Bên trong trung tâm liệu pháp proton điều trị ung thư ở Cộng hòa Séc
Vừa qua, Cảnh sát Anh tiến hành cuộc tìm kiếm rộng khắp châu Âu gia đình của Ashya King, cậu bé 5 tuổi mang khối u trong não được cho là đã bị "bắt cóc" khỏi Bệnh viện đa khoa Southampton do cha mẹ tuyệt vọng sau khi các bác sĩ từ chối sử dụng liệu pháp proton để chữa trị.
Thật ra, Brett king, cha của Ashya, đã liên lạc với Trung tâm Liệu pháp Proton tại Cộng hòa Séc vào ngày 20/8 và đề nghị cho con được chữa trị với phương pháp này.
Sau khi xem xét bệnh án của Ashya King - được gửi đến từ thành phố Southampton, hạt Hampsshire, miền Nam nước Anh - Trung tâm nhận định bệnh nhi thích hợp với liệu pháp proton (dạng cao cấp của liệu pháp bức xạ) để chữa trị u nguyên tủy bào (medulloblastoma) - khối u ác tính đe dọa tính mạng phát triển trong vùng tiểu não, trung tâm kiểm soát thăng bằng và một số chức năng vận động phức tạp nằm ở đáy não. U nguyên tủy bào thường hay gặp nhất trong các khối u sọ não ở trẻ em (chiếm 15 - 20% các khối u sọ não ở trẻ em).
Trong 2 thập niên qua, liệu pháp chùm tia proton (hạt điện tích dương trong nhân các nguyên tử) trở thành cách điều trị được lựa chọn ở châu Âu và Mỹ để chữa trị một vài loại ung thư - nhưng không được sử dụng cho u nguyên tủy bào tại Anh. Lý do tại sao thì NHS England (Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh) từ chối giải thích.
Còn đối với các bệnh ung thư khác "được phép", chính quyền Anh cam kết xây dựng 2 trung tâm liệu pháp proton năng lượng cao tại Manchester và London, song 2 nơi này sẽ không mở cửa trước năm 2018. Trong khi đó, số bệnh nhân cần được chữa trị bằng liệu pháp proton ở Mỹ, Pháp và Thụy Sĩ tăng từ 18 trường hợp năm 2008 đến 122 trường hợp năm 2013 - với chi phí trung bình 70.000 bảng Anh cho mỗi bệnh nhân, theo NHS England.
Tuy nhiên, Trung tâm Liệu pháp Proton (PTC) ở Cộng hòa Séc tuyên bố liệu pháp tiến hành nơi đây có giá rẻ hơn một nửa so với ở Mỹ. PTC được xây dựng bằng tài sản riêng của hai anh em người Séc Vaclev và Pavel Lastovka.
Cách đây gần 15 năm, hai anh em quyết định thành lập một trung tâm tư nhân cung cấp dịch vụ liệu pháp proton sau khi một thành viên gia đình được chữa trị thành công với kỹ thuật này. Họ tin rằng phương pháp hóa trị liệu bằng proton có ưu điểm vượt trội hơn phương pháp xạ trị truyền thống và cuối cùng PTC được ra đời trong một bệnh viện lớn ở thủ đô Prague, Cộng hòa Séc - vào năm 2012.
Trung tâm Liệu pháp Proton ở Prague, Cộng hòa Séc. |
So với các chùm photon trong hóa trị liệu truyền thống sử dụng tia X hay gamma, ưu điểm của liệu pháp proton là các hạt proton hoạt động khi nằm bên trong cơ thể. Sự khác biệt của liệu pháp proton là phần lớn năng lượng của các hạt proton chuyển động nhanh được giải phóng trực tiếp đến khu vực khối u. Điều đó giải thích tại sao liệu pháp này an toàn hơn nhiều so với trị liệu truyền thống với năng lượng photon được phóng thích bên trong mô mạnh khỏe tiếp giáp với khối u.
Pavel Lastovka giải thích: "Chúng ta có thể phóng một liều cao hơn vào khối u mà không gây tổn hại cho các mô xung quanh và do đó thời gia điều trị cũng được rút ngắn".
Bác sĩ Vladimr Vondracek vận hành máy chiếu proton trong PTC. |
Bệnh nhi đầu tiên bị u nguyên tủy bào được điều trị bằng liệu pháp proton ở PTC của Cộng hòa Séc là Miki Roth, 11 tuổi, sau khi được phẫu thuật não cấp cứu năm 2013 để cắt bỏ khối u ác tính phát triển to trong phần đáy não. Karolina - 36 tuổi, mẹ của bệnh nhi sống ở Prague cùng với chồng là Jakub, 41 tuổi và 5 đứa con khác - cũng có mối lo lắng về tổn hại não không thể phục hồi như cha mẹ của Ashya King.
Bà Roth nói rằng: "Chúng ta biết có một phương pháp cần thiết cho sự sống còn của con, và cũng biết sự tác hại của nó, song dù sao cũng có hy vọng phương pháp điều trị khác sẽ ít gây đau đớn hơn cho con trẻ. Chúng ta biết có sự khác biệt giữa phương pháp xạ trị truyền thống và liệu pháp proton về mặt hiệu quả phụ, thế nên chúng ta quyết định chọn proton. Với phương pháp xạ trị truyền thống, nó sẽ gây tổn hại cho toàn bộ cơ thể bởi vì chùm tia không chỉ phóng vào vị trí khối u trong não mà đến toàn bộ tủy sống. Với xạ trị truyền thống, chùm tia photon sẽ tác động đến tất cả cơ quan sống trên đường đi của chúng. Ngược lại, liệu pháp proton chỉ tập trung vào khối trong não".
Trung tâm proton ở Prague hợp tác chặt chẽ với các bệnh viện công khác ở Cộng hòa Séc, song vẫn còn một số người nghi ngờ về những gì được thực hiện bên trong PTC. Một số bác sĩ chuyên khoa ung thư còn chưa tin tưởng mấy vào liệu pháp proton do thiếu bằng chứng đáng tin cậy chứng minh nó hơn hẳn liệu pháp xạ trị truyền thống. Một số người khác cho rằng cần có thêm các cuộc thử nghiệm lâm sàng nữa trước khi có sự thay đổi về chính sách điều trị ung thư đang tồn tại.
Theo người phát ngôn của NHS England thì: "Chúng tôi đã đánh giá một vài bệnh viện ở Mỹ và Thụy Sĩ, những nơi đã được chứng minh thành công trong chữa trị bằng liệu pháp chùm tia proton. Các bệnh viện này đã chữa trị có kết quả mọi bệnh nhân được NHS chuyển đến". Về phần bệnh nhi Ashya King, chính quyền Anh đã phái một chuyên gia khoa ung thư đến PTC ở Cộng hòa Séc để có vấn cho gia đình King nên làm những gì tiếp theo