bắt thủy sản, nghiên cứu khoa học và chăn nuôi tuần lộc.

Những thỏa thuận hợp tác đó vẫn còn cho đến nay. Nhưng một khi băng tan nhanh, sự tranh giành lợi ích sẽ bùng phát, và việc duy trì các thỏa thuận hợp tác sẽ rất khó khăn.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.