Bánh xe hơi nước – sáng chế kỹ thuật chịu số phận hẩm hiu

Thứ Bảy, 03/03/2018, 15:43
Khi kiến trúc sư nổi tiếng người Italia Giovanni Branca (1571-1645) vẽ chiếc “bánh xe hơi nước” của mình vào năm 1629, ông không thể tìm được người đồng cảm với “tính nghiêm túc” của sáng chế mới này.

G. Branca cố sức thuyết phục chí ít là những bạn bè thân thiết nhất tin vào tính khả thi của phát minh, nhưng cho đến tận cuối đời G. Branca vẫn không thực hiện được ý định đó.

Tranh minh họa “bánh xe hơi nước” của kiến trúc sư G.Branca.

Còn khi xem xét những bản vẽ thiết kế vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay, chúng ta có thể khẳng định rằng “bánh xe hơi nước” là một ý tưởng thực tế; “giá như” thứ thiết bị tiện dụng này từng hiện hữu từ thời ấy, hiển nhiên đã giúp thúc đẩy cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật của loài người phát triển sớm hơn rất nhiều… nếu như phương tiện hữu hiệu đó không “đi trước” thời đại của mình. Bởi hồi ấy chưa ai có thể làm “bánh xe hơi nước” bằng kim loại được, mà chỉ riêng G. Branca quả quyết là bánh xe cũng như các phụ kiện đi kèm sẽ được làm… bằng gỗ.

Đương nhiên đó là một quan niệm sai lầm, tại vì chẳng có thứ gỗ nào chịu được nổi áp lực cùng nhiệt lượng cao như vậy cả. “Bánh xe hơi nước” bị lãng quên và một thời gian dài sau thì xuất hiện máy hơi nước. Nhưng G. Branca không được ghi vào danh sách những nhà sáng chế kỳ cựu, đơn giản với số phận cũng như nhiều ý tưởng kỹ thuật tiện dụng khác là thời gian chưa đủ “chín muồi” cho những phát kiến đó, bởi chúng đã “vượt” trước thời đại.

Khoa học và kỹ thuật không thể tự phát triển mà không ràng buộc với sự phát triển chung của xã hội, phụ thuộc vào sự phát triển của các năng lực sản xuất. Ví như tuốc bin hơi nước chẳng hạn, với nguyên tắc hoạt động đã được người ta biết đến từ lâu. Ngay từ thế kỷ XIX mọi quốc gia kỹ nghệ phát triển đều lưu tâm tới vấn đề này. Năng lực sản xuất và điều kiện nguyên liệu đã đủ tiêu chuẩn tạo ra khả năng chế tạo tuốc bin hơi nước, điều đó có nghĩa là kỹ thuật cơ bản đã được làm chủ. Còn mức phát triển của xã hội đòi hỏi phải tạo ra ngay các tuốc bin hơi nước.

Vậy là mọi người bắt tay vào cuộc. Chỉ riêng ở Anh trong giai đoạn từ năm 1880 đến 1890 đã có 52 bằng sáng chế về tuốc bin hơi nước được đề xuất. Hơn một thập niên sau số bằng sáng chế lên tới 186 bản. Tuốc bin hơi nước khi ấy là động lực hàng đầu thúc đẩy sự phát triển nhanh của xã hội đương thời, bởi mọi ngành công nghiệp cũng như vận tải đều đòi hỏi các động cơ có sức đẩy mạnh.

Quang Long (theo Discover)
.
.