Báo động về những người tâm thần gây án
- Trưng cầu giám định tâm thần nghi can tự khai nhận giết mẹ ruột
- Giám định tâm thần hung thủ đâm cháu bé 11 ngày tuổi
- Hội chứng tâm thần tập thể
- Nhập viện bệnh viện tâm thần vì... “đập đá” (bài 2)
- Nghi can giết người cưa song sắt trốn khỏi Bệnh viện tâm thần
1. Bước vào hàng lang Khoa điều trị số 2 (khoa cấp tính nam) Bệnh viện Tâm thần trung ương, tôi đã có chút rờn rợn. Để vào được đây, phải bước qua một cánh cửa sắt dày, luôn được canh phòng cẩn mật bởi một người đàn ông to béo. Ông ta luôn nở một nụ cười thoạt nhìn thì thấy dễ thương, song lại ẩn chứa điều gì đó quái dị.
Bệnh nhân Đặng Văn Thanh (trái) và Nguyễn Đăng Việt. |
Tại phòng bác sỹ trưởng khoa, chúng tôi được gặp bệnh nhân Đặng Văn Thanh (SN 1968 trú tại Hồng Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Ngay từ giây phút giáp mặt đầu tiên, tôi đã thoáng rùng mình. Người đàn ông có thân hình cao to, rắn chắc song khuôn mặt thì phải nói là… lạnh như đóng băng. Đặc biệt là đôi mắt lúc nào cũng nhìn trừng trừng, như thể sắp ăn tươi nuốt sống người đối diện.
Cái nhìn đầy ám ảnh của ông ta khiến tôi không thể không liên tưởng đến ánh mắt của bác sỹ giết người hàng loạt Hannibal Lecter trong bộ phim nổi tiếng “Sự im lặng của bầy cừu”. (Trong bộ phim này, Hannibal được khắc họa là một bác sỹ thông minh song đầy độc ác, nham hiểm và điên loạn).
Lấy hết can đảm, tôi mời ông ta ngồi bên và từ từ hỏi chuyện. Đặng Văn Thanh kể lại hành động sát hại những người thân trong gia đình một cách “tự nhiên, bình thản” càng khiến chúng tôi ám ảnh, xót xa.
Thanh vốn là một nông dân cần cù chất phác ở xã Hồng Châu, cả đời chỉ biết đến đồng lúa, củ khoai. Nhưng thật đáng sợ, trong bộ não của ông ta lại ẩn chứa căn bệnh nguy hiểm – tâm thần phân liệt. Khi gặp một kích thích ông ta có thể có những hành động ghê rợn mà ít ai có thể tưởng tượng được.
Vào một buổi chiều đầu tháng 3-2015, Đặng Văn Thanh ở nhà xem tivi. Lúc đó cô con gái Đặng Thị Thủy cũng đang ở nhà. Thủy sinh năm 1992, làm nghề cắt tóc gội đầu. Từ nhỏ đến lớn, Thủy luôn là cô gái ngoan ngoãn, có hiếu với cha mẹ. Mặc dù đã lấy chồng, song Thủy thường xuyên qua nhà thăm nom, có món ăn gì ngon là Thủy đều mang sang cho bố mẹ. Nhưng thật không ngờ, buổi chiều hôm đó lại là ngày cuối cùng của Thủy.
Sau nhiều ngày mất ngủ, đầu óc ông Thanh lúc nào cũng căng như dây đàn. Ông ta không thể điều chỉnh nổi hành vi của mình. Và khi cơn điên nổi lên, người đàn ông vốn là lực điền ấy đã dùng dao chém nhiều nhát vào người con gái, khiến cô tử vong tại chỗ. Bản thân Thanh sau khi gây án cũng đã cắt cổ tay tự sát, đồng thời còn dùng dây điện quấn vào tay, nối vào ổ điện. Tuy nhiên ông ta đã không chết.
Thanh kể, khi gây án ông ta không hề biết một tí gì. Ông không nhớ đã lấy con dao ở đâu, không nhớ chém vào chỗ nào, cũng không biết đã tự sát. “Lúc đó tôi chỉ thấy đầu óc mơ mơ tỉnh tỉnh, chân tay hoạt động một cách vô thức”. Khi mà nhận thức được vấn đề thì ông đang ở trong bệnh viện. Hành vi man rợ kia ông chỉ được biết qua lời kể của bạn bè và các chiến sỹ công an mà thôi.
Thanh chỉ nhớ mang máng rằng, thời điểm trước khi gây án ông ta bị mất ngủ triền miên. Đêm nào cũng thức chòng chọc từ chập tối đến sáng bảnh, và đầu óc cứ lộn tùng phèo. Thanh cố lết ra tiệm thuốc đầu làng mua một vốc thuốc ngủ. Rồi mỗi lần ông uống 3-4 viên, chợp mắt được 1-2 giờ đồng hồ rồi lại tỉnh dậy. Nhiều hôm liền như thế thì gây ra sự việc tày trời ở trên.
Sau vụ án, cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc xác định nguyên nhân là do bệnh tâm thần tái phát, Đặng Văn Thanh được đình chỉ điều tra và đưa đi chữa bệnh bắt buộc. Bà vợ không chịu nổi cú sốc, đã phải bươn bải vào TP. HCM, sống cùng cậu con trai.
Cũng ít ai biết rằng gần hai mươi năm trước, chính Đặng Văn Thanh đã dùng dao chém chết một người cháu ruột của ông ta – trong một cơn điên. Khi đó gia đình đã đưa ông đi chữa bệnh nhiều năm, khi thấy bệnh tình thuyên giảm thì trở về quê tiếp tục làm ăn. Cũng với cái giọng u buồn, lạnh lẽo, Đặng Văn Thanh cho biết dù sự việc đã xảy ra được hơn một năm song cứ nghĩ đến hình ảnh con gái, Thanh lại khóc.
Theo bác sỹ ở khoa, khi được đưa vào đây bệnh nhân Thanh có biểu hiện bị trầm cảm nặng. Thanh không giao tiếp với ai, cũng hiếm người có thể giao tiếp được với ông ta. Thanh không biết, không nhớ được vì sao lại bị đưa vào bệnh viện. Qua một thời gian dài điều trị, sức khỏe tâm thần của ông ta mới dần trở lại bình thường. Nhưng không ai dám chắc rằng, khi được trở về nhà, thiếu sự chăm sóc theo dõi của những người có chuyên môn căn bệnh kia sẽ không bao giờ tái phát!
2. Nếu Đặng Văn Thanh để lại cái nhìn ám ảnh cho người đối diện, thì bệnh nhân H.Đ.L. (SN 1994, trú tại Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại khiến cho chúng tôi có một cái nhìn khác về căn bệnh tâm thần. Dù đang trong thời kỳ chữa bệnh, và trước một tương lai mờ mịt song L. lại nói chuyện với chúng tôi với một sự thoải mái lạ lùng. L. có khuôn mặt xinh trai, trắng trẻo và tường thuật lại quá trình gây án rõ ràng, khúc chiết, và thường xuyên mỉm cười (!?)
Hàng lang khoa điều trị cấp tính nam (Khoa 2) Bệnh viện Tâm thần TW. |
Một buổi chiều tháng 7-2015, L. thấy người lâng lâng. Cậu bước ra khỏi nhà trong trạng thái vô thức, trong tay thủ sẵn một chiếc dùi cui điện (Có vẻ như cậu muốn đóng vai một người hùng). Rồi L. gọi một chiếc taxi, bảo tài xế chạy đến khu vực An Dương (Tây Hồ, Hà Nội).
Tại đây, L. bất ngờ rút ra chiếc dùi cui điện gí vào cổ tài xế. Không may cho L., người tài xế bật cửa thoát ra ngoài, cùng quần chúng nhân dân tóm cổ tên cướp tại trận.
Sau đó, L. được thưởng thức “cơm cân, áo số” trong nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ. Xác định L. bị bệnh tâm thần phân liệt, cơ quan tố tụng đã ra quyết định đưa cậu ta vào bệnh viện chữa trị.
L. kể vốn sinh ra trong một gia đình gia giáo, L. được bố mẹ hết sức yêu chiều. Từ bé đến lớn L. chỉ học và chơi. Đặc biệt L. là người ham chơi thể thao, rất thích đá bóng.
- Vậy thì lý do nào khiến em mắc bệnh?
- Chắc tại do em xem phim quá nhiều!
- Nhiều là bao nhiêu?
- Nếu không có việc gì thì em xem cả ngày, thâu đêm suốt sáng, ngày này qua ngày khác…
- Em xem những phim gì?
- Phim gì em cũng xem!
L. tỏ ra hào hứng kể. “Em bắt đầu biết “cày” phim từ khoảng một chục năm trước. Các loại phim hành động, giả tưởng của Mỹ, như phim của Mavell - là em cày không sót một tập. Kiến thức phim ảnh của em ngay cả những nhà phê bình cũng phải… xách dép”. L. có thể nhớ được từng tập phim, thời gian phát hành, đạo diễn, các diễn viên chính… L. còn hào hứng bảo rằng mong sẽ được sớm ra viện để còn theo dõi bộ phim mới nhất của Mavell!
- Vậy ra em bị bệnh là do phim ảnh?
- Dạ cũng không hẳn, trước đó em đã có ảo giác rằng ai đó đang muốn sát hại em, nên em phải cảnh giác. Em phải chủ động đi tìm đối phó với họ trước.
- Thời gian ở trại tạm giam, ở bệnh viện em cảm thấy thế nào?
- Ôi em nhớ mẹ lắm ạ. Từ nhỏ đến giờ hiếm khi em phải xa mẹ, xa gia đình lâu như thế này. Nhất là vào những dịp lễ, tết em lại nhớ bằng thời điểm này năm trước mình đang làm gì, mẹ nấu món gì cho ăn… Em cứ khóc mãi!
Nói về tương lai, cậu sinh viên đang học dở năm thứ 2 trường đại học T. cho biết. Nhẽ ra thì giờ này em đang đi thực tập, chuẩn bị ra trường rồi. Vậy mà nay phải ở đây, rất có thể còn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật nữa.
- Em có mong đến ngày về?
- Dạ em ở đây lâu rồi, về sớm hay muộn cũng không quan trọng!
3. Cũng trạc tuổi L., bệnh nhân Nguyễn Đăng Việt (SN 1993, trú tại Quế Võ, Bắc Ninh) lại cho chúng tôi một cái nhìn khác về căn bệnh tâm thần. Theo hồ sơ vụ án, tháng 10-2014, Việt cùng hai đối tượng gây ra vụ cướp xe máy của một nữ sinh. Hỏi Việt có nhớ về vụ việc này không, Việt bảo chỉ nhớ láng máng. Đầu giờ chiều hôm ấy, Việt đang chơi game tại một quán Internet thì có hai cậu trai làng rủ đi chơi. Việt leo lên xe máy của họ, rồi đến khu vực đê Đông Du (Quế Võ).
Thấy chị Mai Thị T. đang đứng cách đó không xa cả nhóm dừng lại. Việt dựng xe ở trên đê, một đối tượng xông vào hành hung cô nữ sinh cướp chiếc xe máy và điện thoại di động. Cả nhóm mang chiếc xe bán cho một người quen trong xã lấy 600 ngàn đồng. Việt sau đó được xác định bị bệnh tâm thần, nên phải đi chữa bệnh bắt buộc.
Việt kể nhà em có ba anh em trai, người anh cả đã mất vì bạo bệnh. Việt bỏ học từ sớm, ở nhà làm ruộng và chăn bò cho bố mẹ. Sở thích của Việt là lên mạng Internet. Việt có thể ngồi đồng từ sáng đến chiều chỉ để chơi bài “tiến lên” và vào mạng xã hội facebook. Đầu năm 2014, bố của Việt trong một cơn say rượu đã gây tai nạn giao thông và mất.
- Em có uống được rượu không?
- Dạ không ạ, chỉ một chén là em đã đỏ mặt.
- Sao em lại đi cướp? Em thiếu tiền à?
- Dạ không, mấy anh kia rủ thì em đi cùng thôi.
Trong suốt cuộc nói chuyện, lúc nào đôi mắt của Việt cũng ngây ngây, dại dại. Thân hình khẳng khiu, tiều tụy, hai bàn tay của cậu ta cứ xoắn vào nhau. Lúc di chuyển thân hình Việt cứ co ro khúm núm rất đáng thương. Có vẻ như cậu ta vẫn chưa thoát ra khỏi những ảo giác của căn bệnh tâm thần phân liệt. Hỏi Việt vào đây lâu thế có nhớ ai không. Việt ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời, chỉ nhớ…game thôi!
Thiếu cơ sở pháp lý và nguồn nhân lực để chữa bệnh cho người tâm thần gây án Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 - cho chúng tôi biết. Bệnh viện là một trong 5 cơ sở tiếp nhận người bệnh bắt buộc, hoạt động theo nghị định 64 “thực hiện thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người mắc bệnh tâm thần hoặc một số bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi”. Tuy nhiên, một vướng mắc ở đây là chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể để thực hiện việc điều trị một cách chủ động, thông suốt. Ví dụ bệnh nhân theo diện chữa bệnh bắt buộc được đưa vào đây sẽ được quản lý như thế nào? Việc bảo vệ sẽ tiến hành ra sao, cơ sở vật chất cũng như con người để chăm sóc cho những người bệnh này cũng chưa rõ ràng. Thời gian vừa qua trên tinh thần trách nhiệm hết lòng vì người bệnh, mỗi khi cơ quan tố tụng có công văn yêu cầu thì bệnh viện đều tiếp nhận các bệnh nhân vào chữa bệnh bắt buộc, song phải tổ chức “rải” ở các khoa (vì không có chuyên khoa). Bên cạnh đó, Quyết định 64 cũng có chỗ thiếu rõ ràng khi quy định: “Khi nào người bệnh khỏi thì sẽ tiến hành thủ tục cho ra viện”. Theo bác sỹ Cương thì rất khó có thể nói bệnh nhân nào là “khỏi” mà chỉ có thể nói là bệnh nhân đã hết các triệu chứng trong một thời điểm, giai đoạn nào đó. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi trong lần soạn thảo sau. |