Bệnh ho gà liệu có quay trở lại?

Thứ Năm, 25/08/2016, 08:45
Từ khi vacxin phòng bệnh Ho gà được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở nước ta, bệnh cơ bản đã được khống chế, chỉ rải rác ít trường hợp mắc do không tiêm phòng ở các vùng miền núi sâu, xa. Gần đây, số ca bệnh phải nhập viện tăng lên và có nhiều ca ở các tỉnh đồng bằng!?

Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, báo cáo với Sở Y tế Cao Bằng từ ngày 22-7  đến 11-8-2016 có 153 người từ 02 tháng tuổi đến 20 tuổi ở xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm có các triệu chứng ho rũ rượi từng cơn; khạc đờm dãi trắng; khó thở có tiếng rít; một số nôn sau cơn ho; xuất tiết kết mạc mắt (đỏ lòng trắng mắt), nghi mắc ho gà...

Trẻ ho gà suy hô hấp phải thở máy.

Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Viện Nhi TW đã đến địa phương kiểm tra, hỗ trợ các hoạt động giám sát, điều tra và xử lý dịch. Sau khi khám phân loại 168 trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp ở 3 xóm Cà Đổng, Cà Mèng và xóm Cà Pẻn A, xã Đức Hạnh đã xác định 49 bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh ho gà. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ TW thấy 4 mẫu dương tính với ho gà trong số 18 mẫu bệnh phẩm...

Đoàn công tác tổ chức tập huấn cho các nhân viên y tế thôn, bản, y tế xã Đức Hạnh về giám sát, chẩn đoán, điều trị, hướng dẫn bệnh nhân cách ly, phòng bệnh ho gà; cấp phát thuốc và giám sát điều trị bệnh nhân tại nhà; điều trị dự phòng cho 352 người sống chung với bệnh nhân; theo dõi diễn biến tình trạng bệnh nhân hàng ngày; giám sát phun thuốc sát trùng Cloramin B; chỉ đạo địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức ngay đợt tiêm chủng DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) cho tất cả trẻ em thuộc diện phải tiêm đến 48 tháng tuổi ở xã Đức Hạnh.

Bệnh ho gà mắc nhiều ở trẻ từ 1 - 6 tuổi nhưng có đến gần 90% là trẻ dưới 3 tháng tuổi, có trẻ sinh được 7 ngày đã mắc bệnh. Khoảng 1 - 2 tuần đầu phát bệnh, trẻ ho ít, phần nhiều về đêm, biểu hiện như viêm đường hô hấp trên là chảy nước mũi, hắt hơi, sẽ rất dễ bỏ qua vì cho rằng cảm cúm, viêm mũi... 1 - 2 tuần tiếp bệnh toàn phát, trẻ ho nhiều, từng cơn kéo dài, sặc sụa, khiến trẻ như không thở được, tím tái, làm trẻ rất mệt hoặc kiệt sức. Có trẻ bất tỉnh hoặc gãy xương sườn sau cơn ho.

Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có thể co giật do phù não; liệt nửa người, liệt chi và mất nói do chảy máu não; có thể co cứng nếu trẻ nôn ói nhiều.  Ho nhiều và mạnh, có khi làm vỡ cơ hoành, thoát vị rốn, thoát vị bẹn, sa trực tràng, mất kiểm soát tiểu tiện. Trẻ sơ sinh dễ bị biến chứng viêm phổi rất nguy hiểm cho lứa tuổi này; xuất hiện cơn ngừng thở và số tử vong là 1 - 2/100.  Khoảng 1/2 trẻ dưới 1 tuổi bị ho gà phải nhập viện.

Trẻ càng nhỏ tuổi thì càng cần điều trị trong viện. Nếu qua được thời kỳ nặng cơn ho sẽ ngắn lại, số cơn giảm, nhưng ho có khi kéo dài trên 3 tháng. Ở Trung quốc, người ta gọi ho gà là bệnh "ho 100 ngày".

Bệnh ho gà hiện vẫn lưu hành ở nhiều quốc gia trên thế giới với tỷ lệ mắc rất cao ở nhóm trẻ chưa được tiêm phòng (gần 90%) và tuổi càng nhỏ bệnh càng nặng. Tổ chức y tế thế giới thống kê, mỗi năm có khoảng 50 - 60 triệu ca bệnh và số tử vong từ 600.000 - 1.000.000, chủ yếu ở các nước đang phát triển (khoảng 90%).

Ho nhiều làm chảy máu kết mạc mắt và dưới da.

Ở Việt Nam, trước đây bệnh lưu hành ở tất cả các địa phương. Từ năm 1986, nhờ chương trình TCMR hầu hết trẻ dưới 1 tuổi được gây miễn dịch cơ bản bằng vacxin DTP, số người mắc bệnh và tử vong giảm rõ rệt. Giai đoạn 1991-1995 tỷ lệ mắc bệnh là 7,5/100.000 dân. Từ năm 1993, tỷ lệ tiêm DTP luôn duy trì ở mức trên 90% (riêng năm 1997, 2000 đạt trên 95%) và chất lượng tiêm chủng tốt hơn nên tỷ lệ mắc bệnh giai đoạn 1996 - 2000 chỉ còn 1,8/100.000 dân.

Bệnh cơ bản đã được khống chế và chỉ rải rác số ít trường hợp mắc bệnh do không tiêm vacxin ở vùng sâu, xa. Thống kê của một số BV lớn cũng phản ánh thực tế này. Ở BV TW Huế, từ năm 1980 đến 1985 nhận 1.410 ca bệnh; từ năm 1989 đến 1993 có 246 ca; năm 2000: 104 ca, năm 2001: 70 ca, năm 2002: 62 ca và không có tử vong. Ở Trung tâm bệnh nhiệt đới TP. HCM năm 1994 có 13 ca và năm 1996 có 1 ca...

Tuy nhiên, nhìn lại hai năm gần đây thấy một số tỉnh đồng bằng, trong đó cả thủ đô Hà Nội có người mắc bệnh, dù không nhiều, chưa đến mức phải công bố dịch nhưng là dấu hiệu thụt lùi. 8 tháng đầu năm 2015 gần 300 ca, hai ca tử vong.

Tháng 8-2015, có 13 ca ho gà phải nhập Viện nhi TW phần nhiều là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Cũng 8 tháng đầu năm 2015, BV bệnh nhiệt đới TW, Hà Nội tiếp nhận 281 ca ho gà, trong khi các năm trước cả năm chỉ có 120-130 ca. Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng tiếp nhận một số ca ho gà. BS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, BV Nhiệt đới TW nói, nhiều năm trước đây, ho gà đã trở lên "hiếm" và trước chỉ xảy ra vào mùa đông xuân nhưng nay xuất hiện cả mùa nóng, kéo dài, nhập viện "đều đều" 7 - 9 ca/tuần, từ khắp các tỉnh, TP như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang...

Số mắc thực sẽ cao hơn nhiều do biểu hiện ho gà khá giống với các bệnh hô hấp thông thường nên dễ bỏ sót chẩn đoán. Bệnh thường có những ca nặng, nguy kịch như cháu V.P.D, 2 tháng tuổi, ở Hải Phòng, phải thở oxy 2 tuần tại khoa Hô hấp, Viện nhi TW.

Trước 2 tuần khi đến Viện nhi TW, bé ho từng cơn rũ rượi, thở có tiếng rít, sau cơn ho cháu tím tái, thỉnh thoảng có cơn ngừng thở. Nhập Viện nhi Hải Phòng, cháu được chẩn đoán viêm phế quản - phổi. Sau điều trị 10 ngày không đỡ, bé được chuyển Viện nhi TW. Chẩn đoán xác định là viêm phế quản - phổi, bạch cầu tăng cao, dịch mũi họng có trực khuẩn ho gà. Gia đình cho biết cháu chưa tiêm phòng bệnh này.

Bé gái T.P.L., 2 tuổi, ở Hà Nội phải nằm khoa Điều trị tích cực, Viện nhi TW cũng là trường hợp không tiêm vacxin, mắc ho gà biến chứng viêm phổi. Khi nhập viện đã suy thở, suy tuần hoàn, tím tái, phải thở máy, hỗ trợ tim mạch... Do dùng đúng thuốc kháng sinh nên sau 5 ngày tình trạng bệnh đã cải thiện rõ rệt, viêm phổi giảm, bỏ thở máy...

Bệnh ho gà có người là vật chủ duy nhất mang mầm bệnh và lây truyền qua đường thở, vì thế những người sống trong cùng một nhà có nguy cơ cao (70 - 100%), đến nhà trẻ, mẫu giáo (25 -  50%) và lây lan mạnh nhất khoảng 2 tuần từ khi bắt đầu ho. Không khác nhiều bệnh truyền nhiễm khác, tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để khống chế bệnh. Miễn dịch thụ động từ mẹ truyền cho con rất yếu, nên trẻ bị lây nhiễm rất dễ mắc bệnh ngay trong những tuần lễ đầu sau sinh.

Miễn dịch chủ động không vĩnh viễn, giảm dần theo tuổi nên việc chủng nhắc lại là bắt buộc. Bất kể giàu nghèo nếu không tiêm chủng là số người mắc ho gà tăng ngay.  Không phải vô cớ mà ngoài các mũi tiêm cơ bản lúc 2, 3, 4 và 18 tháng, lịch tiêm chủng của WHO có mũi nhắc lại khi 5-13 tuổi.

Ở Viện nhi TW, có cháu gái 25 tháng tuổi, quê Quảng Ninh ho đến 30, 40 tiếng một cơn, tím tái người, trước đó đã chữa ở BV huyện 20 ngày... Mẹ cháu nói: "Cháu mới tiêm một mũi vacxin 5 trong 1, rồi cứ đến lịch tiêm lại ốm nên không dám cho cháu tiêm nữa". Cùng buồng bệnh với bé này là một bé trai vừa tròn 2 tháng tuổi, tức là lúc mắc bệnh chưa đến tuổi chủng ho gà mũi đầu. Mẹ cháu nói quanh xóm có rất nhiều bé ho như bé nhà chị, nhưng gia đình nghĩ các cháu bị viêm phế quản hoặc ho vì lý do gì đó, mà không biết là ho gà...

Một trong những tiêu chí trở thành quốc gia văn minh là thanh toán các bệnh truyền nhiễm, xem ra chúng ta còn gian nan lắm mới đạt được.

Bs. Văn Bình
.
.