Gian nan cuộc tìm kiếm danh tính cho bệnh nhân hôn mê

Bệnh nhân “không danh tính” và tấm lòng người thầy thuốc

Thứ Năm, 12/04/2018, 12:42
Sau hơn 3 tháng nằm hôn mê tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh II của Bệnh viện Việt Đức như một người vô gia cư, cuối cùng, bệnh nhân không danh tính đã được trở về trong vòng tay của người thân. Đây là kết thúc có hậu của câu chuyện khá ly kỳ của bệnh nhân Nguyễn Duy Hồng (77 tuổi), khi ông đã không chỉ được các thầy thuốc chăm sóc tận tình mà còn làm mọi cách để tìm lại người thân cho ông.

Cấp cứu người bệnh “vô gia cư”

Một ngày cuối tháng 3-2018, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói với chúng tôi rằng, hiện đang có một bệnh nhân rất nặng nằm điều trị ở Bệnh viện Việt Đức đã vài tháng vẫn không có người thân đến nhận. Do được chăm sóc tận tình nên bệnh nhân đã ổn định, nhưng Bệnh viện đã tìm người thân của bệnh nhân bằng nhiều biện pháp mà vẫn vô vọng. Vì thế, GS. Trần Bình Giang mong muốn đưa thông tin về trường hợp này để qua báo chí, gia đình sẽ biết và đón bệnh nhân về nhà tiếp tục chăm sóc.

GS. Trần Bình Giang cho biết thêm, bệnh nhân này là một người đàn ông, ngoài 60 tuổi, không rõ tên được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức vào chiều ngày 30-12-2017, do một người đàn ông trung niên đưa đến rồi nhanh chóng rời đi. Vì thế, Bệnh viện không có thông tin gì, chỉ biết sơ qua là bệnh nhân bị ngã bên đường rồi được đưa vào viện. Lúc nhập viện, bệnh nhân chỉ nói được tên là Nhã, 60 tuổi, rồi rơi vào hôn mê sâu và từ đó chưa hề tỉnh lại.

Các bác sĩ lập tức đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu, làm các xét nghiệm cần thiết và chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết não dẫn tới hôn mê. Vì thế, bệnh nhân được chỉ định phải mổ cấp cứu để lấy máu tụ mới hy vọng sống sót. Mặc dù thông tin về bệnh nhân không có, nên không có ai nộp viện phí để ca mổ được tiến hành, nhưng vào thời khắc sinh tử của người bệnh, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đã quyết định tạm ứng toàn bộ chi phí để bệnh nhân được phẫu thuật.

“Chúng tôi xác định cứu người trước đã. Còn sau này, nếu gia đình bệnh nhân đến, có điều kiện thì đóng viện phí, còn không, các thầy thuốc trong bệnh viện sẽ cùng nhau đóng góp để hỗ trợ cho người bệnh” - GS.TS Trần Bình Giang kể lại.

Bệnh nhân được nhân viên y tế chăm sóc chu đáo trước khi tìm được gia đình.

Với tinh thần vì người bệnh của các thầy thuốc như thế, bệnh nhân không danh tính này đã được phẫu thuật kịp thời nên đã bước qua khỏi giai đoạn nguy kịch và được đưa về điều trị tại Khoa Phẫu thuật thần kinh II.

Mặc dù trong người bệnh nhân có một thẻ BHYT mang tên Nguyễn Văn Nhã, 60 tuổi, địa chỉ ở Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh, cùng số điện thoại 01677589228, song, nhân viên của Bệnh viện Việt Đức đã nhiều lần liên hệ qua số điện thoại và địa chỉ đăng ký ban đầu nhưng đều không phải. Bệnh viện cũng cử người đến tận địa chỉ ghi trên thẻ BHYT để tìm kiếm, nhưng người mang tên trên thẻ BHYT đã mất vì bệnh ung thư.

Để giúp tìm thân nhân cho người bệnh, ngày 10-1-2018, Bệnh viện Việt Đức đã có công văn đề nghị Công an phường Hàng Bông, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) tiến hành các thủ tục cần thiết như chụp ảnh, lấy vân tay để tìm tung tích người bệnh nhưng không có kết quả. Ngày 30-1-2018, Bệnh viện lại gửi công văn đến Trung tâm bảo trợ xã hội - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đề nghị tiếp nhận người bệnh vô gia cư, nhưng trung tâm không nhận với lý do người bệnh chưa ổn định sức khỏe vì hiện tại, bệnh nhân vẫn phải ăn qua sonde.

Trước tình hình này, Bệnh viện Việt Đức tiếp tục có công văn đề nghị các cơ quan chức năng tìm kiếm thân nhân người bệnh, đưa thông tin lên báo chí, mạng xã hội song cũng chưa có kết quả.

Tấm lòng người thầy thuốc

Cuối tháng 3-2018, chúng tôi có mặt ở Khoa Phẫu thuật Thần kinh II đúng lúc điều dưỡng Nguyễn Hữu Trung đang chăm sóc cho người bệnh “vô gia cư”. Anh nhẹ nhàng lấy sữa Ensure bột pha thành dung dịch rồi bơm qua sonde cho bệnh nhân. Nhìn cách điều dưỡng ân cần và chu đáo cho bệnh nhân ăn, không chỉ thấy sự chuyên nghiệp mà còn có cả ân tình của người thầy thuốc.

Bệnh nhân nằm ở một giường bệnh bên cửa sổ. Mặc dù đã hôn mê suốt 3 tháng liền, nhưng giường nằm của người bệnh hoàn toàn sạch sẽ; chăn ga gối đệm thơm tho, chứng tỏ được chăm sóc kỹ càng hằng ngày. Bên cạnh giường bệnh còn có cả chiếc gối ôm còn mới, để cơ thể ốm yếu của bệnh nhân tựa vào, tránh bị đau. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Trung cho biết, ngoài đồ dùng thiết yếu do Bệnh viện cung cấp, một số nhà hảo tâm đã hỗ trợ thêm chăn, gối ôm, sữa, tiền v.v... giúp đỡ người bệnh đặc biệt này.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân “vô gia cư” này, bác sĩ Lê Văn Bằng cho biết bệnh nhân bị tổn thương não nặng nên rất khó hồi phục. Sau khi được phẫu thuật lấy máu tụ, dù sọ não ổn định nhưng bệnh nhân phải sống thực vật, bị loét vùng cùng cụt, sức khỏe suy kiệt, thở qua mở khí quản, ăn qua sonde. Trong gần 3 tháng qua, các bác sĩ vẫn điều trị toàn thân cho bệnh nhân nhưng tiên lượng bệnh khá dè dặt vì bệnh nhân bị suy kiệt, lại đến Bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn.

BS. Ngô Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật thần kinh II chia sẻ: Bệnh nhân được chuyển về khoa trong tình trạng hôn mê, lại mở khí quản - là mức độ nặng nhất trong các tình huống phải chăm sóc. Do bệnh nhân không có người thân nên ngay từ đầu, tập thể khoa đã xác định càng phải chăm sóc chu đáo và chuyên nghiệp hơn, vì chỉ cần sơ suất là bệnh nhân sẽ bị viêm phổi, loét người khiến việc hồi phục càng gian nan.

Các thầy thuốc đã thay nhau chăm sóc cho bệnh nhân “không danh tính” này từ A đến Z. Hằng ngày, bệnh nhân được vệ sinh cá nhân, đánh răng, rửa mặt, tắm gội, thay quần áo và cho ăn qua sonde 5 bữa cách nhau đều đặn, mỗi lần ăn 200 ml. Đồ ăn cho bệnh nhân có sữa Ensure hoặc súp để “đổi món” dù người bệnh không biết gì.

Trong suốt hơn một tháng sau mổ, do bệnh nhân mở khí quản nên cứ 30-40 phút, các nhân viên y tế phải hút đờm dãi một lần, bơm rửa sạch để bệnh nhân không bị nhiễm trùng, viêm phổi, không bị sốt. Các nhân viên còn lăn trở người bệnh đều đặn, để các điểm tì đè của bệnh nhân không bị loét. Những ngày tết, các thầy thuốc của Bệnh viện và của khoa còn có chế độ riêng cho bệnh nhân đặc biệt này: mừng tuổi cho bệnh nhân để góp tiền mua thực phẩm bồi dưỡng thêm cho ông, rồi trực tiếp đi xin những cá nhân, tổ chức hảo tâm ủng hộ.

Mặc dù bệnh nhân bị hôn mê, phải nằm điều trị rất lâu, nhưng khi bàn giao cho gia đình đón về, bệnh nhân đã không bị một vết loét nào, sức khỏe tốt hơn rất nhiều so với khi vào viện. Điều này chứng tỏ các thầy thuốc của khoa đã điều trị, chăm sóc bệnh nhân rất chuyên nghiệp và rất tận tụy. “Đây là niềm vui và tự hào của chúng tôi” - BS. Ngô Mạnh Hùng phấn khởi bày tỏ.

Cuộc đoàn tụ cảm động

Sau gần 3 tháng được các bác sĩ chăm sóc, điều trị tận tình, sức khỏe của người bệnh không danh tính dần ổn định nhưng người thân thì vẫn như “bóng chim tăm cá”. Với mong muốn tìm ra nhân thân người bệnh càng sớm càng tốt, Bệnh viện Việt Đức tiếp tục gửi văn bản tới Bộ Công an để đề nghị tìm người thân cho bệnh nhân này. Ngày 21-3, cán bộ Phòng Truy tìm, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã đến Bệnh viện làm việc.

Điều tuyệt vời đã xảy ra khi chỉ trong 10 ngày, với sự tập trung chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, sự nỗ lực của từng CBCS cùa Phòng Truy tìm cùng công an một số địa phương và các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã xác định được nhân thân người bệnh. Đó là ông Nguyễn Duy Hồng, sinh năm 1941, hộ khẩu thường trú tại tổ 2, phường Lào Cai, TP Lào Cai, vợ là bà Trương Thị Lan và con trai là Nguyễn Duy Đức đang sinh sống tại tổ 26, Khu 6, phường Bắc Sơn, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Đại diện Khoa Phẫu thuật thần kinh 2 trao quà của các nhà hảo tâm cho gia đình bệnh nhân.

Kết quả tìm kiếm này có ý nghĩa đặc biệt khi giúp cho người bệnh được chăm sóc trong vòng tay của người ruột thịt và hy vọng, tình cảm gia đình ấm áp sẽ là liều thuốc tốt tác động đến diễn biến sức khỏe của người bệnh. Việc tìm kiếm được thân nhân người bệnh cũng giúp đỡ cho Bệnh viện rất nhiều” - GS. Trần Bình Giang bày tỏ.

Ngày 31-3, ngay sau khi được lực lượng công an báo tin, con trai ông Hồng là anh Nguyễn Duy Đức cùng các em lên Hà Nội và có mặt bên giường bệnh của bố. Mặc dù người bệnh đang mê man bất tỉnh, cũng không có giấy tờ tùy thân, nhưng anh Đức vẫn nhận ra ngay đó là bố đẻ của mình. Có điều, đây lại là cuộc gặp đầu tiên giữa 2 cha con sau gần 40 năm xa cách.

“Gặp bố trong Bệnh viện, tôi vô cùng cảm động khi được biết các y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã chăm sóc cho bố tôi hết sức chu đáo suốt 3 tháng qua, dù không ai biết bố tôi là ai, bố tôi không có một đồng nào cũng như không có người thân bên cạnh. Vì thế, chúng tôi thật sự biết ơn sâu sắc các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật thần kinh II và lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức. Tôi cũng xin cảm ơn những người đã hỗ trợ tiền bạc, vật chất để chăm sóc bố tôi trong những tháng ngày nằm trên giường bệnh” - anh Nguyễn Duy Đức chia sẻ.

Sau bao năm thất lạc, mấy anh em không ngờ lại gặp bố trong hoàn cảnh thương tâm này. Bởi thế, nguyện vọng lớn nhất của gia đình lúc này chỉ mong được đón ông trở về, đoàn tụ với con cháu.

Để chuẩn bị cho bệnh nhân ra viện, các bác sĩ đã thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết cho ông Hồng. Trao đổi với chúng tôi về tình hình sức khỏe của bệnh nhân trước khi xuất viện, bác sỹ Lê Văn Bằng cho hay: Tình trạng bệnh nhân đã cải thiện rất nhiều so với khi vào viện. Tổn thương xương sọ đã tạm ổn định. Quá trình điều trị còn lâu dài, do đó việc chăm sóc ở nhà là rất cần thiết. Chúng tôi rất vui mừng vì bệnh nhân đã tìm được người thân và có thể ra viện.

Chiều ngày 3-4, anh Nguyễn Duy Đức đã làm các thủ tục đưa bố về bệnh viện ở Quảng Ninh để tiếp tục điều trị. Tiễn bệnh nhân Nguyễn Duy Hồng ra viện, không chỉ có niềm vui và niềm hạnh phúc của người thân, mà các thầy thuốc của Bệnh viện Việt Đức và các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng người bệnh đặc biệt này suốt hơn 3 tháng qua, cả những người luôn dõi theo thông tin về người bệnh này...

Chi tiết về cuộc tìm kiếm danh tính cho ông Nguyễn Duy Hồng sẽ được ANTG tiếp tục trong số báo sau.

GS. Trần Bình Giang cho biết: Trong hơn 3 tháng điều trị, chi phí cho bệnh nhân Nguyễn Duy Hồng lên tới gần 150 triệu đồng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đặc biệt của gia đình người bệnh, nên Bệnh viện đã miễn toàn bộ viện phí, đồng thời còn hỗ trợ một chuyến xe cứu thương và các nhân viên y tế đi kèm để đưa người bệnh về Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) để tiếp tục điều trị và chăm sóc. 

Trước khi để bệnh nhân ra viện, các thầy thuốc cũng hướng dẫn cho anh Nguyễn Duy Đức cách chăm sóc bố, đồng thời, đại diện Khoa Phẫu thuật thần kinh II còn trao cho gia đình bệnh nhân món quà của các nhà hảo tâm gửi tặng để hỗ trợ ông Hồng trong những ngày điều trị sắp tới. 

Thanh Hằng
.
.